Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Sông nước Sài gòn



Con sông quan trọng nhất chảy qua Sài gòn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Sông Đồng Nai dài 589km, do hai nhóm Đa Dung và Đa Nhim bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (cao 1.500m) hợp thành. Sông Đồng Nai có thêm một phụ lưu bên tả ngạn là sông La Ngà. Từ cao nguyên đổ xuống vùng đồng bằng, sông chảy qua nhiều gành thác. Qua thác Trị An là thác cuối cùng, sông chảy uốn khúc giữa vùng đồng bằng, tiếp nhận thêm nước Sông Bé, rồi gặp sông Sài Gòn ở Nhà Bè (Sông Sài Gòn phát nguyên từ vùng Hớn Quản, chạy qua địa phận Tây Ninh, Sông Bé, rồi vào thành phố). Từ Nhà Bè, sông Đồng Nai chia thành nhiều nhánh chảy qua vùng rừng Sác (huyện Duyên Hải) để đổ ra biển ở vịnh Đồng Tranh và vịnh Gành Rái. Trong các phân lưu đó, quan trọng nhất là sông Lòng Tàu. Đó là con đường tàu biển các nước ra vào cảng Sài Gòn..
Trên địa bàn thành phố Sài gòn có nhiều rạch nhỏ đổ vào sông Sài Gòn, sông Đồng Nai như rạch Láng Thé, rạch Tra, rạch Bến Cát, rạch Thị Nghè, rạch Bến Nghé, rạch Phú Xuân và một số kinh đào như kinh Tham Lương, kinh An Hạ, kinh Thái Mỹ, kinh Đông (dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về Củ Chi)… Quan trọng nhất là rạch Bến Nghé. Đây là đường giao thông quan trọng. Trên bờ rạch Bến Nghé năm 1778 nhóm người Hoa từ cù Lao Phố và Mỹ Tho đã kéo về lập nên phố chợ buôn bán. Khu chợ búa đó phát triển thành Chợ Lớn ngày nay. Rạch Bến Nghé là bến cảng tiếp các thuyền buôn các nơi đến buôn bán với Sài Gòn-Chợ Lớn. Hai bên bờ rạch là các bến ghe: Bến Chương Dương, Bến Vân Đồn, Bến Hàm Tử, Bến Bình Đông, Trần Văn Kiêu. Rạch Bến Nghé là khởi đầu của các con đường thủy nổi Sài Gòn với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Từ thế kỷ 18, do nhu cầu giao thông, con đường đó được chính quyền cho sửa sang. Năm 1772 cho đào kinh Ruột Ngựa. Sách “Gia Định thành thông chí” (1820) chép: “Nguyên xưa từ Rạch Cát ra phiá Bắc đến Lò Gốm thì có một đường nước đọng móng trâu, ghe thuyền không đi lại được… Nguyễn Cưu Đàm cho đào kinh thẳng như ruột ngựa nên mới đặt ra tên ấy”. năm 1819 một đoạn rạch Bến Nghé được đào sâu sửa dòng cho ngay thẳng lại và được đặt tên là “An Thông Hà” (tức là kinh Tàu Hủ). Dưới thời Pháp thuộc, năm 1905, thực dân pháp cho đào con kinh Tẻ (từ cầu Chữ Y ra Tân Thuận) để chuyên chở lúa gạo đến bến cảng dễ dàng hơn. Sau đó chúng cho đào kinh đôi song song với rạch Bến Nghé vì việc lưu thông đã tăng nhiều, con rạch cũ trở nên chật hẹp. Rạch Thị nghè còn gọi là rạch Nghi Giang hay Bình Trị Giang), chảy bao bọc một phần phía Bắc của thành phố. Rạch được đặt tên Thị Nghè vì tương truyền vào đầu thế kỷ 18 con gái của quan Thống suất Nguyễn Cửu Vân, vợ một ông Nghè đã khai khẩn ruộng vườn ở đây và cho bắc cầu qua rạch để người đi qua lại dễ dàng. Cây cầu đó được gọi là cầu Thị Nghè và con rạch cũng được gọi theo tên đó.
Rạch Thị Nghè ăn lên Bàu Cát. Khúc ngọn này còn có tên là rạch Nhiêu Lộc (ông Nhiêu học tên là Lộc). Ngày xưa rạch Thị Nghè là nơi cảnh trí nên thơ. Bài Phú “Cổ Gia Định” đã mô tả: “Lối ngoài cạnh Bà Nghè dòng trắng hay hay tờ quyến trai…”. Rạch Thị nghè một thời gian dài được xem là ranh giới của thành phố. Đầu thời Pháp thuộc thực dân Pháp đào kinh Bao Ngạn nối với rạch Thị Nghè để ngăn cách thành phố với vùng chung quanh. Năm 1945 thực dân Pháp tái chiến Sài Gòn, quân Việt Nam cũng dựa vào con rạch này làm chiến tuyến để ngăn không cho chúng lấn chiếm ra vùng ngoài thành phố. Các trận đánh ở cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Kiệu, (9-1945) đã đi vào lịch sử thành phố Rạch Thị Nghè cũng là đường giao thông của ghe thuyền buôn bán đến chợ Thị Nghè, chợ Xã Tài (chợ Phú Nhuận).
Ngoài ra trên địa bàn quận I còn có một vài con kinh ngắn ngày xưa có vai trò khá quan trọng, nay không còn nữa: Con kinh chạy thẳng từ bờ sông Sài Gòn đến trước Ủy ban Nhân Dân thành phố ngày nay. Kinh khá to, hai bên bờ có đường rộng. Ghe thuyền các nơi đậu buôn bán tấp nập. Chợ Bến Thành trước kia được thực dân Pháp cho lập bên bờ kinh này trước khi dời về vị trí hiện tại (năm 1814). Một nhánh của con kinh chảy qua vị trí Nhà Hát thành phố đến Thảo Cầm Viên rồi chảy vào rạch Thị Nghè. Năm 1884, Pháp cho lấp phần từ đường Lê Lợi đến đường Mạc Thị Bưởi ngày nay. Phần còn lại thì cẩn đá hai bên bờ, từng đoạn có xây bực thang cho ghe thuyền đưa hàng hóa lên xuống. Năm 1887-1888 kinh này được lấp hẳn. Đường Hàm Nghi cũng được hình thành trên một kinh nhỏ được lấp lại.
Sài Gòn là một thành phố bến sông, có đi dọc theo Chương Dương – Bến Hàm Tử và Trần Vân Kiều mới thấy hết được cái hồn của đô thị này. Cái hồn của nó là một phép tính gộp những ngọn sóng gió từ sông lên, cảnh trên bến dưới thuyền, mùi hàng hóa đến và đi, mùi kho bãi, mùi cá tôm, mùi rác, nhất là mùi của những không gian ở cổ xưa…
Dọc theo con đường chỉ còn lác đác những nền cũ đậm dấu tàn phai, được sửa chắp vá, bị băm nát bộ mặt bằng những đường dây điện dày đặc. Phải đến gần cầu Chà Và mới thấy được một chùm nhà xây năm 1929 còn giữ lại sắc xưa. Chùm nhà vang “bóng tịch dương”.
Như nặng tình với đất, trước khi hợp lưu vào ngã ba sông Đồng Nai-Nhà Bè, sông Sài Gòn liên tục uốn thắt kéo dài thêm đôi bờ. Nhờ thế, Sài Gòn-TP HCM có được những bán đảo đẹp: Thanh Đa-Thảo Điền-Thủ Thiêm… Sự ban tặng của thiên nhiên là vậy, nhưng lịch sử 300 năm phát triển Sài Gòn hầu như chỉ mới dừng lại ở một bên sông, bên bờ Tây. Phía Đông bấy lâu bình lặng, nay vẫn đợi chờ… Mong ước Sài gòn phát triển qua phía bờ Đông khiến ta liên tưởng đến nhiều trường hợp tương đồng.
Ngày nay, việc phát triển Sài Gòn về phía Đông, qua Thủ Thiêm, đã được xác định và hoạch định rất sớm, hơn 10 năm là theo quy hoạch mới thật ra, từ trước năm 1975 Sài Gòn đã có tầm nhìn sang hướng này. Thế mà cho tới gần đây, bán đảo tiềm năng cách trái tim Sài Gòn chỉ khoảng năm trăm mét này vẫn còn là một vùng quê! Đường đất, chân đất, cầu ao, cầu cá ếch nhái kêu ộp oạp. Từ các cao ốc dọc bến Bạch Đằng, nếu có người thích thú nhìn cái “view” (quang cảnh) hoang sơ bên kia sông Sài Gòn, phía Thủ Thiêm, thì đó lại là sự chua chát không riêng đối với Thủ Thiêm… Chưa sang được bờ Đông, bờ phía Tây lại tiếp tục bị chất nặng, bị nêm chặt hay phình ra. Đến nỗi sau nhiều năm tham gia thị trường xây dựng tại Sài Gòn, có lần ông Nguyễn Ngọc Mỹ (Việt kiều Úc) nửa đùa nửa bi quan “mình có cảm giác như Sài Gòn đang bị chìm xuống”.
Phát triển về phía bờ Đông chẳng phải chỉ nhằm đánh thức Thủ Thiêm, Thủ Đức mà còn là để nối vào vùng kinh tế động lực phía Nam, tạo khả năng mở ra một Sài Gòn xanh mới có đồi dốc đẹp (vùng Thủ Đức và quận 9). Đồi dốc là thứ hiếm hoi đối với Sài Gòn hiện hữu. Chính đồi dốc và sông nước mới cho không gian sống tốt nhất. Thế nên tại Sài Gòn xưa, dân Tây chọn những gò đất cao để ở, và nay “cộng đồng Tây” mới lại chủ yếu rủ nhau về Thảo Điền. Ngoài việc chia sẻ áp lực dân cư cho bờ Tây, đô thị phía Đông sẽ thu hút bớt giao dịch và lượng người rất lớn đi lại Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu hàng ngày không còn phải qua sông. Đồng thời nó cũng sẽ hút dòng người từ bờ Tây sang. Ách tắc giao thông nhờ đó được hóa giải.
Du lịch thưởng ngoạn bằng canô trên sông Sài Gòn hiện nay do Cty vận tải du lịch Cần Giờ tổ chức. Trong một ngày nghỉ thứ bảy hay chủ nhật, bạn có thể đăng ký đi nhóm hoặc đi lẻ. Quãng thời gian đi thưởng ngoạn chính là những giờ phút được thư giãn thoải mái nhất sau một tuần làm việc.
Tàu khởi hành từ cảng Bạch Đằng tại trung tâm quận 1, du khách có thể được biết đến các địa danh, công trình, di tích, thắng cảnh trên đường đi. Canô ngược dòng sông chỉ vài phút là ngang qua Tân Cảng tấp nập tàu thuyền. Đi trên sông, du khách được quan sát cận cảnh các biệt thự của khu An Khánh – khu vực có giá đất cao nhất ở quận 2, TPHCM hiện nay. Điểm dừng đầu tiên của du khách là khu du lịch Bình Quới 1, từ đây có thể trông thấy Sài Gòn Water Park bên kia sông với những đường ống trượt nước uốn vòng. Hạ lưu sông Sài Gòn thường ngày rất nhiều tàu bè, sàlan lưu thông vận chuyển hàng hoá, cát đá v.v…Thỉnh thoảng những chuyến ghe chở những hàng gốm (bình, chậu, lu, lọ…) từ Bình Dương xuôi về miền Tây Nam Bộ. Càng đi lên phía thượng nguồn mặt sông càng phẳng lặng. Từng đám từng đám lục bình trôi dạt trên dòng nước mênh mang, trăng trắng những cánh cò. Lúc này canô đã lướt qua gầm những cây cầu lớn, nổi tiếng của TPHCM như cầu Sài Gòn, Bình Triệu, Bình Phước… Điểm dừng chân thứ hai là vườn thú Thanh Cảnh với hàng chục loài thú, chim, cá… Đặc biệt du khách được ngắm nhìn các giống vịt Châu Âu, Bắc Mỹ đầy màu sắc, rất lạ và đẹp, và loại bạch xà tinh nhanh. Khung cảnh hai bên sông um tùm cây cối, lau lách tô điểm nét hoang sơ. Canô đi ngang qua làng gốm Lái Thiêu sẽ giảm tốc để khách có phút quan sát làng gồm truyền thống trên bờ sông, trước khi rẽ vào vườn cây Lái Thiêu nghỉ trưa.
Chiều trên đường về, du khách được ghé thăm Miếu Nổi ở Gò Vấp – một di tích lịch sử văn hoá quốc gia do người Hoa xây dựng cách đây hơn 200 năm. Điểm độc đáo của ngôi miếu này là kiểu kiến trúc khảm sứ nhiều màu sắc đầy khéo léo. Một chuyến du ngoạn trên sông trải qua khoảng 65km. Tuy nhiên cũng có tour dài hơn đi đến đền Bến Dược, địa đạo Củ Chi. Nếu chọn tuyến xuôi dòng thì len lỏi kinh rạch trong khu Rừng Sác, cù lao Vàm Sát ở Cần Giờ, là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Du lịch thư dãn trên sông rạch đồng thời cũng là dịp thưởng ngoạn những vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã trên sông nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét