Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Nhớ mùa điên điển say mê...


Vào mùa nước nổi, chúng tôi thường bơi theo con nước oằn những cành điên điển trĩu bông xuống hái. Bông điên điển mang về được mẹ tôi làm bánh xèo hay chấm mắm kho. Vị ngòn ngọt, giòn giòn của bông trở thành món ăn đặc sản...

Về quê lần này, tôi thấy hàng điên điển trước nhà trổ bông vàng rực. Ba nói đó là giống điên điển Thái được ba sưu tầm về trồng vì chúng cho bông quanh năm.
Ba hái những chiếc bông vừa hé nụ cho vào rổ, đưa chị Tư nấu canh chua với mớ cá sặc mà chị giăng lưới đầu hôm. Ba còn ra ruộng hái thêm mớ rau ngổ, rau dừa. Trưa hôm ấy, cả gia đình tôi quây quần bên mâm cơm với nồi canh chua cá sặc nấu cùng bông điên điển và dĩa cá rô kho tộ chấm các loại rau đồng.
Bông điên điển vàng rực trong mùa nước nổi. Ảnh: Internet
Mãi đến bây giờ, ba tôi vẫn yêu bông điên điển. Những chiếc bông vàng rực luôn giúp ba nhớ lại buổi đầu quen má. Thời ấy, ba tôi rất tài tử, một chiếc xuồng cùng cây đàn ghi ta ngao du khắp miền Tây sông nước. Ba gặp má trong một lần tình cờ chống xuồng vượt qua cánh đồng trong mùa nước nổi nơi mà má mặc chiếc áo bà ba đứng hái những bông điên điển đầu mùa. Thoáng thấy má, ba tôi hò: “Hỡi cô má đỏ hây hây, cô bao nhiêu tuổi mà nay chưa chồng”.
Nghe điệu hò của người con trai lạ, má tôi đỏ mặt, nhanh tay lấy chiếc khăn rằn đang quấn trên cổ che miệng cười.
Ba cưới má cũng trong mùa bông điên điển. Đám cưới ba có thêm món lẩu hoa đồng nội mà trong đó không thể thiếu bông điên điển. Ngày cưới, má tôi mặc chiếc áo vàng rực như màu vàng của bông điên điển. Sau ngày cưới, ba cất ngôi nhà sàn bên sông và trước nhà luôn có những hàng cây điên điển dập dềnh theo con nước. Chúng tôi lần lượt chào đời, lớn lên theo từng mùa bông vàng rực.
Còn nhớ, ngày xưa sau mỗi ngày đi học, tôi thường rủ bạn bè đi tắm sông. Khúc sông trước nhà nước không chảy xiết nên chúng tôi tha hồ thả nổi trôi theo con nước lững lờ. Vào mùa nước nổi, chúng tôi thường bơi theo con nước oằn những cành điên điển trĩu bông xuống hái. Bông điên điển mang về được mẹ tôi làm bánh xèo hay chấm mắm kho. Vị ngòn ngọt, giòn giòn của bông trở thành món ăn đặc sản quê tôi chỉ có trong mùa nước lũ.
Rời quê, chúng tôi lên Sài Gòn, thỉnh thoảng mới gặp được bông điên điển. Nhưng bông điên điển ở chợ thường giập nát, héo úa cũng không giòn ngọt như bông ở quê nhà. Tôi chợt nghĩ, có lẽ bông điên điển ở quê ngon hơn không chỉ vì chúng tươi mà trong đó có hình ảnh của những người thân, bạn bè từng gắn bó với tôi suốt thời thơ ấu.
Theo Người lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét