Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Làng chiếu Công Thạnh


Giữa rừng dừa bạt ngàn xanh ngắt, có một ngôi làng hàng trăm năm qua son sắt với nghề trồng cói, dệt chiếu hoa. Đó là làng Công Thạnh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Đến Công Thạnh trong những ngày nắng rực rỡ, trên khắp các nẻo đường làng đâu đâu người ta cũng bắt gặp cảnh phơi cói, phơi chiếu, và cảnh nhà nhà rộn vang tiếng khung cửi dệt chiếu.
22.jpg

Một xưởng dệt chiếu ở làng Công Thạnh

23.jpg

Phơi cói trên nền gạch đỏ

Nguyễn Thị Ban, 42 tuổi, người có thâm niên hơn 30 năm làm nghề dệt chiếu, thổ lộ: “Để có chiếc chiếu bền đẹp, phải có 3 nghề. Tôi chỉ có một nghề cuối cùng là dệt. Nhưng nghề nào cũng phải có cái tâm chú ạ!”- Chị bỏ lững câu chuyện, tiếp tục cùng con gái cần mẫn luồng cói vào khung để dệt.
Hai nghề còn lại mà chị Ban chưa kịp kể tiếp đó là nghề trồng cói và nghề nhuộm cói. Nghề làm chiếu vừa vất vả vừa lãi ít. Những người thợ giỏi, dệt cật lực, hai người từ sáng tinh mơ cho đến gần tối mới được 3 chiếc chiếu.
Dừng tay dệt trong khi chờ con gái mang thêm sợi cói vào, chị cho biết, cách đây hơn 10 năm, làng chiếu Công Thạnh tưởng chừng đã bị xóa sổ bởi sự cạnh tranh từ loại chiếu nhựa giá rẻ của Trung Quốc. Chiếu dân làng Công Thạnh dệt ra không bán được khiến cói ngoài đồng già cỗi, vàng hoe… nhưng người trồng cũng chẳng buồn thu hoạch. Nhưng may thay, sự khủng hoảng đó rồi cũng qua đi, vì một lẽ chiếu nhựa mùa hè nằm rất nóng, mùa đông đã lạnh nằm trên chiếu lại càng lạnh thêm.
Nhắc lại chuyện cũ, ông Trần Duy Hội, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, vẫn không khỏi ngậm ngùi: “Lúc đó chúng tôi cũng hoang mang lắm! Chỉ sợ dân làng chịu không nổi bỏ mất nghề tổ. May có các nghệ nhân già cùng lớp thợ giỏi cố gắng vận động cháu con giữ được nghề. Sau 2 năm, nhiều lái buôn quay lại làng thu mua chiếu. Đến hôm nay làng chiếu đã sống lại được rồi.”
Đi từ đầu cho đến cuối làng nghề, hơn 400 khung dệt thủ công đang ra sức hoạt động. Ngoài người lớn, các em nhỏ cũng tham gia dệt như những thợ lành nghề. Công việc dệt chiếu không mấy nặng nhọc, nên con em trong làng được bố mẹ truyền nghề từ khi 6 tuổi. Ngoài giờ học, các em có thể ngồi vào khung dệt để có thêm thu nhập, giúp đỡ gia đình. Đặc biệt, lớp người cao tuổi của làng vẫn sắt son với nghề dệt chiếu. Hàng chục người dệt cao niên đều có chung suy nghĩ: “Ông cha ngày xưa cũng sống chết với nghề, chúng tôi hôm nay cũng thế. Có như vậy con cháu mới theo gương giữ lấy nghề tổ.”
Bà Nguyễn Thị Ở, hơn 70 tuổi nhưng đã có tới 60 năm theo nghề dệt chiếu. Thời làng nghề khủng hoảng khó khăn, suốt ngày ngồi bên đống cói, nhìn khung dệt bà thầm mong làng nghề hồi sinh. Chuyện đó đã qua rồi, bây giờ chiếu tiêu thụ mạnh, bà lại dệt say sưa như ngày xưa. Khi tiếng gà gáy tàn canh bà đã dậy rồi, và khi hừng đông hé rạng nơi rặng dừa cuối làng bà đã ngồi vào khung cùng dệt với con gái. Con cháu trong nhà cũng như lối xóm, bà luôn luôn động viên, ngoài học chữ phải cố học nghề để giữ nghề cho làng. Cháu nội của bà, bé Mai Thị Tuyết Ngân, mới 12 tuổi nhưng đã biết dệt từ khi lên 6. Tất cả các loại chiếu có hoa văn dù khó mấy em cũng dệt đều được. Ngân có được thành quả đó là nhờ sự dìu dắt của bà nội.  
Ngoài 400 khung dệt thủ công, Làng nghề đã đầu tư lắp đặt 13 máy dệt chiếu theo mô hình công nghiệp. Công suất dệt bằng máy nhanh gấp 4 lần dệt tay. Sản phẩm của hai cách dệt đều chất lượng và giá thành như nhau. Chiếu của làng hiện nay được tiêu thụ khắp vùng và lên tận Tây Nguyên. Nhiều thanh niên rời làng làm ăn xa với nghề khác, nay cũng quay về ngồi máy dệt chiếu. “Em tin nghề chiếu tại làng này sẽ phát đạt nhiều hơn. Em làm đây hơn một năm rồi, lúc nào cũng không đủ chiếu bán cho khách hàng, đặc biệt dịp Tết phải làm thâu đêm mới kịp hàng cho khách.”- chị Nguyễn Thị Lan tâm sự.
Quá chiều, chúng tôi chia tay bà con làng chiếu Công Thạnh. Nhìn hai bên đường làng nhộn nhịp cảnh chuyển cói vào kho, giũ cói, cuốn chiếu chuyển giao khách hàng… diễn ra nhộn nhịp như cảnh diễn trên một sân khấu. Và trong gió chiều, tiếng hát nặng nghĩa nặng tình của người con gái dệt chiếu vọng theo: “Anh về Công Thạnh em trải chiếu cho anh nằm/Tình sâu nghĩa nặng mấy con trăng rằm không phai”.
 Vietbao (Theo: quehuongonline.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét