Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Khám phá Điện 13 núi Cấm


Du khách thử một lần đặt chân đến Điện 13 ở núi Cấm (Tịnh Biên) để một lần khám phá và trải nghiệm những điều thú vị từ hang “mẹ sanh, mẹ đẻ” trong tứ bề “mê cung đá”.
Từ vồ Thiên Tuế, chúng tôi cùng đoàn du khách hành hương tiếp tục hành trình vượt qua con đường uốn lượn và mất khoảng 3km đường đi bộ mới đến Điện 13. Giữa cảm giác se se lạnh của cái nắng ban mai chưa qua khỏi vách núi thì quán ăn bên Điện 13 của chị Nguyễn Thị Nga đã đông khách vãng lai. Chị Nga mời chào: “Vào ăn tô bún chay, uống ly trà đá rồi chinh phục Điện 13 chú em ơi. Nghỉ xả hơi chút xíu đi, tôi kêu đứa con trai dắt mọi người xuống Điện Mẹ (còn gọi là hang “mẹ sanh, mẹ đẻ”)…”. 
 
 Quán võng bên Điện 13.
Sau vài phút ngã lưng trên chiếc võng, chúng tôi bắt đầu leo lên Điện 13. Khu Điện 13 rộng khoảng 50 héc-ta thuộc quyền sử dụng của ông tư Việt. Nơi đây, xưa kia là đồi hoang, khi lên đây lập nghiệp thấy khách đến cúng viếng ngày càng đông nên ông tư Việt đã cải tạo Điện 13 thật khang trang để phục vụ mọi người. Thấy chúng tôi là khách quen nên ông tư Việt tận tình hướng dẫn chúng tôi trong hành trình khám phá Điện 13. Phía điểm đầu Điện 13 là phủ thờ các vị chư thần. Muốn xuyên qua Điện 13 phải nghiêng mình thật sát vào vách đá rêu phong để đi. Bước tiếp theo, khom mình và cúi đầu xuống, rồi len lỏi qua phiến đá bàn mới có thể xuống những bậc thang dựng đứng khoảng 100m để tiếp tục cho cuộc hành trình chui vào hang “mẹ sanh, mẹ đẻ”.
            Nhìn hang tối om và nhỏ, chúng tôi chần chừ định bỏ cuộc, nhưng ông tư Việt động viên: “Lâu lâu, mấy chú mới lên một lần hãy đi cho biết. Đi Điện 13 mà không khám phá hang “mẹ sanh mẹ đẻ” thì thật uổng!”. Cầm 4 chiếc đèn cầy leo lét, ông tư Việt thu mình chui gọn qua cửa hang, ông nói với theo: “Hãy nhìn theo tôi mà đi… Tôi chui như thế nào thì chú em cứ làm động tác y như vậy... Vừa bước sụp xuống hang là cả một không gian tối om và lạnh lẽo. Sự chật chội, âm u như một “mê cung”, khiến chúng tôi hơi rùng mình. Đó chỉ mới là cửa 1, qua cửa 2, 3, 4, rồi đến cửa 5… Chúng tôi mò mẫm đi trong ánh đèn cầy vàng vọt với nhiều lò ảng, hang hốc và vách đá bóng loáng. Không gian như càng thâm u, ngột ngạt hơn. Ông tư Việt cho biết: “Hang “mẹ sanh, mẹ đẻ” có nhiều lò ảng, hang sâu hun hút, khách hành hương đi riết mà đá bóng như thế này”. Mỗi lần bước qua một cửa là ông tư Việt thắp một nén nhang lên lư hương nằm ngay vách đá. Đặc biệt, khi bước đến cửa thứ 6 thì có 2 tảng đá ép sát vào nhau chỉ còn một ngõ hẹp, những tưởng không qua được, nào ngờ ông tư Việt lách mình qua một cách nhẹ nhàng. Có thể nói, một trong 12 cửa trong “mê cung đá” phải kể đến cửa thứ 9, đây là cửa đi khó nhất. Những ai muốn qua lọt phải đi bằng tư thế ngửa mình, hai chân đưa qua trước, sau đó dùng tay chỏi vách đá để chui qua. Đi qua nhiều cửa dưới hang, chúng tôi phát hiện ra bên trong điện mẹ còn có nhiều nhũ đá rỉ nước róc rách mát dịu.
 
 Cổng hang “mẹ sanh, mẹ đẻ”.
            Là người dân sống lâu năm ở đây nên ông tư Việt rất rành về đường đi nước bước trong hang. Ông Việt cho biết, trong hang “mẹ sanh mẹ đẻ” này còn rất nhiều dơi quạ trú ngụ, đêm đến thì chúng bay ra kiếm ăn. “Thấy nhiều cửa hẹp như vậy chứ biết ý chút xíu là đi lọt. Thậm chí những người to con cũng có thể chui qua. Từ khi lên núi lập nghiệp đến nay, gia đình tôi dẫn không biết bao nhiêu lượt khách hành hương chui qua hang “mẹ sanh mẹ đẻ” này. Hôm rồi, tôi còn dẫn mấy chú bộ đội và cả phóng viên truyền hình xuống hang cho biết. Cả chiều dài đường đi của hang “mẹ sanh mẹ đẻ” khoảng 50m, nhưng khi muốn chui qua lọt phải mất ít nhất nửa tiếng đồng hồ. Nếu không biết cách đi có thể bị kẹt lại trong hang…”- ông tư Việt cho biết.
Bài, ảnh: THÀNH CHINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét