Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Cách mua hoa quả ít nguy cơ nhiễm độc


(VietQ.vn) - Sau thông tin nho, mận, lựu, hay một số hoa quả khác của Trung Quốc có chứa chất độc, người tiêu dùng trong nước đang khá lo lắng khi thị trường bày bán nhiều loại rau, quả Trung Quốc. Chất lượng Việt Nam xin giới thiệu một vài cách lựa chọn hoa quả an toàn.
Thông thường, bằng mắt thường rất khó phân biệt được đâu là nho, mận, lựu… nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là khi người bán cố tình lập lờ về nguồn gốc. Tuy nhiên, có thể nhận dạng mận Trung Quốc thường có hình thức bắt mắt hơn mận Việt Nam, còn lựu nhập vào nước ta chủ yếu là lựu của Trung Quốc…
Mặc dù đã sắp hết mùa na, tuy nhiên hiện tại các chợ vẫn còn bán loại quả này. Đây cũng là loại quả nằm trong nhóm “ít có nguy cơ nhiễm độc cao” và an toàn cho người dùng. Na chín có mùi vị thơm ngon, thịt quả mềm khi chín, ngọt. Na dai chín được nhiều người ưa dùng với tác dụng bổ dưỡng (trong 100g na, người ăn sẽ nhận được năng lượng là 64kcal; nước: 82,5g; protein 1,6g; gluxit: 14,5g; xenluloza: 0,8g; canxi: 35mg; photpho: 45mg; vitamin C: 36mg). Ngoài ra trong na chứa rất nhiều vitamin nhóm B tốt cho sức khỏe người cao tuổi, người mới ốm dậy và phụ nữ sau khi sinh.
Na dai chín được nhiều người dùng, có tác dụng bổ dưỡng. Ảnh Đức Thắng
Mùa thu là thời điểm bắt đầu vào mùa cam. Loại quả này vào mùa thu giàu vitamin C nhất. Ăn cam giúp bạn nhanh khỏi cúm, ho, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, vitamin C trong cam giúp cho xương cứng chắc, chống đau họng, giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, ngăn chặn bệnh đục nhân mắt...
Tuy nhiên, hiện nay tại một số tuyến đường, vỉa hè ở Hà Nội xuất hiện nhiều điểm bán cam tươi được quảng cáo là “cam ngọt Hà Giang”, “cam Việt Nam” với giá khoảng 8.000- 10.000 đồng/kg. Theo tiết lộ của người bán cam trên đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thực chất đây là cam nhập từ Trung Quốc về và được bán ở Hà Nội, tuy nhiên trái cam có dạng gần giống như cam Hà Giang được nhiều người dùng nên mới "quảng cáo" như vậy. Cam Hà Giang chỉ bắt đầu thu hoạch vào tháng 12 dương lịch hằng năm, tức còn khoảng hai tháng nữa mới vào mùa.
Nhiều người nghĩ, ăn ổi sẽ bị nóng, táo bón, nổi mụn... Tuy nhiên, thực tế ổi là một trong những loại quả có giá trị dinh dưỡng rất cao, ổi chứa ít chất béo bão hoà, cholesterol và natri nhưng chứa nhiều chất xơ, vitamin C, A, kẽm, kali và mangan. Ngoài ra, ổi còn là loại quả có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Mùa này có ổi bo ở Thái Bình quả to bằng nắm tay. Ổi găng được trồng nhiều ở Gia Lâm, Hà Nội và nhiều vùng quê Bắc bộ. Ngoài ra còn có giống ổi to không hạt được nhiều nông dân trồng.
Bà Nguyễn Thị Bích Hồng - Viện Nghiên cứu rau quả, cho biết: những loại quả có nhiều vitamin, dưỡng chất, ở Việt Nam nói chung và miền Bắc khá phong phú. Có những loại quả mà khi ăn, người tiêu dùng tương đối an tâm, giá cả lại rẻ như quả ổi. Nông dân rất ít khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lên ổi. Sau khi hái xong thường mang đi bán ngay.
Theo tư vấn của chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng, quả ổi có chứa nhiều chất xơ nên có tác dụng phòng ngừa bệnh táo bón. Hạt của quả ổi cũng có tác dụng hiệu quả trong việc nhuận tràng và làm sạch hệ thống đường ruột. Về điều trị bệnh tiểu đường, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ, lá và quả ổi có khả năng giảm thiểu lượng đường gluco trong máu. Tuy nhiên, nếu ăn cả vỏ ổi sẽ không tốt cho lượng đường trong máu của bạn. Cách tốt nhất khi ăn ổi để điều trị bệnh tiểu đường là gọt bỏ vỏ....
Không chỉ có ổi, hiện cũng là mùa chuối tiêu. Khắp nẻo đường, chuối được bày bán với giá khá rẻ chỉ khoảng 20.000 – 30.000 đồng/nải. Chuối chứa nhiều vitamin B6, vitamin C và kali. Có bà nội trợ lo lắng mua chuối không khéo sẽ mua phải chuối dấm bằng thuốc. Chuối là loại quả rất lành, được bọc ngoài bởi lớp vỏ dày. Sau khi hái khỏi cây, quả vẫn tiếp tục chín. Thời gian để được chuối từ lúc hái còn ương đến khi chín khá dài vì vậy người bán ít phải sử dụng thuốc. Tuy nhiên, dù có dùng thuốc kích thích sinh trưởng để cho chuối mau chín thì người dùng cũng không nên quá lo lắng vì thịt quả được ngăn với bên ngoài bằng lớp vỏ dày, có thể bóc được.
Chuối không chứa nhiều chất độc nên an toàn cho người dùng. Ảnh: Đức Thắng
Quả khế ngọt cũng là loại quả an toàn cho người dùng. Loại quả này khá giàu các muối khoáng như kali, magie... Vị chua của khế không phải do vitamin C mà do axit tartric. Mùa khế ở miền Bắc vào khoảng tháng 2-3 và thêm vụ thu vào tháng 8-10. Chưa có loại bệnh nấm, virus nào nguy hiểm đối với khế. Vì vậy, người dân ít phải dùng thuốc bảo vệ như thuốc chống nấm, chống virus.
Một loại quả hiện có thể mua và sử dụng với giá cả vừa rẻ lại vừa an toàn là quả dứa. Quả dứa có hàm lượng axit hữu cơ cao gồm axit malic và axit xitric. Ngoài ra còn có chứa mangan, photpho, vitamin C dồi dào. Quả dứa ít phải bảo quản bằng thuốc vì loại quả này có thể tự chín sau khi đã thu hoạch, nông dân có thể hái từ khi quả còn xanh hoặc chớm chín. Vỏ dứa lại dày nên người dùng có thể an tâm.
Việt Nam là nước có nhiều giống bưởi quí như: bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), bưởi Diễn (Hà Nội), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), bưởi Năm Roi (miền Nam), bưởi Thanh Trà… Bưởi là loại quả ngon, dễ ăn, trong họ cam (cam, quýt, bưởi, quất) thì bưởi chứa nhiều hàm lượng vitamin C nhất. Thường xuyên dùng bưởi sẽ là một trong những cách phòng chữa bệnh hiệu quả. Ăn bưởi giúp cơ thể hấp thu tốt các thuốc bổ và dưỡng chất trong thức ăn. Công dụng của quả bưởi là trừ đau bụng ăn không tiêu, trừ thấp, tan đờm, trị ho, kém ăn, giảm cân…
Đức Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét