Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Làng Ném Tiền


Sử sách chép ghi thời thuộc Pháp, tổng Khắc Niệm được nhập vào huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Tổng này gồm 7 xã: Khắc Niệm Thượng xã, gồm hai thôn: Sơn, Trung (Ném Thượng); Khắc Niệm Hạ xã, gồm ba thôn: Đoài (Ném Hạ), Đông, Tiền (Ném Tiền); Hiên Ngang xã (một thời gọi là Hiên Đường) gồm ba thôn: Cầu, Na, Nội; Bồ Sơn xã gồm hai thôn: Bồ Sơn (làng Bò), Khả Lễ (làng Sẻ); Xuân ổ xã (làng ó) gồm hai thôn Đống Trà, ứng Xá; Dương ổ xã (Đống Cao) và Vân Khám xã. Khi tên đơn vị hành chính tổng đổi thành xã, xã thành thôn thì tổng Khắc Niệm được gọi là xã Khắc Niệm, thôn Ném Tiền (còn gọi là Niệm Tiền) thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh rồi huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Truyền rằng, bà chúa Dương Thị Phương và Lê Thị Phúc, người làng này có giọng hát hay được kén vào phủ chúa. Hai bà phát tâm công đức chu cấp tiền cho dân làng xây dựng chùa, tu bổ đình. Xong việc xây dựng chùa, sửa đình số tiền chu cấp vẫn còn, hai bà bèn ban phát (bố thí) cho dân trong vùng bằng cách tung số tiền đó ra sân chùa, người dân các làng nhặt về tiếp tục tu bổ đình, chùa. Từ đó làng này mang tên “Ném Tiền”. Các làng thuộc xã Khắc Niệm đều mang tên “Ném” (Ném Thượng, Ném Sơn, Ném Đông, Ném Đoài, Ném Tiền). Tưởng nhớ công đức bà chúa, sau ngày các bà mất được an táng chu đáo và tôn thờ trong nhà thờ họ, làng thờ hậu. (Hiện mộ bà chúa Dương Thị Phương ở sau nhà ông Dương Đức Tính, mộ bà chúa Lê Thị Phúc ở Bãi Am).
 Làng Ném Tiền phía đông giáp Ném Đông và làng Trần, xã Hạp Lĩnh; phía tây giáp Bựu Sim (thôn Thị), Bái Uyên (thôn Bưởi, xã Liên Bão); phía nam giáp Ngang Nội xã Hiên Vân và phía bắc giáp Ném Đoài. Cư dân sinh sống trong làng gồm các dòng họ: Dương (Dương Thế, Dương Đức), Nguyễn (gốc họ Lý), Hoàng, Vũ; trong đó, họ Dương, họ Nguyễn là hai họ lớn trong làng. Quá trình xây dựng phát triển, giữa những năm thập kỷ 70, thế kỷ XX, Ném Tiền tách thành ba đơn vị thôn (có chi bộ, trưởng thôn riêng) gồm Tiền Ngoài (làng gốc), Tiền Trong (phát triển sau), Tiền Mồ (mới phát triển trên khu đất có nhiều mồ mả trước đây ở ngọn núi nối với làng Trần, xã Hạp Lĩnh nên mang tên là Tiền Mồ), gồm 827 hộ (Tiền Ngoài 367 hộ, Tiền Trong 250 hộ, Tiền Mồ 210 hộ) sinh sống chủ yếu bằng nghề cấy trồng lúa nước trên miền đất trũng (20% diện tích lúa mùa, 80% diện tích lúa chiêm). Đồng thời phát triển nghề phụ: làm bún, bánh cuốn, nấu rượu để thu hút khả năng lao động dịp nông nhàn cho việc phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt bún là sản phẩm nổi tiếng được khách hàng nhiều tỉnh thành ưa chuộng, góp phần ngon miệng trong bữa ăn gia đình, hấp dẫn khách ở tiệm ăn, hàng quán, được nhiều người trầm trồ khen ngợi:
Bún Ném khô sợi, dẻo, giòn.
No bụng mà vẫn muốn còn ăn thêm.
Tạo thương hiệu sản phẩm bún, người Ném Tiền phải công phu chọn gạo không dính, không hẩm, men mốc, không pha chế bất kỳ loại bột nào; nước trong, sạch và thực thao kỹ năng sản xuất phù hợp khí hậu theo chu kỳ thời gian trong năm nên bún Ném Tiền không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh mà còn có mặt tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Lạng Sơn; Phổ Yên, Phú Bình (Thái Nguyên), Bắc Giang, Hiệp Hòa, Yên Dũng (Bắc Giang)... đem về sự giàu có cho mỗi gia đình.
Ngoài việc lam làm phát triển kinh tế, người Ném Tiền còn siêng năng đèn sách để mở mang dân trí, có thời kỳ làng có tới 5 đến 6 người làm thầy đồ truyền dạy nho học cho con em trong làng. Trong đó, cụ Dương Thúc Minh (1899-1957) cháu rể cụ Đỗ Trọng Vĩ đã sao chép và lưu giữ cuốn Bắc Ninh Địa Dư chí của Đỗ Trọng Vĩ, nay làng có tiến sỹ Ngô Thị Nga công tác tại Viện Khoa học Công nghệ cây trồng...
 Xưa Ném Tiền có 4 giáp: Đông, Đoài, Trung, Nam theo hương ước, lệ làng trai đinh mới sinh ra phải có lễ xôi gà vào ngày lệ gọi là “gà cỗ” để vào làng. Lên 9 tuổi vào hàng giáp, 18 tuổi trở lên phải gánh vác việc làng.
Ngày 4 tháng Giêng hàng năm, dân làng kéo hội để tưởng nhớ công đức hai vị tướng Thái Bạch và Đô Thống cùng với Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân được thờ làm Thành hoàng. Đặc biệt hai bà chúa Dương Thị Phương và Lê Thị Phúc phát tâm xây chùa, sửa đình được tôn vinh thờ hậu và được thỉnh cầu trong tế lễ.
 Xưa khóa hội 3 năm tổ chức một lần, thường niên mở hội lệ.
 Theo phong tục, ngày 25 tháng Chạp hàng năm, mở cửa đình, dân làng tiến dâng hồng lễ (xôi, gà, hoa quả, trầu cau, rượu, nước, hương đăng) lên đình để bàn giao Ban khánh tiết. Ngày này còn công bố các quy định và hoạt động hội đầu xuân để dân làng biết.
 Dịp hội làng, ngoài việc tế lễ theo nghi thức truyền thống, cầu phồn thực (cầu tài lộc), Ném Tiền còn có lễ “Bắc Cây đám”-nghi lễ tỏ lòng thành kính của dân làng đối với Thành hoàng “Cây đám” được bắc vào hai cái hèm trên hai cột đình chắn ngang cửa ra vào, khiến dân làng, du khách (dù quan hay dân, già hay trẻ) vào đình dâng lễ đều phải cúi đầu tôn kính Thành hoàng, “Cây đám” được bắc suốt thời gian hội. Ngày giã hội, làng làm lễ hạ “Cây đám”, lao xuống ao đình, “Cây đám” lao về hướng nào thì dân làng tin rằng cư dân ở hướng đó làm ăn thịnh vượng.
 Những năm hội lệ vẫn duy trì nghi lễ “Bắc Cây đám” vào ngày làng tế lễ Thành hoàng.
 Hội chùa tổ chức vào ngày mồng 7 tháng Giêng. Sau lễ cúng Phật của tăng ni, phật tử, lễ cầu phồn thực (cầu tài lộc) của dân làng và khách thập phương, các bọn quan họ tổ chức hát đối đáp ở những thửa ruộng trước cửa chùa cho tới chiều tối.
 Các làng, Tiền Trong xây chùa năm 2004, hội làng ngày 16 tháng Tám âm lịch; Tiền Mồ xây chùa 1995, xây đình 2004, hội làng mồng 5 tháng Giêng âm lịch. Nhưng ngày hội chùa Tiền Ngoài, hai làng đều về dâng lễ đức Phật. Và khi có việc hiếu, ở bất kỳ làng nào thì dân của ba làng đều đến thăm viếng, bởi chung một gốc.
 Ném Tiền có hai bọn quan họ (một bọn nam, một bọn nữ) kết bạn với bọn quan họ Ngang Nội (một bọn nữ, một bọn nam). Vào dịp hội đình, hội chùa, các bọn quan họ đều cử người đến Ngang Nội mời quan họ bạn sang chơi hội. Nhận lời mời, đúng hẹn, các bọn quan họ Ngang Nội sang chơi hội Ném Tiền, cùng quan họ sở tại dâng lễ Thánh, lễ Phật, hát thờ, hát đối đáp trong đám hội, trong “nhà chứa” đi chơi hội... cụ Nguyễn Văn Tịch 72 tuổi (Tiền Trong) cho biết thêm, các bọn quan họ ở những năm 1930-1945, bọn nam gồm các nghệ nhân: Nguyễn Văn Diêm, Nguyễn Văn Sùng, Nguyễn Văn Dính, Nguyễn Văn Khích, Nguyễn Trọng Đáng; bọn nữ gồm các nghệ nhân: Nguyễn Thị Mít, Nguyễn Thị Sắc... Ngoài việc hát trong hội làng và hội làng quan họ kết bạn, còn thường xuyên hát với bọn quan họ kết bạn và các bọn khác để giao lưu học hỏi; đồng thời truyền dạy bài bản quan họ truyền thống cho thế hệ kế tiếp để giữ gìn. Nay các cụ Nguyễn Văn Tịch (Tiền Trong), Nguyễn Thị Tứ, Nguyễn Thị Muội (Tiền Ngoài) thường dạy hát quan họ cho thế hệ trẻ trong làng để giữ gìn, phát triển di sản văn hóa làng quan họ gốc, góp phần để văn hóa quan họ sớm được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Việt Báo(Theo Báo Bắc Ninh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét