Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Dạo chơi Cát Cát


Cát Cát, khi người con trai quen biết và đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ tổ chức tiệc rượu mời bạn bè và nhờ họ hiến kế "kéo” cô gái mà anh ta muốn cưới làm vợ về nhà một cách bất ngờ và giữ cô gái trong nhà 3 ngày.

Dạo chơi Cát Cát
ảnh minh họa
Vượt qua những cung đường đèo quanh co, hiểm trở của dãy Hoàng Liên Sơn, đến với Sa Pa hùng vĩ và thơ mộng, bản Cát Cát thuộc xã San Sả Hồ là một địa chỉ tham quan mà du khách không thể bỏ qua.
Cát Cát là một bản (làng) của người dân tộc Mông nằm dưới chân đỉnh Fan Si Păng cao ngất, cách thị trấn Sa Pa khoảng 2 km. Bản Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19, dân số đa phần là người Mông.
Mua vé 40.000 VNĐ vào cổng, du khách bắt đầu xuống những bậc thang đá men theo thung lũng. Lần lượt bạn sẽ gặp những thửa ruộng bậc thang trồng lúa nương, những bụi giang, trúc, vầu cao vút xanh tốt lạ thường, những chiếc cối giã gạo thô sơ dùng sức nước rất độc đáo. Dọc đường, du khách còn gặp nhiều phụ nữ Mông đeo gùi trên vai xuôi ngược đi về bản, mỗi cô đều có một chiếc ô, bởi ở Sa Pa mưa nắng thất thường. Các cô gái Mông đều có điện thoại di động, nhắn tin bằng tiếng Việt rất thạo, vài cô nói tiếng Anh khá sõi, bởi Sa Pa là điểm du lịch nổi tiếng từ lâu và có rất nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến.
Ở bản Cát Cát có làng nghề thủ công truyền thống cho du khách tham quan trực tiếp. Qua những khung dệt gia truyền, người phụ nữ Mông đã làm ra những tấm thổ cẩm với nhiều sắc màu hoa văn sặc sỡ, mô phỏng cây, cỏ, lá hoa và muông thú... Bạn sẽ thấy thao tác se lanh vô cùng độc đáo nhưng cũng rất vất vả! Một phụ nữ Mông đứng dang hai chân trên một tấm ván dày, đè nén những sợi lanh trên một khúc gỗ tròn và lăn, nhún miếng ván chạy qua lại như làm xiếc! Người Mông nhuộm sợi và in thêu hoa văn trên nền thổ cẩm bằng phương pháp nhúng chàm, nhuộm nước tro thảo mộc và cây lá rừng.
Đi dạo dọc theo bản một lúc, qua cầu treo Si Si bắc qua suối Cát Cát thơ mộng, du khách sẽ đến nơi biểu diễn văn nghệ. Nơi đây bạn sẽ có dịp thưởng thức những vũ điệu dân gian Mông, Dao đặc sắc trong tiếng khèn du dương, tiếng sáo Mông dìu dặt, tiếng đàn môi sâu lắng hoà cùng tiếng thác đổ, suối reo giữa mây ngàn, gió núi mênh mang, phóng khoáng… Những chàng trai trẻ, những cô gái duyên dáng, xinh đẹp múa hát rất hay, vui vẻ nhiệt tình phục vụ du khách.
Khách du lịch tham quan bản Cát Cát
Từ giã nhà văn hoá Mông nhiều lưu luyến, đi vài mươi bước du khách sẽ gặp thác Cát Cát kỳ vĩ ầm ầm tuôn đổ mịt mù, khói sương trắng xoá. Thác Cát Cát hay còn gọi là thác Tiên Sa là một trong những thắng cảnh du lịch nổi tiếng nhất của Sa Pa. Thác Cát Cát bắt nguồn từ trên dãy Hoàng Liên Sơn băng qua đại ngàn hoang dã, rồi đổ xuống thung lũng Cát Cát, miên man tuôn chảy về xuôi, nhập vào sông Hồng mênh mang, đỏ đục phù sa… Luôn có nhiều du khách chụp ảnh lưu niệm bên thác Cát Cát kỳ vĩ.
Nhà ở của người Mông ở Cát Cát rất đơn sơ thường với ba gian làm bằng gỗ. Cột nhà kê trên chân tảng. Vách nhà được lợp khép bằng gỗ xẻ, nhà có 3 cửa: cửa chính ở gian giữa, 2 cửa phụ ở hai đầu nhà. Cửa chính nhà luôn được đóng kín, chỉ mở khi có đám cưới, tang ma, cúng ma vào dịp lễ, Tết. Trong nhà có gian thờ, sàn gác để lương thực dự trữ, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách.
Chúng tôi tình cờ quen được cô giáo Tầng Seo Loan người Mông. Cô kể cho chúng tôi nghe một vài phong tục, tập quán độc đáo của người Mông Lào Cai, trong đó tục "kéo vợ”: Khi người con trai quen biết và đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ tổ chức tiệc rượu mời bạn bè và nhờ họ hiến kế "kéo” cô gái mà anh ta muốn cưới làm vợ về nhà một cách bất ngờ và giữ cô gái trong nhà 3 ngày. Sau 3 ngày, nhà trai sẽ tiến hành lễ cưới nếu cô gái bằng lòng. Nếu như người con gái từ chối thì họ cùng nhau uống bát rượu kết bạn và mọi việc trở lại bình thường như chưa có gì xảy ra. Lễ cưới người Mông ở Cát Cát thường được tổ chức từ 2 đến 7 ngày…
Trai gái người Mông, Dao, Giáy ở Sa Pa và các vùng phụ cận thường gặp nhau ở chợ tình Sa Pa. Thực ra, đây chỉ là một góc "chợ” của thị trấn (Sa Pa), vào các ngày thứ bảy, chủ nhật chợ rất đông vui do có nhiều du khách và nhiều người đi chợ, dịch vụ ăn uống, mua bán nhộn nhịp. Trai gái nhân dịp này gặp nhau, làm quen, tỏ tình qua điệu khèn, tiếng đàn môi và những điệu xoè, múa gợi tình, mang âm hưởng núi rừng hoang dã. Chợ tình Sa Pa nhóm họp tại Sân Quần, trước mặt Nhà thờ đá thường từ khoảng 17h đến hết đêm thứ bảy, chủ nhật mỗi tuần.


.
 (theo daidoanket.vn )

Dạo chơi ở “ngôi làng đẹp nhất Tây Bắc” khiến khách Tây mê tít

(Dân trí) - Đến Sa Pa, nếu bạn dành trọn kỳ nghỉ của mình chỉ để quanh quẩn ở trung tâm thị trấn thì thực sự là một điều đáng tiếc. Không cần đi quá xa, du khách cũng có thể dễ dàng thăm thú bản Cát Cát - nơi được ưu ái đặt cho cái tên là “ngôi làng đẹp nhất vùng Tây Bắc”.

Ảnh: ahmet_oz
Ảnh: ahmet_oz
Bản Cát Cát thuộc địa phận xã San Sả Hồ, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai, là nơi tập trung đông đúc đồng bào dân tộc Mông. Từ trung tâm thị trấn, du khách chỉ cần đi theo con đường hướng về phía núi Fansipan khoảng gần 3km là sẽ đến bản Cát Cát. Bạn có thể đi bộ hoặc đi xe ôm với giá 40.000 – 50.000 đồng.
Ảnh: habi149
Ảnh: habi149
Ảnh: hannahh.clairee
Ảnh: hannahh.clairee
Nằm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn, bản Cát Cát được bao bọc bởi mẹ thiên nhiên. Cả một màu xanh của đồng ruộng, núi đồi bao trùm lên khắp bản, thấp thoáng đâu đó là những ngôi nhà nhỏ bé của người dân sinh sống. Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tràn đầy màu sắc mà cũng không kém phần thơ mộng.
Ảnh: vio.fuong
Ảnh: vio.fuong
Bản Cát Cát được hình thành từ thế kỷ XIX. Đến đầu thế kỷ XX, người Pháp đã lựa chọn nơi này làm địa điểm nghỉ dưỡng cho các quan chức cấp cao. Trên đường đi xuống, bạn sẽ tha hồ mê mẩn với những thửa ruộng bậc thang bát ngát, những bụi giang, trúc, vầu, cao vút xanh tốt. Thi thoảng, du khách còn bắt gặp phụ nữ H’Mông hoặc đám trẻ con đi dọc các nẻo đường.
Ảnh: hoangnguyen.93
Ảnh: hoangnguyen.93
Bản có gần 80 hộ dân, hầu hết nằm dọc theo con đường bậc thang lát đá giữa bản hoặc rải rác trên các sườn núi. Du khách đến trung tâm bản làng Cát Cát có thể dạo chơi thỏa thích ở ba dòng suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc.
Ảnh: ppcvannahong
Ảnh: ppcvannahong
Ngoài ra, nơi đây cũng có ngọn thác Cát Cát (còn gọi là thác Tiên Sa) chảy ầm ầm, ngày đêm tung bọt trắng xoá. Bên cạnh thác có hai chiếc cầu treo là cầu Si và cầu A Lứ thu hút rất đông du khách ngắm cảnh và chụp hình lưu niệm.
Ảnh: azmee1113
Ảnh: azmee1113
Đến với Cát Cát vào khoảng tháng 9, tháng 10, khách du lịch còn có cơ hội chiêm ngưỡng vườn hồng ri đúng độ nở rộ khoe sắc rực rỡ. Hoa hồng ri còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: hoa đuôi công, màn màn cảnh, hoa chiêu quân hay hoa túy điệp,…
Vừa bước đến bản là bạn có thể bắt gặp ngay sắc hồng hồng, tim tím của loài hoa này, tô đậm cả một góc trời Sapa.
Ảnh: quynhnh
Ảnh: quynhnh
Hồng ri không sở hữu vẻ đẹp kiêu kỳ, chói lọi mà nó quyến rũ bởi sự mỏng manh, thanh tao. Loài hoa này được ví như một nàng tiên xinh xắn đang e ấp giữa đất trời Tây Bắc. Hồng ri thường mọc thành chùm, có màu hồng phấn điểm thêm màu tím và trắng.
Ảnh: maitrang
Ảnh: maitrang
Ngoài trồng lúa, người Mông ở Cát Cát còn phát triển các nghề thủ công truyền thống như trồng lanh, dệt vải, đan lát dụng cụ sinh hoạt và rèn nông cụ.
Ngoài ra, ở bản Cát Cát còn có nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc, đồng từ lâu đời và tạo ra những sản phẩm tinh xảo như: vòng cổ, vòng tay, dây xà tích, nhẫn… Để tìm hiểu về các nghề này, du khách có thể tới tham quan làng nghề với các khu tranh thêu tay, khu giới thiệu nghề… vô cùng độc đáo.
Ảnh: sirorosi
Ảnh: sirorosi
Những sản phẩm tinh xảo được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của người bản địa không chỉ đem lại sức sống cho bản làng mà còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Mông được bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Ảnh: anthoneyduong
Ảnh: anthoneyduong
Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, trữ tình, du khách tìm đến Cát Cát còn bởi những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng của đồng bào dân tộc Mông.
Tạm rời xa bao bộn bề của công việc, hãy thử hòa mình với nếp sống của người dân nơi đây bằng cách nhảy những điệu múa sạp với chàng trai, cô gái người Mông, ngắm nhìn điệu múa uyển chuyển của các nàng thiếu nữ hay đắm mình trong điệu khèn, tiếng đàn môi say đắm lòng người….
Thêm vào đó, cũng đừng quên thưởng thức những món đặc sản như: rượu ngô, thắng cố, bánh ngô,…
Ảnh: amet_oz
Ảnh: amet_oz
Ảnh: hoangngoc
Ảnh: hoangngoc
Với những nét độc đáo, mang đậm sắc màu của một bản làng vùng cao Tây Bắc, Cát Cát từ lâu đã trở thành điểm du lịch ấn tượng, không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi du lịch Sapa. Nơi đây chính là chốn bình yên, là vùng đất thanh bình mà nhiều người quyến luyến không muốn rời xa.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét