Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Những quán bún riêu, canh bún nổi tiếng ở Sài Gòn


Bún riêu, canh bún là những món ăn đường phố nổi tiếng rất được người dân Sài Gòn ưa thích.

Trong các món ăn đường phố ở Sài Gòn, có thể nói canh bún và bún riêu là hai món ăn ngon miệng và nổi tiếng nhất. Bạn có thể dễ dàng thưởng thức món ăn này trong nhiều hẻm nhỏ ở thành phố.
1. Bún riêu trên đường Trần Kế Xương
Quán nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Kế Xương (quận Phú Nhuận, TP HCM) ít người qua lại, thế nhưng nếu đi ngang qua đây vào giờ ăn trưa, bạn sẽ thấy quán luôn đông khách. Quán bình dân đến mức không có bảng hiệu, thực khách đến đây ăn đã lấy tên món ăn để đặt cho tên quán. Bún riêu ốc là món ăn chính ở đây, ngoài ra, quán còn có món canh bún cũng rất ngon và được nhiều người ưa thích.
Cũng như các quán bún riêu khác ở Sài Gòn, bát bún riêu ở đây có đủ các thành phần quen thuộc như: riêu cua, tiết lợn, đậu phụ, ốc... và dĩ nhiên là không thiếu đĩa rau sống tươi ngon ăn kèm. Nước dùng ở đây được nấu từ xương heo và nước luộc ốc, thêm một tí giấm bỗng và mắm tôm làm cho món ăn thêm đậm đà và thi vị.
Ngoài việc món ăn ngon, đậm đà, vừa miệng, mức giá rẻ thì chỗ ngồi của quán cũng là một điểm thu hút khách. Không bị giới hạn bởi không gian chật hẹp, cũng không phải chen chúc nhau trên vỉa hè như các quán lề đường khác, không gian của quán luôn thoáng mát, chủ quán đã tận dụng khoảng sân nhiều cây xanh của mình để kê bàn cho thực khách ngồi. Sẽ không còn gì thú vị hơn khi ngồi thưởng thức món ăn ngon dưới những tán cây tỏa bóng râm mát.
Nếu muốn thưởng thức món bún riêu ốc ngon ở đây, bạn có thể ghé đến địa chì 185/5 Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận, TP HCM. Quán bán từ 10h30 đến khoảng 15h. Mỗi bát bún ở đây có giá 14.000 đồng.
2. Canh bún chợ Lê Hồng Phong
Chỉ là một quán nhỏ trong chợ Lê Hồng Phong (quận 10), tuy nhiên canh bún ở đây được nhiều người ưa thích vì mang hương vị đặc trưng của người Bắc.
Điểm thu hút khách của canh bún ở đây chính là nước dùng. Được nấu từ xương heo nên nước dùng có vị ngọt thanh đặc trưng, bên cạnh đó là màu vàng rất bắt mắt được lấy từ màu hạt điều làm cho bát canh bún trở nên hấp dẫn.
Không có gì đặc trưng về nguyên liệu, cũng đậu phụ, tiết lợn, chả, riêu cua... Tuy nhiên, do được chủ quán nấu chung trong nước dùng nên các nguyên liệu đó trở nên đậm đà và ngon miệng.
Ăn canh bún không thể thiếu nước me và mắm tôm. Chính hai gia vị đó làm cho món ăn thêm đậm đà và dậy mùi thơm phức.
Ăn canh bún không thể thiếu nước me và mắm tôm. Chính hai gia vị đó làm cho món ăn thêm đậm đà và dậy mùi thơm phức.
Địa chỉ: Hẻm 374 Lê Hồng Phong (đi vào khoảng 50m bên tay trái), phường 1, quận 10, TP HCM. Quán bán từ 14h đến 18h hàng ngày, mỗi bát canh bún có giá 20.000 đồng.

Bún riêu, canh bún là những món ăn đường phố nổi tiếng rất được người dân Sài Gòn ưa thích.

3. Bún riêu vỉa hè đường Lê Thánh Tôn
Nằm trên vỉa hè, ngay góc ngã tư Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực (quận 1, TP HCM), quán bún riêu ốc bình thường như bao quán ăn vỉa hè khác, nhưng đây lại là địa chỉ quen thuộc của những người mê món bún riêu.
Đặc trưng của bát bún riêu ở đây là những con ốc bươu to tròn được xào vàng ươm, nhìn thật hấp dẫn, gắp một con ốc cho vào miệng để cảm nhận vị ngọt của ốc cùng cảm giác giòn sần sật khi nhai. Riêu cua được làm từ cua đồng, thịt cua được giã nhuyễn để miếng riêu vừa xốp, vừa thơm, cho vào miệng thì tan ra khắp đầu lưỡi nhưng không bị nát khi cho vào bát bún. Bên cạnh đó là các nguyên liệu quen thuộc như chả, đậu phụ và một miếng tiết lợn.
Nước dùng được nấu từ nước xương thêm vào nước luộc ốc, lấy nước trong và nêm thêm giấm bỗng. Một chút mắm tôm để nước có vị đậm đà. Bát bún riêu ốc có vị thanh thanh của giấm bỗng, màu đỏ của cà chua, màu vàng cùng vị giòn ngọt của ốc cùng với mùi thơm bốc lên làm cho bạn không thể cưỡng lại được.
Địa chỉ: Góc đường Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM. Quán bán từ 14h đến 19h hàng ngày. Mỗi bát bún riêu ốc có giá 30.000 đồng.
4. Bún riêu ốc Kỳ Đồng
Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Kỳ Đồng (quận 3), quán bún riêu ốc Thanh Hải nổi tiếng gần 30 năm nay và trở thành địa chỉ quen thuộc của rất nhiều người.
Khác với những quán bún riêu khác ở Sài Gòn, bún riêu ở đây được người ăn đánh giá là đặc trưng hương vị Bắc. Trong bát bún, bạn sẽ không tìm thấy tiết lợn, đậu phụ, chỉ có ốc, riêu cua, cà chua cùng đĩa rau sống tươi ngon. Các loại rau cũng mang đặc trưng của người Bắc như bắp chuối, kinh giới, húng lủi và rau muống.
Địa chỉ: Quán bún ốc Thanh Hải - 14/12 Kỳ Đồng, phường 7, quận 3, TP HCM. Quán bán từ 7h đến 21h hằng ngày. Mỗi bát bún riêu ốc có giá 25.000 đồng.
5. Quán bún riêu, canh bún đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa
Quán ăn là một căn nhà nhỏ nằm trong con hẻm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP HCM), không có bảng hiệu, chỉ có nồi nước dùng và chiếc tủ kính chất đầy các nguyên liệu. Quán nhỏ hẹp, chủ quán đã tận dụng khoảng sân phía sau đài tưởng niệm Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi để bày ghế ngồi cho thực khách.
Bún riêu và canh bún là hai món ăn chính ở đây. Trong đó, bún riêu là món ăn đậm đà và được nhiều thực khách ưa thích khi ghé đến đây. Không có gì khác biệt so với những quán bún riêu khác ở Sài Gòn, thực khách có thể dễ dàng nhận ra các thành phần quen thuộc như: riêu cua, tiết lợn, đậu phụ, chả... Bát bún nóng hổi, thêm một chút mắm tôm để cho món ăn thêm đậm đà, bên cạnh là đĩa rau sống thơm ngon làm hài lòng thực khách.
Khác với món bún riêu được nhiều người ưa thích, canh bún cũng là món ăn ngon ở đây nhưng không hấp dẫn bằng. Cũng có đầy đủ các thành phần của món ăn, tuy nhiên, bát canh bún thiếu cái đậm đà của nước dùng, cũng không có chén tóp mỡ thơm giòn như những quán canh bún khác.
Ngoài điểm trừ về món canh bún thì bạn có thể hài lòng khi ghé đến đây. Món ăn ngon, giá rẻ, chỗ ngồi của quán lý tưởng với bóng cây xanh mát, đem lại cảm giác thoải mái cho thực khách cho dù lúc đó đang là giữa trưa nắng gắt.
Địa chỉ: Dưới chân cầu Công Lý, sau lưng đài tưởng niệm Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, hẻm 384/22 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3, TP HCM. Quán bán từ 11h đến 18h hàng ngày. Mỗi bát bún riêu, canh bún có giá 17.000 đồng.
Ngoài những quán ăn kể trên, Sài Gòn còn rất nhiều địa chỉ nối tiếng khác như:
1. Canh bún Mẹ Tôi - 115/62 Lê Văn Sĩ, quận Phú Nhuận.
2. Bún riêu công viên Văn Lang, đường Hùng Vương, quận 5.
3. Canh bún đường Lê Chân, bên hông chợ Tân Định, quận 1.
4. Bún riêu ốc 287/64 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3.
Huấn Phan


Bánh hẹ, đơn giản nhưng ngon miệng


Được làm từ bột gạo và lá hẹ, chiếc bánh đơn giản nhưng thu hút người ăn bởi hương vị thơm ngon của nó.

Có nguồn gốc từ người Hoa, bánh hẹ được bán nhiều ở khu vực quận 5, quận 10 (TP HCM), nơi tập trung rất đông người Hoa sinh sống và làm việc. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp loại bánh này trên những chiếc xe gần giống như xe bột chiên khi đi qua các con đường, góc phố ở khu vực này.
Bánh hẹ sau khi hấp chín được chiên giòn.
Bánh hẹ sau khi hấp chín được chiên giòn.
Chiếc bánh hẹ đơn giản được làm từ hai nguyên liệu chính là bột gạo và lá hẹ. Ngày nay, người ta làm bánh hẹ còn cho vào thêm một ít tôm thịt để chiếc bánh thêm thơm ngon và đậm đà. Bánh hẹ được làm khá đơn giản, đầu tiên người bán pha một ít nước sôi vào bột gạo, dùng tay nhồi cho đến khi bột dẻo, dai và mịn là được.
Người bán chiên giòn bánh hẹ với một lớp trứng bên ngoài.
Ngày nay, để tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn, người bán đã biến tấu với một lớp trứng gà bao bọc bên ngoài, đem lại cảm giác ngon miệng cho người ăn.
Lá hẹ được rửa sạch, thái khú vừa ăn, thịt nạc thái hạt lựu, trộn đều lá hẹ với thịt nạc, xào chín và nêm gia vị vừa ăn. Bột sau khi nhồi được chia thành từng phần nhỏ, cán mỏng, cho phần nhân vào giữa, ép kín lại theo hình tròn rồi đem hấp chín. Bánh sau khi hấp chín được chiên giòn vàng với trứng gà.
Chiếc bánh trông thật hấp dẫn và bắt mắt với lớp trứng chiên vàng bao bọc bên ngoài.
Chiếc bánh trông thật hấp dẫn và bắt mắt với lớp trứng chiên vàng bao bọc bên ngoài.
Ngoài loại bánh có nhân, loại bánh hẹ không nhân cũng hấp dẫn người ăn. Loại bánh không nhân được làm rất đơn giản, gần giống cách làm bánh đúc. Đầu tiên, người bán ngâm gạo và xay mịn. Lá hẹ được rửa sạch, thái khúc cho vào hỗn hợp
Ngoài loại bánh có nhân, loại bánh hẹ không nhân cũng hấp dẫn người ăn. Lá hẹ cắt khúc, trộn chung với bột gạo, đem hấp chín và chiên giòn.
Ngoài phần nhân là lá hẹ, người ta còn biến tấu với phần nhân là củ cải, của sắn thái sợi với thịt nạc.
Ngoài phần nhân là lá hẹ, người ta còn biến tấu với phần nhân là củ cải, của sắn thái sợi với thịt nạc.
Ăn bánh hẹ không thể thiếu chén nước chấm được pha chua cay, đem lại vị đầm đà cho món ăn.
Ăn bánh hẹ không thể thiếu chén nước chấm được pha chua cay, đem lại vị đậm đà cho món ăn.
Không chỉ khách Việt mà khách Tây cũng rất thích thú với món ăn này.
Không chỉ khách Việt mà khách Tây cũng rất thích thú với món ăn này.
Địa chỉ: Bạn có thể ghé đến hàng bánh hẹ trong chợ hoa Hồ Thị Kỷ, đối diện cửa hàng hoa ở số 75 Hồ Thị Kỷ, phường 1, quận 10, TP HCM. Quán bắt đầu bán từ 15h đến 19h hàng ngày. Mỗi chiếc bánh hẹ chỉ có giá 4.000 đồng.
Huấn Phan

Ốc bươu xào chuối xanh, đậm đà hương vị Bắc


Vị bùi bùi của chuối xanh hòa quyện trong cái ngọt đặc trưng của ốc bươu đã tạo nên một món ăn thơm ngon mang đậm hương vị đất Bắc.

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Kỳ Đồng (quận 3, TP HCM), quán ăn ở đây thu hút rất đông thực khách vì những món ăn thơm ngon mang đậm hương vị Bắc. Nhìn vào menu của quán, bạn sẽ thấy rất nhiều món ăn bình dân quen thuộc của người Bắc như bún riêu, bún ốc, ốc luộc, ốc hấp, ốc bươu xào chuối xanh... Trong đó, món ốc bươu xào chuối xanh được nhiều người ưa thích vì hương vị đậm đà của nó.
Ốc bươu xào chuối xanh là món ăn đặc trưng mang đậm hương vị đất Bắc.
Ốc bươu xào chuối xanh là món ăn đặc trưng mang đậm hương vị đất Bắc.
Món ăn đơn giản với chuối xanh (chuối già) và ốc bươu, nhưng nhờ sự chế biến khéo léo, kết hợp hài hòa với nhau đã tạo nên một món ăn rất bình dân nhưng ngon miệng. Đầu tiên, chủ quán lựa những trái chuối xanh vừa ăn, gọt bỏ lớp vỏ mỏng bên ngoài, ngâm trong nước lạnh để chuối không bị thâm và bớt đi vị chát. Ốc bươu phải là ốc còn sống, ngâm nước để ốc nhả hết nhớt và rửa sạch.
Chuối xanh, ốc bươu hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị ngọt ngào rất đặc trưng.
Chuối xanh, ốc bươu hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị ngọt ngào rất đặc trưng.
Ốc sau khi rửa sạch được xào trong chảo dầu nóng, khi ốc vừa chín cho chuối xanh vào xào chung, nêm gia vị vừa ăn. Món ăn sẽ không thơm ngon và kém phần hấp dẫn nếu như thiếu tía tô, lá lốt và ngò gai. Chính các loại rau này sẽ làm át đi mùi ốc, chỉ còn một hương thơm dịu nhẹ đầy hấp dẫn của món ăn.
Món ăn thêm đậm đà và thơm ngon khi được ăn kèm với chén nước chấm mắm gừng.
Món ăn thêm đậm đà và thơm ngon khi được ăn kèm với chén nước chấm mắm gừng.
Đĩa ốc bốc khói được mang ra cho thực khách. Món ăn thêm ngon miệng khi ăn kèm với chén nước mắm gừng đậm đà. Xiên một lát chuối và ốc, chấm vào chén nước chấm đưa lên miệng và thưởng thức. Chuối được xào mềm rất vừa ăn, vị chát của chuối xanh đã mất đi, chỉ còn cái bùi bùi hòa trong cái ngọt đặc trưng của ốc bươu, cùng với hương thơm của các loại rau hòa quyện vào nhau đem đến cho người ăn một cảm giác ngon lạ miệng, khi ăn xong vẫn còn thòm thèm.
Địa chỉ: Quán Thanh Hải - 14/12 Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, TP HCM. Quán bán từ 7h đến 21h hàng ngày. Mỗi đĩa ốc xào chuối có giá 25.000 đồng.
Huấn Phan

Cẩm nang du lịch bụi Long An


Vừa mang vẻ đẹp của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vừa có nét duyên của miền Đông Nam bộ, Long An thích hợp cho những cuộc dạo chơi, khám phá hơn là du lịch và nghỉ dưỡng.

Ảnh: longan.gov.vn
Địa điểm tham quan
Điểm dừng chân đầu tiên khi đến Long An là huyện Cần Đước. Với đình Vạn Phước, nơi thờ linh vị của ông Nguyễn Quang Đại, một trong những ông tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử, Cần Giuộc được xem là một trong những cái nôi của loại hình nghệ thuật này.
Đến Cần Đước, bạn còn có dịp tìm hiểu các làng nghề thủ công truyền thống như dệt chiếu ở Long Cang Long Định, chạm bạc ở Phước Vân, chạm gỗ ở Tân Lân, đóng ghe ở Long Hựu, Tân Chánh; tham quan ba di tích lịch sử lớn là di tích nhà trăm cột, chùa Phước Lâm, di tích lịch sử ngã tư Rạch Kiến hay thưởng thức bữa cơm nấu từ gạo Nàng Thơm Chợ Đào (xã Mỹ Lệ) ăn với cá bống kèo kho tộ.
Ruộng lúa Long An (Ảnh: Skydoor).
 Khung cảnh làng quê thanh bình
Nằm ở vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ, Cần Giuộc thu hút du khách với những chuyến tham quan, khám phá những bãi bồi đặc trưng vùng sông nước và những sản vật dân dã, đặc biệt là mắm còng mùng năm (được làm từ những con còng bắt được vào dịp tết đoan ngọ). Món này ăn cùng cơm nguội đã "đã miệng", thưởng thức cùng cùng thịt luộc, cá lóc nướng trui càng tuyệt.
Bên cạnh mắm còng mùng năm, vùng đất này của Long An cũng nổi tiếng với lạp xưởng được làm bằng ruột heo tươi rất ngon và để được rất lâu, không bị pha mùi dầu. Ngoài các món ngon, hai địa danh bạn nên viếng thăm khi đến Cần Giuộc là di tích lịch sử Chùa Tôn Thạnh và di tích khảo cổ học Rạch Núi.
Sông nước Tân Thành (Ảnh: Panoramio).
 
 Nhà ven sông (Ảnh: mietvuon).
Đức Hòa — Đức Huệ níu chân du khách với 4 khu di tích nổi tiếng là di tích Gò Xoài, di tích Gò Năm Tước, di tích Gò Đồn và di tích khảo cổ Bình Tả. Mỗi di tích có một đặc điểm riêng để bạn khám phá và tìm hiểu. Kiến trúc Gò Xoài được nhận định là một di tích stupa có niên đại sớm nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Di tích Gò Năm Tước là một kiến trúc đền thờ Ấn Độ giáo. Di tích Gò Đồn thu thập được nhiều hiện tượng thần Dvarapala (thần giữ đền), đầu tượng thần Ganesa (phúc thần), nhiều vật thờ như linga, yoni… Riêng Bình Tả là một di tích khảo cổ học quy mô lớn thuộc văn hóa Óc Eo.
Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười thơ mộng và bình yên với những những cánh rừng tràm bạt ngàn, những cánh đồng sen rộng lớn  cùng hàng trăm loại động vật quý hiếm như Cò, Sếu đỏ, Rùa, Rắn...Thắng cảnh Núi Đất vừa thơ mộng vừa hùng vĩ với vẻ đẹp của một vùng đất vừa có ruộng lúa trải dài, vừa có những ngọn núi cao hùng vĩ.
Chùa Vĩnh Long Tự (Ảnh: panoramio).
 
 Thánh thất Cao Đài Trường Bình (Ảnh: panoramio).
Ngoài ra, khi đến Long An, bạn đừng bỏ qua chuyến viếng thăm nhỏ ở vườn hoa kiểng Thanh Tâm, khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, rừng tràm và chợ nổi Tân Lập, làng cổ Phước Lộc Thọ…  cùng hàng loạt các di tích lịch sử.
Bên cạnh đó, bạn có thể tham quan 5 cửa khẩu của Long An như Mỹ Quí Tây - Đức Huệ, Bình Hiệp (Prây-Vo) – Mộc Hoá, Vàm Đồn – Vĩnh Hưng, Kênh 28 – Vĩnh Hưng, Mỹ Quý Tây (Xòm-Rông).
Di chuyển
Long An giáp ranh với Sài Gòn nên có thể lấy thành phố mang tên Bác làm điểm trung chuyển cho những bạn ở miền Bắc và miền Trung. Riêng các bạn ở phía Nam có thể tham khảo ở bến xe hay bến thuyền của các tỉnh Cà Mau, Tây Ninh. Lưu ý xem thông tin về giá vé, thời gian xuất bến ở cả hai đầu lịch trình di chuyển.
Bằng phương tiện công cộng
Các bạn có thể mua vé xe khách đi Long An ở bến xe miền Tây hay của các hãng xe trên đường Lê Hồng Phong. Với các bạn ở miền Bắc và Trung, chỉ muốn đến cho biết Long An, có thể mua vé tour đi về trong ngày với giá từ 250.000 – 300.000 đồng/người.
Bằng phương tiện cá nhân
Giáp ranh với Sài Gòn và có thể đi theo nhiều hướng nên phượt bằng xe máy là phương án được nhiều người chọn lựa, thậm chí với các tay du lịch bụi miền Bắc và miền Trung.
Cầu khỉ gắn với miền Tây sông nước (Ảnh: Phước Tài)
 
 Đang chuyển mình thành đô thị (Ảnh: Phước Tài).
Đến vào mùa nào?
Bạn có thể đến Long An vào bất kỳ tháng nào trong năm.
Lưu trú
Một số khách sạn giá bình dân, dịch vụ tạm ổn bạn có thể ghi nhớ ở Long An là khách sạn Phượng Hoàng, Huỳnh Thảo, nhà nghỉ Công Đoàn. Ngoài ra, người dân nơi đây rất nhiệt tình và hiếu khách nên bạn có thể xin ngủ ở nhà dân, xem như một trải nghiệm thú vị.
Đặc sản Long An
Nhắc đến Long An không thể không nhắc đến những món ăn đặc sản như canh chua cá chốt, cá lóc nướng trui, lẩu mắm, gạo Nàng thơm chợ Đào, rượu đế Gò Đen, thơm Bến Lức, dưa hấu Long Trì, đậu phộng Đức Hòa, mía Thủ Thừa, thanh long Châu Thành…
Nét đẹp vừa thanh bình, vừa hùng vĩ của núi Đất. (Ảnh:longan.gov.vn)
 
Làng cổ Phước Lộc Thọ (Ảnh:longan.gov.vn)
Mang gì khi đến Long An?
Bất kỳ trang phục, giày dép bạn thích.
Mang theo vật dụng đi nắng nếu đến vào mùa nắng và dụng cụ đi mưa nếu đến vào màu mưa.
Mang theo kem chống muỗi, thuốc trị côn trùng, thuốc trị các bệnh thông thường.
Mang theo passport nếu có ý định qua hay tham quan cửa khẩu.
Các cung đường thường gặp
Sài Gòn – Long An – Tiền Giang – Bến Tre
Sài Gòn – Long An – Tiền Giang – Vĩnh Long
Sài Gòn – Long An – Tiền Giang – Vĩnh Long – Bến Tre – Đồng Tháp Mười
Sài Gòn – Long An – Tây Ninh – Đồng Tháp
Huỳnh Hằng
Ảnh: mientay.net, vnphoto
Theo Infonet

Những địa điểm nên đến tại Long An


Vừa mang vẻ đẹp của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vừa có nét duyên của miền Đông Nam bộ, Long An thích hợp cho những cuộc dạo chơi, được đắm mình trong không khí yên bình của làng quê. Dưới đây là tổng hợp những địa điểm nên đến tại Long An.

1. Thắng cảnh Núi Đất
Núi Đất là ngọn núi nhân tạo được đắp vào những năm 1957-1960. Khu di tích Núi Đất nằm ngay trung tâm thị trấn Mộc Hóa, huyện Mộc Hóa. Đến đây, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành, mát dịu. Khu Núi Đất chia thành 3 tiểu đảo.
Những địa điểm nên đến tại Long An 1
Tiểu đảo 1 có núi lớn cao khoảng 10 m, núi nhỏ cao khoảng 5 m với nhiều tảng đá xanh rêu, xen lẫn những cây cổ thụ tỏa bóng mát rượi. Tiểu đảo 2 là một ngọn núi nhỏ được nối với tiểu đảo 1 bằng cây cầu thon dài. Tiểu đảo 3 nằm ở phía trái hồ sen trông như hòn non bộ bằng đá có trồng 2 cây bồ đề. Trong lòng hồ còn có nhà thủy tạ để du khách ngồi hóng mát, tâm tình.
2. Rừng tràm nguyên sinh
Năm 1976 diện tích đất rừng của tỉnh Long An là 93.902 ha, chủ yếu là rừng tràm tạo nên hệ cân bằng sinh thái cho toàn khu vực Đồng Tháp Mười. Năm 1999 diện tích rừng là 37.829 ha, chiếm 8,2% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, tập trung ở các huyện Tân Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ.
Những địa điểm nên đến tại Long An 2
Năm 2000 diện tích rừng là 44.481 ha. Hiện nay tổng diện tích rừng trồng tập trung khoảng 64.462 ha. Rừng tràm nguyên sinh không chỉ đem lại nguồn lợi về tài nguyên rừng, cân bằng hệ sinh thái mà còn tạo giá trị to lớn về phát triển du lịch.
Khu rừng tràm gió nhìn ngút ngàn, bao la những 800ha. Tràm “cajeput”, theo cách gọi của người Đức – nơi xa xôi châu Âu ấy có sản phẩm hương liệu bày bán trên thị trường quốc tế, hít vào thật sảng khoái.
Dọc ngang cơ man là những kênh rạch trong khu rừng, kênh rạch tự tạo, nối nhau thành mạng “huyết quản”, tổng cộng khoảng 4,5km. Giữa rừng có một hồ nước rộng mênh mông đến 100ha, tạo nên một không gian sảng khoái của nước, của gió hòa quyện với nhau.
3. Làng nổi Tân Lập
Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập thuộc xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, cách biên giới Campuchia khoảng 15 km về phía Nam. Với diện tích 135 ha và vùng đệm rộng 500 ha, được quy hoạch kinh phí khoảng 100 tỉ đồng để xây dựng khu du lịch đặc trưng của Long An nói riêng và cả vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười nói chung trong tương lai.
Những địa điểm nên đến tại Long An 3
Dự kiến nơi đây sẽ gồm 11 khu chức năng như khu di trú động vật hoang dã, khu bảo tồn tự nhiên, trung tâm giáo dục môi trường, khu lâm viên, khu nhà nổi... Du khách đến tham quan sẽ được hòa mình vào thiên nhiên đặc thù của vùng sông nước Nam Bộ và những dịch vụ du lịch kỳ thú của làng nổi Tân Lập.
Khu du lịch các công trình (khoảng 5 ha) nhà nghỉ, nhà quản lý bến tàu, bãi đậu xe, các khu công viên, khu bến thuyền. Còn lại là 130 ha rừng tràm, dòng kinh, trong đó có 5 km đường ciment. Khách có thể vào rừng bằng xuồng, hoặc đi bô, nghỉ ngơi, câu cá…
4. Khu Láng Sen
Khu Láng Sen thuộc vùng trũng của Đồng Tháp Mười, có hệ sinh thái đa dạng. Qua khảo sát, vùng Láng Sen có 156 loài thực vật hoang dã, 149 loài động vật có xương sống, trong đó có 13 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam như trăn đất, rắn ráo, chim bạc má, ác là…
Những địa điểm nên đến tại Long An 4
Ngoài động vật, nơi đây còn có thảm thực vật tự nhiên ven sông rạch phong phú. Vào mùa khô, đây còn là chỗ trú ẩn của các loài bò sát: rắn ri, rùa, cua đinh, lươn, cá lóc… Với hệ sinh thái đa dạng, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là một trong những địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn.
5. Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười
Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười cách thị xã Tân An khoảng 50 km, thuộc các huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa và Tân Thạnh. Đây là khu du lịch sinh thái đặc trưng của Long An nói riêng và của Nam Bộ nói chung.
Những địa điểm nên đến tại Long An 5
Ngược dòng Vàm Cỏ Tây, bạn sẽ đến được trung tâm Đồng Tháp Mười. Đến đây, bạn được tận mắt ngắm những cánh rừng tràm bạt ngàn, đầm sen rộng lớn mênh mông đơm bông khoe sắc dưới ánh mặt trời. Không chỉ có vậy, ở đây còn có rất nhiều động vật quý hiếm được bảo vệ như: sếu đầu đỏ, rùa rắn, thú… Cánh đồng có đầm nước mênh mông vô tận nơi đây từng là cảnh quay trong phim “Cánh đồng hoang” nổi tiếng.
6. Làng cổ Phước Lộc Thọ
Làng cổ Phước Lộc Thọ tọa lạc tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với diện tích hơn 30.000 m2, tổng kinh phí đầu tư giai đoạn I là 45 tỷ đồng. Ở đây có khoảng hơn 15 ngôi nhà rường, nhà sàn được đầu tư với sự đam mê sưu tầm đồ cổ, ý tưởng giữ gìn nền văn hóa của làng quê Việt Nam.
Đến đây, bạn sẽ có kỳ nghỉ trọn vẹn khi được hòa mình với thiên nhiên, chiêm ngưỡng kiến trúc xưa của những ngôi nhà cổ, các đường nét chạm trổ tinh tế trên chiếc Long Sàn của Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương… Bạn sẽ có được những phút giây thư giãn thật sảng khoái khi dạo quanh khu vườn nơi đây.
Phương Thảo (tổng hợp)

Khám phá ngôi chùa độc nhất vô nhị ở đất Sài thành


(Nguoiduatin.vn) - Nằm tọa lạc tại đường Đỗ Năng Tế, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM, chùa Huệ Nghiêm được nhiều người biết đến với những kiến trúc nghệ thuật độc đáo.
Chùa Huệ Nghiêm là nơi lưu giữ nhiều kỉ lục Việt Nam như bộ cửa bằng gỗ lim khắc nổi Bát Bộ Kim Cương và Thập Nhị Địa Chi Thần lớn nhất, pho tượng phật A Di Đà cao 8 mét, nặng 16 tấn được chế tác từ nguyên khối gỗ giáng hương bông lớn nhất. Đặc biệt nhất là hai bộ kinh phật giới Kinh Tỳ Kheo và kinh Phạm Võng được dát vàng lóng lánh, nguy nga.
Ngôi chùa độc nhất vô nhị Sài thành
Chạy dọc theo theo đường Kinh Dương Vương hướng thẳng ra đại lộ Đông Tây, chúng tôi tìm về chùa Huệ Nghiêm, ngôi chùa được xem là rộng và độc đáo nhất Sài thành. Vừa tới cổng chùa chúng tôi đã hết sức ngạc nhiên bởi quang cảnh rộng lớn và nguy nga bởi những Tháp bảo cao lớn với nhiều kiến trúc đền đài tuyệt đẹp. Với diện tích 29000 m2, chùa Huệ Nghiêm sở hữu nhiều nét độc đáo hiếm có nhất của một ngôi chùa được mệnh danh là độc nhất Sài thành.
Tượng phật A Di Đà được chế tác từ loại gỗ quý giáng hương bông, cao lớn kỷ lục
Chùa Huệ Nghiêm do Hòa thượng Thích Thiện Hòa khai lập vào ngày 11/11/1962. Hòa thượng sinh năm 1907, người làng Tân Nhựt (Chợ Lớn), xuất gia thọ giới tổ Khánh Hòa tại Phật học đường Lưỡng Xuyên (Trà Vinh) vào năm 1935. Sau đó, ngài theo học nhiều Phật học đường ở miền Trung và miền Bắc từ năm 1936 đến 1948. Ngài là một danh tăng lỗi lạc của Việt Nam về truyền giới, kiến thiết và trước tác. Hòa thượng Thích Thiện Hòa viên tịch ngày 7/2/1978.
Với tổng thể kiến trúc độc đáo, chùa Huệ Nghiêm đang xây dựng khu Giới Đài, đây là một quần thể kiến trúc hình chữ Sơn độc đáo, bao gồm nhiều hạng mục trang nhã. Ngự trên cổng tam quan là vị Hộ Pháp, hai bên cổng là hai câu đối ý nghĩa cao sâu, huyền bí được chạm khắc trực tiếp lên cột gỗ, các chữ được dát vàng lóng lánh. Bên trong có tượng phật Tỳ Lô cao 2,3m, nặng 1,8 tấn ngự trên đài sen có 200 cánh, mỗi cánh sen có khắc nổi hình đức phật Thích Ca. Tam thân phật tựa lưng nhau hướng ba cõi, cao 2,1m nặng gần 7 tấn. Gồm cả bốn bức tượng phật được nâng bởi đài sen cao 2,2m, nặng 2 tấn, trên đó có 1.000 cánh sen, trên mỗi cánh cũng khắc nổi hình phật Thích Ca. Các tượng phật và đài sen đều được tạo tác từ những khối gỗ nguyên (gõ đỏ) nhập từ Nam Phi. Giới Đài là nơi thụ giới, tu học của người xuất gia, là quần thể gồm nhiều hạng mục, trong đó có Sám Hối đường là một ngôi kiến trúc với chiều cao 21m, chiều dài 34m và chiều rộng 20m. Theo Hòa thượng Thích Minh Thông, phó Tăng sự Trung ương, phó Trụ trì chùa Huệ Nghiêm, người đặc trách khu Giới Đài cho biết: "Khu Giới Đài là nơi thụ giới, tu học, nghiên cứu sâu và hành trì giới luật đúng mực theo tinh thần của người xuất gia. Đặc biệt, Giới đài được xem là nơi nghiên cứu, truyền dạy và đào tạo nên những bậc làm thầy chuyên về gìn giữ giới luật đầu tiên ở nước ta".
Bên trong Sám Hối đường thờ tượng tôn trí Cửu Thể Di Đà tượng trưng cho chín phẩm. Cửu Thể Di Đà gồm có 9 pho tượng Đức Phật A Di Đà, trong đó có 8 pho tượng bằng gỗ, mỗi tượng cao 3,6m, nặng 2 tấn đặt dọc theo Sám Hối đường và một tượng Đức Phật A Di Đà đặt ở chính giữa cao 8m, nặng 16 tấn. Đặc biệt, pho tượng này được tạo tác từ nguyên một khối gỗ có đường kính 2,6m mà tuổi thọ có thể lên đến cả ngàn năm tuổi. Cả 9 pho tượng Cửu Thể Di Đà đều được tạo tác từ gỗ Giáng Hương bông. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện, Thượng tọa Thích Minh Thông - Phó trụ trì chùa Huệ Nghiêm thường xuyên gặp gỡ  nhóm thợ nhằm truyền đạt ý tưởng về một bảo tượng Đức Phật A Di Đà. Nhờ vậy, những người thợ đã lĩnh hội để thể hiện nên sự trang nghiêm, từ bi của Đức Phật A Di Đà và phảng phất đường nét Việt trên khuôn mặt của Ngài.
Nơi lưu giữ nhiều kỉ lục Việt Nam độc đáo
Ngoài hai bộ kinh được dát vàng và áp trên tường, chùa còn giữ hai kỷ lục Guinness Việt Nam, chùa còn sở hữu bộ cửa bằng gỗ lim khắc nổi Bát Bộ Kim Cương và Thập Nhị Địa Chi Thần lớn nhất và pho tượng phật A Di Đà cao 8 mét, nặng 16 tấn được chế tác từ nguyên khối gỗ giáng hương bông lớn nhất. Pho tượng Đức Phật A Di Đà này được thực hiện từ tháng 2/2007 đến tháng 10/2008 và được tôn trí vào ngày 28 tháng chạp năm Mậu Tý (11/2/2009) trong Sám Hối đường thuộc khuôn viên Giới Đài của chùa Huệ Nghiêm.
Hai bộ kinh được dát vàng là Giới Kinh Tỳ Kheo và bộ kinh Phạm Võng. Giới Kinh Tỳ Kheo được chạm khắc tinh tế trên đỉnh mái vòm của đức phật Tỳ Lô. Có đến 5.400 chữ của 250 Giới Kinh Tỳ Kheo được dát vàng 24k. Còn bộ kinh Phạm Võng được áp trên bốn mặt tường bao quanh Giới Đài, có tổng cộng hơn 16.000 chữ của bộ kinh Phạm Võng được khắc vuông vắn, đều đặn, hàng lối ngay ngắn. Các chữ đều được dát vàng 24k tươi sáng, nét chữ hài hòa, trang nhã. Còn Phật đài ngự trên bậc tam cấp vòng thành xây từ đá hoa cương. Trên mỗi bậc tam cấp đều chạm nổi hình Hộ Pháp. Tổng cộng có 72 vị Hộ Pháp được chạm khắc tinh tế, đường nét thanh thoát, uy nghi, mỗi vị mỗi vẻ...
Khu vực Chánh điện chùa Huệ Nghiêm được bài trí hết sức tôn nghiêm, trầm mặc. Chính giữa tôn trí bộ tượng Thích Ca Tam Tôn (Phật Thích Ca, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền), ở phía trước điện thờ là thờ ba vị. Bên phải chánh điện là tượng Địa Tạng, còn bên trái là tượng Quan Âm. Trước hai tượng Địa Tạng và Quan Âm cũng ở hai góc bên trái, bên phải là hai tượng Hộ Pháp. Đặt trước chánh điện là tượng Di Lặc. Tất cả đều bằng gỗ. Có tượng bằng gỗ gõ đỏ, có tượng bằng gỗ giáng hương bông, có tượng bằng cây xuyên mộc đều được tạo tác ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Những người Phật tử bước vào chiêm bái nếu để ý sẽ nhận ra nét hoành tráng và đặc thù của bộ cửa mở vào chánh điện. Bộ cửa này dài 15,2m, cao 3,2m được làm bằng gỗ Lim (một loại thiết mộc) gồm 20 tấm. Trong đó, mỗi tấm cao 3,2m, ngang 0,76m.
Ở giữa Chánh điện thờ Thích Ca Tam Tôn, gồm Phật Thích Ca (cao 4,7m, nặng 9 tấn ), Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát (mỗi tượng cao 3,6m và nặng 5 tấn). Tượng Phật Thích Ca rộng mở, đại chúng giữa khu hoa viên xanh mát, thơ mộng (Bức tượng do Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn chế tác)  Tất cả các tượng được tạo tác từ các loại gỗ quý nguyên khối như: Giáng hương bông, gõ đỏ, xuyên mộc.
Ngoài ra, chùa còn có bộ cửa được chạm khắc rất điêu luyện, đường nét công phu, chi tiết và sống động, nhìn vào rất có hồn khí, kỳ ảo. Sách Kỷ lục Guinness Việt Nam đã công nhận bộ cửa bằng gỗ lim khắc nổi Bát Bộ Kim Cương và Thập Nhị Địa Chi Thần là lớn nhất Việt Nam. Phía hai ô cửa nằm về bên phải và bên trái của bộ cửa gồm 8 tấm khắc nổi Bát Bộ Kim Cương thì 12 tấm nằm nơi 3 ô giữa lại khắc nổi 12 vị thần biểu trưng cho Thập Nhị Địa Chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. 8 vị Kim Cương và 12 vị thần này được những người thợ khắc nổi ngay chính giữa của từng tấm với chiều cao 1,06m, ngang 0,45m. Bộ cửa bằng gỗ Lim này được những người thợ thực hiện trong năm 2005 tạo nét điêu khắc công phu, điêu luyện, độc đáo nơi cửa Phật.
Nơi giúp tâm thanh tịnh, từ bỏ bến mê
Sau Giới Đài là khu Tịnh Nghiệp đường. Theo hòa thượng Thích Minh Thông, Tịnh Nghiệp đường là nơi chư tăng, chúng sanh sám hối về tội lỗi mình đã gây ra, từ đó giúp thân tâm thanh tịnh, rời bỏ bến mê quay về bờ giác... Bên trong Tịnh Nghiệp đường có Cửu thể Di Đà, tượng trưng cho chín phẩm của người tu Tịnh Độ được vãng sanh về thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà. Cửu thể Di Đà có 8 pho tượng cao 3,6m, nặng 2 tấn được đặt dọc hai bên gian phòng Tịnh Nghiệp đường và 1 pho tượng phật A Di Đà cao 8 mét, nặng 16 tấn được chế tác từ nguyên khối gỗ đường kính 2,6m và tuổi thọ có thể lên đến ngàn năm. Đây là pho tượng được sách Kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là pho tượng phật A Di Đà bằng gỗ cao lớn nhất Việt Nam.
Mai Phong

Kỳ lạ ngôi chùa nổi trong mùa lũ


(Nguoiduatin.vn) - Nằm trên một gò cao thuộc ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, chùa Nổi Cổ Sơn Tự (còn gọi là chùa nổi) chưa khi nào vắng khách dù ở tận vùng sâu giáp biên giới Campuchia.
Người ta đến đây không chỉ để chiêm ngưỡng một ngôi chùa cổ có niên đại gần 200 năm mà còn để tìm hiểu về ngôi chùa với kỳ tích được lưu truyền trong dân gian, qua bao mùa lũ đỉnh cao, chùa vẫn không bao giờ bị chìm chân dưới nước.
Hàng trăm năm là nơi tránh lũ
Xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng nằm ở vùng sâu là rốn lũ của Đồng Tháp Mười, hàng năm chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt. Mùa nước nổi ở Tuyên Bình, Vĩnh Hưng thường bắt đầu vào khoảng tháng 6 và kéo dài đến tháng 11 âm lịch. Khi ấy bốn bề trắng nước. Chùa nổi Cổ Sơn Tự nằm bên sông Vàm Cỏ Tây, phía sau là cánh đồng mênh mông, trải dài tít tắp. Dừng lại hỏi người phụ nữ đi làm đồng về qua chùa , chị  vui vẻ chỉ về phía cầu treo cao chót vót nói thêm: "Năm nay nước chưa dâng cao lắm, người dân còn qua chùa bằng đường bộ được. Vào những mùa lũ đỉnh cao, muốn qua chùa chỉ còn cách bắt xuồng, ngồi ghe thôi".
Toàn cảnh chùa Nổi nhìn từ bên kia sông.
Chùa Nổi không lớn, kiến trúc đơn giản, với một gian chính điện và một số điện thờ nằm ở phía ngoài. Bao quanh là những tán cây cổ thụ cao vút và vô số cỏ cây, hoa lá xanh mướt. Nơi đây được coi là chốn linh thiêng của đời sống tín ngưỡng, tâm linh mang đậm nét văn hóa cổ xưa. Cùng với chùa Gò Ô ở Hưng Điền A, chùa Nổi Cổ Sơn Tự là một trong những di tích tại Long An mang đậm nét "Văn hóa Rạch Núi" của cộng đồng cư dân nông nghiệp lâu niên ở Nam bộ.
Một số tài liệu viết rằng chùa được xây dựng vào năm 1823, do thiền sư Thiện Nhiêu tạo dựng. Sư trụ trì hiện nay của chùa là sư thầy Thích An Phát cho biết: "Tính đến nay chùa đã tồn tại khoảng 250 năm. Tôi cũng không rõ chùa được dựng vào năm nào. Trải qua thời gian và hai cuộc chiến tranh ác liệt, chùa đã bị hư hỏng nặng. Ngôi chùa hiện tại được sửa chữa lại và xây dựng thêm vào năm 1985".
Chúng tôi hỏi sư thầy về câu chuyện dân gian tương truyền rằng, vào mùa nước lũ, cứ nước dâng đến đâu, ngôi chùa này lại nổi lên đến đó, không bao giờ ngập nước. Thầy Thích An Phát kể: "Tôi cũng không biết ngôi chùa này có nổi lên theo nước lũ hay không. Nhưng tôi đã tu tại chùa này khi còn là một thanh niên trẻ, tới nay đã gần 30 năm. Có những năm nước ròng lên đến đỉnh điểm, bốn bề trắng nước, thì ngôi chùa này vẫn không hề bị ngập. Khi ấy, nơi đây trở thành nơi chạy lũ của bà con quanh vùng".
Thầy trụ trì còn kể thêm một câu chuyện lưu truyền lại trong dân gian: 300 năm trước, nơi đây chỉ là một cái gò đất nổi lên giữa một bên là cánh đồng, một bên là dòng sông Vàm Cỏ Tây hoang vắng. Lũ trẻ chăn trâu thường chọn cái gò đất này làm nơi dừng chân, nô đùa cùng nhau. Chúng đào những chỗ đất ướt trên gò nhào nặn thành hình những ông tượng để chơi. Nhiều khi mải chơi quá mà bỏ quên cả bầy trâu. Cha mẹ bọn trẻ giận quá mới đem những bức tượng đất quăng hết xuống sông Vàm Cỏ Tây. Nhưng có điều lạ là những tượng đất này không chìm mà nổi trên mặt nước. Dân làng thấy vậy cho đây là chốn lạ lùng, linh thiêng mới lập nên một ngôi chùa để quanh năm thờ phụng, cầu nguyện.
Ra đến cổng, chúng tôi gặp một ông lão dừng chân tránh nắng nơi bóng cây trước cổng chùa, tên Hai Chiến. Ông Chiến kể, ông sống ở vùng này đã hơn 60 năm. Năm nào vùng này cũng trắng xóa nước vào mùa nước nổi. Những năm gần đây, cuộc sống khá hơn, một số bà con đã có điều kiện nâng nền nhà mình lên cao hơn tránh lũ. Còn những năm trở về trước, mỗi khi lũ về gần như nhà nào cũng bị ngập, phải chạy lũ cực lắm. Bà con thường tìm đến chùa này xin tránh lũ. Thật kỳ lạ, ngôi chùa này nói là cao, nhưng cũng chẳng cao hơn xung quanh bao nhiêu. Vậy mà nước lũ có lên đến đâu cũng không bao giờ dâng được vào chùa".
Quan sát thì thấy, đúng là ngôi chùa này nằm trên một cái gò chỉ cao hơn so với xung quanh chút ít. Nhất là so với cây cầu treo chót vót, cao hơn mặt sông chừng 2- 3mm, bắc ngang sông Vàm Cỏ Tây, thì đứng ở chùa chỉ có thể ngước mặt mà nhìn lên. Ấy vậy nhưng vào mùa nước nổi, người ta vẫn không qua sông bằng đường bộ được, mà chỉ có thể ngồi xuồng, ghe mà qua chùa. Bởi vì khi ấy, con đường dẫn vào chùa sát ven sông bị ngập nước không còn lối đi. Phải chăng, điều này mãi mãi là một sự huyền bí chưa có lời giải đáp của ngôi chùa nằm trên gò nổi thiêng của miền đất Phật độ?
Nơi thề nguyền kết tóc se duyên
Chùa Nổi không chỉ được biết đến là nơi cầu nguyện đức Phật độ trì, mà còn là nơi để thề nguyền trăm năm hạnh phúc của các đôi lứa yêu nhau. Dừng xe ở quán nước đầu đường quốc lộ có bảng chỉ dẫn lối vào Cổ Sơn Tự, chị chủ quán hay chuyện cười mà rằng: "Chùa Nổi này không chỉ nổi tiếng bởi cứ nước lũ lên tới đâu là nổi lên tới đó mà đó còn là nơi các đôi uyên ương tìm đến thề nguyện cùng nhau đến răng long đầu bạc". Chúng tôi hỏi sao họ lại chọn ngôi chùa Nổi này làm nơi thề nguyện, chị chủ quán cho biết: "Thì khắp vùng này ai chẳng biết chùa Nổi linh thiêng. Muốn tìm một nơi chứng giám cho tình yêu của mình, họ tìm đến đây để thề nguyền với ước nguyện trời phật sẽ độ trì cho tình yêu của họ bền vững. Lâu dần nó thành cái lệ cho những người đến sau".
Chúng tôi chào chị, rồi rẽ vào con đường rải đá theo bảng chỉ dẫn đi vào. Hai bên là cánh đồng lúa chín vàng sắp vào mùa gặt. Tới cuối đường là con sông Vàm Cỏ Tây, nhìn qua bên kia sông là ngôi chùa Nổi thấp thoáng sau bóng cây, rẽ trái là đường dẫn tới cây cầu qua bên kia sông.
Nói chuyện với thầy trụ trì Thích An Phát, khi chúng tôi hỏi về chuyện các đôi lứa yêu nhau đến đây thề nguyền, thầy cười và nói: "Phật tử đến viếng chùa rất đông, trong đó cũng có những đôi lứa yêu nhau đến thắp hương cầu nguyện. Điều này không liên quan đến chuyện linh thiêng hay không linh thiêng ở chùa. Tới chùa, chỉ cần lòng mình thành tâm thì ắt sẽ có phúc mà thôi".
Khi chúng tôi ra về, trời nổi cơn giông gió, báo hiệu một cơn mưa sắp tới. Chùa nằm kế bên sông, lại giáp cánh đồng nên gió thổi mạnh, lá cây bay từ phía. Vừa có một đoàn khách từ phương xa tới khiến chùa lại rộn lên, xôn xao tiếng nói cười và mùi hương trầm thoảng bay trong không khí. Ai đó vừa gióng lên những tiếng chuông chùa, ngân vang một khúc sông Vàm Cỏ Tây mênh mông nước.. Nhiều người đến nơi đây còn được nghe một câu nói vui: "Muốn nổi thì phải đi chùa Nổi vào mùa nước nổi". Bởi khi ấy giữa bốn bề là nước, chùa Nổi bật lên giữa những tán cây cổ thụ cao ngất, xanh rì. Muốn tới chùa, thì chỉ còn cách ngồi xuồng mà đi qua sông.
Có lịch sử từ hơn trăm năm Cổ Sơn Tự mang trong mình những điều ly kỳ, linh thiêng lưu truyền đời này qua đời khác mà không thể kiểm chứng. Chỉ có những người dân bám đất tại ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình này vào mỗi mùa nước nổi, lại chứng kiến ngôi chùa cổ nhô cao giữa mênh mông nước như một ngọn núi, thách thức những con nước lũ dâng cao của vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười này.
Cổ Sơn Tự còn là di chỉ khảo cổ học bởi nhiều hiện vật thời tiền sử đã được tìm thấy tại đây. Năm 2002, những nhà khảo cổ đã thu nhặt được nhiều di vật liên quan đến kiến trúc cổ thuộc văn hóa Óc Eo như gạch xây dựng, diềm ngói, đầu ngói búp sen và nhiều mảnh gốm. Trong đó, có phần đế của một tượng Phật tham thiền bằng sa thạch, hình tròn, màu xanh lục, được phủ một lớp patine mỏng màu xám nâu, vốn rất quen thuộc trong nhiều di tích thuộc văn hóa Óc Eo. Gò Chùa Nổi được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An công nhận là di tích lịch sử - văn hóa vào năm 2004.
Hương Lam

Bí ẩn ngôi chùa cổ và kho báu ở Động Nham Hao


(Nguoiduatin) - Theo lời kể của người dân xã Lạc Vân (huyện Nho Quan - Ninh Bình), động Nham Hao mới được phát hiện có chiều dài khoảng 3 km nằm dưới lòng núi. Bên trong có một ngôi chùa cổ và 5 tấm bia được khắc trên vách đá bằng loại hán tự chưa rõ niên đại.
Truyền thuyết ngôi đền cổ
Đã nghe nhiều về những di tích ở Cố Đô Hoa Lư – Ninh Bình, nhưng khi có được thông tin tại huyện Nho Quan người dân vừa phát hiện được một hang động thuộc loại đẹp nhất miền Bắc, có thể được ví với Phong Nha – Kẻ Bàng. Chúng tôi đã quyết định về đây để xem thực hư thế nào. Lạ nước, lạ cái chúng tôi đành ghé qua UBND xã để nhờ người dẫn đường. Thật trùng hợp khi đề cập chuyện muốn tìm hiểu về vấn đề trên, anh Quách Văn Thái công an viên xã Lạc Vân đã đồng ý dẫn đường cho chúng tôi.
Theo anh Thái, hang động mà chúng tôi muốn tìm hiểu có tên là động Nham Hao, đường vào thạch động quanh co phức tạp theo những dải núi đá vôi treo leo và vách núi dựng đứng nếu không phải người địa phương chắc chắn không thể vào động được.
Anh Thái còn cho biết muốn vào được bên trong cần phải qua cửa hang chính bằng thuyền bơi trên hồ rộng khoảng 1 sào rồi cứ theo hướng nước bơi thuyền vào động. Vì là người thông thạo địa hình nên chẳng mấy chốc anh Thái đã đưa chúng tôi vào bên trong hang động.
Những người đi trong đoàn không khỏi trầm trồ bởi vẻ đẹp thiên nhiên vô cùng tráng lệ nơi đây. Phía trong động là những nhũ đá có hình thù kỳ dị voi chầu, hổ phục, ao cá đồng lúa, nương dâu, rồng cuộn nước, rồng vàng ấp tổ trong hang, tượng phật tổ như lai, có chỗ lô nhô như ngàn lớp sóng, vân nhũ đá như những đám mây ngũ sắc…. Ở phía dưới còn có một vị trí nước sâu và trong vắt người ta gọi là ao cá không đáy tạo nên một bức tranh thủy mặc vô cùng hùng vĩ.
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” (trang 242) có ghi về động Nham Hao như sau: “Núi Tam Động ở cách huyện Yên Hóa 8 dặm về phía Nam gần sát bờ sông, có ba động đá: Một là động Nham Hao (nay gọi là động Ngọc Cao) ở địa phận xã Phục Cổ (nay là xã Lạc Vân) rộng chừng 9 trượng. Dưới động có nước khe chảy thông đến ao cá ở đằng sau động, ao rộng một sào, có nước trong, bên cạnh có đền thờ Tam Phủ, trên đỉnh có một pho tượng đá, người địa phương gọi là Phật Cao Sơn.
Hai là động Phục Cổ và Hiền Quan, chỗ đi vào mở thành hai cửa, giữa rộng 8 trượng, có đá sỏi tròn trĩnh nhỏ bé như hình viên thuốc, người địa phương dùng để chữa bệnh, cũng có công hiệu; lại có một đường nước khe, chảy quanh co từ động Nham Hao suốt đến động Bạch. Ba là động Bạch ở địa phận xã Hiền Quan trong động rộng hơn 10 trượng, đường đi từ động Quang vào, hai bên chập chồng lớp đá, phân nhiều thành hình muông thú, đằng sau có thạch nhủ rũ xuống sâm si; một dải nước khe quanh co từ động Nham Hao chẩy đến sắc nước trong suốt”.
Tương truyền năm Tự Đức thứ 2 (1849) có viên quan tri huyện Yên Hóa tên là Phạm Văn Thể đã đến đây du sơn ngoạn thủy. Trong lúc tuần du ông nhìn thấy có một dáng Tiên cùng với đám mây ngũ sắc thoát ra từ cửa động Nham Hao (tức động Ngọc Cao). Biết nơi đây có thần linh chế ngự, khi lại gần cửa động ông thấy trên các nhũ đá có nhiều hình hài giống như hình gót chân tiên, đoán đây là một vùng đất linh thiêng nên viên tri huyện đã tự cắt bớt bổng lộc của mình giao cho sở thuộc, khởi công sữa chữa bên trong hai động đặt nơi thờ cúng, xây dựng tòa sen, đắp tượng Phật, làm nơi thờ Thần Thánh gọi là chùa trong, chùa ngoài.
Cùng với chùa trong ở động Ngọc Cao xếp đặt thành 3 chùa sửa sang xong các người ở Hiền Quang cúng một số ruộng ngay trước cửa chùa gồm 21 mẫu để làm ruộng chùa.
Theo ông Vũ Văn Vượng, chủ tịch UBND cho biết, lúc đang còn là học sinh nghe truyền lại từ những người già trong làng thì khoảng trước năm 1978 có hai nhà sư tên là Thích Đàm Liên và một người nữa thì chưa rõ danh tính đã từng sống và tu tại đây. Sau này khi nơi đây thường xuyên xảy ra lụt lội nên hai vị sư đã chuyển về một ngôi chùa ở TP Ninh Bình và viên tịch ở đó. Mặc dù chùa Tam Phủ đã không còn do mưa nắng, lụt lội đã phá hủy. Thêm vào đó là thời gian quá lâu mà không được bàn tay con người chăm chút và tái tạo.
Thực hư kho báu ngàn năm
Do tài liệu viết về động Nham Hao này còn quá ít ỏi, phần lớn những câu chuyện được đề cập ở đây đa phần được chắp nối từ những nhiều nguồn tài liệu và lời kể của những bậc cao niên. Trong hàng trăm câu chuyện và những dấu ấn về động Nham Hao gắn liền với những sự tích tượng phật bằng đá. Ngoài ra còn có một câu chuyện được người dân kể lại rằng: Tại đây ngoài những thạch động mới được khám phá thì phía trên nửa lưng chừng dãy núi còn có một thạch động nữa mà trước kia là nơi giặc tàu cất giấu kho báu.
Cũng theo lời kể khoảng năm 1960 có một đoàn người lần theo bản đồ cổ tìm đến đây hỏi thăm xong rồi bỏ đi. Sau đó ít hôm người ta phát hiện có dấu vết dùng thang tre leo lên cửa động và chỉ thấy vết đi vào mà không có dấu trở ra. Có người phỏng đoán có thể động này được thông ra ngoài cùng với một động phía sau núi mà không ai biết. Cũng có người cho rằng do tham tâm nhóm người này đã lấy trộm kho báu của thánh nên đã bị trừng phạt không có đường trở ra.
Về câu chuyện đượm màu thần bí này ông Vũ Văn Vượng cho biết: “Động Nham Hao là thạch động mới được người dân phát hiện cách đây không lâu. Hang có nhiều động lớn ước độ dài khoảng 3km nằm sâu trong lòng núi và có nước do đó mà hàng trăm năm qua người dân ít ai biết đến sự bí ẩn của nó. Hiện nay lãnh đạo xã đang tìm lại một số nguồn tài liệu có ghi chép lại những sự tích và một số câu chuyện còn tương truyền trong dân gian”.
Tuy nhiên theo ông Vượng câu chuyện bí mật về kho báu thì việc này chưa có cơ sở xác định, có thể đây chỉ là sự đồn thổi và phỏng đoán của người dân chứ thực sự không có căn cứ. Tuy nhiên trên nửa lưng chừng núi ngay ở vách đá dựng đứng cách cửa hang chính khoảng 15m có một cửa động nữa là có thật chỉ có điều với những khả năng của người dân địa phương thì không ai có thể leo lên trên đó để xác minh thực hư được.
                                                                             Kiều Vượng

Đón khách du lịch giữa rừng sâu


(Dân Việt) - Điều khiến chúng tôi tò mò là giữa núi rừng đại ngàn ấy lại hiện diện những ngôi nhà sàn khang trang với đủ tiện nghi theo mô hình du lịch tại vườn.

Trong khi ở một số địa bàn có rừng đặc dụng, người dân đang quay lưng lại và tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, thì một bộ phận người dân vùng đệm ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa) đã biết cách dựa vào rừng để thu lợi ích qua hình thức tổ chức du lịch cộng đồng.
Bản Hiu (xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) có 30 hộ dân tộc Thái, nằm lọt thỏm giữa một thung lũng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Điều khiến chúng tôi tò mò là giữa núi rừng đại ngàn ấy lại hiện diện những ngôi nhà sàn khang trang với đủ tiện nghi theo mô hình du lịch tại vườn.
Mọi kiến trúc và hạ tầng, từ nhà nghỉ, khu vệ sinh đến các vật dụng sinh hoạt dành riêng cho khách đều được làm từ nguyên vật liệu thiên nhiên. Và những chủ nhà nghỉ ở đây không ai khác chính là những người dân bản chân chất, vốn quen với việc hàng ngày lên nương, rẫy.
Mô hình du lịch sinh thái đã giúp cho người dân ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có thu nhập ổn định, không còn đi phá rừng.
Chị Vàng Thị Đạo - chủ một nhà nghỉ, đồng thời là cán bộ phụ nữ bản Hiu cho biết: “Trước đây, để có cái ăn, người dân trong bản chỉ biết cách vào rừng chặt phá hoặc săn bắn động vật. Nhưng giờ đây, chúng tôi biết xây dựng mô hình đón tiếp khách du lịch tại nhà, được hỗ trợ vốn để xây dựng khu vệ sinh, mua sắm một số trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt phục vụ du khách. Bà con không chỉ nấu ăn mà còn làm hướng dẫn viên du lịch, tuyên truyền giới thiệu về rừng nguyên sinh”.
Hiện nay, tại khu bảo tồn đã có 23 nhà nghỉ tại 7 thôn, bản theo mô hình du lịch cộng đồng. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 4.000 du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ mát tại đây. Điều đáng nói là các hộ gia đình này tự nguyện trích 10.000 đồng/khách cho quỹ cộng đồng thôn, bản theo hình thức chia sẻ lợi ích. Năm 2011, mô hình du lịch cộng đồng này đã quyên góp được trên 50 triệu đồng, dùng hỗ trợ, giúp đỡ cho học sinh nghèo vượt khó và cho hội viên vay phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với hàng nghìn ha rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ, hệ động, thực vật phong phú, nhiều khe suối, thác đẹp... được xem là nơi lý tưởng để phát triển các hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng, nghỉ dưỡng.
Đến với Pù Luông, du khách không chỉ được tận hưởng thiên nhiên thơ mộng mà còn được biết nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây qua các bài hát, điệu múa sạp truyền thống, dệt thổ cẩm…
Ông Đỗ Ngọc Dương – Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Phó Chi hội du lịch sinh thái Pù Luông cho biết: “Tại các thôn bản làm du lịch, số vụ vi phạm tài nguyên rừng thấp hơn so với thôn bản khác. Cái đạt được lớn nhất trong phát triển du lịch sinh thái Pù Luông, là những người làm du lịch trực tiếp nâng cao thu nhập, từ đó giảm áp lực trong công tác bảo tồn”.