Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Đa Sĩ - đất học, đất nghề


Nằm bên bờ trái sông Nhuệ, trước thế kỷ XIX, Đa Sĩ thuộc tổng Thanh Oai Thượng, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam, nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.

69.jpg“Nhất cận thị, nhị cận giang”, từ xưa khách về Đa Sĩ bằng đường bộ, đường thủy rất thuận tiện. Nay Đa Sĩ còn chợ Đan và bến Đan Khê một thuở tấp nập trên bến dưới thuyền. Ẩn mình bên những lũy tre, dưới tán những cây cổ thụ là gác chuông và nhà bia “Lâm Dương quán” ghi nhận một thời phát triển của tam giáo đồng nguyên. Trải hơn một nghìn năm biến đổi, nay Đa Sĩ còn giữ được đầy đủ thiết chế của một làng Việt cổ gồm đình, chùa, đền với đủ các nghi thức của lễ hội văn hóa dân gian.
Huyền Khê, Đan Khê, Đan Sĩ là tên gọi của làng ngày xưa. Trước thế kỷ XVI, làng có tên gọi Đan Khê, sau đổi gọi Đa Sĩ, vì làng có nhiều người học hành đỗ đạt. Đa Sĩ là quê của một Trạng nguyên, 11 tiến sĩ đã được ghi vào sử sách.

Đa Sĩ là đất phát tích của dòng họ Hoàng. Tổ của họ này là cụ Phúc Xuyên vốn người làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ, vì mến mộ cảnh đẹp của làng Huyền Khê, cụ đã tới đây và lập “nhà học” trên đất Mỏ Phượng (tục gọi Đống Dấm) thu hút đông đảo con em trong vùng đến học. Năm Thuận Thiên 4 (1431) vua Lê Thái Tổ ở Thăng Long, tuy lệ thi cử chưa định nhưng nhà vua vẫn cho mở khoa thi Hoành từ (thi các loại thơ phú không theo thể thức nhất định) để kén chọn người tài. Con cụ Phúc Xuyên là Hoàng Trình Thanh dự khoa thi ấy đã đỗ đầu năm 19 tuổi. Do có phẩm hạnh và tài năng văn học, Hoàng Trình Thanh được vua Lê Thái Tổ tin dùng. Trải hai lần đi sứ phương Bắc, năm Kỷ Mão (1459) ông sang nhà Minh xin bỏ lệ cống hạt châu. Mùa hạ Nhâm Ngọ (1462) để giúp cho công cuộc trị bình, vua Lê Thánh Tông rất trọng người Nho học, ông được cất lên chức Lang trung ở hữu ty tòa môn hạ trông coi sổ sách quân dân đạo Hải Tây.

Tính ông trong sạch, cứng cỏi, thuần hậu, thẳng thắn làm quan 36 năm, trải bốn triều vua, được giới sĩ phu suy tôn. Ông mất ngày mồng 3-3-1463 thọ 53 tuổi, được Lê Thánh Tông truy tặng “Triều liệt đại phu tham chính”. Ông có tập thơ lưu truyền nay còn một số bài thơ chữ Hán chép trong “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn.

Nối nghiệp Hoàng Trình Thanh, con cháu cụ vẫn “Khoa danh kế thế thi lễ truyền gia”. Dưới triều Lê họ Hoàng có chín người, họ Lê có hai người đậu tiến sĩ, đặc biệt có Hoàng Nghĩa Phú đậu Trạng nguyên khoa Tân Mão (1511) làm Giám sát ngự sử, Binh bộ Tả thị lang, Đông các đại học sĩ, hai lần đi sứ phương Bắc, có tài ứng đối được phong “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.

Lâu nay, Đa Sĩ không chỉ nổi tiếng vì làng có nhiều người học giỏi đỗ cao mà còn là nơi có nghề rèn nổi tiếng. Nay làng Đa Sĩ có hơn 3.500 người, 700 lò rèn. Dao, kéo Đa Sĩ được người khắp nước ưa dùng.

Nhớ ơn người xưa, nhân dân Đa Sĩ có thờ Hồ Công và Hoàng Công, cụ tổ nghề rèn và thờ Đại danh y Hoàng Đôn Hòa, cụ tổ nghề thuốc làm Thành hoàng làng.

Theo thần tích lưu ở làng Đa Sĩ, thì Hoàng Đôn Hòa thi đậu Giám sinh rồi ẩn cư dạy học, rất tinh thông nghề y. Do có công chữa khỏi bệnh cho Phương Anh công chúa, ông được vua gả con gái cho. Từ đó Phương Anh được đổi là Phương Dung và về sinh sống tại quê chồng. Tại đây bà đã cùng Hoàng Đôn Hòa lập “Lâm Dương quán” tìm những phương thuốc hay chữa bệnh cho dân. Năm 1533, bệnh dịch lan rộng, ông đã phát thuốc, chu cấp tiền gạo cho dân, cứu sống được nhiều người. Dưới thời vua Lê Thế Tông (1574) Hoàng Đôn Hòa được cử làm Điều hộ lục quân, dẹp quân Mạc ở Thái Nguyên. Thành công trở về, ông được thăng chức Thị nội Thái y viện thủ phiên (người đứng đầu Thái y viện) và được phong tước Lương Dược hầu. Nhưng sau đó, ông đã xin về quê nhà chuyên chữa bệnh cho dân. Hơn 40 năm hành nghề, ông cùng vợ chuyên chú nghiên cứu sử dụng cây thuốc Nam để chữa bệnh cho người Nam (Nam dược trị Nam nhân). Ông có tác phẩm “Hoạt nhân toát yếu” tổng kết 201 phương thuốc có giá trị. Năm 1980 Nhà xuất bản Y học dân tộc đã dịch và in tác phẩm này.

Hoàng Đôn Hòa qua đời ngày 12 tháng giêng, nhân dân Đa Sĩ lập miếu tạc tượng thờ hai ông bà làm Thành hoàng làng. Đền thờ ông bà nằm ngay bến bờ Nhuệ Giang thơ mộng. Tại hai cột trụ biểu ngoài cửa đền có đắp nổi đôi câu đối:

Nhân kiệt địa linh tú thủy kỳ sơn lưu dục cựu,
Xuân hy vật lạc tường phong thục khí phát sinh tân.
(Đất thiêng người tài, nước trong, hướng đẹp được hun đúc từ xưa. Xuân ấm áp cảnh vật vui tươi, khí lành gió mát làm nảy lộc đâm chồi mới).

Hằng năm, cứ đến ngày ông mất, dân làng mở hội lớn tưởng niệm công đức của ông. Hiện ở đền Đa Sĩ còn 44 sắc phong của các triều Lê và Nguyễn phong cho Hoàng Đôn Hòa là “Thượng đẳng phúc thần lương y dược linh thông cư sĩ” và ban mỹ tự cho vợ ông là “Phương Dung từ thục trinh ý đoan trang”.

Giữa thế kỷ XVIII, Đa Sĩ có Trịnh Đôn Phác thi đậu y khoa năm Tân Dậu (1741). Do biết tiếp thu một cách sáng tạo các phương thuốc của Hoàng Đôn Hòa nên ông cũng trở thành một danh y, được cử giữ chức Tả trung cung Thái Y viện thủ phiên dưới thời vua Lê Hiển Tông. Khi hoàng hậu nhà Thanh mắc bệnh hiểm nghèo, vua Lê đã cử Trịnh Đôn Phác sang chữa chạy. Bằng cách kết hợp với các phương thuốc của Hoàng Đôn Hòa, Trịnh Đôn Phác đã chữa khỏi bệnh cho vợ vua Càn Long. Khi ông về nước, cảm cái ơn ấy, vua Càn Long đã gửi biếu đền thờ Đại danh y Hoàng Đôn Hòa một chiếc mũ cánh chuồn, một đôi hia và bộ chóe.

Cùng với nghề nông, nghề rèn truyền thống ở Đa Sĩ ngày nay vẫn phát đạt. Nay Đa Sĩ là một làng giàu có của quận Hà Đông. Nét đẹp văn hóa của cha ông vẫn được các lớp cháu con trân trọng và gìn giữ. Từ năm 1954 trở lại đây, Đa Sĩ có hơn 100 người tốt nghiệp đại học, trong số họ có nhiều người là tiến sĩ, nghệ sĩ, tướng tá hiện đang công tác tại các ngành văn hóa, khoa học, quân sự.
Vietbao (Theo: hanoimoi.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét