Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Đệ nhất giả sơn Nam kỳ lục tỉnh

Cúc Tần

 

 

 

 

Hòn non nhìn từ quốc lộ 54 (ảnh chụp năm 2004). Ảnh: Cúc Tần
(TBKTSG Online) - Ở tỉnh Trà Vinh có một hòn non bộ được xây dựng cách đây nửa thế kỷ, từng được báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ phong tặng là “Hòn giả sơn lớn nhất Nam kỳ lục tỉnh”.
Hòn non bộ nầy tọa lạc tại ấp Chòm Chuối, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, cách thị xã Trà Vinh chừng 21 cây số, trên quốc lộ 54. Đến khu vực nầy, hỏi “Hòn non” là người địa phương chỉ dẫn tận tình.
Trước kia, khoảng năm 2004, phía sau hòn non, cách quốc lộ 54 khoảng 5 mét là nền đất mọc đầy cỏ. Bây giờ nó đã được xây hàng rào kiên cố, gắn bảng “Dương gia chi mộ”. Giữa hàng rào và hòn non mọc đầy cây dại cao ngang gối. Cổng khóa chặt, hàng xóm cho biết người nhà chủ nhân hòn non là ông Tư Lành ở bên kia đường.
Ông Tư Lành tên thật là Dương Văn Lành. Dù tuổi đã cao (sinh năm 1924), nhưng ông vẫn nhớ khá chi tiết về việc xây dựng hòn non bộ nầy của gia tộc mình. Ông Tư Lành kể: Trước đây, khi bà cố ông, Nguyễn Thị Biên, qua đời, lúc ông mới lên 7, được an táng nơi đây. Vì việc an táng bà cố ông gần lộ, sợ xe cộ qua lại ồn ào ảnh hưởng tới phần mộ nên ông nội và chú út ông (Dương Văn Gồng) quyết định xây hòn non.
Đó là khi ông Tư Lành chừng 11, 12 tuổi (khoảng 1935-1936). Xi măng xây hòn non nhập từ Pháp về là loại được đựng trong những thùng bằng cây không như sau nầy đựng trong bao giấy. Công trình xây hòn non do thợ từ Bến Tre qua thực hiện, trong thời gian khoảng 3 năm mới hoàn thành. Hòn non cao khoảng 6 mét, bề dài khoảng 10 mét, rộng khoảng 6 mét. Hòn non có các con đường bậc thang dẫn lên cao, nơi có những hồ nước, những hang động, những chiếc cầu bắc ngang dòng suối... được tạo hình công phu, tỉ mỉ; trông thật hoành tráng, là dãy núi ngoạn mục giữa vùng đất rộng lớn của gia tộc họ Dương.
Cổng vào khu mộ có hòn non bộ khổng lồ ở ấp Chòm Chuối, xã Phước Hưng, Trà Cú, Trà Vinh. Ảnh: Cúc Tần
Gia tộc họ Dương nầy là người Tiều (Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) nên rất tin thuật phong thủy. Non bộ là nghệ thuật xây dựng, đưa mô hình thu nhỏ những ngọn núi to lớn ngoài tự nhiên vào trong các vườn cảnh để phục vụ không gian trong cuộc sống. Những nhà phong thủy đã dùng bí thuật sử dụng non bộ để ếm triệt hoặc phát huy dung mạch.
Để phát huy tối đa tác dụng của phong thủy trong nghĩa trang gia tộc họ Dương, ngoài việc xây hòn non người ta còn đào một hồ rộng đối diện, trồng sen. Theo phong thủy, việc nầy có ý nghĩa: gối đầu lên núi (hòn non, “giả sơn”), gác chân lên biển (hồ sen, “giả hải”). Đây là thuật phong thủy áp dụng cho các bậc đế vương, mà ông Gồng áp dụng, vừa là nơi an nghỉ tốt đẹp của người thân, còn giúp gia tộc họ Dương ngày một thịnh vượng. Vì “gối đầu” lên núi biểu trưng cho sự vững chãi và tư thế “mặt” nhìn và “gác chân” ra biển tượng trưng cho sự thịnh vượng.
Hòn non bộ trông thật hoành tráng, là dãy núi ngoạn mục giữa vùng đất rộng lớn của gia tộc họ Dương. Ảnh: Cúc Tần
Ông Dương Văn Gồng sanh năm Nhâm Thìn (1892), người địa phương hồi đó quen gọi là Hội đồng Gồng, là người giàu có, thừa điều kiện làm những việc to lớn, như xây hòn non cho gia tộc. Ngày mồng 6-5 Nhâm Thìn (1952), ông Dương Văn Gồng qua đời, được an táng bên trái bà Nguyễn Thị Biên. Sau đó, vợ ông Gồng là Nguyễn Thị Hiền qua đời, an táng bên phải bà Nguyễn Thị Biên.
Khi xây hòn non, khu đất gia đình họ Dương rộng tới 5.000 mét vuông. Những năm 1950, theo một số người cố cựu tại Trà Vinh, nhất là các lão làng ở xã Phước Hưng, thì có một vài tờ báo ở Sài Gòn lúc bấy giờ phong tặng nó là “Hòn giả sơn lớn nhất Nam kỳ lục tỉnh”. Còn bây giờ diện tích hòn non đã thu hẹp, nhà cửa hai bên lấn át nếu không quan sát kỹ sẽ chẳng thể nào phát hiện được. Cái ao sen sau nhiều năm không được chăm sóc, bị đất cát cỏ cây trùm lấp, giờ không còn nữa.
Con cháu nhà họ Dương cư trú tại mảnh đất nầy, ngoài ông Tư Lành còn có anh Dương Trung Nguyên, 42 tuổi, giáo viên, là cháu sơ của ông Dương Văn Hưng (ông cố của ông Tư Lành). Ông Hưng mất và an táng ở vàm Trà Vinh, năm 2007 bốc mộ hỏa thiêu và thủy táng ở sông Long Bình (Trà Vinh).
Không biết thuật phong thủy mà ông Gồng áp dụng cho “Dương gia chi mộ” kết quả ra sao, mà nhìn gia cảnh ông Tư Lành và anh Dương Trung Nguyên chẳng lấy gì sung túc. Có lẽ phát đạt nhất là số con cháu dòng họ Dương đang định cư tại Mỹ?

Thăm bản Tả Phìn ở Sapa

Cát Lộc

.
Nhóm phụ nữ người Dao Đỏ bám theo khách du lịch để bán hàng. Ảnh: Cúc Tần
(TBKTSG Online) - Trên đường quốc lộ 4D về thành phố Lào Cai, ra khỏi thị trấn Sa Pa chừng 4 cây số có một ngã ba rẽ vào con đường nhựa nhỏ, đi một đoạn sẽ gặp trạm thu phí. Mỗi người một vé 20.000 đồng. Tiếp tục chạy vào thêm khoảng 18 cây số nữa thì đến bản Tả Phìn.
Nhiều đoạn, xe chạy men sườn đồi, hai bên là những thửa ruộng bậc thang đang xanh màu lá mạ, bờ ruộng uốn lượn ôm sát lưng đồi tạo nên những đường cong mềm mại, lả lướt như những gợn sóng nhấp nhô trong thung lũng. Xa tít chân trời, trên sườn núi đá là những khoảnh xanh um những nương ngô (bắp). Cảnh sắc thơ mộng ấy giúp chúng tôi quên cảm giác sợ hãi của “con đường đau khổ” dài tít tắp này!
Người bán vé ở trạm thu phí cho biết, tiền vé được sẽ dùng tu bổ con đường vào bản Tả Phìn, phục vụ khách du lịch. Chẳng biết mấy năm nay người ta đã thu được bao nhiêu tiền mà đến nay, con đường chỉ được trải nhựa một đoạn từ ngã ba nối quốc lộ 4D vào một đoạn sau khi qua trạm, còn lại là những đoạn trơ đá xanh, thậm chí có nhiều nơi mặt đường có những hố khá sâu đọng đầy nước mưa.
Những người Dao Đỏ
Nhóm phụ nữ chờ sẵn khi xe chở khách du lịch đến thăm bản để chào bán hàng thổ cẩm. Ảnh: Cúc Tần
Còn cách trung tâm bản Tà Phìn chừng 500 thước, đã thấy một nhóm khoảng 50 phụ nữ trùm đầu khăn đỏ che kín mái tóc với một phần trán và chân mày cạo sạch, áo quần màu xanh đen có nhiều hoa văn đỏ, trắng ở cổ và tà áo. Có cả thắt lưng, xà cạp và giày dép. Dao Đỏ là dân tộc có số dân đứng thứ hai sau người H’Mông ở Sa Pa. Dịp tết cổ truyền của người Kinh cũng là dịp người Dao Đỏ ăn mừng “Tết nhảy” của họ, một ngày hội rất sống động.
Xe vừa dừng lại, đã thấy những phụ nữ Dao Đỏ nầy chỉ trỏ vào những người ngồi trong xe. Thoạt trông, cứ tưởng như lần đầu tiên họ thấy người lạ vào bản. Nhưng hóa ra đó là họ cánh họ “xí phần”, chọn khách để đeo bám theo chào bán hàng thổ cẩm. Tựa như trong Nam, khi xe khách vào bến, các bác tài xe ôm thường bu quanh cửa xe và hô lên “ông tóc bạc”, “anh áo xanh”, “túi xách đen”… để mời khách đi xe.
Hàng hóa của những phụ nữ Dao chào bán là những chiếc ba lô, áo khoác du lịch, khăn, túi xách tay, ví đựng tiền… và có cả những món “thời thượng” như túi đựng máy ảnh compact và những chiếc ví đựng điện thoại di động rất tiện dụng. Sản phẩm có nhiều giá, tùy theo kích thước, hoa văn cầu kỳ hay đơn giản... Giá bèo nhất 10.000 đồng/sản phẩm, cao nhất đến 1 triệu đồng, như đôi bông tai bằng bạc, tinh xảo trong từng nét chạm khắc.
Khu trung tâm bản Tả Phìn. Ảnh: Cúc Tần
Chúng tôi vào Nhị Xà quán, nằm giữa bản Tả Phìn. Chủ quán là một anh chàng người Kinh, đẹp trai, chưa vợ, miệng dẻo quẹo, xăng xái dọn thức ăn lên bàn. Mọi thứ được chuẩn bị sẵn do đã đặt trước qua điện thoại, gồm một dĩa thịt lợn cắp nách kho, một dĩa thịt gà bản xào sả, một tô canh thịt lợn nấu măng và sấu, cùng một thố cơm. Anh ta hào phóng tặng chúng tôi một dĩa lòng lợn và chai rượu san lùng đặc sản vùng cao phía Bắc. Thức ăn chẳng hợp khẩu vị, tệ nhất là dĩa lòng lợn, tất cả dù được hâm nhưng chỉ âm ấm. Một suất (người) ăn hết 80.000 đồng. Ăn xong, vài người lên gác nằm lấy sức.
Rời quán cơm, mỗi người chúng tôi lại được một nhóm người Dao Đỏ “hộ tống”. Họ nói tiếng Việt khá sõi, lại khá lưu loát thứ tiếng Anh “bồi” khi gặp khách nước ngoài. Họ đeo bám không rời để bán thổ cẩm đang cầm trên tay hoặc đựng trong tay nải. Kim chỉ là một nghề có thương hiệu của người Dao Đỏ, thu hút rất nhiều khách du lịch. Đặc biệt ngoài các phụ nữ lớn tuổi còn có nhiều thiếu nữ rất trẻ (chỉ chừng 14 - 15 tuổi) địu sau lưng đứa nhỏ mặt mày đen nhẻm. Hỏi mới biết là người Dao Đỏ có tục tảo hôn nên các cô gái vừa dậy thì ở tuổi 13 đã có chồng.
Động Ti Ổ Cẩm
Đường vào động Ti Ổ Cẩm. Ảnh: Cúc Tần
Chúng tôi theo một con đường đất trơ trụi, không một bóng cây nhưng cảnh trí khá đẹp mắt, hai bên đường là những thửa ruộng xanh ngăn ngắt chia làm nhiều ô nhỏ. Đi chừng 1 cây số thì tới một chân núi cao, nơi có một hang động người địa phương gọi là Ti Ổ Cẩm. Trước cửa động, trên cao, có khắc 6 chữ : “Đại Bình Tả Thanh Long Động”. Với 5.000 đồng vào động sẽ có người cầm đèn đưa khách tham quan.
Ti Ổ Cẩm là một hang động rộng lớn, có thể chứa tới một trung đoàn lính. Vào hang, trong ánh sáng đèn, khách như lạc vào một cõi tiên, mê đắm chiêm ngưỡng những thạch nhũ có nhiều hình thù kỳ quái. Có chiếc như một vị tiên đang múa điệu Nghê Thường. Có nơi nhiều thạch nhũ tạo thành quần thể nhiều vị tiên đang đàm đạo nơi chốn bồng lai. Có những chiếc tụ lại thành một rừng cây, lại là rừng cây lấp lánh những sắc màu kỳ ảo...
Dù là một điểm du lịch còn vẻ hoang sơ, nhưng Tả Phìn cũng thu hút nhiều du khách đến tham quan. Khách từ miền xuôi lên. Khách từ phương Tây đến. Ai cũng hăm hở, thích thú ngắm nhìn cảnh trí thiên nhiên với người Dao Đỏ hiền hòa, chịu thương chịu khó.
Dưới ánh nắng mặt trời chói chang, mấy cụ bà mắt mũi kèm nhèm ngồi bên hiên nhà, cần mẫn, chăm chút từng đường kim mũi chỉ cho chiếc thổ cẩm trên tay mỗi lúc một đẹp xinh. Thoáng thấy khách lạ, các bà cụ nầy nhoẻn nụ cười bày ra mấy chiếc răng bịt đồng vàng chóe. Là những thiếu nữ lội bộ hàng chục cây số đến đây, đeo bám khách mong bán được sản phẩm nào đó để có thêm thu nhập cho gia đình. Vì, anh chồng ở nhà làm ruộng, tới mùa thu hoạch chẳng bao nhiêu thóc.
Dịch vụ xông hơi, tắm lá thuốc
Cơ sở dịch vụ xông hơi, tắm lá thuốc của hợp tác xã Dao Đỏ, Sapa. Ảnh: Cúc Tần
Đến bản Tả Phìn, phần lớn du khách háo hức mua một vài món hàng dệt thổ cẩm của dịa phương. Nhưng có một dịch vụ hấp dẫn, không nên bỏ qua là đi tắm lá thuốc - một nét độc đáo trong sinh hoạt của người Dao Đỏ nơi đây.
Vào bản Tả Phìn, thấy ở đâu có sân phơi đầy các loại cây, lá thuốc, khách cứ tự nhiên bước vào nếu muốn xông hơi, tắm lá thuốc. Từ xưa, người Dao thường dùng những vị thuốc lá từ trên rừng về nấu nước tắm vào ngày cuối năm để đón năm mới. Nhận thấy việc tắm lá thuốc có tác dụng tốt cho sức khỏe, người dân Tả Phìn đã biến nó thành sản phẩm độc đáo, phục vụ khách du lịch.
Để tắm lá thuốc theo truyền thống của người Dao Đỏ, mỗi thùng nước tắm thường dùng đến hơn 10 loại lá thuốc, thậm chí có khi dùng tới 120 loại khác nhau. Cũng như các tiệm spa, tắm hơi ở thành thị, các nhà tắm lá thuốc nơi đây có tủ đựng quần áo và tài sản cá nhân cho khách. Trong căn phòng nhỏ kín đáo, hơi nước nóng từ bồn gỗ pơ-mu tỏa ra mù mịt, xông làn hương thảo dược quyện mùi thơm từ gỗ bồn tắm làm khỏe người, thần kinh thư giãn. Trong phòng có thùng nhựa đựng nước lạnh để khách pha vào nước lá thuốc có màu huyết dụ, sóng sánh như rượu vang Bordeaux.
Khách du lịch chờ vào phòng xông hơi, tắm lá thuốc. Ảnh: Cúc Tần
Khi thấy nước nóng vừa với cơ thể mình thì thả người vào. Ngâm mình trong bồn tắm, hít thở làn hơi nước nóng ấm ngào ngạt hương thơm, càng lúc bạn càng nghe cơ thể mình sảng khoái, nhẹ nhàng. Chỉ nên ngâm mình chừng 15 - 20 phút thì bước ra khỏi bồn. Bấy giờ bạn sẽ có cảm giác cơ thể mình sạch sẽ tinh tươm như được ai đó kỳ cọ, lại thấy da dẻ hồng hào, tươi nhuận, mặt mày ửng hồng, nếu là phụ nữ trung niên sẽ cảm thấy mình như thiếu nữ hây hẩy xuân thì... Nếu muốn, với 200.000 đồng, khách sẽ được hưởng một suất massage toàn thân “đáng đồng tiền bát gạo”.
Phòng tắm lá thuốc có hai loại: đơn và đôi dành cho những cặp tình nhân hoặc vợ chồng tắm chung. Tắm đơn một suất 70.000 đồng. Tại Hợp tác xã Dao Đỏ Sa Pa tắm lá thuốc truyền thống, ngâm chân gia truyền ở đội 4 xã Tả Phìn người ta còn bán các sản phẩm thuốc tắm cho phụ nữ sau khi sinh. Họ còn nấu nước lá thuốc cô đặc cho vào chai nhựa để khách mua đem về nhà pha tắm. Nước ngâm chân 100.000 đồng/chai 350ml, nước tắm cho phụ nữ 80.000 đồng/chai 350ml. Theo hướng dẫn dán quanh thân chai, ngâm chân thì đổ 5ml vào 2-3 lít nước ấm, ngâm chân trong khoảng 15-20 phút; tắm thì rót nửa chai pha 20-30 lít nước ấm, cũng ngâm mình trong khoảng thời gian nêu trên. Nếu ngâm quá lâu sẽ có cảm giác say như say sóng, say thuốc lào!
Theo người Dao Đỏ ở Tả Phìn cho hay, tắm lá thuốc hoặc ngâm chân lá thuốc dài lâu sẽ thấy dược dụng của các loại lá thuốc, chữa trị được các bệnh: phong thấp, đau nhức xương khớp, mỏi cơ, thần kinh tọa, cảm hàn, cảm cúm, dạ dày, tổ đỉa, các bệnh ngoài da, ho, vàng da, đau lưng, đau gan. Đặc biệt, phụ nữ tắm nước lá thuốc da dẻ mịn màng, nhất là sản phụ sau khi sanh máu huyết lưu thông. Tắm lá thuốc, các cụ già phòng chống được các bệnh dai dẳng khó chịu của một con người bị thời gian “hành hạ”...

Món thuốc từ ngọc trúc


Ngọc trúc là món thuốc có lợi cho người bị tim mạch, đái tháo đường. Nhiều món chế biến từ vị thuốc này rất dễ ăn.

Đông y cho rằng cây ngọc trúc có vị ngọt, tính bình, đi vào các kinh phế và vị. Sách Bản kinh cũng nói nó có vị ngọt, tính bình. Sách Trấn nam bản thảo cho biết ngọc trúc vị ngọt, hơi đắng, tính bình, hơi ôn, nhập tì.
Ngọc trúc có các thành phần chủ yếu là chất conballamarin, convallarin, quercitol, vitamin A. Theo sách Sinh dược học của Từ Quốc Chân (Bắc Kinh - Trung Quốc, 1958), ngọc trúc có glucozid cường tim và chất nhầy. Sách Trung dược ứng dụng lâm sàng của Trung y Học viện biên soạn năm 1975 cho biết ngoài chất glucozid cường tim, ngọc trúc còn có acid celandine (C7H4O6), alkaloit, vitamin A, vitamin PP và chất nhầy.
Món thuốc từ ngọc trúc
Ngọc trúc là món thuốc có lợi cho người bị bệnh tim mạch - Ảnh: Xuân Thảo 
Theo đông y, ngọc trúc có tác dụng tư âm nhuận phế, sinh tân dưỡng vị nên chủ trị được vị âm hư, âm hư ngoại cảm, chứng tiêu khát, chứng ho lao phế táo. Với các chứng bất túc, da mặt đen sạm, dùng món thuốc ngọc trúc lâu trở nên tươi nhuận, trúng phong bạo nhiệt (theo sách Bản kinh). Theo Bản thảo cương mục, ngọc trúc còn có thể dùng thay sâm kỳ, thuốc vừa không hàn, không táo lại rất công hiệu.
 
Các tỉnh giáp Trung Quốc có nhiều?
Ngọc trúc (Rhijoma polygonati odorati) thuộc họ hành tỏi (liiaceae), là vị thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh với tên nữ ủy. Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ phơi hay sấy khô của cây ngọc trúc. Sở dĩ có tên ngọc trúc là vì cây này có lá giống lá trúc và thân rễ bóng như ngọc.
Ngọc trúc là loại cây mọc nhiều ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam - Trung Quốc, ngay những vùng cận kề với các tỉnh phía Bắc của nước ta. Do vậy, những tỉnh này có thể có cây ngọc trúc nhưng chưa được phát hiện và khai thác.
Các nghiên cứu hiện đại còn cho thấy vị ngọc trúc có tác dụng bảo vệ nhất định đối với trường hợp cơ tim bị thiếu máu, đồng thời phòng ngừa tăng cao triglyceride và làm giảm lipid máu, giúp phòng chống xơ cứng động mạch. Bởi vậy, trên lâm sàng, ngọc trúc đã được bào chế thành thuốc bổ dùng trong phòng ngừa bệnh tim mạch rất tốt.
Để cùng tham khảo và có thể chọn lựa áp dụng một cách hiệu quả, sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số món ăn thuốc trị bệnh từ ngọc trúc:
- Ngọc trúc sắc: Giúp cường tim, dùng cho người mắc bệnh về tim uống. Dùng ngọc trúc 15 g và một ít đường trắng. Sắc ngọc trúc lấy nước, cho đường trắng vào uống mỗi ngày 1 thang.
- Canh táo nhân, ngọc trúc, hồng táo (chà là đỏ): Món này có tác dụng dưỡng gan, kiện tì, an thần cường tâm, nhuận táo. Dùng thích hợp cho những người tì vị yếu, dạ dày nạp kém, miệng khô, mất ngủ... Các nguyên liệu nấu canh gồm: Hồng táo 20 quả, ngọc trúc 10 g, táo nhân chua 10 g, đường trắng nửa muỗng. Ngâm hồng táo vào nước ấm một lát rồi rửa sạch để ráo nước. Táo nhân chua đập vỡ, cùng ngọc trúc và hồng táo cho vào ấm sành, đổ vào 1 chén nước, dùng lửa nhỏ sắc từ 20 đến 30 phút. Khi còn lại nửa chén, thấy hồng táo cũng đã chín thì đem ra ăn điểm tâm. Món này cần dùng nhiều ngày.
- Thịt hầm ngọc trúc: Món này có tác dụng bổ âm, nhuận táo, thích hợp cho những người phế âm hư, ho lâu ngày đờm ít... Dùng ngọc trúc 15-30 g, thịt heo nạc 100-150 g xắt miếng, cho tất cả vào hầm nhừ, đem ra ăn thịt, uống nước canh.
- Canh ngọc trúc, bách hợp, thịt hến: Món này có tác dụng bổ âm nhuận táo, phù hợp cho những người mắc chứng tâm phiền, mất ngủ, miệng khát do âm hư. Dùng ngọc trúc 20 g, bách hợp 30 g, thịt hến 50 g. Tất cả nấu, hầm thành canh rồi ăn cái, uống nước. Món này cần ăn nhiều ngày.
- Canh chim bồ câu trắng, ngọc trúc, sơn dược: Dùng cho người ăn uống kém, có tác dụng dưỡng âm bổ dịch, hết khát. Nguyên liệu gồm: Chim bồ câu trắng 1 con, sơn dược (củ mài) 15 g, ngọc trúc 15 g, mạch môn đông 15 g, thiên môn đông 15 g.
Chim bồ câu trắng làm sạch, bỏ ruột, chặt miếng nhỏ, cho cùng các vị còn lại nấu, hầm nhừ thành canh rồi ăn cái, uống nước. Món này cần ăn một thời gian, tuần 1-2 lần.
Theo Bác sĩ Hoàng Xuân Đại / Người Lao Động

Dầu mè giảm huyết áp


Nấu ăn bằng hỗn hợp hai loại dầu mè và dầu màng gạo (rice bran oil) có thể giúp giảm huyết áp và cải thiện hàm lượng cholesterol trong cơ thể.

Theo hãng tin UPI, các nhà khoa học thuộc Đại học Fukuoka (Nhật Bản) rút ra kết luận này sau khi khảo sát ở 300 người có độ tuổi trung bình là 57, vốn bị huyết áp cao từ mức nhẹ đến vừa. Các nhà nghiên cứu cho biết dầu màng gạo cũng như dầu mè có hàm lượng chất béo bão hòa thấp và có thể giúp cải thiện hàm lượng cholesterol ở bệnh nhân, qua đó giúp giảm huyết áp. Cụ thể, những ai sử dụng hai loại dầu trên có hàm lượng cholesterol xấu LDL giảm 26%, trong khi cholesterol tốt HDL tăng 9,5%.
Dầu mè giảm huyết áp
Dầu mè - Ảnh: Shutterstock
Mai Duyên

Trị bệnh tiểu đường từ bắp tím


(TNO) Hợp chất tìm thấy trong bắp tím có thể giúp phát triển các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường loại 2 và biến chứng bệnh thận trong tương lai, theo sciencedaily.

Bệnh thận là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất liên quan đến bệnh tiểu đường.
Hợp chất trong bắp tím giúp cho bệnh tiểu đường và thận
Bắp tím giúp ích cho bệnh nhân tiểu đường và thận - Ảnh: Ngọc Lam
Trong cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Đại học Hallym (Hàn Quốc) điều tra các hoạt động tế bào và phân tử của anthocyanins có trong bắp tím (còn gọi là PCA), để xác định xem bằng cách nào nó ảnh hưởng đến sự phát triển của biến chứng thận của bệnh tiểu đường.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy PCA kìm hãm sự phát triển của bệnh, từ đó có thể giúp tìm ra các phương pháp điều trị nhằm vào bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh thận.
Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí American Journal of Physiology.
Ngọc Lam
.

Thực đơn giúp giảm mỡ bụng



Xáo Nam Phước


Ảnh: Bảo Nguyên 

Cứ như một thông lệ, lần nào từ Đà Nẵng về quê Thăng Bình (Quảng Nam), ba má và chị em tôi cũng đều để dành bụng, về đến thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam) thưởng thức tô xáo ngon lành.

Rất nhiều nơi ở quê tôi có bán món xáo, nhưng riêng tôi nhận xét chẳng có quán nào bán xáo ngon như quán Phấn ở thị trấn Nam Phước này. Chính vì vậy mà mỗi khi có dịp đi ngang, dù bụng đang đói hay lưng lửng no, tôi cũng không thể nào không dừng chân để bỏ bụng tô xáo Phấn nóng hổi, thơm phức và vô cùng hấp dẫn... Không chỉ tôi có thói quen đó, mà có lẽ ai đi ngang qua nơi này cũng đều y như vậy. Quán lúc nào cũng đông nườm nượp suốt cả ngày, thực khách có cả Bắc - Trung - Nam, ai nấy đều thưởng thức món xáo với vẻ háo hức và say sưa.
Mất một buổi sáng đứng quan sát và làm quen, dọ chuyện, tôi mới hỏi thăm được bí quyết chế biến món xáo ngon lành này của anh chủ quán vui tính. Xáo là món ăn gồm thịt bò mềm tươi (phải là loại bò ngon được tuyển, gân được lọc bỏ hoàn toàn), cắt mỏng rất khéo léo, sau đó tái với nước lèo đang sôi sùng sục, dùng đũa đảo thật nhanh tay trong tô để thịt bò vừa chín khéo. Sau đó rắc thêm hành và ngò ta vào cho dậy mùi, rắc thêm một chút tiêu.
Một bí quyết nữa không thể thiếu, đó chính là nước lèo. Loại nước được ninh từ xương bò vừa được mổ, sau khi lóc thịt thì đem nấu lấy nước dùng ngọt lịm, thơm lừng, nêm nếm gia vị riêng của chủ quán, cùng với một ít hành tây. Chỉ đơn giản là vậy mà nhiều quán xáo đã mở ra ở thị trấn này nhưng cuối cùng phải đóng cửa, tôi nghĩ chắc do khó cạnh tranh. Món xáo của Phấn được nêm nếm quá chuẩn, hợp khẩu vị của cả những khách phương xa. Nước lèo vốn ngon, cộng thêm vị ngọt của thịt bò càng khiến tô xáo thêm hấp dẫn.
Ăn xáo muốn no căng bụng thì ăn với bánh mì, nhưng ngon nhất là phải ăn với bánh tráng gạo có pha sắn, nướng lên giòn tan. Bẻ vụn bánh tráng cho vào tô xáo, nêm thêm một chút nước mắm, một chút ớt dầm giấm, một chút chanh. Vậy là có thể thưởng thức đến cạn tô, mà vẫn thấy thòm thèm...  
Bảo Nguyên

Bài thuốc từ hoa trang

.

Suối nóng Hội Vân


Nếu Ninh Bình có kênh Gà, Bà Rịa - Vũng Tàu có Bình Châu, Lâm Đồng có Đam Rông… thì Bình Định có Hội Vân (xã Cát Hiệp, H.Phù Cát). Đây là một trong những suối nước nóng nổi tiếng ở Việt Nam.

Dòng suối này được nhiều người nhắc đến với một huyền thoại: Một nàng công chúa Chămpa xinh đẹp bị bệnh lạ, da dẻ nổi mụn xù xì, ngứa ngáy khiến nàng trở nên xấu xí. Nàng xấu hổ, nhốt mình trong cung cấm, suốt ngày rầu rĩ, héo hon. Để giúp công chúa vơi bớt nỗi buồn, trong một lần đi săn, nhà vua đã đưa nàng đi theo. Khi mặt trời sắp lặn, đến một góc rừng hoang vu, nhà vua nhìn thấy giữa dòng suối mát có những mạch nước ngầm trào lên trong vắt. Người bèn ra lệnh vây màn cho công chúa tắm. Kỳ lạ thay, nàng hết ngứa, trong người cảm thấy khoan khoái dễ chịu. Công chúa xin vua cha cho hạ trại, nán lại bên suối một thời gian để được ngày ngày ngâm mình trong dòng nước nóng. Thế rồi ngày qua ngày, bệnh tình của nàng qua khỏi lúc nào không biết, da dẻ trở lại hồng hào, xinh đẹp hơn xưa. Chẳng biết thực hư câu chuyện thế nào nhưng đến Hội Vân bây giờ người làng vẫn còn truyền miệng giai thoại ấy.
Suối nóng Hội Vân
 Suối nước nóng Hội Vân - Ảnh: Minh Úc
Đến cầu Tràn cách thị trấn Ngô Mây, H.Phù Cát chừng 4 km, một dòng suối hiện ra sau làn hơi nước mỏng manh. Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc mặt suối được phủ một lớp vàng óng ả của ánh chiều tà. Làn hơi lúc này bốc lên thấy rõ mồn một.
Theo dân làng, 3 năm trở lại đây, nước suối chảy ít hơn xưa, cát lộ thiên tạo thành bờ ở hai bên lòng suối, độ sâu mực nước chừng 1 mét. Khoảng tháng 10 trở đi, vào mùa mưa nước ngập cả mặt suối nên nhiều gia đình thường đến đây ngâm mình. Những ngày hè oi ả, bóng mát từ những hàng tràm tỏa xuống hai bên bờ là nơi thích hợp cho những buổi dã ngoại theo nhóm. Nhiều bạn trẻ thích thú mang theo trứng để luộc trong “nồi nước” khổng lồ Hội Vân. Theo cảm nhận chủ quan có lẽ trứng được luộc ở đây có vị bùi, đậm đà hơn luộc ở nhà.
Mạch ngầm tạo nên hơi nóng phân bố không đều. Chính vì thế đã làm xuất hiện nhiều khu vực nước nóng nằm rải rác dọc con suối. Tại chỗ cầu Tràn có lẽ do địa thế đẹp và rộng, nên thu hút khách hơn cả. Khi bước chân ra khỏi khu vực này nước bắt đầu mát dần. Một cảm giác khá thích thú cứ dần lan tỏa… 
Minh Úc

Thú vị biển Vinh Thanh


Từ một miền hoang sơ, ngày nay bãi biển Vinh Thanh (H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) đã trở thành một địa chỉ thú vị.

Ngon, rẻ, đẹp là nhận xét của những ai từng đến bãi tắm Vinh Thanh. Đó là thành quả từ sự đồng lòng của chính quyền và người dân nơi đây sau 4 năm đầu tư và phát triển. Cách đây 5 năm, bãi biển Vinh Thanh vẫn còn hoang sơ, các hàng quán còn thưa thớt và lụp xụp. Người đến tắm chủ yếu là cư dân địa phương. Nhưng vài năm qua, nơi đây trở thành một địa chỉ thu hút người dân xứ Huế, đặc biệt vào những ngày lễ hay cuối tuần, lượng khách kéo về đông đến mức quá tải.
Vinh Thanh là bãi biển sạch, có độ sâu an toàn, cũng là nguồn cung cấp hải sản cho các vùng lân cận. Hiện tại, cơ sở hạ tầng nơi đây đã bước đầu hoàn thiện. Dãy nhà hàng gồm 10 hàng quán được sắp xếp một cách có hệ thống, sạch sẽ. Đội cứu hộ túc trực thường xuyên. Đội trật tự có nhiệm vụ đảm bảo tình hình an ninh cho bãi tắm. Ngoài ra đội y tế cũng luôn có mặt để cấp cứu kịp thời những trường hợp không hay xảy ra cho khách.

Mực tươi ở Vinh Thanh giá mềm, mua bao nhiêu cũng có - Ảnh: Bùi Ngọc Long 
“Bãi biển Vinh Thanh hiền lắm. Từ trước đến nay, chưa có một trường hợp đáng tiếc nào xảy ra. Chúng tôi đã thiết lập một hàng rào phao để cảnh báo độ an toàn cho khách” - anh Hùng, một đội viên trong đội cứu hộ cho biết.
Để ngăn chặn tình trạng chặt chém, chính quyền xã đã có những chính sách phù hợp với người buôn bán nơi đây. Chẳng hạn như hạ giá mặt bằng, thuế, yêu cầu các hàng quán rút kinh nghiệm các bãi tắm khác để bước đầu xây dựng một thương hiệu bãi tắm an toàn, văn minh và giá cả hợp lý.
Vào sáng sớm hoặc chiều tối, khi các tàu thuyền cập bến, du khách sẽ mua được hải sản tươi sống mà giá cả rất phải chăng.
“Vinh Thanh nằm trên trục đường QL49 nên rất thuận tiện. Về đây không chỉ tắm mà còn mua được hải sản ngon và rẻ. Thật là lựa chọn sáng suốt để cùng gia đình sảng khoái những ngày nghỉ trên bãi biển Vinh Thanh” - chị Nguyệt, sống tại Trường An, TP.Huế, vui vẻ nói.
Tuyết Khoa

Thơm ngọt cá bính đàng


Cá bính đàng hấp cuốn với bánh tráng, rau sống “đẳng cấp” không thua gì cá thu, cá mú... khi cả nhà ngán cơm, muốn ăn trở bữa... Cá bính đàng chiên vàng rưới mắm ớt tỏi cũng là món không chê vào đâu được.

Cuối hè, khi những cơn mưa nhẹ từ biển mưa vào cũng là lúc ngư dân Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) vào mùa đánh bắt cá bính đàng. Tầm ba bốn giờ chiều, thuyền lặc lè cập bến với những khoang cá bính đàng tươi rói.
Cá bính đàng là một trong số những loại cá dễ chế biến thành nhiều món ngon. Đơn giản nhất là kho ngọt với vài trái cà chín và chút hành ngò. Món này nước rất trong, mùi thơm dịu xen chút chua thanh, chan cơm ăn rất đã. Thịt cá trắng phau, chấm ít mắm ớt, hương vị khá đậm đà.
Cá bính đàng hấp cuốn với bánh tráng, rau sống “đẳng cấp” không thua gì cá thu, cá mú... khi cả nhà ngán cơm, muốn ăn trở bữa. Đây cũng là món các mẹ thường trổ tài khi nhà có tiệc vui: đãi khách, sinh nhật, con vào đại học, người thân, họ hàng ở xa về thăm...
Cá bính đàng chiên vàng rưới mắm ớt tỏi cũng là món không chê vào đâu được. Khi chiên, độ nóng của dầu làm thịt cá săn lại, độ ngọt “bó” trong từng thớ thịt, lại phảng phất chút béo khiến miếng cá càng ngọt càng thơm.
Nhưng món chiên chưa phải đã “khai thác” hết tinh túy của cá bính đàng. Muốn nó “thăng hoa” thì phải nướng trên bếp than vừa đượm. Vừa nướng, ta vừa dùng hỗn hợp dầu trộn với hành, tiêu, ớt, tỏi, mắm, đường lần lượt thoa nhẹ nhàng lên hai bên thân cá. Bằng cách này, gia vị thấm dần đều vào cá mà không sợ rơi xuống bếp than.
Chiều làng chài vào mùa này, đó đây thường thấy những bếp than nướng cá bính đàng ở góc sân dậy mùi thơm khắp xóm. Có người dí dỏm gọi món này là món “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay”. Đang lui cui nướng, chưa kịp hú mấy ông bạn láng giềng thì cá đã “gửi hương cho gió” bay đi như một lời mời thay gia chủ.
Dường như ít người biết cá bính đàng là món “quý tộc” khi nó được phi lê, ướp đường, cán mỏng, sấy khô và xén thành từng miếng vuông vức như miếng bánh bích quy. Chỉ cần hơ sơ qua lửa miếng “bánh” bính đàng, chấm ít tương ớt và nhai chầm chậm, ta sẽ nhận ra bên cạnh mùi hương ngọt lành gần gũi có chút gì đó tuồng như vị xa xăm. Lạ hóa món ăn quen là điều mà các chị nội trợ năng động vẫn hay làm.
Mặc cho giá cá “đỏng đảnh” (khoảng 30.000 đồng/con), dân làng chài mùa này chiều chiều vẫn hay “giải mỏi” vài ly rượu đế với đĩa cá bính đàng nướng thơm phức. Với món này, vị ngọt thơm của cá như được “bình phương” lên làm khứu giác và vị giác no nê. Chính hai cái “giác” ấy kích thích cái “giác” thứ ba là... tự giác. Vâng, anh nào cũng tự giác phá mồi mà không hề khách khí.
Theo iHay

Món ngon đất gái mỹ miều


Kim Long là một địa danh nằm ở phía tây thành phố Huế, bên phía bờ Bắc của sông Hương, rất nổi tiếng vì có nhiều nhà vườn đẹp. Nhiều người biết đến địa danh Kim Long qua hai ca dao.

Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi.

Kim Long là vùng đất nổi tiếng với khung cảnh nên thơ và nhiều món ngon.
Nhưng cũng nhiều người lại biết đến Kim Long nhờ có món ăn hấp dẫn, đó là món: bánh ướt cuốn thịt nướng. Bánh ướt cuốn thịt nướng là món ngon vừa dân giã, lại vừa tỉ mẩn đúng kiểu ẩm thực Huế, nguyên liệu không khó tìm, nhưng cách làm đòi hỏi sự khéo tay, cẩn thận của người chế biến. Món ăn này rất đơn giản với các nguyên liệu chính, gồm: bánh ướt, thịt heo, rau thơm.
Bánh ướt là loại bánh tráng được làm bằng bột gạo có pha bột lọc. Cũng giống như bánh cuốn người ta vẫn hay ăn, bánh ướt được tráng mỏng và dùng liền (nếu tráng dày và phơi khô thì gọi là bánh tráng), điểm khác nhau giữa bánh cuốn và bánh ướt là bánh ướt được tráng dày hơn.
Thịt để nướng thường là thịt heo ba chỉ thái mỏng (một số nơi dùng thịt nạc), ướp tiêu, hành, nước mắm và một ít ngũ vị hương. Thịt ướp sau vài giờ cho thật thấm thì xếp đều lên vỉ, nướng trên lửa than đỏ hồng cho đến khi đủ độ chín, có màu nâu vàng, dậy mùi thơm là được.
Thịt nướng xong được rắc thêm vừng (mè rang) để tăng mùi thơm và vị hấp dẫn. Thịt nướng này cùng với rau thơm, xà lách sẽ là phần nhân để cuốn bánh ướt. Bánh ướt dùng cho món ăn này là loại hình tròn, cỡ bằng bàn tay, để vừa vặn trên chiếc đĩa nhỏ.
Người ta trải đều từng chiếc bánh ra, xếp lần lượt xà lách, rau thơm lên trên, rồi đến thịt đã nướng chín. Khi phần nhân đã được xếp gọn gàng, người ta nhanh tay cuộn đều bánh lại như cuốn nem, chỉ có khác là ở phía hai đầu vẫn để hở. Cái khó là cuốn nhanh nhưng phải nhẹ nhàng, đều tay để không rách phần vỏ bánh. Cứ như thế, lần lượt hết cái này đến cái khác, hàng chục chiếc bánh  được cuốn ngay ngắn, gọn gàng, xếp sẵn lên dĩa trông vô cùng hấp dẫn.
Bánh ướt thịt nướng ngon hơn, hấp dẫn hơn khi dùng kèm với nước mắm nguyên chất đã pha loãng với đường, nước, chanh theo tỉ lệ nhất định, cắt thêm vài lát ớt xanh, đập dập thêm một hai tép tỏi cho vào, người nào thích ăn cay hơn còn có thể cho thêm ớt chưng (ớt bột phi vàng với dầu). Riêng chén nước mắm thôi đã vô cùng bắt mắt với đủ các màu sắc, mời gọi khó cưỡng.

Chính nhờ hương vị nước chấm rất đặc trưng mà món ăn bình dân này của Kim Long được nhiều du khách biết đến.
Chấm chiếc bánh mềm mịn, trắng mướt, ẩn hiện phần nhân hấp dẫn, ngập trong chén nước mắm ớt, cho vào miệng nghe man mát, hòa quyện với thịt nướng thơm lừng, dai ngọt, đậm đà.

Nhai thật chậm rãi để cảm nhận lần lượt mùi vị các loại rau, vừa thơm dịu, vừa cay nồng, có như thế mới cảm nhận được hết cái tinh tế của người chế biến, của từng công đoạn làm bánh. Để rồi chưa ăn hết cái này, thực khách đã “nhăm nhe” tiếp cái khác, như để không làm gián đoạn vị thanh ngọt nhẹ nhàng đang hòa quyện vô cùng sống động trong miệng.

Thịt được nướng liên tục trên than hồng, trở đều tay cho đến khi chín vàng, dậy mùi thơm đặc trưng.
 
Dĩa bánh ướt thịt nướng dùng kèm với chén nước mắm đặc biệt.
Ngoài bánh ướt thịt nướng thơm ngon, ở đây còn nổi tiếng cả với món bún thịt nướng. Bún thịt nướng có lẽ ở đâu cũng có, nhưng khi đã đến Huế, nó vẫn là món ngon mà thực khách không thể không thử. Ngoài hai nguyên liệu chính là bún tươi và thịt nướng, món ăn này còn hấp dẫn hơn bởi “dàn hợp ca” của các loại rau tươi xanh mướt, bao gồm: rau thơm, ngò rí, rau xà lách cắt nhỏ, bắp chuối bào mỏng, đu đủ xanh thái sợi, dưa leo thái lát…
Người ta xếp bún tươi vào tô, rồi cho lần lượt các loại rau kể trên vào, xếp thịt nướng lên trên, sau đó rắc đậu phộng rang đập dập lên. Bún thịt nướng cũng được dùng kèm với nước mắm pha như trên. Đây cũng là một món ăn hấp dẫn rất nhiều thực khách khó tính khi đặt chân đến Huế.
 
Tô bún thịt nướng Kim Long đặc biệt với sự kết hợp của rất nhiều loại rau tươi
Với hương vị đặc trưng như thế, nếu có dịp đến Huế, trên đường đi thăm chùa Linh Mụ, bạn đừng quên ghé lại Kim Long để thưởng thức hai món ăn đậm đà hương vị quê hương này.

Bánh ướt và bún thịt nướng, đặc sản Kim Long
Theo iHay

Gìn giữ điệu sli giang của người Nùng


Người Nùng ở thôn Cao Tuyên, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là những người di cư từ tỉnh Cao Bằng về theo chính sách của Nhà nước từ năm 1977.

Sinh sống trên miền đất mới gần 40 năm, người Nùng ở đây vẫn giữ được những nét văn hóa rất riêng của mình. Họ vẫn mặc trang phục truyền thống, nói tiếng của dân tộc mình, hát những làn điệu Sli, điệu lượn, điệu ví đằm thắm trong những dịp lễ, tết…
Ảnh minh họa từ internet
Cụ Lục Văn Chính, gần 90 tuổi nhớ lại: "Trước đây, chúng tôi sống tại thôn Pô Tán, xã Nũng Nặm, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ở quê cũ, chúng tôi sống trên núi đá, không có đất canh tác, cuộc sống vô cùng khó khăn, người dân chủ yếu kiếm sống qua ngày bằng việc săn bắt thú rừng, đào măng, đào củ mài. Trước cuộc sống khó khăn của đồng bào, năm 1977, Nhà nước có chủ trương đưa 26 hộ gia đình người Nùng di cư về đây để xây dựng cuộc sống mới."

Có thể nói, nét nổi bật nhất trong văn hóa của người Nùng nơi đây là những làn điệu Sli mượt mà làm mê đắm lòng người. Ông Lương Văn Vinh, người được bầu là có uy tín và cũng là người hát Sli hay nhất thôn Cao Tuyên nói: "Hiện nay, thôn còn khoảng 20 người biết hát, chúng tôi thường đi biểu diễn giao lưu với các tỉnh bạn như Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên… và hát trong các cuộc Liên hoan tiếng hát các dân tộc toàn tỉnh. Tuy thôn chưa thành lập câu lạc bộ văn nghệ truyền thống nhưng mọi người vẫn có ý thức truyền đạt lại những điệu hát Sli cho con cháu."

Ông Vinh cho biết thêm cùng gọi là Sli nhưng Sli của các nhánh dân tộc Nùng có sự khác nhau. Chẳng hạn, với nhóm người Nùng Giang có Sli Giang; Nùng Cháo có Sli Sình Làng, Cổ Lẩu; Nùng Phản Slình có Sli Phản Slình... Mỗi làn điệu lại có cách thể hiện thế giới tâm hồn riêng thông qua những câu Sli. Nhưng, tất cả đều giống nhau ở cách biểu diễn là hát xướng.

Nội dung của hát Sli phong phú và hấp dẫn, mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào Nùng. Đồng bào Nùng thường hát Sli khi dịp Tết đến xuân về, khi có đám cưới, lễ hội... Khi điệu Sli vang lên trầm bổng là đồng bào đang đắm mình trong tiếng lòng của chính mình. 

Ông Vinh kể: “Từ khi còn nhỏ, tôi thường được nghe các anh chị, các cô, các bác ở trong thôn hát Sli Giang. Đặc biệt là những ngày đầu xuân năm mới, hoặc những đêm trăng sáng, nhiều đôi nam thanh nữ tú thường chia làm 2 nhóm ngồi hát đối đáp với nhau, qua những cuộc hát như thế có nhiều đôi đã nên vợ, nên chồng. Để hát Sli hay, ngoài chất giọng tốt, phải tập trung, phải biết luyến láy và có sự cảm thụ, cách thể hiện làm sao để lời hát dễ đi vào lòng người”.

Trong lời hát của điệu Sli Giang luôn có sự liên tưởng, ví von, thông qua những hình ảnh cụ thể để nói lên tâm tình con người. Dù lời hát nói về thiên nhiên, cây cỏ… thì cuối cùng vẫn là để nói về tình cảm, tâm trạng và ước vọng của con người. Khi hát Sli không cần nhạc cụ hay điệu múa đi kèm. 

Người hát có thể hát bất cứ lúc nào, chỗ nào, miễn là có đối tượng để hát đối, hát cùng hoặc là đối tượng được hướng đến trong bài hát. Ví dụ nếu hát về mùa Xuân thì có bài Chào mùa Xuân: Mùa Xuân đến ngày nào cũng tốt/ Già trẻ gái trai ai cũng muốn được đi chơi. Trong lao động sản xuất, người Nùng thường hát những điệu Sli có nội dung cổ vũ, động viên hăng say lao động, sản xuất hoặc nhắc nhở mọi người nên chăm chỉ lao động, bằng những câu thơ nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa nhiều hàm ý: Ngày ngày đi chơi chỗ này, chỗ khác/Không nhớ việc nhà để cây đỗ tương ra hoa mà không vun được.

Trưởng thôn Hoàng Văn Pảo cho hay hiện nay do sống chung với các dân tộc anh em, người Nùng ở thôn Cao Tuyên tiếp nhận thêm những văn hóa của các dân tộc khác nên các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng ở Cao Tuyên đã có phần mai một. Từ thực tế trên, vài năm gần đây chúng tôi khuyến khích thế hệ trẻ học các làn điệu Sli và mong muốn chúng không quên văn hóa gốc của dân tộc mình.

Ông Nguyễn Xuân Sửu, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Dương cho biết trong những năm qua, để gìn giữ và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc, huyện Sơn Dương đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và đã thành lập các Câu lạc bộ nghệ thuật trên địa bàn như Câu lạc bộ hát Soọng cô xã Ninh Lai; Câu lạc bộ hát Soọng cô xã Sơn Nam, Câu lạc bộ hát Then ở xã Tân Trào... 

Để gìn giữ điệu Sli của dân tộc Nùng Giang ở thôn Cao Tuyên, ngoài việc khuyến khích những người biết hát truyền dạy cho thế hệ trẻ, chúng tôi còn đẩy mạnh tuyên truyền, bồi dưỡng niềm say mê, yêu thích, tự hào cho những thế hệ sau đối với những làn điệu dân ca, dân vũ nói chung và điệu Sli Giang của dân tộc Nùng nói riêng. Qua đó góp phần bảo tồn bền vững những nét văn hóa truyền thống. Đây cũng chính là điểm nhấn, thu hút khách du lịch về với quê hương cách mạng.
Theo TTXVN

Cơm nhúc


(Dân Việt) - Với những người Rục ở xã Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình nói riêng và cộng đồng dân cư sống trên dãy Trường Sơn, bột nhúc gắn liền với quá khứ không xa.

Bột nhúc được làm từ thân cây đoác (loại cây họ dừa), thái mỏng phơi khô giã nhỏ, lọc sạch xơ để nấu ăn như “cơm”. Trong kháng chiến, bộ đội, du kích cũng đã từng làm loại bột đặc biệt này để ăn... Người Rục nay đã có gạo, ngô để ăn, món bột nhúc đã thực sự là quá khứ, nhưng thỉnh thoảng các gia đình vẫn làm để ăn cho đỡ nhớ mùi, để nhắc con cháu biết về quá khứ không xa của gia đình, dân tộc mình.
Ruột cây đoác được bào mỏng, phơi khô để làm bột nhúc.
Giã bột nhúc.
Rây lọc bỏ sơ.
Nấu món “cơm nhúc”.
“Cơm nhúc” ăn hơi có vị thơm của dừa, ngọt mát và... nhanh đói.
Những đứa trẻ này giờ chỉ ăn “cơm nhúc” như một món ăn cho biết.

"Khổ trước sướng sau" với gỏi sầu đâu


Nhiều người ví món gỏi lá sầu đâu là “khổ trước sướng sau”, bởi có lẽ chưa có loại lá nào dùng trong ẩm thực đắng bằng lá này. Nên vì thế mà nhiều người lần đầu ăn lá sầu đâu phải lập tức than “sầu đây” vì lá đắng quá.

Đến vùng Bảy Núi (Tri Tôn, An Giang) mà chưa thưởng thức gỏi lá sầu đâu, bò xào lá giang hay gà hấp lá trúc là coi như chưa đến vùng này. Chưa vội bàn về hai món bò và gà, chỉ riêng gỏi lá sầu đâu đã làm biết bao người con đất An Giang cũng như du khách phải thèm thuồng mỗi khi nhắc đến.
Nhiều người ví món gỏi lá sầu đâu là “khổ trước sướng sau”, bởi có lẽ chưa có loại lá nào dùng trong ẩm thực đắng bằng lá này. Nên vì thế mà nhiều người lần đầu ăn lá sầu đâu phải lập tức than “sầu đây” vì lá đắng quá.
Lá đắng mà có duyên lắm, đầu tiên nhấm nháp một chút thấy đắng nghét, mà hậu ngọt lạ kỳ, lại thêm mùi đặc trưng nên ăn một lần nhớ mãi.
Đừng vì lá đắng mà chần nước sôi lá sẽ mất đi mùi thơm đặc trưng của núi rừng
Nếu không có cơ hội ăn món “độc” này ở An Giang, thì tại Sài Gòn, bạn vẫn có thể thưởng thức món ăn này ở một số quán có chủ là người gốc Thất Sơn.
Nghĩ món gỏi đơn giản là trộn chút nước mắm với chanh và vài con khô là “sai lầm nghiêm trọng". Gỏi lá sầu đâu chỉ ăn với nước mắm me mới có vị đậm đà chứ dùng chanh và giấm thì “lạc quẻ”, tương tự như ăn bò beefsteak với cơm trắng, đông tây lẫn lộn.
Ăn lá sầu đâu sống chấm mắm kho cũng hết sẩy không kém
Nếu có chút tay nghề, chị em cũng có thể tự làm món ăn này ở nhà. Phần khó nhất là tìm mua lá sầu đâu.
Ở TP.HCM là sầu đâu có bán ở chợ Rạch Ông (Xóm Củi, Q.8, TP.HCM) hoặc ra chợ hoa Hồ Thị Kỷ (Q.10, TP.HCM). Nguyên liệu còn kèm theo cá sặc rằn hoặc cá trèn, thịt ba rọi, me, tỏi ớt và nước mắm trong là đủ để làm một đĩa gỏi lạ mắt để… vét nồi cơm và lai rai rôm rả.
Theo iHay

Măm măm món lạ giữa Sài Gòn


Bún thang, bún chả quá quen thuộc với teen Hà thành nhưng lại mới tò te với các teen TP HCM nhé!
Trung tâm thành phố là nơi chúng ta có thể tìm được vô số món ăn ngon từ khắp các vùng miền trên đất nước. Theo chân iOne điểm qua những món ăn ngon lạ với giá cả phải chăng nha các ấy.
Bánh mì nhân bò xiên
Chỉ với 16k/ổ, các teen nhà ta có thể thưởng thức một ổ bánh mì nhân thịt bò rất thơm ngon và lạ miệng. Bánh mì trước giờ bị đóng mác là khô khan, khó nuốt nhưng với nhân thịt bò nướng thì phải đánh giá lại teen mình nha hihi.
Thịt bò tươi sau khi rửa sạch được xay nhuyễn, trộn với sả ớt băm nhỏ, nêm nếm gia vị rồi vo thành từng viên, xiên que và nướng cho chín đều. Mùi thịt chín pha trộn với hương sả ớt cay nồng vô cùng quyến rũ. Thêm một điểm "ăn tiền" của món này chính là nước sốt dùng kèm với bánh mì bò nướng, được chế biến với công thức riêng rất vừa miệng và dễ gây "nghiện" teen nhé!
Quán nằm trên đường Trần Đình Xu, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 mở cửa từ 17h30 đến 22h hàng ngày nha các ấy!

Bún chả Hà Nội
Bún chả là món ăn đặc trưng của người dân thủ đô với hương vị đậm đà và mang chất riêng nhưng để kiếm một quán bún chả đúng chất Hà Nội thì quả là một chuyện khó khăn. Chúng tớ đã tìm được một quán ăn ngon do chính người Hà Nội làm đầu bếp. Quán ăn nằm trong nằm khuất trong một con hẻm sâu nhưng không khi nào quán ngơi khách.
Bún chả Hàng Mành là đặc sản của teen Hà thành nhưng ở Sài Gòn cũng có những quán bán rất ngon nhé!
Thêm nữa quán này cũng chẳng có biển hiệu, thực khách đến đây lấy món bún chả Hà Nội mà gọi thay tên. Vẫn bao gồm những nguyên liệu của người Bắc như bún tươi, thịt nướng vừa đủ, không cháy, dễ ăn, nem cua bể và chút nước mắm pha đu đủ dòn dòn, quán đã thành công khi giữ trọn vẹn hương vị đất Bắc cho món ăn này. Ngoài ra còn có nước mơ và nước sấu dành cho những ai muốn thưởng thức, tìm lại hương vị đất Bắc giữa lòng thành phố đấy.
Các ấy có thể ghé địa chỉ: 26/1A Lê Thánh Tôn để thưởng thức. Giá một suất bún là 30k và 5k/1 phần nem cua bể nghen.

Bún suông
Xuất xứ từ một tỉnh miền Tây Nam Bộ - Trà Vinh, điểm "chết người" của món ăn này nằm ở những miếng chả tôm được chủ quán nặn thành hình con suông - loài động vật chuyên sống trên ngọn dừa, được chiên giòn lên rất bắt mắt
Gọi là bún suông nhưng tô bún không hề... "trống vắng", trái lại, lúc nào cũng đầy ắp chả tôm, chả cá, khô mực nấu mềm, gạch tôm vàng ươm với nước lèo nấu bằng xương ống ngọt và thơm.
"Chén" ngon lành phần bún với đủ loại topping, húp nước lèo xì xụp các ấy sẽ thấy "thiên đường là đây" hihi.
Bún suông hấp dẫn quá đi mất!

Thưởng thức món bún này tại 133 Nguyễn Thái Học với giá 35k/tô nha.

Bún thang
Món ăn của người dân Hà thành được hầm từ xương heo, xương gà, tôm he và được hớt bọt thật kỹ nên nước dùng của món bún này rất trong và ngọt. Một bát bún thang được trình bày với nhiều gia vị với màu sắc rực rỡ như: giò lụa, trứng tráng, thịt gà, nấm hương, củ cải khô, rau răm, rau mùi, hành lá… khiến các teen Sài thành không khỏi tò mò phải khám phá món này cho bằng được. Các hương vị khá lạ lẫm này hòa quyện rất tuyệt, sẽ mang lại một trải nghiệm thật khó quên cho các teen "trọn đời mê ăn uống" đây nhé!
Bún thang ngon nổi tiếng đây! Ảnh: VK
Hãy đến thưởng thức món bún “lạ” này tại 176/13 Lý Tự Trọng, quận 1 với giá 35k/tô nha các ấy!
Hoàng BinnyLính mới iOne Hunters

Mùa mưa, rủ nhau đi ăn lẩu mắm 'ngon xuýt xoa'


Thời tiết ẩm ương này cùng cạ cứng tụ họp quanh nồi lẩu mắm nghi ngút khói thì còn gì bằng, teen nhỉ!
Lẩu mắm vốn không xa lạ với nhiều teen Xì Gòn, nhưng ở mỗi nơi, lẩu mắm lại được chế biến theo từng phong cách khác nhau, từ nguyên liệu tôm, cá,... đến rau củ và gia vị. Có nơi thì chuộng mùi vị mặn mà của nước lẩu, có nơi lại thiên về vị chua ngọt của nước chấm, nơi khác lại ưa vị cay cay của sả, ớt.
Nếu teen muốn thưởng thức một nồi lẩu mắm mang đậm hương vị đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, iOne mách các bạn một quán lẩu mắm nằm trong ngõ nhỏ trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 5. Quán có diện tích không quá lớn, rất thích hợp để các teen ngồi bên nhau trò chuyện, vừa xì xụp ăn lẩu vừa hít hà vì vị cay chua đậm đà của nồi lẩu trong những chiều mưa rả rích.
Hải sản cực tươi ngon là điểm cộng đầu tiên của quán. Với một phần lẩu khoảng 180k cho hai người ăn, teen có thể thưởng thức một dĩa bao gồm đủ nguyên liệu từ các loại hải sản: cá bông lau, tôm, mực,... đến chả viên, chả cá chiên.
Phần rau củ cũng tươi roi rói với các loại rau đặc trưng cho một nồi lẩu mắm như rau đắng, bông bí, bạc hà, thiên lý, môn,..
Dĩa nước chấm mặn mà xen lẫn vị chua cay là một trong những nét đặc biệt của quán. Có khi lẩu chưa kịp đem ra, nhưng teen đã có thể ngồi "chấm mút" dĩa nước chấm một cách khoái khẩu rồi đấy!
Nhẹ nhàng trút tôm, cá vào nồi lẩu khi nước vừa sôi lớn. Nồi nước lẩu bên cạnh nước dùng còn có kèm theo tàu hũ, cùng hương vị cay the của sả bằm.
Phần rau teen có thể nhúng từng loại một vào nồi lẩu và đậy nắp lại. Chú ý đừng để nước sôi quá lớn và đậy quá lâu kẻo mất vị tươi giòn của rau củ nhé.
Teen có thể nhúng sơ qua loại rau nhanh chín như bông bí, thiên lý, giúp rau không bị chín rục và vẫn giữ được vị tươi ngon.
Một nồi lẩu thật "chất" với sự kết hợp đẩy đủ của rau, thịt, cá và nước dùng đậm đà.
Múc hải sản với chén bún và nhẹ nhàng rưới nước dùng lên trên, vừa ăn vừa tám bên nồi lẩu nghi ngút khỏi, vậy là đã có những giây phút thư giãn sau giờ học thật tuyệt, phải không các teen? Địa chỉ mà teen gần gạch chân đây: 190/19, đường Sư Vạn Hạnh, quận 5. Chúc các ấy ngon miệng nhé!
iOne ShikshinẢnh: Mai Nhật