Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Những bà tổ nghề Việt Nam


Tổ nghề dệt lụa:
Ăn, ở, mặc…là những nhu cầu vật chất cơ bản của xã hội loài người nói chung và Việt Nam nói riêng. Ở Việt Nam có nhiều vị tổ nghề thủ công truyền thống, nhưng không ai không biết đến công chúa Thiều Hoa, người được tôn vinh là tổ nghề dệt lụa.

Người Việt Nam từ ngàn xưa đến nay có câu “Người đẹp vì lụa…”, vải lụa là một sản phẩm văn hóa bản địa của Việt Nam có giá trị từ trong lịch sử đến ngày nay. Vải lụa đã đi vào ca dao Việt Nam:

Lụa này là lụa Cổ Đô
Chính tông lụa cống, các cô ưa dùng

Cùng với sự ra đời của nhiều giá trị văn hoá khác trong lịch sử dân tộc, lụa Cổ Đô gắn với bà tổ nghề là Công chúa con Vua Hùng Vương thứ 6 - Công chúa Thiều Hoa. Các triều đại Vua Hùng gắn với buổi bình minh lập nước của lịch sử Việt Nam. Nghề dệt lụacũng có từ buổi ấy và gắn với truyền thuyết về một nàng công chúa xinh đẹp, một trong những vị tổ nghề quan trọng đặt nền tảng cho một giá trị văn hoá vật chất có sức sống lâu bền đến nay và là niềm tự hào của người Việt.

Truyện kể rằng công chúa là người hiền lành, xinh đẹp nhưng lại không chịu lấy chồng. Nàng từ chối ý định gả chồng của vua cha và sang sống ở trang trại khác. Nàng có biệt tài nói chuyện với chim và bướm mỗi khi vào rừng chơi. Một lần nói chuyện với bướm nâu, biết bướm nâu chỉ ăn một thứ lá dâu để đẻ ra trứng rồi nở thành sâu, nhả ra sợi vàng. Bướm đưa Thiều Hoa ra bãi dâu ven sông thấy hàng ngàn con sâu đang làm kén. Thiều Hoa xin bướm giống trứng và sâu ấy cũng như hỏi bướm cách kéo tơ rồi tìm cách đan chúng thành những mảnh, tấm nõn nà vàng tươi. Nàng đặt tên cho những tấm sợi ấy là lụa. Chính cái tên Thiều Hoa gọi bướm là ngài và giống sâu cho sợi ấy là tằm còn gọi đến ngày nay.

Sau kỳ tích ấy Thiều Hoa đem truyền dạy cho mọi người trồng dâu, chăn tằm, kéo sợi, dệt lụa. Tấm lụa đầu tiên nàng đem tặng Vua cha. Hùng Vương khen ngợi con gái yêu và truyền cho dân chúng theo đó mà dệt lụa. Dân làng Cổ Đô, Vân Sa…rất nổi tiếng về nghề dệt lụa và nhiều làng tôn Thiều Hoa làm tổ sư nghề dệt lụa, làm thành hoàng làng của mình.

Lụa tơ tằm Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện nay có tiếng trong nước và quốc tế. Nó không chỉ đưa lại giá trị kinh tế cho quốc gia, nhiều dòng họ, gia đình, nhiều làng mà còn là một nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam gắn với một vị tổ nghề là phụ nữ sáng lập không có lợi ích riêng, một phụ nữ “Lá ngọc cành vàng”- Công chúa Thiều Hoa.

Bà tổ của nghề hát chèo:

Là bà Phạm Thị Trân, sinh năm 926, mất năm 976, quê quán: Hồng Châu (ngày nay gọi là tỉnh Hải Dương và Hưng Yên).

Hải Dương và Hưng Yên nằm giữa vùng châu thổ sông Hồng, đông dân, giàu của, phát triển sớm từ thời bình minh dựng nước, xóm làng trù phú, đồng ruộng thẳng cánh cò bay.

Sử sách Việt Nam còn ghi chép, bà Phạm Thị Trân sống vào thời Đinh Tiên Hoàng và Tiền Lê (Lê Hoàn). Là người phụ nữ nhan sắc, lại có tài múa hát nổi tiếng từ nhỏ. Bà luôn giữ vai trò chủ chốt trong các nhóm, các đoàn đi múa hát và làm trò thời đó. Lời ca tiếng hát của bà được các quan khách và người dân lao động hết lời ca ngợi, người xem bà múa hát đã thốt thành thơ:

Múa hát như muốn hát bàn đào
Hát giục mây bay, giục gió ào
Tiếng hát kinh hồn quân bạc ác
Lời than làm nhỏ lệ đồng bào

Vua Đinh Tiên Hoàng đã cho mời bà về Hoa Lư (kinh đô của Việt Nam lúc đó) và phong cho bà chức ưu Bà - chịu trách nhiệm dạy quân lính múa hát, đánh trống, gẩy đàn, diễn các tích trò, lúc đó gọi là hát trò nhời hay gọi là hát chèo. Lời ca của bà mang tinh thần thượng võ yêu nước:

Chinh tòng chinh, chinh tòng chinh
Bất diệt thù hề, bất nguyện sinh.

Trong sách “Đả cố lục” còn ghi lại: cách rước trống chèo nhà Đinh của bà Phạm Thị Trân đã có sức cổ vũ lớn đối với tinh thần chiến đấu của quân sĩ. Nghệ thuật hát chèo manh nha từ thời đó. Cả vùng quê rộng lớn Hải Dương, Hưng Yên phát triển hát chèo. Cũng chính nơi đây sau này đã cung cấp cho ngành hát chèo Việt Nam những nghệ nhân ưu tú, tài ba và góp phần truyền thụ cho thế hệ sau thừa kế một nền nghệ thuật dân tộc độc đáo đã đi vào đời sống của nhân dân Việt Nam hàng ngàn năm nay. Ngày nay vào dịp tháng giêng, tháng hai sau vụ gặt lúa, nhân dân vùng Hải Dương, Hưng Yên lại tổ chức hội làng, trong đó hát chèo giữ một vai trò quan trọng, là linh hồn không thể thiếu của ngày hội.

Khi bà mất, nhân dân Hải Dương và Hưng Yên đã tôn bà là Bà tổ của nghề hát chèo. Trong các nhà thờ, chùa của các làng bài vị thờ bà thường đặt chính giữa.
 Hàng năm cứ đến ngày 18/2 âm lịch, nhân dân Hải Dương và Hưng Yên lại tổ chức giỗ bà Phạm Thị Trân - bà tổ của nghề hát chèo.
Vietbao (hoilhpn.org.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét