Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

NHÀ GỐM ĐI VĂNG GỐM


Sống trên vùng tài nguyên đất sét dồi dào, với đầu óc tinh nhạy, ông Nguyễn Văn Buôi, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Tân Hiệp Phát II (ấp Thanh Mỹ 2, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), đã mạnh dạn sáng tạo, sản xuất ra những sản phẩm gốm đỏ "không giống ai" có giá trị kinh tế cao.
Cô Nguyễn Yến Nhi giới thiệu bức tranh bằng gốm giả đồngCô Nguyễn Yến Nhi giới thiệu bức tranh bằng gốm giả đồng
Vĩnh Long là một tỉnh có nguồn tài nguyên đất sét dồi dào, bắt đầu hình thành nghề gốm đỏ vào năm 1993, phát triển trên nền sản xuất gạch ngói đã có khoảng 150 năm tuổi. Năm 1997, sản phẩm gốm đỏ của Vĩnh Long đã được xuất khẩu, từ đó hình thành những làng gốm tập trung ở các phường, xã dọc bờ sông Cổ Chiên như: phường 5 (thị xã Vĩnh Long), xã Thanh Đức (huyện Long Hồ), xã Mỹ An, Mỹ Phước, Chánh An (huyện Mang Thít).
Ngoài tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động, những làng gốm này còn phát triển vận tải thuỷ bộ, làm bao bì, khuôn mẫu. Được vậy là nhờ đất sét ở đây bị nhiễm phèn, khi qua lửa nung sẽ cho ra một loại gốm không men có nhiều sắc độ "lạ kỳ". Những bình, những chậu, những con vật bằng gốm đỏ đặc sắc đó đã đi tới nhiều nước châu Âu, đem ngoại tệ về.
Đáng chú ý trong số những sản phẩm gốm đỏ độc đáo có bộ sản phẩm ngôi nhà gốm của doanh nghiệp tư nhân Tân Hiệp Phát II.
Đó là một ngôi nhà thật sự được làm toàn bộ bằng gốm. Đầu tiên là dãy hàng rào. Trụ rào nào cũng có hoa văn màu đỏ. Còn tường rào thì trang trí bích hoạ gốm đỏ mỹ thuật. Trong nhà, những rui, mè, kèo, cột, đòn dông, mái nhà cũng đều bằng gốm đỏ.
Để nhà gốm hoàn chỉnh từ trong ra ngoài, ông Buôi đã kết hợp với một số hoạ sĩ tạo hình những tác phẩm gốm trang trí nội thất như bộ bốn bức tranh liên hoàn thể hiện bản đồ Việt Nam cùng ba cô gái Bắc – Trung – Nam, bức tranh gốm về hồng hạc, tác phẩm gốm tường tái hiện thời khẩn hoang của vùng Nam bộ…
Ngôi nhà gốm do Tân Hiệp Phát II thiết kếNgôi nhà gốm do Tân Hiệp Phát II thiết kế
Thực ra, nhà gốm là ý tưởng của ông Nguyễn Cửu Hương, em út ông Buôi. Cô Nguyễn Yến Nhi, con gái ông Buôi, Phó giám đốc doanh nghiệp, cho biết năm 2007 chú cô là ông Nguyễn Cửu Hương, chủ lò gốm Tân Hiệp Phát, qua đời. Lúc đó cha cô, người anh thứ tư, đã nối tiếp và phát huy sự nghiệp dang dở của em mình.
Ông Nguyễn Cửu Hương là người con út trong số chín người con của ông Nguyễn Văn Chỉnh (ấp Cái Kè, xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít), gia đình sống bằng nghề lò gạch truyền thống. Ông Hương là người có sáng kiến mời hoạ sĩ, nhà điêu khắc thiết kế những mẫu mã, sản phẩm mới, cho làng gốm đỏ Vĩnh Long, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.
Một lần, ông Hương nghĩ để cha mình có thể thư giãn tuổi già với bạn bè bên chung trà, chén rượu, nên quyết tâm làm ngôi nhà mát bằng gốm (một dạng nhà không có tường che dùng để hóng mát, thư giãn). Ông bắt tay thực hiện ý tưởng này vào năm 2001, tất cả đều bằng gốm ngoại trừ rui, mè… vì chưa nắm bắt hết kỹ thuật.
Càng về sau, các căn nhà mát bằng gốm càng có diện tích lớn và kết cấu phức tạp, khắc phục được nhược điểm rui, mè, cột, kèo… xi măng cốt thép bằng cách phủ gốm bên ngoài. Nhờ vậy mà ông đã bán được bốn ngôi nhà mát bằng gốm. Sản phẩm này đã có mặt tại TPHCM. Bên cạnh đó, ông còn cho làm bàn trà (mặt bàn đúc bằng mặt đá nhân tạo) cùng bốn chiếc đôn bằng gốm đỏ để chủ nhân nhà gốm tiếp khách. Giá bàn trà là 1,8 triệu đồng/bộ.
Cũng giống như em mình, ông Buôi đã kết hợp với các hoạ sĩ để thể hiện ý tưởng của mình thành những tác phẩm gốm đỏ "không giống ai". Các sản phẩm gốm đỏ rất được thị trường các nước như Đức, Úc… ưa chuộng, nhất là những mặt hàng gốm mang tính mỹ thuật, thể hiện những nét văn hoá vùng đồng bằng sông Cửu Long. Và ông Buôi đã cho ra đời những bức tranh gốm giả đồng, gốm giả sơn mài… Những bức tranh bát tiên, hồng hạc, lễ hội dân tộc, mùa xuân… sau khi nung đã được phủ lớp mạ đồng, hoặc phủ lớp bột, lớp sơn nước rồi mài như thao tác làm sơn mài. Tất cả nhằm trang trí nội thất cho ngôi nhà gốm.
Ngoài ra, ông Buôi còn cho ra đời chiếc đi văng bằng gốm. Đi văng gốm rộng 1,6 mét, dài 3 mét, bốn gờ xung quanh trang trí hoa văn mỹ thuật với cả chân quỳ. Sản phẩm được làm bằng đất sét cùng hoá chất, nhưng không cho vô lò nung như các sản phẩm gốm khác. Giá của chiếc đi văng này là 45 triệu đồng/cái. Đây cũng là sản phẩm "có một không hai" ở "vương quốc gốm đỏ" Long Hồ này.
Nhà ở hoặc nhà mát bằng gốm do Tân Hiệp Phát II làm không có kích thước cố định, mà được thiết kế theo yêu cầu của khách. Cô Yến Nhi cho biết, giá một căn nhà gốm khoảng 150 triệu đồng, còn nhà mát bằng gốm khoảng 80 triệu đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét