Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Khám phá Cù lao Rùa – Bình Dương



Thoát khỏi cuộc sống xô bồ nơi phố thị để thực hiện chuyến đi về Cù lao Rùa, nơi vẫn giữ được vẻ đẹp hiền hòa và nhuốm chút hoang sơ... để khám phá những điều thú vị.
Theo con đường ĐT747,chúng ta chầm chậm tiến về Cù lao Thạnh Hội (Cù lao Rùa) vào một buổi chiều đầy nắng. Gọi là Cù lao Thạnh Hội vì nó là nơi sinh sống của nhân dân làng Thạnh Hội nhưng nhiều người lại hay nhắc đến nó với cái tên Cù lao Rùa. Tại sao lại gọi là Cù lao Rùa, chắc phải có lý do nào đó nó mới được gọi như vậy? Chúng ta biết rằng bởi nó có cái tên này là “hình dáng cù lao, hai bên đất thoai thoải, chính giữa đảo có hai ngọn đồi nhô cao, một ngọn cao và một ngọn thấp. Ngọn cao trông như chiếc mai của con rùa và ngọn thấp được ví như chiếc đầu rùa. Người xưa đã nhìn hình dáng của mảnh đất này mà đặt nên”.
  
Trên ngọn đồi cao, tách xa khỏi khu dân cư là một ngôi chùa mang tên Khánh Sơn Cổ Tự. Đường lên dốc chùa thật đẹp và nên thơ. Một chốn bình yên thật sự của “đảo”. Ngồi nghỉ chân trong bầu không khí trong lành, chúng ta được hòa mình vào thiên nhiên nơi đây. Cả ngôi chùa được phủ mát với những hàng cây tràm lâu năm với tiếng chim hót líu lo. Đúng như câu dân gian mình hay nói “đất lành thì chim đậu”, dường như các loài chim cũng tìm về vùng đất linh thiêng và yên lành để làm tổ. Một nét văn hóa độc đáo khác của làng quê Thạnh Hội - Cù lao Rùa, nơi đây còn là nơi thờ phụng các anh hùng liệt sĩ, để khắc ghi và đời đời nhớ công ơn của các anh, một thời đấu tranh gìn giữ đất nước. Còn ngọn đồi nhỏ cách đó không tới 100m là nơi đặt thờ Miễu Bà Ngũ Hành, nơi sinh hoạt văn hóa của người dân trong làng.

Gần đây, trong đợt khai quật khảo cổ ở cù lao đã tìm thấy được những di vật cổ, thời đồ đá cùng với nhiều hiện vật chứng minh hùng hồn về văn hóa vùng đất này như các loại rìu, vòng tay, gốm, cuốc, dao... cung cấp những tư liệu mới về lịch sử văn hóa cổ Bình Dương nói riêng và cả Đông Nam Bộ nói chung. Đó là cơ sở để chúng ta cùng nhau bảo tồn một di tích khảo cổ có giá trị lịch sử và khoa học, để gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa thời tiền sử, góp phần vào phát triển về kinh tế - xã hội địa phương.
Sau khi tìm hiểu một số nét văn hóa lịch sử ở cù lao này, chúng ta lại theo những con đường, đi một vòng quanh “đảo”. Ở đây, người dân vẫn chủ yếu sinh sống bằng nghề nông và trồng nhiều cây bạc hà và hành. Ừ thì về với đồng quê, hãy xắn quần lội xuống ruộng hành để hiểu và yêu hơn những giọt mồ hôi của người nông dân bao đời vất vả và đó cũng là một trải nghiệm thú vị cho một chuyến đi...

Cù lao Rùa, ai chưa đến cứ ngỡ là xa, nhưng quả thật xưa chỉ cách một chuyến đò ngang nếu tính từ Tân Ba, Thạnh Phước. Còn hôm nay, cầu Thạnh Hội đã nối liền đôi nhịp, như muốn mời gọi bạn phương xa.../.


Nguồn : dulichvn.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét