Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Làng tuồng Dương Cốc



77.jpgThôn Dương Cốc, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội từ hàng trăm năm nay là vùng sản xuất nông nghiệp với những người nông dân một nắng hai sương, cần mẫn trên cánh đồng. Song ít ai ngờ rằng, thôn Dương Cốc lại là nơi nghệ thuật tuồng bám rễ...
Bén duyên với tuồng
Hàng ngày, người dân chăm chỉ cày cuốc trên ruộng đồng, thế nhưng tối đến họ rũ bùn trở thành những nghệ sĩ nông dân, những diễn viên tuồng thực thụ. Hai mặt của cuộc sống ấy tưởng chừng không có gì liên quan tới nhau vậy mà lại là chuyện thường ngày diễn ra ở thôn Dương Cốc.
Nói về cái duyên với nghệ thuật tuồng, bác Nguyễn Văn Lý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tuồng thôn Dương Cốc cho biết: “Người dân thôn Dương Cốc tình cờ “bén duyên” với nghệ thuật tuồng. Năm 1967, đúng vào thời điểm chiến tranh ác liệt, các nghệ sĩ tuồng chuyên nghiệp thuộc Nhà hát tuồng Trung ương sơ tán về thôn Dương Cốc, đã truyền lửa đam mê cho những người dân nơi đây. Mạch nguồn đam mê đó cứ dần dần thấm sâu vào máu người dân, như duyên phận trời định không tài nào dứt ra được”.
Ban ngày làm việc trên cánh đồng, đêm xuống họ lại hò nhau đến xem, cổ vũ cho đoàn tuồng Trung ương biểu diễn. Vào ngày lễ tết, hội hè, họ cùng nhau thưởng thức các vở tuồng ngay tại thôn mà không phải cất công đi đâu xa. Niềm vui như được nhân đôi khi chính họ lập ra đội tuồng đi biểu diễn khắp nơi phục vụ phòng trào văn nghệ quần chúng.
Rời ruộng đồng bước lên sàn diễn, các diễn viên đội tuồng thôn Dương Cốc gác lại những lo toan đời thường để sống với vai diễn. Tại hầu hết các hội diễn sân khấu không chuyên toàn quốc, đội tuồng thôn Dương Cốc luôn để lại dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng yêu mến bộ môn nghệ thuật này. Số lượng vở mà đội tuồng thôn Dương Cốc dàn dựng tính đến nay lên tới hơn bốn chục vở, bao gồm cả tuồng cổ, tuồng hiện đại như: “Trưng Nữ Vương”, “Trần Quốc Toản ra quân”, "Trần Bình Trọng", "Nắng soi dòng suối Pang Pơi", "Nghêu Sò Ốc Hến", “Tình cá nước”, “Cô dân quân trên vùng kinh tế”... Hàng trăm bằng khen, Huy chương vàng được tặng thưởng cho cá nhân và tập thể qua các lần Hội diễn nghệ thuật quần chúng trở thành tài sản lớn nhất của cả đội. Mới đây, cuối năm 2006, tại Hội diễn sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc ở tỉnh Bình Định, đội tuồng thôn Dương Cốc đã giành giải vàng cho vở diễn “Nắng soi dòng suối Păng Pơi”.
Khát vọng truyền nghề
Đội tuồng của thôn Dương Cốc nay còn lại 26 diễn viên, nhạc công thường xuyên sinh hoạt do ông Nguyễn Văn Lý cầm chịch, vợ chồng anh chị Nguyễn Bích Hảo, Nguyễn Huy Thường làm diễn viên “gạo cội”. Đặc biệt, trong thôn có gia đình ông Nguyễn Ngọc Bỉnh, ông Nguyễn Hữu Thiết... cả ba thế hệ cha con đều gắn bó với đội tuồng.
Các thế hệ diễn viên, nhạc công ở Câu lạc bộ tuồng thôn Dương Cốc, hiện tại nhiều người đã đến tuổi thất thập. Họ luôn e ngại thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghệ thuật tuồng như lớp cha anh. Nhằm giúp thế hệ trẻ thấy được giá trị một bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc này, các thành viên trong Câu lạc bộ tuồng thôn Dương Cốc đã quyết tâm duy trì đều đặn hoạt động của đội tuồng. Anh Nguyễn Huy Thường, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhận xét: “Để duy trì hoạt động, ngoài kinh phí hạn hẹp của người dân trong thôn, bản thân các thành viên trong câu lạc bộ cũng  tự nguyện đóng góp để mua sắm sửa đạo cụ, phông màn. Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Tây, Nhà hát tuồng Trung ương cũng luôn dành sự ưu ái hỗ trợ cả về mặt tài chính lẫn nghệ thuật, thắp thêm ngọn lửa đam mê tuồng cho các nghệ sĩ nông dân”.
Tiếp nối truyền thống cha anh, một loạt những “mầm non” hát tuồng ở thôn Dương Cốc với những cái tên như: Nguyễn Kim Huệ, Nguyễn Văn Hưởng... đã bắt đầu được nhắc đến tại các hội diễn văn nghệ quần chúng trong và ngoài tỉnh Hà Tây, đem lại sức sống cho tương lai nghệ thuật tuồng của thôn.
 Vietbao (Theo: hanoi36phophuong.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét