Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Đến Gia Lai lênh đênh Biển Hồ


Ghé nơi đây, bạn đừng bỏ qua việc đi du thuyền trên hồ, tham quan học viện bóng đá duy nhất tại Việt Nam hay thưởng thức bún cua nóng hổi…


Di chuyển
Bạn có thể đến Gia Lai bằng đường bộ hay đường hàng không.
Bằng phương tiện công cộng
Tại bến xe mỗi tỉnh đều có bán vé xe đi Gia Lai. Để chắc chắn, bạn nên liên hệ để tìm hiểu giá vé, loại xe, thời gian và địa điểm xuất phát của cả hai điểm đi và đến.
Nếu di chuyển bằng máy bay, bạn có thể tìm hiểu thông tin về các chuyến tại các đại lý bán vé.
Sau khi đến bến xe hay sân bay ở Gia Lai, bạn có thể thuê xe ôm, đón taxi hay mượn xe người quen khám phá các điểm.
Bằng phương tiện cá nhân (xe máy hay xe ô tô)
Tùy theo khoảng cách, độ “liều”, bạn có thể phượt bằng xe máy từ nơi mình sinh sống đến Gia Lai. Song nếu khoảng cách trên 300km, tốt nhất nên di chuyển bằng xe con hay phương tiện công cộng.
Khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân nên mang đầy đủ giấy tờ, chấp hành đúng luật an toàn giao thông đường bộ.
Lưu ý: các tuyến đường trên Tây Nguyên khá hẹp, dốc, cần chạy chậm, quan sát rộng cũng như tránh xe khách chạy ngược chiều (khá ẩu).
Đến vào thời điểm nào?
Từ tháng 7-9, Gia Lai có những đợt mưa kéo dài cả ngày hay vài ngày liên tiếp thích hợp cho chuyến nghỉ dưỡng. Riêng các tháng còn lại, nắng ấm, không khí dễ chịu thích hợp cho việc tham quan, khám phá.
Khách sạn, nhà nghỉ
Khu vực trung tâm Gia Lai gồm các tuyến đường như Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Phạm Văn Đồng... bạn căn cứ vào đó để thuê khách sạn tiện cho việc di chuyển.
Một số khách sạn giá bình dân (từ 70.000 – 150.000 đồng) bạn nên bỏ túi khi đến Gia Lai là khách sạn 197, Tây Đô, Thuận Hải, nhà khách Tỉnh ủy, nhà khách Ủy ban.
Đặc sản Gia Lai
Ngoài các món quen thuộc của Tây Nguyên như cơm lam, cá suối, rau rừng, thịt nướng…, các món ăn bạn không nên bỏ qua khi đến đây phở khô Gia Lai (địa chỉ tham khảo: phở Tàu Lý -Trần Phú, phở Ngọc Linh – Sư Vạn Hạnh, phở Hồng – Nguyễn Văn Trỗi, phở Ngọc Sơn – Hùng Vương); bún cua (chợ Nhỏ); bánh mì bà Mỹ (89B Đinh Tiên Hoàng); gỏi gan bò (khu ăn uống đập Đức An); cơm cháy chiên phết mỡ hành (khu ăn uống đường Hùng Vương); lụi ở 122 Cao Bá Quát.
Lưu ý, 3 món cuối cùng trong danh sách chỉ bán từ chiều đến tối.
 Thủy điện Yaly đầy mê hoặc.
Các điểm tham quan
Điểm nhấn thú vị nhất của du lịch Gia Lai là tham quan, khám phá vẻ đẹp hoang sơ, lãng mạn của Biển Hồ, “mắt ngọc” trên cao nguyên xanh hay du thuyền trên hồ Ayun Hạ. Tại đây, vào mỗi sáng mai hay chiều xuống, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên hư ảo của những làn sương vương vấn mặt hồ ánh bạc, hít thở không khí trong lành, thả người dài trên trảng cỏ ngắm bầu trời trong xanh, cao vút.
Gia Lai cũng mê hoặc bạn với thác chín tầng, thác Xung Khoeng, thác Yaly (thuộc thủy điện Yaly), thác Lệ Kim... Mỗi thác sẽ có hành trình chinh phục khác nhau, vẻ đẹp khác nhau và đều khiến bạn “đâm ghiền”.
Nếu chưa thỏa chí với hành trình khám phá thác, bạn có thể lên lịch cho một chuyến chinh phục đỉnh Hàm Rồng. Để sau mọi vất vả của cung đường, từ trên đỉnh núi, bạn có thể thu vào tầm mắt toàn bộ màu xanh của Gia Lai với những vườn tiêu, vườn cà phê hay cao su bạt ngàn...
Ba điểm xanh tiếp theo của vùng đất này là đồi thông Hà Tam, nơi sở hữu một số cây thông rất nhiều năm tuổi, đường kính từ 1m đến 1,5m khoảng 5 người ôm mới xuể, bạn sẽ cảm nhận được sức sống mãnh liệt của loại cây này. Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, một trong 4 vườn di sản Asean tại Việt Nam, nơi bạn tìm hiểu hệ thống động, thực vật phong phú. Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Ja Răng nơi có các loại động vật quý hiếm như bò tót, chồn dơi, mèo gấm, sói đỏ, vượn đen...
Các ngọn thác cao chọc trời.
Tại nội thị thành phố Gia Lai cũng có 2 điểm tham quan thú vị không kém là học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai và nhà tù Pleiku
Ngoài ra, nếu có thời gian, bạn đừng quên ghé các địa danh như làng Đê K’Tu, nơi bảo tồn văn hóa, truyền thống lâu đời của người Ba Na; Bửu Nghiêm, ngôi chùa lâu đồi nhất Gia Lai (xây dựng năm 1964); di tích lịch sử - văn hóa Tây Sơn Thượng đạo; Làng kháng chiến Stơr; Làng voi Nhơn Hòa…
Song song với các danh lam, thắng cảnh, bạn cũng có  thể lên lịch trình chuyến tham quan của mình trùng với thời gian diễn ra các lễ hội lớn của người Ba Na địa phương như lễ Cơm Mới, lễ bỏ mả, lễ Đâm Trâu…
Mang gì khi đến Gia Lai?
Quần áo gọn nhẹ, giày dép bệt để tiện di chuyển.
Mang theo áo khoác, mũ, găng tay để chống nắng nếu đến vào mùa nắng và dụng cụ đi mưa nếu đến vào mùa mưa.
Mang theo áo ấm mỏng để đối phó với cái lạnh vào sáng sớm và buổi tối.
Mang theo lều, áo ấm dày, mền nếu có ý định cắm trại.
Mang theo đồ dùng cá nhân, kem chống nắng, kem chống muỗi và thuốc trị côn trùng.
Các cung đường thường gặp
Hà Nội/ Sài Gòn – Gia Lai – Buôn Mê Thuột – Đà Lạt
Hà Nội/Sài Gòn – Gia Lai - Đăk Lăk –Đăk Nông – Lâm Đồng
Hà Nội/Sài Gòn – Gia Lai – Lâm Đồng – Nha Trang
Chùa Minh Thành uy nghiêm.
HUỲNH HẰNG
Ảnh sưu tầm
Theo Infornet
Lên núi gặp "biển"
.
Phố núi Pleiku, thủ phủ của tỉnh Gia Lai ở Tây Nguyên. Gần bên thành phố có danh thắng “Biển Hồ” mà hầu hết du khách không thể bỏ qua khi khám phá cao nguyên Tây Trường Sơn.
Hồ T’Nưng (hay còn gọi là Biển Hồ) là một hồ nước ngọt nằm ở phía Bắc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Từ thành phố Pleiku, theo quốc lộ 14 đi Kon Tum chừng 7km, rẽ phải đi thêm chừng 3km sẽ đến Biển Hồ, xe đưa du khách theo con đường mòn quanh co dẫn xuống lòng hồ. T’Nưng còn có tên khác là hồ Ea Nueng. Tháng 11-1988, Biển Hồ được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) công nhận là Di tích danh thắng. Dẫu vậy, cho đến nay, khu danh thắng này chưa được khai thác bao nhiêu nên còn giữ lại nhiều nét hoang sơ.
Len nui gap bien
Biển Hồ T’Nưng - Gia Lai.
Theo các nhà địa chất học, T’Nưng là một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động cách đây hàng trăm triệu năm. Hồ có hình bầu dục, chia làm hai phần bởi một rẻo đất nhỏ chạy ra giữa lòng hồ như một bán đảo. Diện tích hồ rộng tới 230ha, xung quanh là những rừng thông và núi. Vào mùa mưa, mặt nước có thể lan rộng ra trên 400ha. Độ sâu của lòng hồ có nơi lên tới 40m. Bờ hồ chính gần như thẳng đứng với vách đá ba-dan phong hóa. Đi tham quan hết hồ là một kỳ công và mất nhiều ngày. Vào mùa mưa ở Tây Trường Sơn, rất nhiều con suối đổ về hồ làm cho nước hồ T’Nưng dâng lên rất nhanh, mặt hồ bát ngát, mênh mông. Có lẽ vì thế người dân địa phương mới gọi nó là T’Nưng, có nghĩa là biển trên núi. Đây là vựa cá nước ngọt, hàng năm cung cấp cho thành phố Pleiku hàng trăm tấn cá. Một số buôn làng của người Ba Na, Gia Rai sống bằng nghề đánh bắt cá trên hồ.
T’Nưng cũng là tên một buôn làng ở khu vực này. Tương truyền rằng xưa kia, tại đây, dân làng sống chung với nhau rất vui vẻ. Một ngày nọ, trời đất chuyển mình, mưa dữ dội. Từ dưới lòng đất, những ngọn lửa phun lên ào ạt thiêu đốt làng. Sau khi lửa tắt, ngôi làng chỉ còn là một hố sâu thăm thẳm. Những người của làng T’Nưng còn sống đã đứng trên hố sâu ấy khóc ròng và nước mắt họ đã phủ đầy hố sâu hình thành hồ T’Nưng.
Con đường rẽ vào hồ T’Nưng khá thơ mộng nhờ hai hàng thông xanh ngát, lúc chùn xuống, lúc quanh co. Cuối dốc, có một ngôi nhà mát khá đẹp, mô phỏng kiểu nhà sàn, chung quanh có hành lang bao bọc dành cho du khách hóng gió, chụp ảnh lưu niệm và ngắm cảnh. Bước lên những bậc tam cấp, du khách sẽ nhìn thấy bốn bề mênh mang sơn thủy hữu tình. Nhìn xa, nước hồ T’Nưng xanh biêng biếc, xa xa có những chiếc thuyền độc mộc lướt trên mặt hồ. Những nương rẫy ven hồ như ô bàn cờ xen lẫn với những cánh rừng xanh ngút bàng bạc chút khói sương trông thật thanh bình và lãng mạn. Du khách có thể theo đường mòn từ trên đồi, len qua những lùm cây bụi xuống sát mé hồ để dạo chơi. Khi mặt trời nhô qua khỏi miệng hồ - khoảng 7 giờ sáng, trong ánh nắng ban mai vàng tươi, ấm áp, du khách sẽ nghe tiếng chim hót líu lo, thánh thót trên những ngọn cây bằng lăng, long nảo, sung rừng, trâm, mét, gáo vàng, dầu lông... Những loài hoa rừng hoang dại như lan, trâm ổi, dã quỳ, pơ-lang, anh thảo, mộc miên cũng khoe sắc hương trong làn gió còn mang hơi sương man mác của núi rừng cao nguyên. Khá nhiều đàn bướm đủ sắc màu bay chập chờn ven những khe suối nhỏ, thỉnh thoảng chúng xập xòe đậu lại trên những cánh hoa rừng rồi bay lên mất hút...
Ở Biển Hồ T’Nưng có dịch vụ du lịch mạo hiểm phục vụ người thích cảm giác mạnh. Du khách có thể lên một chiếc thuyền độc mộc (loại thuyền làm bằng một thân cây cổ thụ) bơi trên mặt hồ hoặc đi bộ len lách trong rừng để khám phá sự kỳ vĩ của núi rừng, gặp nhiều loại chim trời tự nhiên như sin sít, bói cá, cuốc đen, kơ túc, kơ vông, le le, ngỗng trời, d’rao, trắc la... bay lượn. Ở những ngõ ngách của hồ mọc những vạt hoa súng, hoa sen điểm xuyết cho không gian thêm sống động. Nếu mang theo chiếc cần câu, thả xuống hồ là dễ dàng câu được cá. Hồ nhiều cá chép, cá trôi, cá đa, cá trắm... Rùa, ba ba ở đây cũng lắm, thỉnh thoảng trồi lên mặt hồ tò mò ngắm nhìn “người lạ”. Du khách cũng có thể thuê thuyền máy 12 chỗ dạo chơi trên biển hồ với giá vé 30.000 đồng/người. Đi chơi trên mặt hồ, du khách sẽ thấy mình như hòa vào thiên nhiên bao la, hùng vĩ để quên đi những lo toan, mệt nhọc của cuộc sống. Những buôn làng người dân tộc Ba Na, Gia Rai... sống dựa vào nguồn lợi của hồ T’Nưng rất hiếu khách. Du khách có thể ở lại đêm, đốt lửa trại và thưởng thức những con cá bắt được từ hồ T’Nưng với rượu cần.
Biển Hồ T’Nưng được ví như viên ngọc bích của Tây Nguyên và là một điểm du lịch sinh thái quan trọng của tỉnh Gia Lai. Danh thắng này còn nguyên vẹn do được quản lý tốt. Các ngành chức năng địa phương đã từ chối những dự án đầu tư có nguy cơ xâm hại môi trường như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi... bởi Biển Hồ là nơi cung cấp nước sạch cho toàn thành phố Pleiku và vùng phụ cận.
Biển Hồ T’Nưng xanh, sạch, đẹp, thơ mộng và quyến rũ được ví như “cô sơn nữ ngây thơ, xinh xắn” đã làm xao xuyến biết bao lữ khách ghé qua.
Việt Báo (Theo Báo Cần Thơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét