Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Phố bánh ướt



Bánh ướt - món ăn chơi, dân dã, cách chế biến không cầu kỳ, nhưng bánh đã được liệt vào món ăn "du lịch" trong nhiều năm nay. Thậm chí có cả một con phố chỉ bán toàn bánh ướt, nổi danh không thua con phố chuyên bán loại thức ăn nào đó ở nhiều nơi.
Người ta quen gọi con đường quốc lộ 1A, cách trung tâm thị trấn Diên Khánh không xa cái tên: Phố bánh ướt. Con phố dài gần cả cây số với những tấm bảng kê món ăn duy nhất san sát nhau: Bánh ướt. Khiến cho ai, dù tình cờ đi ngang cũng muốn dừng lại để thử cái hương bánh tráng từ bột gạo.
Lịch sử chiếc bánh ướt của phố có từ lâu, dễ chừng hơn 25 năm. Dạo đó, các lò nấu và tráng bánh bằng trấu, tiếng nước sôi reo nghe bên tai, hơi nước toả lù mù cho cảm giác dễ chịu vào những ngày mưa hay tiết trời se lạnh. Bánh chỉ là đĩa bánh ướt, hành phi mỡ, tóp mỡ và chà bông tôm khô rắc lên trên. Thực khách chủ yếu thoả cơn đói hơn là thưởng thức vị ngon của bánh.
Tuy nhiên, khi đó phố bánh ướt cũng đã hình thành, đã có tên trong bảng hướng dẫn của các hướng dẫn viên du lịch chọn đưa du khách khi ghé thăm Nha Trang. Để thích nghi theo sự chọn lựa của du khách, dần dà những chiếc bánh đổ mỏng hơn, nóng hôi hổi vừa tráng trong lò ra và vừa đủ một gắp. Từ đó, bánh ướt Diên Khánh đã thực sự thay đổi vóc dáng gần 10 năm nay - bánh ướt ăn tính đĩa giá 500 đồng/đĩa.
Tiếp thị hình ảnh, các quán ở phố bánh ướt đều bày lò tráng ra trước. Khách không chỉ để ăn, mà còn thấy cách làm bột, tráng bánh sao cho mỏng, khi ăn tan ngay trong miệng. Các quán có khi đã nhiều đời hành nghề nhưng lò trấu đã được thay bằng bình gas, nên ít nhiều mất đi cảm giác ăn bánh cùng khói lửa.
Phố bán bánh từ 4h sáng cho tới đêm. Khi có khách, bột được đổ ra từ chiếc gáo dừa truyền thống, nhẹ tay tráng là lớp bột lan đều trên khuôn vải, dưới nồi nước sôi cứ âm ỉ. Tráng một chiếc bánh chia thành 4 đĩa bằng một thanh tre dẹp. Để ăn bánh ướt còn kèm chả và giá trụng, chả cũng được sản xuất tại Diên Khánh. Trọng yếu là nước chấm, có hai loại, mắm nước và mắm nêm. Bánh ướt mắm nêm ngon miệng hơn. Pha mắm thuộc vào bí quyết của mỗi hàng, trong mắm có thơm (khóm) thái nhỏ, tỏi, chanh, đường như vừa mặn. Có thể ăn kèm tỏi sống hoặc ớt xiêm luôn sẵn trên bàn.
Lạ hơn, có quán đưa ra thứ nước chấm là mắm ruột. Mắm ruột làm từ ruột cá ngừ, cá ồ khá lôi cuốn. Đĩa bánh mỏng, tưởng có thể ăn được nhiều, nhưng kỷ lục của thực khách cho đến nay cũng dừng lại ở 42 đĩa. Bình thường, ngon miệng lắm cũng chỉ chừng 12 đĩa.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
Dân dã bánh ướt Ninh Hòa.

Theo lời giới thiệu của Dũng, chúng tôi đến quán bánh ướt số 1 nằm trên Quốc lộ 26. Quán rộng chừng 30m2 nhưng có đến 3 người phục vụ, 1 người tráng bánh, làm luôn tay nhưng vẫn không kịp phục vụ khách. Để được thưởng thức món bánh ướt, nhiều người đã kiên nhẫn ngồi chờ cả tiếng đồng hồ. Không chỉ khách địa phương, khách từ nơi khác như: Đắc Lắc, Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh… cũng đến đây ăn bánh ướt. Quán ăn không có bảng hiệu quảng cáo nhưng khách vẫn nườm nượp kéo đến.
Sau gần 30 phút chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng được thưởng thức món bánh ướt dân dã và nổi tiếng; không giò chả, không rau thơm nhưng khi ăn vào mùi vị rất lạ. Bánh ướt làm rất mỏng nhưng khi ăn vào bánh vừa mịn, dẻo, mềm, vừa dai. Điều đặc biệt hơn là ăn bánh với xoài chứ không ăn với rau. Nước chấm có hai loại: mắm nêm và mắm nước. Cũng là nước mắm nhưng ở đây pha chế rất ngon, có vị là lạ. Chị Diễm chủ quán hồ hởi khoe: “Đây là quán bánh ướt đầu tiên và đặc trưng nhất Ninh Hòa vì nó được làm với bột tôm chứ không phải giò chả như các quán khác. Trước đây, mẹ tôi làm nhưng giờ bà đã già nên tôi nối nghiệp của bà. Tính đến nay, quán đã gần 40 năm tuổi rồi đấy”. Chị Diễm còn cho biết, món này ngon, một phần do người làm nhưng điều quan trọng là các nguyên liệu để làm bánh đều xuất phát từ Ninh Hòa như: gạo 5 số, nước mắm gia đình tự làm. Cá để muối mắm phải là cá cơm, đặt mua trước nên khi cá vừa đánh lên nhờ chủ cá rửa sạch bằng nước biển rồi để vậy đưa vào muối, cá vừa tươi, vừa trắng… đồng thời phải canh đúng thời gian cá lóc thịt rồi chắt lấy nước mắm đưa ra ăn, không được quá sớm và cũng không quá muộn (chừng 4 - 5 tháng). Khi tráng bánh, tráng càng mỏng ăn càng ngon. Tráng được bánh nào bỏ khoanh tròn vào dĩa, người phục vụ rải lên một lớp mỏng lá hẹ xay nhuyễn xào mỡ và bột tôm khô rồi bưng lên cho khách ăn. Món này ăn kèm với xoài tươi được xắt thành sợi, khi ăn vào có vị chua nên không ngán, tạo cảm giác ngon miệng cho người ăn. Tuy công thức là vậy nhưng mỗi người có cách pha chế khác nhau. “Ngoài tôi, gia đình còn có rất nhiều cháu, chắt, anh em họ tộc làm… Nghề này tuy lãi không cao nhưng cũng đủ ăn. Hơn nữa nhìn thấy khách ăn ngon miệng nên rất vui. Mỗi ngày tôi bán chừng trên 10kg bột gạo. Khách vào ăn, người ít nhất cũng gần chục dĩa, với giá 500 đồng/dĩa” - chị Diễm cho biết.
Có thể nói, bánh ướt Ninh Hòa là một món ăn dân dã nhưng rất ngon miệng. Nó không chỉ được người trong tỉnh biết đến mà còn thu hút đông đảo khách ở các địa phương khác.
Theo Báo Khánh Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét