Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

LẦN ĐẦU KHÁM PHÁ HẢI MINH


Từ Cảng cá Quy Nhơn, chỉ mất chừng 10 phút, chiếc thuyền máy đưa chúng tôi lần đầu tiên đến khám phá Hải Minh. Dễ thấy nhất ngay khi chưa đặt chân lên đảo là Tượng đài Trần Hưng Đạo được tạc trong tư thế tay trái nắm chuôi gươm, tay phải chỉ về phương Bắc.
a
Sừng sững Tượng đài Trần Hưng Đạo
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nổi danh với ba lần chiến thắng quân Nguyên – Mông xâm lược, cùng những cống hiến trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị và nghệ thuật quân sự, ông được Viện Khoa học Hoàng gia Anh bầu chọn là một trong mười vị tướng soái kiệt xuất của lịch sử nhân loại. Sự kết tinh thiên tài và đức độ, ông được tôn vinh là Đức Thánh Trần. Tượng đài Trần Hưng Đạo được Hội Thánh Trần Bình Định xây dựng năm 1972. Ở chân tượng, bốn mặt đều trang trí phù điêu về cuộc đời và sự nghiệp của vị anh hùng. Theo một cầu thang nhỏ, thẳng đứng ở phía tây tượng đài bạn sẽ lên trên phần bệ tượng.Từ đây, giữa bốn bề lộng gió, bạn có thể thoả thích phóng tầm mắt về bốn phương trời. Xa xa là Cù lao Xanh, phố biển Quy Nhơn với dáng hình như một dải lụa nằm vắt ngang giữa nước và trời, tô điểm rõ nét là cầu Thị Nại được người xứ võ tự hào là cây cầu bắc qua biển dài nhất Việt Nam… Ở đây còn có ngọn Hải đăng hướng dẫn tàu bè ra vào cảng Quy Nhơn và chùa Long Hải với kiến trúc độc đáo - một địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn. Điểm du lịch này được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng ngày 10-9-2007.
a
Phố biển Quy Nhơn nhìn từ Tượng đài Trần Hưng Đạo
Điểm ấn tượng nữa là khu dân cư trên đảo có cái tên: khu vực 9 (tương đương như làng) hay còn gọi Đảo Hải Minh ngoài (để phân biệt với một khu vực nữa là Đảo Hải Minh trong cũng nằm trên đảo Hải Minh) với những ngôi nhà kiên cố san sát, nhà nọ với tay chạm được tường nhà kia.
a
Một góc làng đảo
Tất cả các con đường ở đây chỉ như những con hẻm, con ngách nhỏ, uốn khúc, ngoằn ngoèo, chỉ cần hai người đi ngược đường, lựa tránh nhau cũng khó. Nếu tách biệt khỏi núi và biển, những người lần đầu tiên đặt chân đến đây ngỡ đang ở một khu dân cư đông đúc xứ Hà thành. 
a
Làng đảo với những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo
Phương tiện chính để đi lại, trao đổi, giao thương trong làng là... đôi chân. Đi khắp làng, không có gia đình nào để một chiếc xe đạp, xe máy trong nhà. “Hầu như nhà nào cũng có nhưng đều được gửi ở đất liền với mức phí mỗi năm không dưới 1 triệu đồng đối với xe máy và vài trăm ngàn đối với xe đạp”, bà Ngô Thị Bổn, tổ 47 cho biết. Tài sản lớn, thiết yếu nhất của mỗi gia đình trên đảo là những chiếc thuyền lớn, nhỏ tuỳ loại – phương tiện duy nhất để vào đất liền.
a
Ở đây thuyền là phương tiện thiết thân tựa như xe đạp, xe máy trong đất liền 
Khu vực 9 có chừng 300 hộ với khoảng 1.200 khẩu. Chẳng mấy người biết hoặc nhớ ai có công đầu tiên đặt mốc, khai hoang, lập nghiệp ở vùng đất này. Người già nhất hiện còn sống tại đây là cụ bà có cái tên Nguyễn Thị Thao (Năm Thao) năm nay đã 96 tuổi. Bà kể rằng: “Không nhớ đích xác là làng có từ năm nào, bà sinh ra ở đây và lớn lên thì đã thấy làng, khi ấy lúp xúp vài nóc nhà”. Gần 100 năm gắn bó cùng làng đảo nên biển đối với bà như gia đình, như “đất sống”. Đến cái tuổi này, ngoại trừ những ngày trời mưa bão còn thì sáng nào bà cũng ra biển tắm. Một ngày không được ngụp lặn, không được biển ấp ôm là bà buồn, mệt mỏi lắm! 
a
Lớp mẫu giáo trên làng đảo
Chia tay những cư dân đảo, chúng tôi tiếc vì do thời gian quá ngắn ngủi nên chưa khám phá thêm một cảnh đẹp hoang sơ nữa là bãi tắm Hải Minh. Một hòn đảo rất gần phố biển, nếu được đầu tư đưa vào khai thác phát triển du lịch mạnh mẽ hơn thì hay biết mấy? 
Đàm Thuần 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét