Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Có một Đồ Sơn rất khác…


(iHay) Không chỉ có những bãi biển thơ mộng, những rừng thông xanh mướt trải dài, còn có một Đồ Sơn rất khác trong mắt của những người không chỉ nghĩ về mảnh đất này như một nơi nghỉ dưỡng.

Tôi về Đồ Sơn lần thứ hai, không phải để đi biển. Từ con đường rộng thênh thang chạy từ thành phố Hải Phòng xuống Đồ Sơn, rẽ quặt vào phường Ngọc Xuyên, những nếp nhà bỗng dưng yên ả đến lạ, êm ái gối đầu vào những vạt cây xanh. Nhà xen cây, xanh mướt. Thi thoảng lại bắt gặp những vạt chuối xanh um đang kỳ trổ hoa đỏ thẫm.
 
Cây thị cổ thụ ở chân núi Ngọc
Rẽ lần nữa, con đường nhỏ quanh co xuyên rừng đi lên núi Ngọc, ngõ rẽ nào, bậc đá nào cũng giống nhau đến lạ. Ngôi làng nhỏ dưới chân núi Ngọc phưng phức thơm. Tôi cứ ngơ ngẩn vì cái hương quen lắm, cho đến khi trông thấy những trái vàng ươm lấp ló sau tán cây xanh cao vút. Hương của thị, thứ trái cổ tích mà hồi còn bé xíu, tôi và lũ bạn vẫn tranh nhau chọn những trái mọng vàng nhất, thơm nhất trong rổ thị của bà bán rong trước cổng trường. Hai trăm đồng một mùi hương, nhưng đã lâu lắm chỉ còn trong ký ức.
Ông cụ già tóc trắng, chủ nhà nơi chúng tôi gửi xe dưới chân núi kể, làng này trước đây thị mọc bạt ngàn, nhưng sau đó người dân chặt hết để xây nhà. Bây giờ chỉ còn dăm bảy cây thị nhỏ, và 3 cây thị cổ thụ. Giờ thị chín cũng chả ai ăn nữa, cứ mỗi mùa lại để rụng vàng dưới gốc.
 
Đường dẫn lên núi Ngọc
Tôi đã đi dọc con đường quanh co thơm hương thị ấy, và thầm nghĩ, liệu còn có đứa trẻ nào giống chúng tôi hồi xưa, cất trái thị thơm nơi đầu giường và hàng đêm mơ về cô Tấm.
Từ gốc thị cổ thụ nơi đầu ngõ nhà ông cụ tóc bạc, những bậc thang trải dài dẫn lên chùa Tường Long, xây dựng trên nền tháp Tường Long xưa. Chùa đang xây dở, ngổn ngang gạch đá. Nhưng đứng giữa khoảng sân lồng lộng mà ngó xuống thành phố Hải Phòng nổi lên giữa bao quanh là biển thì thật đã mắt.
Đứng trên cao vút, bỗng nghĩ đến hàng trăm tấn nguyên vật liệu xây dựng nên ngôi chùa này được cần mẫn đưa lên chính bằng những bậc thang tôi vừa đi, chỉ với sức người.
 
Hoa cỏ dại dọc đường đến Bàng La
Leo xuống, mệt rã, tôi bắt chước người đàn ông vừa gánh củi đi qua, uống một ngụm nước từ giếng nước phủ đầy rêu đầu làng. Mát rượi và ngọt lịm. Hương thị thơm và nước giếng trong len vào trong tôi giữa một buổi trưa êm ái. Từ Ngọc Xuyên, xuôi về phía Tây Bắc là phường Bàng La, nơi có làng muối Bàng La nổi tiếng khi xưa. Con đường vắng vẻ giữa hai bên là đầm ngập mặn, lúp xúp những bụi vẹt xanh thẫm. Không gian bỗng trữ tình đến lạ khi những bờ cỏ ven đường bạt ngàn hoa dại tím.
Tôi chợt nhớ đến con đường dẫn đến Vườn quốc gia Cát Bà, cũng đầm ngập mặn, cũng lúp xúp cây, chỉ khác là lần này chẳng có chú dê trắng lơ ngơ nào đi lạc để tôi nâng máy ảnh.
Làng muối Bàng La giờ vắng vẻ, chỉ  còn khoảng 40 hộ làm muối. Ông Bùi Đình Tuân, 50 tuổi, nói với tôi, nghề làm muối bây giờ chỉ còn người già, thanh niên làng tôi bỏ đi làm công nhân hết rồi.
 
 Diêm dân làm muối ở làng muối Bàng La
Dưới cái nắng vàng rực của buổi chiều muộn, những vệt muối ánh lên lấp lánh. Một vài diêm dân hối hả đẩy mạnh cây cào. Thu nhập cả ngày của họ là chừng nửa tạ muối, bán ra được khoảng 150.000 đồng.
Những diêm dân này chẳng hề biết đến một Đồ Sơn lộng lẫy với những khu biệt thự xa hoa, chẳng biết đến một ngày nghỉ dưỡng trên bãi biển đầy nắng gió. Họ là một Đồ Sơn rất khác…
Phượt thủ Tịnh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét