Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Ngon lạ lẩu đặc sản Cần Thơ


Cần Thơ là trung tâm của miền sông nước Tây Nam bộ trù phú với những món đặc sản ngon khó cầm lòng.


Lẩu bần Phù Sa
Nồi lẩu ngon, phải dùng bần chín bởi bần sống sẽ làm cho nồi lẩu có vị chát. Cũng có thể biến tấu các loại thực phẩm chính để nấu lẩu bần. Tùy theo mùa, đó có thể là các loại cá da trơn như cá tra, cá ba sa, cá ngát hoặc cá điêu hồng... sang hơn khách có thể thưởng thức món lẩu bần nấu ba ba, cua đinh.
Sự hấp dẫn của lẩu bần không chỉ nằm ở cái tên “trái bần” đồng quê dân dã mà chính là hương vị rất đặc trưng của món ăn. Vị chua của lẩu bần rất thanh và dịu. Tinh tế một chút khi thưởng thức lẩu bần, người ăn còn cảm nhận ra mùi thơm dịu nhẹ của hương bần, gợi thương, gợi nhớ về “hương đồng gió nội”. Vào mùa nước nổi, rau ăn kèm với lẩu bần ngoài bông so đũa, bắp chuối hột, cọng bông súng và một số loại rau canh chua thông thường khác, khách còn được thưởng thức bông điên điển - một loại bông dân dã nên rất “hợp tình hợp cảnh”.
Đăc biệt là khách đến khu du lịch Phù Sa có thể gọi món lẩu bần vào bất cứ mùa nào dù đó là mùa không có bần chín bởi nhà bếp ở đây đã có cách chiết xuất nước cốt trái bần để phục vụ du khách quanh năm.
Lẩu mắm cá diêu hồng
Người ta dùng mắm cá lóc, cá sặt, cá rô, cá linh, cá chèn để làm nước lẩu.
Đồng bằng sông Cửu Long là xứ sở của cá đồng. Cá tươi sử dụng không hết nên người ta phải làm mắm, ấy là cách dự trữ và bảo quản nguồn thực phẩm dồi dào này. Từ mắm người ta chế biến ra rất nhiều món ăn đặc sắc. Trong đó, lẩu mắm trở thành món ẩm thực tiêu biểu của vùng đất này trong những năm gần đây.
Người ta dùng mắm cá lóc, cá sặt, cá rô, cá linh, cá chèn để làm nước lẩu. Đây là công đoạn quan trọng nhất. Mắm ngon được cho vào nồi đun sôi liu riu với nước cho ra chất ngọt. Sau đó được lược lại, chỉ lấy nước, bỏ xương và cặn. Nước lẩu mắm lại được nấu sôi lên. Bỏ sả bằm, sả cắt khúc, nêm nếm chút đường, bột ngọt cho ngon ngọt.
Rau, ghém ăn lẩu mắm rất phong phú.
Cá điêu hồng là loại cá có thịt ngọt, thơm, ít xương và khá dễ mua ở các chợ đồng bằng. Làm cá, đánh sạch vảy, bỏ ruột, chặt vi. Sau đó cắt làm hai hoặc ba theo bề ngang tùy theo cá lớn nhỏ. Một ít thịt ba rọi, một vốc nấm rơm, chừng 200 gam tôm sú, một miếng tàu hủ tươi, vài con lươn nhỏ nướng trèm (nướng sơ).
Rau, ghém ăn lẩu mắm rất phong phú như: khổ qua, đậu bắp, bông súng, cải xanh, rau muống, mồng tơi, cù nèo, rau nhút, bắp chuối, giá sống, tần ô, rau trai, đọt choại... Nhúng mồi và rau, tùy theo ý thích của bạn vào nồi lẩu mắm sôi liu riu, ăn với bún hoặc cơm...
Thành phố Cần Thơ rất nổi tiếng về món lẩu mắm. Có thể đến quán Dạ Lý trên đường 3-2 phường Hưng Lợi, hoặc đi ra vùng ngoại ô ăn lẩu mắm ở quán cô Ba Xoàn ở chợ Miễu Ông, quán Bảy Bờ Kè ở Bà Bộ phường Long Tuyền (Bình Thủy). Chắc chắn, bạn sẽ hài lòng với món ăn có xuất xứ dân dã, ngon, lạ, giá cả bình dân tại Cần Thơ.
Lẩu cháo cua đồng
Nếu như người miền Bắc có món khoái khẩu bún riêu, canh riêu cua đồng ăn với cà pháo mắm tôm thì người Nam bộ có lẩu cháo cua đồng nhúng với năm thứ rau đồng quê.
Điệu nghệ hơn, đập vào lẩu vài quả trứng vịt lộn; hoặc bò tái, cá lóc philê nhúng nóng trên lẩu, làm con cua đồng dân dã trở nên... sang trọng và thêm ngon miệng. Cua đồng nấu với bí đao còn có tính thanh nhiệt.
Để làm lẩu cháo cua đồng phải nấu riêng nồi cháo với gạo rang hơi ửng vàng để hạt cháo không đổ nhựa làm đặc cái lẩu.
Cua đồng phải còn sống, rửa sạch, bóc vỏ yếm, gỡ mai nạo lấy gạch cua trong mai để riêng; còn lại đưa vào cối giã nát hoặc xay thật nhuyễn, nếu lấy mai cua giã, nước dùng sẽ đen. Sau đó hoà cua xay với nước, khuấy lên rồi để thật lắng, gạn lấy nước cua, bỏ xác. Nấu nước cua này với ít muối trên lửa nhỏ cho đến khi chín, riêu cua sẽ kết tủa – đóng óc trâu từng miếng.
Để làm lẩu cháo cua đồng phải nấu riêng nồi cháo với gạo rang hơi ửng vàng để hạt cháo không đổ nhựa làm đặc cái lẩu. Bốn người dùng, lượng cháo nấu chừng lưng nửa lon gạo là đủ, có thể nấu chung một ít đậu xanh cà.
Khi cháo chín mới đưa vào nồi lẩu cua đồng có nấm rơm, hành tím, tiêu, ngò, hành lá và nêm mắm muối cho vừa ăn. Gạch cua cũng xào riêng cho dậy thơm và đưa hết “tinh hoa” con cua vào lẩu. Điều quan yếu là cháo nhưng thật loãng, ngập nước dùng như lẩu để còn nhúng rau, bò tái, cá philê, trứng... Và đã là lẩu cháo thì không phải ăn kèm cơm, mì hay bún. Nước lẩu thơm ngọt, đậm đà hương đồng nội cua đồng quê. Cùng với đĩa rau xanh mồng tơi, bồ ngót, rau đay, rau má và mướp hương, thanh mát vô cùng.
Theo The Box

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét