Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Làng nghề Bún – Đậu Viên Tiêu


anh4.jpg
Anh Nguyễn Văn Tùng bên chiếc máy làm bún.
Thôn Viên Tiêu, xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) lâu nay nổi tiếng với nghề làm bún đậu. Với hơn 70% gia đình làm bún - đậu, mỗi năm đưa ra thị trường hàng ngàn tấn bún, đậu. Thu nhập bình quân trên đầu người mỗi năm lên đến gần 20 triệu đồng.
Người dân ở đây đang giàu lên nhờ sản xuất bún và đậu, đây là mức thu nhập khá lí tưởng của người dân nông thôn hiện nay.
Cả làng làm bún
Được hình thành từ hàng trăm năm xưa, người dân trong thôn nhờ vào kinh nghiệm của cha ông truyền lại đã phát triển thương hiệu cho đến ngày nay. Ở Viên Tiêu mỗi gia đình là một cơ sở sản xuất bún-đậu. Trong toàn thôn chỉ có 112 hộ gia đình thì có trên 70% làm nghề bún - đậu. Trong có khoảng 30% hộ sản xuất đậu, còn lại hơn 30% hộ các gia đình khác sản xuất bún.

Trong mỗi gia đình có bao nhiêu nhân lực thì hầu hết đều tham gia sản xuất bún đậu. Trước đây, sản xuất chỉ phục vụ nhu cầu của mình, nhưng do có chất lượng tốt sản phẩm làm ra được ưa chuộng nên người dân ở đây dã mở rộng quy mô sản xuất phục vụ nhu cầu của thị trường.
Việc sản xuất bún, đậu phải trải qua nhiều công đoạn và được làm tỉ mỉ từng khâu một. Chúng tôi đến gia đình anh Nguyễn Văn Tùng, một trong những gia đình có nhiều năm trong nghề làm bún của thôn lúc anh đang chuẩn bị sản xuất bún.

Vừa vận hành máy anh vừa nói: “Muốn có sợi bún ngon, dai thì điều quan trọng là phải chọn được loại gạo ngon, hạt mẩy, không bị nát. Khi ngâm gạo trước khi xay bột phải chú ý đến thời gian ngâm. Ngâm quá nhanh sẽ làm cho sợi bún bị đục không đẹp, không ngon. Cũng không được ngâm qua lâu vì như vậy sẽ làm cho sợi bún bị bở, không dai. Gạo sau khi ngâm được xay rồi bọc lại thành từng khối nén chặt lại. Nếu nén càng chặt thì sau sẽ cho ra sợi bún ngon hơn. Bột gạo sau khi nén chặt thì được đem ra pha với nước, nhưng cần để ý nước pha phải là nước thật sạch, phải pha hợp lí giữa lượng nước vá lượng bột gạo, không sẽ làm cho sợi bún bị nhão, đục không thành sợi. Trong quá trình cho ra sợi bún cần phải để ý đến hơi nước, hơi nước phải nóng, kín thì sợi bún mới liền, dai. Việc sản xuất bún phải trải qua nhiều khâu phức tạp nên chỉ cần một khâu sai sót sẽ làm hỏng cả một lô bún”.
Công việc sản xuất đậu cũng phải trải qua nhiều khâu phức tạp không kém phần sản xuất bún. Muốn làm ra được sản phẩm đậu ngon thì phải chọn được nguyên liệu tốt, phải lựa chọn kĩ càng. Đó là loại đỗ hạt tròn mẩy, không bị vàng trong nhân, thường đỗ được mua ở Hà Tây và Thái Bình. Đỗ được ngâm trong nước trước khi đưa ra xay, tuỳ từng mùa mà thời gian ngâm lâu hay nhanh. Đỗ sau khi xay được vắt tách riêng nước và bã ra riêng biệt. Nước đỗ sau khi được tách ra đem nấu lên.

Việc nấu nước đỗ phải để ý đến thời gian đun, không được đun quá lâu, lửa phải đều . Nước đỗ sau khi nấu xong được đem pha với một loại nước để tách ra đỗ và nước. Khi pha loại nước này vào nước đậu cần chú ý lượng nước đỗ để pha cho vừa phải không sẽ làm cho đậu bị chua, bở đậu. Sau khi nước đỗ  đông kết được lọc đem vào khuôn rồi nén chặt cho đến khi nước đỗ đóng thành khối đậu.

Thường như các nơi khác đậu sau khi ra khỏi khuôn coi như việc sản xuất đậu đã xong nhưng ở Viên Tiêu đậu sau khi được lên khuôn xong được luộc lại cho miếng đậu vừa dai, vừa mềm lại bảo quản được lâu hơn. Trong giai đoạn này loại đậu nghệ mà chỉ có ở Viên Tiêu mới có. Đậu được luộc với nước nghệ tươi vừa vàng tươi đẹp mắt, lại vừa bổ nên được người dùng rất ưa chuộng.
Theo như những người dân trong thôn thì trước đây một số địa phương xung quanh thấy công việc làm ăn được nên cũng làm nhưng do không có kĩ thuật, lại vất vả phải thức khuya dậy sớm, sản phẩm làm ra không cạnh tranh được nên đành bỏ nghề. Người làm nghề phải kiên trì tuy công việc không nặng nhưng đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, làm việc liên tục trong nhiều giờ và phải khéo léo có kĩ thuật mới làm được.
Khi kỹ thuật “vào" làng
Lang nghe Bun Dau Vien Tieu
Vận hành máy sản xuất bún.
Trước kia việc sản xuất chủ yếu còn nhỏ lẻ, phương tiện thô sơ lại chủ yếu làm thủ công nên sản phẩm làm ra mất nhiều thời gian, năng suất sản phẩm không cao. Từ khi tỉnh Hưng Yên tái thành lập đến nay, khi mức sống của người dân tăng lên, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng mở rộng nên đòi hỏi phải có việc sản xuất bún - đậu cần đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Là một địa phương có truyền thống sản xuất bún - đậu, lại được các cấp chính quyền quan tâm nên hàng năm các lớp tập huấn về việc nâng cao kỹ thuật trong quá trình chế biến được tổ chức đều đặn với sự tham gia đầy đủ của người dân trong thôn. Hơn nữa, người dân trong thôn cũng tự đi tham khảo, học hỏi thêm việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất.
Năm 1999, bác Nguyễn Công Sứ một người có thâm niên trong sản xuất đậu của thôn đã tìm đến tận Bắc Ninh để mua chiếc máy vắt đậu. Trước đây công việc vắt bằng tay rất vất vả, việc tìm ra chiếc máy vắt đậu đã giảm được sức lao động đáng kể, lại nâng cao được chất lượng sản phẩm làm ra.

Anh Nguyễn Văn Tùng sau một thời gian tìm kiếm đã đến Nam Định nhập về chiếc máy sản xuất bún trị giá gần 50 triệu đồng. Hai vợ chồng anh Tùng cùng với bốn người khác chung vốn lập ra cơ sở sản xuất bún lớn nhất làng. Chỉ trong vòng 3 giờ đồng hồ với 5 nhân công, chiếc máy đã cho ra thành phẩm 8 tạ đến 1 tấn bún.
“Đây là điều mà những người làm nghề trong thôn chưa bao giờ đạt được năng suất cao như vậy. Nay anh Tùng nhập về chiếc máy đó, người dân trong thôn ai cũng phấn khởi, vui mừng đến xem và học hỏi”, ông trưởng thôn Nguyễn Tiến Nguyệt cho biết.
Sản phẩm làm ra được tiêu thụ rộng khắp ở trong và các huyện lân cận như: Tiên Lữ, Kim Động, Phù Cừ,… Vài năm gần đây thị trường còn được mở rộng ra các tỉnh lân cận như: Hà Nam, Thái Bình và Hà Nội … Trong những năm tới thị trường sẽ tiếp tục được mở rộng và khẳng đinh thương hiệu bún - đậu Viên Tiêu trên một vùng rộng khắp.
Không những làm giàu từ việc bán bún, đậu mà các sản phẩm thừa từ khâu sản xuất còn được người dân nơi đây tận dụng làm thức ăn chăn nuôi rất hiệu quả. Hàng năm ngoài khoản thu nhập từ bún - đậu người dân trong thôn còn thu về hơn 1 tỉ đồng từ chăn nuôi. Các chất thải trong chăn nuôi được sử dụng làm nguyên liệu cho các hầm khí Biogas tạo ra nguồn nhiên liệu lại cho việc sản xuất bún - đậu.

Việc áp dụng một quá trình khép kín trong sản xuất vừa làm giảm ô nhiễm môi trường, vừa tận dụng hết các nguyên liệu trong sản xuất tiết kiệm cho quá trình sản xuất, tăng thu nhập. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là tiêu chí hàng đầu nên sản phẩm của thôn làm ra luôn đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Thu nhập bình quân người dân trong thôn đạt khoảng 15 đến 17 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập cao so với mặt bằng chung của người dân nông thôn hiện nay.
Với sự phát triển trong sản xuất cũng như có chất lượng tốt nên tháng 02 -2008 vừa qua, UBND tỉnh Hưng Yên đã xét duyệt và phê chuẩn Viên Tiêu trở thành làng nghề sản xuất bún - đậu. Làng văn hoá, làng nghề Viên Tiêu đã được UBND huyện Tiên Lữ và UBND tỉnh Hưng Yên trao nhiều bằng khen do có sự phát triển ổn định về kinh tế cũng như an ninh trật tự xã hội qua các năm.

Sự phát triển của làng nghề bún - đậu Viên Tiêu đã góp phần giải quyết công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trong thôn. Việc xây dựng và phát triển các làng nghề như thôn Viên Tiêu cần được nhân rộng để bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi và giàu đẹp hơn.

Việt Báo(Theo Lao động điện tử)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét