Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Làng thơm


Đình Sơn có 120 gia đình thì gần 100 hộ làm nghề nấu cao vằng suốt ngày đêm nên mùi thơm bay khắp nơi, trở thành đặc sản của làng.
Từ lá vằng mọc hoang trên đồi, người dân làng Đình Sơn, xã Can Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, nấu thành cao quý chữa bệnh, bán trong Nam ngoài Bắc, thậm chí xuất sang Trung Quốc. Cả làng thơm mùi cây cỏ. 
Lá cây dại thành tiền
“Hơn 10 năm trước, lá vằng chỉ được dân Đình Sơn nấu nước uống thay trà. Sau này có người từ miền Bắc vào mua, bảo loại lá này chữa bệnh rất tốt. Nhưng bán lá tươi thì chẳng được bao nhiêu, chúng tôi bèn mày mò tìm cách chế lá thành cao, bán vừa được vừa nhiều, vừa đắt”, chị Lê Thị Hòa kể. 
DinhSon.jpg
Dân làng Đình Sơn hái lá vằng về nấu cao.
Hiện, mỗi ngày làng Đình Sơn cho ra thị trường hơn 500 kg cao vằng với giá 50.000 đồng một kg. Mỗi nhà nấu được trên dưới 10 kg. Bà Võ Thị Hòe nói: “Trước đây, dân làng tôi hay bảo “ăn sắn uống nước vằng” để chỉ cảnh khổ cực. Giờ lá cao vằng thành “vàng đen” rồi”. Hiện thu nhập của gia đình bà từ nghề nấu cao đạt 7 triệu đồng một tháng. 
Cách nấu cao khá đơn giản: cho lá tươi vào nồi lớn cùng nước sạch, nấu cô đặc trong vòng gần 20 tiếng. Khoảng thời gian ấy, lửa phải đỏ đều, nếu không chất lượng cao sẽ giảm. Khoảng 10 kg lá vằng cho ra  một kg cao.  
       
Đăng ký thương hiệu
Đình Sơn giờ luôn trong không khí tất bật. Thanh niên đi hái lá vằng, người già ở nhà phụ trách lò nấu cao, sau đó cắt cao thành miếng vuông vức. Sản phẩm được dán nhãn mác mang tên hộ sản xuất, địa chỉ, số điện thoại.
Bà Hòe nói: “Cao của nhà tui được người ở Nghệ An gọi điện, chuyển tiền vào để gửi sản phẩm ra. Đầu năm nay, cao vằng nhà tui đã bán ở tận TP HCM. Cao của nhà người khác thì bán ra Hà Nội, Hải Phòng... ”. Gần đây, nhiều thương nhân đến Đình Sơn để thu mua cao vằng với số lượng lớn, xuất sang Trung Quốc.
“Từ ngày có nghề nấu cao từ lá vằng, ở Đình Sơn, nhà nào cũng sắm được xe máy, ti-vi… Con em được đi học cao, đỗ đạt thành tài ngày một nhiều hơn. Nghề nấu cao vằng đang được nhiều làng lân cận tìm học, mở mang”, ông Lê Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa, cho biết.
Xã đang có kế hoạch đăng ký độc quyền thương hiệu cao vằng Đình Sơn. “Việc tạo logo và hoàn thành các thủ tục liên quan đến sở hữu trí tuệ đang được khẩn trương xúc tiến,” ông Vĩnh nói.         
BS Trần Kim Phụng, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Trị, cho rằng, lá vằng có chứa alcaloid và flavonoid có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, đẩy nhanh quá trình tái tạo tổ chức, làm mau lành vết thương. Tác dụng đặc biệt của chè vằng đối với phụ nữ sau sinh cũng được kiểm nghiệm.

Chè vằng được sử dụng dưới dạng đồ uống có tác dụng giải nhiệt, giải khát, bổ gan, lợi mật, kích thích tiêu hóa, tăng cường tuần hoàn máu, giảm béo, lợi sữa. Ngoài ra, có thể trị nhiễm khuẩn, viêm hạch bạch huyết, viêm tử cung, viêm tuyến sữa, bế kinh, khí hư, thấp khớp, nhức xương.
Ngoài nấu nước uống, dân Đình Sơn còn đun lấy nước tắm rửa chữa ghẻ ngứa. Lá được dùng dưới dạng thuốc sắc hay pha như pha trà để chữa sưng vú, mụn nhọt. Ngoài ra, cây vằng còn được dùng để chữa rắn rết hay côn trùng cắn. 
Vietbao (Theo: Báo Đất Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét