Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Nghề làm giấy và in ở đất Kinh kỳ xưa



Một trong những nghề thủ công truyền thống có vai trò quan trọng, đóng góp to lớn trong sự bảo lưu, gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc chính là nghề làm giấy và nghề in. Sự ra đời của hai nghề thủ công này có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt tại kinh thành Thăng Long thì nó càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ.
Nghề làm giấy của nước ta có từ lâu. Nếu như vào khoảng năm 1500, người Mỹ mới biết làm giấy thì những cuốn sách cổ ở thế kỷ III, IV đã nói đến giấy của Việt Nam. Bấy giờ ngoài việc dùng vỏ cây dó để làm giấy, tổ tiên ta còn dùng rêu bể và đặc biệt là gỗ trầm để làm giấy. Giấy làm bằng vỏ cây và lá cây gỗ trầm gọi là giấy mật hương màu trắng, có vân, thơm bền, bỏ xuống nước không bị nát.
Sau khi nước ta giành được độc lập, dưới triều nhà Lý (thế kỷ XI – thế kỷ XIII) Thăng Long trở thành một trung tâm sản xuất giấy quan trọng. Nhiều nhà ở vùng Dịch Vọng chuyên sản xuất giấy. Thời bấy giờ người ta gọi nơi đó là ngõ làm giấy và chính vì vậy, chiếc cầu bắc qua sông Tô Lịch ở vùng đó đã mang tên Cầu Giấy (nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội). Cũng ngay từ thời Lý dân làng Nghĩa Đô (Hà Nội) đã sản xuất ra loại giấy sắc (loại giấy dành riêng cho vua dùng để viết sắc lệnh) có vẽ rồng và mây, gọi là giấy Long Ám. Có lần vua nhà Lý đã sai sứ giả mang biếu vua Tống loại giấy tốt do nước ta sản xuất.
Vào thế kỷ V, Nguyễn Trãi trong tác phẩm “Dư địa chí” năm 1438 đã viết dân phường Yên Thái thuộc vùng Bưởi (nay thuộc quân Tây Hồ, Hà Nội) chuyên sống bằng nghề làm giấy. Cho đến nay ở làng Bưởi vẫn còn một số hộ sản xuất giấy dó.
Sau khi phát minh ra giấy, trong một thời gian dài người ta thường chỉ có sách chép tay. Việc sao chép tay rất chậm lại thiếu chính xác cho nên trước khi nghề in ra đời, việc đọc sách bị hạn chế, vì vậy mà việc truyền bá tri thức văn hóa trong xã hội rất khó khăn.
sacphong.jpg
Bản sắc phong thời Nguyễn
Từ thế kỷ VII, VIII, ở nước ta đạo Phật rất thịnh, chùa chiền được xây dựng ở mọi nơi. Các nhà sư vừa giỏi tiếng Phạn (ngôn ngữ Ấn độ cổ), vừa tinh thông tiếng Hán đã góp phần dịch nhiều bộ kinh Phật từ tiếng Phạn ra tiếng Hán. Có lẽ nghề in ở Việt Nam đã có từ bấy giờ, và được bắt nguồn từ nhu cầu in các loại sách kinh nhà Phật. Tuy nhiên, điều chắc chắn rằng dưới thời Lý – Trần, nghề in đã được lưu hành rộng rãi đặc biệt là tại kinh thành Thăng Long.
Trong sách “Thiều uyển tập anh” viết dưới thời nhà Trần đã chép rằng: Sư Tín học, họ Tô, người làng Chu Minh, phủ Thiên Đức (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) cả nhà làm nghề khắc các bản in kinh Phật. Ông mất năm 1190 như vậy là ít nhất từ thế kỷ XII, nghề in sách bằng bản khắc gỗ đã có ở nước ta.
Dưới thời Trần, khoảng niên hiệu Nguyên Phong (1251 – 1258) đời vua Trần Thái Tông, nhà nước quân chủ phong kiến đã sai in các tờ khai hộ khẩu bằng bản khắc gỗ và cho lưu hành khắp cả nước. Các bản in kinh Phật cũng được tiếp tục phổ biến.
Năm 1396, Hồ Quý Ly đã cho in và ban hành tiền giấy lần đầu tiên. Tiền giấy thời Hồ có khắc hình khác nhau với những mệnh giá khác nhau. Giấy 10 đồng in hình rêu biển, giấy 30 đồng in hình sông nước, giấy 2 tiền in hình con rùa, con giấy 3 tiền in hình con lân, giấy 1 tiền in hình đám mây, giấy 5 tiền in hình con phượng, giấy 1 quan in hình rồng. Đây là những ấn loát phẩm có hình vẽ xưa nhất của nước ta mà sử sách còn ghi lại. Tuy nhiên, do việc Hồ Quý Ly lấn quyền nhà Trần nên không được dân ủng hộ, và vì vậy những chính sách cải cách trong đó có việc sử dụng tiền giấy của nhà Hồ không được nhân dân làm theo.
Sang đến thời Lê, kinh đô Thăng Long đã có những phố phường chuyên khắc sách mà không bị ngăn cấm. Việc khắc sách này đã giúp cho sự truyền bá những giá trị văn hóa đặc biệt là sự nghiệp văn chương của các bậc tài hoa tụ hội tại Thăng Long. Triều đình nhà Lê đã chính thức cho sản xuất các sách Nho học. Thời Lê, Nho giáo trở thành quốc giáo, những tác phẩm văn chương của nhà nho đương thời trong đó đặc biệt là vua Lê Thánh Tông đã góp phần làm cho nghề in tại kinh thành phát triển, truyền bá rộng rãi những tác phẩm văn chương có giá trị trong xã hội. Năm 1435, vua Lê Thánh Tông đã cho in 4 tác phẩm lớn của Nho giáo (Tứ thư: Đại Học, Trung Dung, Luật Ngữ, Mạnh Tử) để dùng làm sách giáo khoa ở các trường trong nước. Năm 1467, vua Lê Thánh Tông sai in 5 tác phẩm khác của Nho giáo (Ngũ kinh: Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu). Những tác phẩm in này đều được tàng trữ tại kho tàng thư của trường Quốc Tử Giám (thuộc khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội ngày nay).
Nghe lam giay va in o dat Kinh ky xua
Sách học dự thi của sĩ tử xưa
Ngoài việc in sách (sách học, sách thuốc), dưới triều đại phong kiến, triều đình đã cho in lịch ghi rõ ngày tốt, ngày xấu, việc nên làm, việc không nên làm… theo quan niệm mê tín ngày xưa và cũng ghi cả tình hình thời tiết trong năm như ngày lập xuân, lập hạ, ngày đại hàn, tiểu hàn, ngày con nước…
Càng về sau này, nghề in bản khắc gỗ không chỉ dùng để in sách, in lịch mà còn dùng để in tranh Tết. Tại kinh thành Thăng Long có phố Hàng Trống nổi tiếng với những bức tranh khắc gỗ nhưng đường nét vô cùng điêu luyện. Sở dĩ tranh Hàng Trống đạt được trình độ thẩm mỹ cao bởi nghệ nhân vẽ tranh chỉ dùng bản in khắc gỗ để in phần nét của tranh, còn màu của tranh chính là do các nghệ nhân sử dụng phẩm màu để trực tiếp tô lên tranh, tạo ra sự mềm mại, chân thực của bức tranh.
Cho đến đầu thế kỷ XX, khi nghề in chữ rời đúc bằng kim loại ra đời thì ở nước ta vẫn còn nhiều cửa hiệu in sách bằng bản khắc gỗ. Các sách thơ văn, sách nhạc, truyện Kiều, truyện Nôm dân gian… khi xưa đều được in bằng bản khắc gỗ. Có những loại sách in bằng chữ Hán, chữ Nôm hoặc in chữ Hán có phụ chú bằng chữ Nôm.
Không những người thợ in sách bằng bản khắc gỗ mà họ còn nắm được kỹ thuật in chữ rời bằng gỗ. Cuốn sách cổ xưa nhất in chữ rời bằng gỗ còn lại đến ngày nay là sách “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ bản in đề năm Vĩnh Thịnh thứ 8 triều Lê (1712).
Thợ in sách khắc gỗ ở Hà Nội, Nam Định… có nhiều người quê ở hai làng Hồng Liễu và Liễu Tràng thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Họ thờ Lương Như Hộc làm tổ sư nghề in. Lương Như Hộc là người làng Hồng Liễu, đỗ Thám Hoa dưới thời vua Lê Thánh Tông và hai lần ông được cử đi sứ nhà Minh. Tương truyền ông học phương pháp in sách của thợ Trung Quốc trong thời gian đi sứ, khi về ông dạy cho người làng nghề khắc gỗ các bản in kinh, sách để bán cho nhân dân. Nhân dân làng Liễu Tràng cùng huyện cũng học được nghề đó. Tuy nhiên, qua các tài liệu sử cũ thì rõ ràng Lương Như Hộc không phải là người đầu tiên truyền bá nghề in ở nước ta mà ông chỉ góp phần làm cho thuật in ấn của nước ta ngày càng phổ biến.
Có thể nói, nghề làm giấy và nghề in đất kinh kỳ được ra đời và phát triển trước tiên do nhu cầu của triều đình phong kiến dùng để in kinh Phật và các loại sách giảng dạy trong trường học, sau đó là để bảo lưu những tác phẩm văn chương có giá trị, những tác phẩm nghệ thuật mang tính thẩm mỹ cao. Và không thể phủ nhận nghề làm giấy và nghề in đã góp phần không nhỏ làm nên sự phong phú cho các nghề thủ công truyền thống tại kinh thành Thăng Long, thể hiện được tài năng của những con người tài hoa hội tụ tại vùng đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Vietbao (Theo: Người Hà Nội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét