Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Nghề dệt ở vùng Bưởi và Cầu Giấy



42.jpg Qua khảo sát thì từ xa xưa nghề dệt ở vùng Bưởi và Cầu Giấy có chung một nguồn gốc, nhưng qua nhiều chặng đường lịch sử, nhiều người đã có công khôi phục và phát triển.
Theo truyền thuyết, vùng Bưởi vào cuối thời Bắc thuộc có một người Tàu đến ở xóm Bãi (năm 1011 được đổi là Bái Ân) ở ven sông Thiên Phù, nơi dân cư vốn có nghề trồng dâu nuôi tằm để dệt vải. Ông đem nghề dệt lĩnh dạy cho dân với nguyên liệu do mình tự làm ra. Lúc đầu chỉ dệt lĩnh trơn. So với nghề dệt vải vốn có ở nước ta từ thời Hùng Vương, nghề dệt lĩnh có kỹ thuật cao hơn, nó tạo ra thứ sản phẩm vừa dầy vừa đẹp. Rồi nghề dệt lĩnh được truyền sang xóm Trích Sài bên kia bờ sông Thiên Phù, dân ở đây chuyên nghề kiếm củi ở ven Hồ Tây lúc đó còn là một khúc sông Hồng có rừng cây rậm rạp. Sau đó nghề này tiếp tục được truyền xuống các làng cũng chuyên trồng dâu nuôi tằm ở khu vực ngã ba sông Thiên Phù và sông Tô Lịch như làng Tân (Tiên Thượng), làng Nhề (Trung Nha), làng Dâu (Vạn Long) cũng thuộc vùng Bưởi.
Từ khi Thăng Long trở thành kinh đô nước Đại Việt, do nhu cầu tiêu dùng của vua, quan, do sự giao lưu hàng hóa phát triển, nghề dệt ở vùng Bưởi tiếp tục được cải tiến kỹ thuật, dệt được các loại lĩnh, lụa hoa (xưa gọi là gấm, vóc). Tháng 2 năm Canh Thìn (1040) vua Lý Thái Tông sai đón thợ vào thành dạy cung nữ dệt gấm vóc và xuống chiếu phát hết gấm vóc mua của nhà Tống ở trong kho để may áo… tỏ ý là vua không dùng gấm vóc của nhà Tống nữa. Trải qua các thời Lý, Trần, Hồ gần 4 thế kỷ, nghề dệt ở vùng Bưởi vẫn được duy trì để phục vụ cho việc may mặc của vua, quan, dân chúng ở kinh đô…
Sang đầu thế kỷ XX, trong hai thập kỷ đầu, nghề dệt ở vùng Bưởi và Cầu Giấy còn gặp nhiều khó khăn vì giao thông chưa phát triển. Sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, năm 1919, Pháp mở lại nhà đấu sảo Hà Nội, trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ để thu hút sự đầu tư của tư bản Pháp và các nhà kinh doanh Việt Nam, do đó cũng tạo điều kiện cho nghề dệt phát triển. Ở Hà Nội lúc này có những cửa hàng buôn tơ lụa lớn ở Hàng Ngang, Hàng Đào. Họ mua lĩnh Bưởi đưa vào Sài Gòn nhuộm rồi đem ra Hà Nội và các nơi bán, lĩnh trơn và hoa thì thuê nhuộm các mầu ở Hà Nội được nhiều người ưa chuộng. Họ cũng buôn tơ tằm ở các tỉnh và tơ Tứ Xuyên của Trung Quốc để bán cho các nhà làm nghề dệt…
Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai (1935-1945) nổ ra, từ 1940 trở đi do giao thông cản trở nên nguyên liệu trở nên khan hiếm, tiêu thụ sản phẩm cũng gặp khó khăn. Nghề dệt ở vùng Bưởi và Cầu Giấy giảm sút lớn, hàng dệt ra không bán được, nhiều khi người thợ dệt phải bỏ nghề đi tìm nghề khác. Năm 1945, nạn đói xảy ra, nghề dệt ở các vùng này hầu như bị đình đốn. Cuối năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra ở Thủ đô, dân các làng dệt tản cư đi các tỉnh bạn làm ăn. Khi Pháp đến chiếm chúng đốt làng, hầu hết công cụ của nghề dệt đều bị tiêu hủy.
Vietbao (Theo: hanoi36phophuong.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét