Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Mỹ Thọ - đất đặc sản


Lâu nay, nói đến Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ) là người ta nhắc đến thắng cảnh Mũi Rồng nổi tiếng. Nhưng bên cạnh đó, Mỹ Thọ còn là vùng đất sản sinh ra nhiều đặc sản…
Danh tửu miền biển
Rượu Mỹ Thọ được sản xuất tại nhiều vùng trong xã Mỹ Thọ như thôn Tân Thành, thôn Tân Phụng 1… Mỗi nơi có cách lý giải riêng về nguồn gốc của loại rượu này. Ông Nguyễn Văn An, Trưởng thôn Tân Phụng 1, cho biết: “Nghề sản xuất rượu đã hình thành và tồn tại ở thôn chúng tôi trên dưới 100 năm nay. Theo các cụ cao niên, nghề nấu rượu hình thành từ mục đích làm ra sản vật địa phương, để phục vụ cho việc cúng tế tại các lễ hội vùng biển. Từ xưa, rượu Mỹ Thọ đã xuất hiện trang trọng trong các lễ hội, cũng như những dịp trọng đại của gia đình người dân trong vùng”.
Đối với người Mỹ Thọ, thưởng thức rượu địa phương luôn đem lại cảm hứng đặc biệt, bởi lắng sâu trong từng giọt rượu là truyền thống văn hóa, là ân tình đất và người nơi đây.

MyTho.jpg 
Một trong những yếu tố khiến rượu Mỹ Thọ mang hương vị đặc trưng chính là nguồn nước. Đó là loại nước được lấy từ các giếng trong vùng, ở độ sâu từ 15-20 m, nên rất trong và tinh khiết, để cả tháng cũng không đổi màu. Gạo dùng để nấu cũng phải là loại gạo ngon, tuyệt nhất là dùng gạo nếp Chánh Trạch. Bà Nguyễn Thị Bi (thôn Tân Phụng 1), tâm sự: “Tôi học nghề nấu rượu gia truyền từ năm 14 tuổi, qua bao thăng trầm, tôi vẫn quyết giữ nghề, tính đến nay đã được hơn 40 năm. Việc nấu rượu Mỹ Thọ không khó, quan trọng là phải tỉ mỉ xử lý từng công đoạn. Chẳng hạn khi nấu rượu, phải chọn ngày có thời điểm êm mát, chứ không nấu lúc trời có giông hay nóng nực, thì rượu làm ra mới ngon”.
Nhờ dùng nguyên liệu tốt và có bí quyết riêng, nên rượu Mỹ Thọ có mùi vị thơm nồng, đậm nhưng không gắt, uống không nhức đầu, nên rất được ưa chuộng. Đặc biệt, ngư dân Mỹ Thọ mỗi khi ra khơi đánh bắt, đều mang theo rượu Mỹ Thọ để tặng, giao lưu với ngư dân khắp nơi. Nhờ đó, rượu Mỹ Thọ có cơ hội chinh phục người sành rượu ở nhiều miền đất khác nhau, thị trường tiêu thụ cũngï ngày càng mở rộng. Rượu Mỹ Thọ đã theo chân các Việt kiều xa quê bôn ba trời Âu, qua đến tận Pháp. Hiện tại, rượu Mỹ Thọ đã được bán ở TP. Quy Nhơn với thương hiệu rượu Mũi Rồng. Uống ly rượu Mỹ Thọ mà như nghe trong đó, có cả lời gửi gắm, mời gọi: “Về thăm thắng cảnh Mũi Rồng/ Uống rượu Mỹ Thọ thơm nồng tình quê”.
Nếp và bí Chánh Trạch
Ngoài rượu, ở Mỹ Thọ còn có một loại đặc sản không kém phần nổi tiếng là nếp Chánh Trạch. Đây là loại nếp trồng trên bàu Chánh Trạch. Bàu rộng đến cả trăm ha, trong đó, phần lớn diện tích nằm ở thôn Chánh Trạch 1.
gianmuop.jpgKhông ai biết chính xác nghề trồng lúa nếp xuất hiện ở Chánh Trạch từ khi nào, chỉ biết rằng nếp Chánh Trạch được truyền lại từ bao đời nay và hầu như tất cả các hộ dân trong thôn Chánh Trạch 1, không ít thì nhiều, đều trồng lúa nếp.
Bà Võ Thị Tuyết (thôn Chánh Trạch 1) cho biết: “Trồng nếp Chánh Trạch khá vất vả, vì chỉ làm được một vụ trong năm, thường bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến đầu tháng 8 âm lịch. Vào mùa này, nước trong bàu cạn đến đâu, bà con trồng đến đó. Cũng do vậy nên nếp Chánh Trạch còn được gọi là “nếp ba tháng”. Hạt nếp Chánh Trạch to tròn, hương vị thơm dẻo rất đặc biệt, dùng để nấu xôi, hay gói bánh chưng, bánh tét đều rất ngon”.
Nếp Chánh Trạch có hương vị đặc trưng, nên tuy chưa có thị trường tiêu thụ rộng, nhưng cũng đã được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng, giá bán luôn cao hơn giá các loại nếp khác.

Từ bầu Chánh Trạch, tiếp tục tiến sâu hơn nữa vào thôn Chánh Trạch 1, sẽ thấy những giàn bí đao với những trái bí “khổng lồ” lúc lỉu trước hiên nhà. Đây là giống bí đao “hàng độc” của thôn Chánh Trạch 1. Không biết do đất thôn Chánh Trạch 1 tốt, hay do giống bí đao này đột biến gen, mà bí đao Chánh Trạch to đến phát “choáng”. Thông thường, quả bí đao chỉ nặng từ vài kg đến trên dưới chục kg, còn bí đao Chánh Trạch mỗi quả nặng… 20 đến 30 kg là chuyện thường. Thậm chí, theo người dân ở đây, đã có quả bí đao nặng đến 50 kg. Không những thế, bí đao ở đây còn rất sai quả. Một giàn bí đao trung bình trên dưới 50 quả, có giàn ra cả trăm quả. Do vậy, muốn làm giàn bí đao, người dân thôn Chánh Trạch 1 phải rất kỳ công. Họ sử dụng 50 đến 70 cây tre làm giàn; đồng thời, dưới mỗi quả bí còn chống thêm nạng tre nhằm đảm bảo độ vững chắc.
Bí đao Chánh Trạch ăn vào vị bùi rất ngon, bổ và mát; nên từ lâu, được xếp vào hàng đặc sản. Nhiều người dân Chánh Trạch còn mơ mộng: “Biết đâu, sẽ có lúc, bí đao thôn mình sẽ được công nhận kỷ lục Việt Nam là bí đao siêu trọng?”.
Hoài Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét