Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Thiên Cổ Miếu


Ngôi đền thờ cổ kính mang tên “Thiên Cổ Miếu” được coi là ngôi đền thờ sự học cổ nhất Việt Nam. Ngôi miếu cổ này nằm khiêm nhường nơi thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, TP Việt Trì (Phú Thọ), trong địa phận của Kinh đô Văn Lang xưa.

Theo như cuốn ngọc phả này thì đây là nơi thờ thầy giáo Vũ Thê Lang, vốn quê ở Mộ Trạch, Hải Dương cùng vợ là Nguyễn Thị Thục, quê ở Đông Ngàn, Kinh Bắc lên đây dạy học từ thời Hùng Vương thứ 18. Hai người này cũng là người dạy học cho hai công chúa của Hùng Duệ Vương là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Hai thầy cô tạ thế cùng một giờ, một ngày 2/2 năm Quý Dậu (228 trước công nguyên). Đến nay, ngôi mộ của hai vợ chồng thầy cô vẫn còn ở trong điện và chưa bị dịch chuyển lần nào.

Cuốn Ngọc Phả và sắc phong của Thiên Cổ Miếu

 Hoành phi và câu đối trong miếu Thiên Cổ có từ thời Tự Đức năm thứ nhất (1848). Trong miếu, ngoài ba lư hương cổ bằng gốm từ thời nhà Lý, nhà Lê, còn có một số đồ thờ bằng gỗ như ống hương, hai cây nến... Đặc biệt là các pho tượng Phụ vương, Mẫu vương và hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa cùng hai thị nữ. Ngoài ra, còn có một bức Hoành phi nhỏ ghi: “Thiên Cổ Miếu” và hai câu đối viết bằng chữ Hán trên gỗ mộc dài chừng một mét: “Hùng Lĩnh trung chi thắng tích/Nam thiên chích khí linh từ” nghĩa là: “Đền thiêng thờ người có chí khí mạnh mẽ, lớn lao của trời Nam”.

Từ những chứng tích của Thiên Cổ Miếu, các nhà nghiên cứu đã tìm được một danh sách 18 thầy giáo thời Hùng Vương, những người đã đào tạo ra hiền tài cho các Vua Hùng gồm: Thầy Lý Đường Hiên, thời Hùng Vương thứ 6, dạy ở Yên Vĩ, huyện Hoài Nam, phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam (nay là Ứng Hòa, Hà Nội); Thầy Lỗ Công, thời Hùng Vương thứ 9, là cháu ngoại vua Hùng Định Vương, dạy ở kinh thành Văn Lang...

Đến nay vẫn còn đền thờ của các thầy giáo và học trò của họ ở khắp miền Bắc nước ta như đền thờ thầy Hải Đường tiên sinh ở huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu; Đền thờ Trương Sơn Nhạc, học trò thầy Lỗ Đường tiên sinh, ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh... Thậm chí cả những vùng đất xa xôi, hiểm trở như ở Quỳnh Nhai, Sơn La, cũng có đền thờ thầy cô giáo và những học trò rạng danh thời đó.

Bàn thơ thầy cô giáo Vũ Thế Lang cùng hai công chúa của Hùng Duệ Vương

 Ngày nay, Thiên Cổ Miếu không chỉ là điểm đến của những người “Tôn sư trọng đạo”, yêu kính cội nguồn dân tộc, mà còn là điểm đến của không biết bao nhà nghiên cứu và du khách trong và ngoài nước. Ngôi đền cổ thờ thầy cô giáo là một minh chứng hùng hồn cho truyền thống giáo dục của dân tộc ta, một dân tộc có bốn nghìn năm văn hiến.

L.T (t.h)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét