Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Vào bếp làm tiệc đêm giao thừa

SGTT.VN - Gợi ý vài món bạn có thể thực hiện dễ dàng cho tiệc đón giao thừa dương lịch, cả việc tạo niềm vui cho bữa cơm gia đình có sắc thái mới.

Bò rửa sạch cắt miếng vừa ăn. Ướp thịt bò với tỏi, tiêu, muối, đường bột nêm để thấm. Phi thơm tỏi cho bò vào xào. Cho nước vào nấu bò, sau khi sôi hạ lửa nấu liu riu, sau đó cho vang đỏ vào hầm tiếp cho đến khi thịt bò mềm hẳn. Nêm lại cho vừa ăn, cho ớt chuông, hành tây, vào nấu thêm ba phút. Bò nấu vang đỏ ăn với bánh mì.

Ức gà ướp với muối, tiêu, tỏi, dầu ôliu và lá rosemary băm nhỏ để thấm, cho vào lò nướng chín. Bánh tráng pía cuộn dâu tây, lê, táo, nho cắt hạt lựu và xốt mayonnaise chiên chín vàng. Ăn gà nướng kèm chả giò trái cây.

Lạng phần da của đùi heo bỏ đi, phần mỡ trên thịt cắt khía. Xiên lỗ để cắm đinh hương. Sau đó quét mù tạt lên, kế tiếp rắc đường rồi cho vào lò nướng khoảng 2 giờ. Thỉnh thoảng dùng rượu táo quét lên mặt. Lấy nước nướng thịt nấu với chà là, mận khô và rượu táo làm nước xốt.
thực hiện: Q.T

Tin khác

Canh chua cá rô nấu trái giác









Canh chua cá rô nấu trái giác. Ảnh: TBX
(TBKTSG Online) - Trong số các loại cây mọc hoang khắp những vạt rừng lá dừa nước, vườn tràm, bờ ao ..., ít có loài nào mọc khỏe như cây giác. Giăng lưới, cắm câu bắt được những con cá rô mề trên những cánh đồng lúa mênh mông hay trong mương vườn, dưới sông rạch đem nấu canh chua trái giác thì không gì bằng.
Giác bị chặt hoặc tàn lụi trong mùa nắng sẽ đâm chồi mơn mởn sau mưa. Hễ còn một khúc rễ ngắn là giác có thể sinh tồn. Trái giác tròn, hơi dẹp, nhỏ và dính nhau thành từng chùm. Khi còn non, trái nhỏ như hạt đậu xanh. Càng lớn, trái càng có màu xanh đậm đà và bóng bẩy. Trái chín lại có màu đen thẫm, bên trong tím lịm như mực mồng tơi, tựa như trái nho chín, nhưng kich cỡ nhỏ hơn, có lẽ vì thế mà người bình dân Tây Nam bộ gọi nó là nho rừng.
Trái giác già, trái giác ngả màu đen. Thương người có nghĩa mấy phen hẹn thề. (ca dao)
Trái giác non có vị chua chát, càng lớn vị thay đổi từ chua thanh đến chua ngọt, chất nhờn của trái gây ngứa nên không ăn được. Nhưng dân gian thật tuyệt vời khi họ đã nghĩ ra cách dùng trái giác để kho cá hay nấu canh chua, tạo nên những món ăn đặc trưng miền sông nước.
Trái giác tròn, thon dài như trái sầu đông. Ảnh: NVT.
Người có kinh nghiệm chế biến ít khi chọn trái giác chín, bởi nó tạo màu nước tím đen không đẹp mắt. Họ chỉ hái những trái già hoặc vỏ hơi hườm hườm hái nhiều chùm về rồi lặt từng trái một, sau đó rửa sạch. Cá rô cũng làm sạch, để ráo. Rau dùng để nấu canh chua thường là những ngọn rau muống đồng mọc hoang ngoài bờ ruộng, vườn tạp. Chuẩn bị xong, bắc nồi nước lên nấu cho thật sôi rồi thả trái giác vào nấu đến khi trái mềm rệu rã thì lược lấy trái cho ra tô. Sau đó, cho một ít nước sôi vào tô, dầm vừa tay cho trái giác nhuyễn từ từ, cho thêm một ít nước sôi nữa hòa vào phần đã dầm để lọc lấy nước trút lại vào nồi canh đang nấu.
Lược nước chua xong là cho cá rô vào nồi. Trong lúc này, người ta sẽ nêm nếm cho nồi canh vừa ăn với các gia vị: ớt, bột ngọt, nước mắm và ít đường. Đợi cá chín, cho tiếp rau vào. Nồi canh vừa ăn, cá và rau chín đều thì nhấc nồi xuống. Rau ngò om được rửa sạch và cắt nhỏ sẽ cho vào nồi canh sau cùng, để mùi thơm của rau dậy hơn. Vậy là có nồi canh chua ngon như ý.
Sẵn bếp than hồng, người ta kho khô luôn mấy cá rô để ăn với nồi canh chua vừa nấu và cơm gạo lúa mùi phảng phất mùi thơm vừa chín tới.
Vậy đó, từ những thứ có sẵn ngoài vườn hoang, dưới sông rạch người miền quê đã khéo léo kết hợp và tạo thành những miếng ngon vừa thú vị vừa ấm lòng.
 Thạch Ba Xuyên

Củ ấu









Cây ấu.
(TBKTSG Online) - Ở những lung bàu, kênh rạch miền Tây Nam bộ thường có cây ấu mọc hoang. Đây là loài cây sống dưới nước; thân ngắn, có lông. Cây có hai thứ lá: lá nổi có phao ở cuống, hình quả trám, mép trên có răng cưa, dài cỡ 4 - 5 cm, cuống dài từ 10 đến 15 cm, giữa có phao; lá chìm thì phiến lá giảm, phiến xẻ lông chim nhưng rất nhỏ nên trông chỉ còn có các đường gân. Bông ấu màu vàng mọc đơn độc hay ở kẽ lá.
Trái ấu thường được dân gian gọi là “củ”, củ có hai sừng, đầu sừng hình chóp nhọn, sừng do các lá đài phát triển thành. Củ ấu thường có hai giống: ấu gai cho trái có hai sừng nhọn như gai. Ấu trụi cho trái có hai sừng tù. Nếu trái ấu chưa quá già, màu nâu, chưa rụng xuống bùn, luộc ăn ngon, gọi là ấu nâng gương. Nếu trái đã già, chuyển qua màu đen sẫm, vỏ cứng như sừng, có nhiều bột, gọi là ấu sừng trâu.
Củ ấu luộc chín; ruột trắng vỏ đen.
Ấu luộc chín, cắn bỏ vỏ, ruột ấu có màu trắng ngà ăn vừa ngọt, vừa bùi. Ngày xưa, khi cha ông ta đến vùng đất này khẩn hoang khai hóa, chính củ ấu là nguồn lương thực bổ sung quan trọng giúp con người no lòng ấm dạ.
Ngoài ra, củ ấu còn có chức năng chữa bệnh. Theo Đông y, thịt trái ấu có vị ngọt, tính mát, tác dụng bổ mát, giải thử nhiệt, giải độc, trừ phiền. Ăn vào giúp ích khí, kiện tỳ, bổ ngũ tạng. Sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (1518 - 1593) cho rằng: củ ấu có công năng cầm tiêu chảy, chữa kiết lỵ, đại tiện ra máu, loét dạ dày… Theo kinh nghiệm dân gian thì vỏ trái ấu dùng chữa loét dạ dày và loét cổ tử cung. Toàn thân cây dùng chữa trẻ em sài đầu, giải độc rượu và làm cho sáng mắt.
Dân gian có câu Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau bồ hòn cũng méo để nói về tác động chủ quan từ tình cảm đến lý trí con người. Củ ấu gai góc là vậy nhưng khi đã thương nhau rồi thì hình ảnh cũng thành tròn trịa; một cách nói quá, ví von thật thú vị của người bình dân. Từ loại cây mọc dại, hình thù xấu xí nhưng dân gian đã biết tận dụng làm món ăn vừa ngon miệng vừa có tác dụng bồi bổ cho sức khỏe. Quả là sự tận dụng thiên nhiên một cách tài tình đến tuyệt vời vậy!
 Bài và ảnh: Thạch Ba Xuyên

Canh chua khô cá lóc, đọt me









Chanh chua khô cá lóc (xiêm lo) nấu với lá me non.
(TBKTSG Online) - Món canh chua Việt có rất nhiều cách nấu, cách sử dụng nguyên liệu khác nhau. Đó là món không chỉ đơn thuần là để “ăn” mà còn thể hiện tính cách và văn hóa ẩm thực mỗi vùng, miền.
Các bà nội trợ hoặc các tay đầu bếp thường dùng chanh, me, giấm, cơm mẻ để chăm chút cho nồi canh chua. Nhưng những tay mê ẩm thực, những tay thợ nấu tài hoa vùng đồng bằng sông Cửu Long thường tìm tòi, sáng tạo cách nấu sao cho vừa lạ miệng vừa kích thích tiêu hóa, chẳng hạn như cá ngát nấu bần, cá linh kho với me non, lươn nấu với đọt cóc hoặc khô cá lóc nấu với đọt me.
Thông thường một nồi canh chua cá lóc bao giờ cũng nấu với cá tươi, nhưng gần đây, nhiều người đã biến tấu món xiêm lo của người Khmer thành món canh chua Việt, thay vì dùng nguyên liệu cá tươi, họ lại nấu bằng khô, chất lượng thơm ngon và hương vị khác hẳn so với nồi canh chua cá bình thường. Món xiêm lo truyền thống của người Khmer thường nấu bằng cá, tép, khô phối hợp với rau, củ, quả, kèm thêm nhiều thứ gia vị, gọi chung là xiêm lo cá, xiêm lo tép, xiêm lo thập cẩm...
Giống như nồi canh xiêm lo, người miền Tây đã sử dụng các loại khô như khô cá lóc, cá lăng, cá tra... nấu chung với bắp chuối bào hoặc chuối cây xắt mỏng tạo thành một bản “hợp tấu” giữa xiêm lo Khmer và canh chua Việt thật tuyệt vời. Nhưng nét độc đáo của nồi canh chua khô là nấu bằng lá me non (đọt me). Cũng như lá giấm, lá giang, đọt cóc, thứ nào cũng có vị chua riêng nhưng lá me khi cộng hưởng với khô, bắp chuối, rau và củ sả sẽ tạo nên một mùi vị đặc trưng, không lẫn vào đâu được.
Khô cá lóc, nguyên liệu dùng nấu canh chua với lá me non.
Trong cái chua chua, dìu dịu và thanh khiết toát ra từ lá me hòa quyện với vị mằn mặn, ngòn ngọt, dai dai, giòn giòn của khô sẽ làm cho nồi canh thơm ngon, hấp dẫn, nhất là nước canh vừa đậm đà, beo béo vừa quyến rũ. Món nầy chấm với nước mắm ngon dầm ớt hiểm và ăn chung với bún thì... hết chỗ chê. Có thể nói, trưa trưa thấy đói thèm cơm mà có được một tô “xiêm lo” khô nấu với lá me non, người ăn sẽ háo hức, ăn đến sảng khoái và vã mồ hôi, bao nhiêu mệt nhọc cũng đều tiêu tan hết.
Nét đặc trưng của nồi canh chua “xiêm lo” là phải nấu bằng rau nhà, rau đồng, hay bắp chuối hoặc chuối cây với đủ các vị măn, ngọt, chua, cay... Có thế hương vị mới đậm đà, quyến rũ. Người ăn chỉ cần gắp một miếng khô kèm thêm chút rau ghém bắp chuối, cay cay, chua chua, càng nhai càng thú vị. Người thưởng thức chỉ nếm thôi cũng đủ biết tay nghề của thợ nấu thế nào. Nhưng dù cho thịt cá ngon cỡ nào, người nấu khéo đến đâu mà thiếu các loại rau thơm như ngò gai, mò om, húng quế coi như nồi canh chua đó chẳng còn ý nghĩa gì.
Trước kia, loại canh nầy chỉ có mặt ở các bếp nghèo vì nguyên liệu thường là đầu khô, xương khô đi kèm với rau củ quê nhà, nhưng nay món nầy đã cải tiến thành đặc sản và ngày càng được nhiều người ưa thích. Nhìn nồi canh chua hoặc lẩu chua được bày biện một cách đẹp mắt, hài hòa, với đầy đủ sắc màu và mùi vị cũng đủ tác động vào mọi giác quan, giúp cho người ăn ngon và ăn no.
 Bài và ảnh: Thiên Phúc

Đặc sản vùng biên phía Nam









Bọ cạp núi bán ở chợ Tịnh Biên.

(TBKTSG Online) - Trong các dịp nghỉ lễ, tết khá dài ngày, du khách có thể về vùng Thất Sơn (Bảy Núi) tham quan, viếng chùa bái Phật, sau đó dạo chơi chợ biên giới, thưởng thức các món ẩm thực đặc sắc, rất đặc trưng của vùng này. Thất Sơn là tên gọi một vùng thuộc địa phận hai huyện biên giới là Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang, giáp tỉnh Takeo của Campuchia.
Vùng Thất Sơn vừa có núi non, vừa có đồng bằng với nhiều sông rạch; có rất nhiều bà con chăn nuôi bò. Do đó, đến Tịnh Biên bạn nên dùng qua vài món ẩm thực đặc sắc ở đây ví dụ như cháo bò, khô bò, lạp xưởng bò, phở bò, dụm bò…
Bò xào lá giang là một món ẩm thực độc đáo khá phổ biến, dễ làm và có hương vị rất đặc trưng của miền núi Tịnh Biên. Bò xào lá giang hiện nay có trong thực đơn chính của nhiều nhà hàng ở các  nơi. Lá giang thường có trên đất vườn, đất triền đồi núi, cũng dễ tìm, nhất là khi trời sa mưa xuống, lá giang phát triển rất tốt. Ðây là một loại dây leo có màu xanh thẫm, không mùi nhưng lại có vị chua ngon ngót, giàu vitamin C và chất xơ.
Ở Tịnh Biên, hầu như ai cũng biết cách làm món ăn dân dã này. Cách chế biến khá đơn giản. Thịt bò tươi thái mỏng ướp gia vị xào với nước dừa, lá giang xắt thành sợi nhuyễn độ vài nắm tay. Khi thịt  gần chín thì cho lá giang vào, xào vừa héo là nhắc xuống, thêm ít nước cốt dừa và đậu phộng  rang đâm nhỏ rắc lên mặt. Món nầy chấm với nước chấm chanh ớt. Ngửi mùi khói bốc lên thơm lừng và nếu có thêm vài cốc rượu đế hoặc ít ly bia thì tuyệt hảo!
Dùng điểm tâm buổi sáng hoặc lúc về chiều bụng đói sau một ngày thăm thú cảnh quan, du khách nên ăn món cháo bò Tịnh Biên cho biết. Cháo bò ở đây nấu lỏng vừa ăn. Thịt bò xắt (thái) mỏng, trụn, chín tái cùng với lòng bò đã được làm sạch và mềm. Lá sách trắng, màu sữa đục vừa giòn vừa dai, miếng phèo nhân nhẫn cùng miếng tủy bò béo ngậy với miếng phổi mềm mềm thêm vài lát gan, tim thơm ngon... Những thức ấy được chấm cùng nước mắm ngon hoà cùng vị chua của nước trái trúc (giống như  chanh, có vỏ sần sùi) một loại trái làm chua của người Khmer Bảy Núi. Vị cay nồng của ớt hiểm xanh cùng với hớp cháo có ít gừng băm bốc khói sẽ làm cho bạn xuất mồ hôi sảng khoái. Ngoài vị ngon độc đáo, du khách sẽ rất ngạc nhiên khi trả tiền vì ‘giá rẻ bất ngờ’!
Cháo bò vùng Bảy Núi.
Có một món mới xuất hiện ở vùng biên giới nầy mấy năm nay là bò cạp, loại côn trùng to cỡ con dế mèn, mình dẹp, màu đen bóng, hai càng to, đuôi cong vểnh lên. Bò cạp thường sống ở những nơi rậm rạp, đất ẩm, kẹt hốc đá, có nhiều ở vùng Bảy Núi.
Ở Tịnh Biên, Tri Tôn có một số quán bán món bò cạp và dế chiên bơ trông khá hấp dẫn. Quán Tài, quán Hẩu, quán Tư Núi (chợ Xuân Tô) chuyên các món nầy. Theo bà con người Khmer ở Thất Sơn và những người biết về Nam dược cho biết “Đây là món ẩm thực ngon, bổ, có dược tính, trị được đau khớp, nhức mỏi, đau lưng…”. Hiện nay, ở bên hông cửa Tây chợ Tịnh Biên có bán khá nhiều bò cạp sống và cả rượu ngâm bò cạp.
Trước khi trở về, ghé chợ Tịnh Biên, bạn sẽ tha hồ lựa chọn những món quà ưa thích đem về tặng người than, bạn bè. Thực phẩm thì có khô bò, lạp xưởng bò, mắm cá linh, đường thốt nốt...
 Bài và ảnh: Mai Lý\
Lạp xưởng bò, lạ mà ngon
TT - Chiều, mình về thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn, An Giang). Những hạt mưa mịn như tơ xiên rắc khắp bầu trời đầy thi vị. Bất chợt mình nghe mùi thơm của ngũ vị hương, của thịt bò chín tới lan chiếm khứu giác nhẹ nhàng nhưng quyến rũ.
Lạp xưởng bò ở Tri Tôn Ảnh: Cúc Tần
Lần theo sức hút ấy, mình thấy trước hiên nhà một người đàn bà ngồi bên bếp than hồng lăn trở luôn tay những khoanh lạp xưởng trắng đục đến khi dần trở màu đỏ thắm thì gắp ra đĩa.
Em bật thốt: “Tung lò mò”. Bà chủ cười, lắc đầu: “Lạp xưởng bò”. Rồi bà phân tích tung lò mò là đặc sản của người Chăm sông Hậu, An Giang. Đó là món ăn tận dụng phế phẩm bò sau khi chế biến món cà púa, dồn vào ruột bò với một số gia vị, đặc biệt là cơm nguội để lên men chua, đem phơi khô. Tung lò mò là món ngon của người Chăm nhưng không hợp khẩu vị người Việt.
Tri Tôn có chợ bò Tà Ngáo nổi tiếng. Thịt bò vụn, ê hề, đem băm sơ, ướp tiêu, bột ngọt, đường, muối và ngũ vị hương rồi dồn vào ruột heo làm sạch, phơi ráo, cột từng khúc nhỏ thành lạp xưởng bò tươi, nướng bán.
Khi đĩa lạp xưởng bò đặt trước mặt, mỗi đứa cầm một cây nĩa nhỏ ghim khúc lạp xưởng bò nhỏ dài cỡ ngón tay cái, chấm muối tiêu chanh ớt cho vô miệng. Trời đất, miếng cắn ngọt xớt vì ruột heo bung bể. Rồi nữa, thịt bò băm miếng lớn miếng nhỏ, dai dai của gân, mềm mềm của nạc, sần sật của sụn nghe khoái cái lỗ tai. Nhưng khi vị ngọt mặn chua cay của miếng ăn, nhất là của một ít mỡ bò nóng hổi tươm đầy chân răng, thấm đẫm vòm họng và cả năm giác quan, mới biết cái sự thống khoái của thú ẩm thực đáng trân quý biết chừng nào. Đã nhất là mỗi khúc lạp xưởng là một “độc bản”, cho mình vị giác và xúc giác khác nhau.
Đâu đã hết. Thấy khách lạ phương xa mê mẩn món ngon của mình chỉ duy nhất có tại thị trấn Tri Tôn, bà chủ xăng xái đem chai rượu đục ngầu rót đầy hai ly mời uống. Thấy khách ngần ngừ, bà khích lệ: “Uống đi!”. Ly rượu ngọt dịu, chua êm làm tăng thêm sự khoái khẩu của những miếng lạp xưởng bò ấm áp khẩu cái. Bà cười bảo: “Nước thốt nốt lên men thành rượu, đặc sản mới có ở xứ núi này”. Rượu ngon, món lạ làm tăng hứng khởi cho mình trong tiết trời lành lạnh lâng lâng khoái cảm của mùa mưa Nam bộ. Mình ngồi bên nhau, bên nhiều khách phương xa cùng hân hoan thưởng món ngon xứ núi ấm lòng!
Nhưng rồi cũng đành phải chia tay bà chủ với bọc nilông đựng những khoanh lạp xưởng bò tươi được bà nướng sơ, để tủ lạnh đến mười ngày vẫn tốt. Khi dùng nướng hoặc chiên sơ là đã có mồi ngon đãi bạn.
CÚC TẦN

Thung lũng Ma Thiên Lãnh ở miền Đông Nam bộ


(TBKTSG Online) - Được ví như một Đà Lạt của miền Đông Nam bộ, thung lũng Ma Thiên Lãnh nằm trên địa phận xã Thạnh Tân (thị xã Tây Ninh, Tây Ninh) hình thành bởi 3 ngọn núi là núi Bà Đen, núi Heo và núi Phụng với diện tích hàng trăm héc ta rừng nguyên sinh tuyệt đẹp cùng những suối nước chảy róc rách khi mùa mưa tới.
Một goc thung lũng Ma Thiên Lãnh.
Hiện nay, đã có một con đường nhựa dài hơn 3 cây số từ tỉnh lộ 785 nối lên tận đỉnh núi Phụng rồi nhưng để đến được Ma Thiên Lãnh lại không phải dễ dàng, bởi đường xuống thung lũng vẫn khá cheo leo, hiểm trở và đặc biệt là ở đây có rất nhiều... rắn.
Chỉ cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng hai giờ đi xe máy, vượt quãng đường gần một trăm cây số, hiện nay Ma Thiên Lãnh trở thành địa điểm du ngoạn, nghỉ ngơi dịp cuối tuần của những bạn trẻ với nét hấp dẫn của thiên nhiên hoang sơ, tách biệt với nhịp sống hiện đại của các đô thị. Từ chân núi, nơi có một xóm nhỏ chừng chục hộ dân sinh sống, chỉ đi thêm gần một cây số là lên tới đỉnh núi. Đây chính là nơi dành cho những ai ưa mạo hiểm thực hiện hành trình khám phá bằng những con đường rừng rợp bóng cây cối cổ thụ vào lãnh địa bí ẩn chưa có dấu chân người.
Mùa này, khi miền Đông đang có những cơn mưa nối tiếp nhau cũng chính là lúc vạn vật, chim chóc, muông thú ở Ma Thiên Lãnh sinh sôi nảy nở, hòa thành một bản nhạc du dương bất tận của trời đất với những âm thanh vô cùng vui nhộn. Với những người từng đi nhiều nơi ở vùng Nam bộ, sẽ không thể nào hình dung được ở Ma Thiên Lãnh lại có những khúc cua, cung đèo uốn lượn đẹp như giữa vùng Tây nguyên xa xôi như vậy. Đây chính là cung đường mà một công ty du lịch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã xây dựng để cho du khách thuận đường khi muốn khám phá dải đất này. Và, hiện nay nhiều hạng mục khác của dự án du lịch này cũng đang dần hoàn thiện mặc dù chẳng làm mất đi một chút nào của thiên nhiên hoang dã.
Đường vào Ma Thiên Lãnh.
Đường đến Ma Thiên Lãnh tuy không phải là những cung đèo hùng vĩ nhưng cũng đủ uốn lượn để làm cho những ai yêu vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên phải nao lòng. Giữa bốn bề líu lo tiếng chim hót, chúng tôi còn được nghe cả những tiếng vượn hú tìm bầy nữa. Một khung cảnh cứ ngỡ như ở một thế giới nào xa lạ lại đang hiển hiện ra trước mắt bởi ở Ma Thiên Lãnh, nơi hệ sinh thái và tài nguyên động thực vật được bảo vệ nghiêm ngặt.
Điểm đến ưa thích của những ai muốn khám phá Ma Thiên Lãnh chính là hang Ông Hổ, một cái hang sâu hun hút, nằm sát phía tây của chân núi Heo. Tuy nhiên, để tới được khu vực hang Ông Hổ, bạn phải vượt qua một quãng đường rừng với cây cối rậm rạp, vượt qua những con suối và nhất là phải vượt qua nỗi sợ hãi mang tên… mãng xà. Có rất nhiều những câu chuyện kỳ bí về loài mãng xà nặng hàng trăm ký lô cư ngụ trong hang Ông Hổ này, đêm đêm vẫn mò xuống núi bắt heo, gà, vịt hay thậm chí cả bò con của người dân nữa. Tuy chưa ai tận mắt chứng kiến loài động vật ghê gớm này nhưng tất cả người dân trong vùng đều tin vào sự tồn tại của nó.
Lối vào hang Ông Hổ.
Người bạn đồng hành với chúng tôi, anh Tình cũng là một nhân viên kiểm lâm ở rừng Ma Thiên Lãnh, từng có hơn mười năm gắn bó với thung lũng này chỉ cười khi kể về loài mãng xà ấy. Anh bảo, mãng xà thì không biết có thực hay không nhưng rắn thì ở đây rất nhiều. Mặc dù vậy, rắn ở Ma Thiên Lãnh khá lành, chỉ đi kiếm mồi ban đêm nên ban ngày, cứ theo đường rừng mà đi thì sẽ chẳng bao giờ gặp chúng.
Ở Ma Thiên Lãnh này, cái thứ khác biệt duy nhất với xung quanh chính là… khí hậu. Nghe lời anh, chúng tôi mới để ý thấy rằng, không phải vì bốn bề là rừng núi, là cây cối và sương đọng trên lá cây mà thực sự, ở Ma Thiên Lãnh mát hơn ngoài kia. Giải thích cho việc này, anh Tình cho biết, do nơi đây được bao bọc bởi ba ngọn núi cao, quanh năm mây phủ nên khí hậu bốn mùa mát mẻ, kể cả bên ngoài thung lũng trời nóng như đổ lửa đi chăng nữa. Ngoài ra, mùa mưa đến Ma Thiên Lãnh, bạn có thể ngắm nhìn  những con suối chảy từ trên đỉnh núi Bà Đen huyền thoại cao hàng ngàn mét xuyên xuống những tầng lá mục tháng năm.
Trong gần một ngày rong ruổi giữa thung lũng “Ma” này, điều mà chúng tôi dễ dàng cảm nhận nhất chính là sự tĩnh lặng, êm đềm của nhiên thiên hoang dã. Nơi đó, những dốc đá chênh vênh, những khe đồi vắt vẻo, những mạch nước trời như từ trên mây chảy xuống khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng phải nao lòng. Có lẽ, đây chính là một trong những cánh rừng nguyên sinh còn giữ được nhiều nhất vẻ đẹp tự nhiên của mình mà chúng ta lại có thể dễ dàng khám phá đến vậy.
 Bài và ảnh: Đoàn Xá

Ma Thiên Lãnh- điểm đến hoang sơ nức lòng dân phượt



(Emdep.vn) - Thung lũng được mệnh danh là “Đà Lạt ở miền Đông Nam Bộ” nằm giữa ba ngọn núi, cách TP.HCM 3 giờ xe đang là điểm đến “bỏ bùa” du khách.

Thung lũng Ma Thiên Lãnh không phải là cái tên quá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên điểm đến này gần đây càng trở nên nổi tiếng sau khi những bức ảnh đẹp như trong tiên cảnh được nhiều du khách cập nhật trên trang cá nhân.
Ma Thiên Lãnh - điểm đến hoang sơ nức lòng dân phượt
Ma Thiên Lãnh - điểm đến hoang sơ nức lòng dân phượt
Những bức ảnh "sống ảo" được các bạn trẻ chụp tại Ma Thiên Lãnh.
Ma Thiên Lãnh - điểm đến hoang sơ nức lòng dân phượt
Thung lũng Ma Thiên Lãnh nằm tiếp giáp giữa ba ngọn núi gồm núi Bà Đen, núi Phụng và núi Heo (thuộc địa bàn xã Thạnh Tân, Thị xã Tây Ninh). Với khí hậu quanh năm mát mẻ, rừng bạt ngàn, suối róc rách, nơi đây được ví như “Đà Lạt ở miền Đông Nam Bộ”.
Ma Thiên Lãnh - điểm đến hoang sơ nức lòng dân phượt
Ma Thiên Lãnh được ví như Đà Lạt của Đông Nam Bộ.
Chỉ cách trung tâm Sài Gòn khoảng 100 cây số với gần 3 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy, Ma Thiên Lãnh thích hợp là điểm đến trải nghiệm cuối tuần. Xa rời nhịp sống hiện đại, xô bồ ở các đô thị, tới đây mọi người sẽ được thư thái tận hưởng núi non mây ngàn.
Ma Thiên Lãnh - điểm đến hoang sơ nức lòng dân phượt
Con đường đến Ma Thiên Lãnh tuy không quá cheo leo, hiểm trở nhưng cũng uốn lượn đèo dốc không dễ dàng gì. Dưới chân núi chỉ có hơn chục hộ dân sinh sống. Từ điểm này chỉ cần đi thêm gần một cây số là lên tới đỉnh núi.
Ma Thiên Lãnh - điểm đến hoang sơ nức lòng dân phượt
Dù quãng đường không quá dài nhưng vẫn là hành trình khám phá đầy thú vị băng qua những con đường rừng rợp bóng cây cối cổ thụ tới nơi vắng bóng người. Có lẽ, đây chính là một trong những cánh rừng nguyên sinh còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên nhưng cũng không quá khó chinh phục ở Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình khám phá, du khách nên cẩn trọng vì vùng rừng núi này có khá nhiều rắn.
Ma Thiên Lãnh - điểm đến hoang sơ nức lòng dân phượt
Ma Thiên Lãnh - điểm đến hoang sơ nức lòng dân phượt
Do được bao bọc bởi ba ngọn núi cao, quanh năm mây phủ nên dù bên ngoài có nóng như đổ lửa thì khí hậu ở Ma Thiên Lãnh vẫn quanh năm mát mẻ, ôn hòa, thích hợp cho các chuyến dã ngoại, cắm trại hay trải nghiệm trong ngày.
Ma Thiên Lãnh- điểm đến hoang sơ nức lòng dân phượt
Chỉ cần một ngày rong chơi khám phá vẻ nguyên sơ, tĩnh lặng nơi thung lũng nên thơ này, mọi mệt mỏi  lo âu dường như tan biến.
Moon (tổng hợp)

Văn miếu Trấn Biên









Nhà Đại Bái thấp thoáng sau hồ Tịnh Quang.
(TBKTSG Online) - Sau khi lập nên dinh Trấn Biên, Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) - vị chúa Nguyễn thứ sáu - đã cho xây dựng Văn miếu Trấn Biên vào năm Ất Mùi (1715). Đây là văn miếu đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong, trước cả văn miếu ở Vĩnh Long, Gia Định và Huế.
Ngày nay Văn miếu Trấn Biên tọa lạc tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, gần Trung tâm văn hóa-du lịch Bửu Long và cách trung tâm thành phố khoảng 3 km. Kiến trúc của Văn miếu Trấn Biên mô phỏng theo Văn miếu - Quốc Tử giám ở Hà Nội, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài của nhân dân nước Việt. Di tích này còn là nơi có phong thuỷ tốt, được mô tả trong sách Đại Nam nhất thống chí là “Phía nam trông ra sông Phước Giang, phía bắc dựa vào núi Long Sơn, là một nơi cảnh đẹp thanh tú, cỏ cây tươi tốt...”.
Khuê văn các.
Năm 1861 khi tiến chiếm Biên Hòa, quân Pháp đã đốt phá Văn miếu Trấn Biên, san phẳng, không còn lại dấu tích. Người đời nay chỉ hình dung Văn miếu Trấn Biên xưa qua sử sách. Năm 1998, tỉnh Đồng Nai đã cho xây dựng lại Văn miếu Trấn Biên hoàn toàn mới, có kiến trúc là những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly màu xanh ngọc bằng gốm tráng men.
Từ cổng vào là nhà bia, Khuê Văn các, hồ Tịnh Quang, tam quan, nhà bia thứ hai và nhà thờ chính. Văn miếu Trấn Biên có các hạng mục công trình như Văn Miếu môn, nhà bia, Khuê Văn các, Thiên Quang Tỉnh, Đại Thành môn, nhà bia Khổng Tử, sân Đại bái, nhà Đại bái (Nhà thờ chính), Văn Vật khố, nhà Thư khố.
Văn Miếu môn là cổng ra vào của Văn miếu, nơi chào đón quan khách. Nhà bia có mái che, ngay chính giữa là bia đá với chất liệu là đá granit Bửu Long, bia truyền thống khắc bài văn khái quát về truyền thống văn hóa, giáo dục của Biên Hòa xưa và nay. Bia tiến sĩ được khắc bằng đá xanh với câu nói nổi tiếng của Thân Nhân Trung: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia".
Khuê Văn các được xem là công trình chủ đạo trong khu vực văn miếu. Khuê Văn các ngày xưa là nơi các bậc hiền tài, những tao nhân mặc khách gảy đàn, ngâm thơ, ngắm trăng, đàm luận chuyện văn chương, thời cuộc. Thiên Quang Tỉnh là hồ nước lớn nằm giữa Khuê Văn các và Đại Thành môn. Hồ có hình chữ nhật, chung quanh được ốp bằng đá Bửu Long. Đại Thành môn nằm trên trục thần đạo, là cửa chính để vào khu thờ phụng, tế lễ của văn miếu. Bên phải và bên trái Đại Thành môn là Kim Thành môn và Ngọc Chấn môn. Nhà bia Khổng Tử có 4 mái, 2 cột, được đặt ở vị trí trang trọng, trước sân Đại bái, nằm trên trục thần đạo.
Nhà bia Văn miếu.
Sân Đại bái là nơi diễn ra các buổi lễ quan trọng tại văn miếu Trấn Biên. Nhà Đại bái là công trình quan trọng nhất của quần thể kiến trúc Văn miếu Trấn Biên gồm có 3 gian, trên tường có biểu tượng trống đồng. Trong văn miếu, gian chính đặt bàn thờ đức Khổng Tử, bàn thờ Quốc tổ và Lịch Đại đế vương. Gian bên trái thờ các danh nhân Chu Văn An, Nguyễn Trãi và Lê Quý Ðôn. Gian bên phải thờ Võ Trường Toản, Ðặng Ðức Thuật và ba vị anh hào "Gia Ðịnh tam kiệt": Trịnh Hoài Ðức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Ðịnh. Kiến trúc của Văn Vật khố được mô phỏng theo kiến trúc nhà trưng bày sản phẩm của trường Bá nghệ Biên Hòa trước đây ở khu vực Tòa bố Biên Hòa.
Nhà truyền thống chủ yếu dùng để trưng bày và ghi danh những đơn vị, cá nhân đạt được các danh hiệu cấp nhà nước. Nhà Thư khố ở phía đối diện với Văn Vật khố, là nơi lưu giữ các công trình văn hóa - nghệ thuật, khoa học, giáo dục đã được thể hiện thành ấn phẩm (sách) về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Văn miếu Trấn Biên là nơi bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh các giá trị văn hóa - giáo dục từ xưa đến nay của Nam bộ nói riêng và của cả nước nói chung. Vùng đất Biên Hoà - Đồng Nai có bề dày lịch sử phát triển nhưng Văn miếu Trấn Biên là một di tích đáng để những con người Biên Hòa – Đồng Nai hôm nay rất đỗi tự hào. Hàng năm, có rất nhiều em học sinh thuộc các trường trong thành phố Biên Hoà cũng như khách thập phương vào văn miếu để đốt hương tưởng niệm, thăm viếng.
Đại Thành môn. Phía sau là bia Khổng Tử.
Nhân đây, xin nói thêm cho rõ một chi tiết lịch sử: Năm Ất Mùi (1715), chúa Nguyễn Phúc Chu sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn miếu Trấn Biên. Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), còn gọi là Chúa Minh (Minh vương), là vị chúa Nguyễn thứ sáu của xứ Đàng Trong, trị vì từ năm 1691 khi mới 16 tuổi. Do có nhiều công mở mang bờ cõi và được coi là vị chúa hiền và có tài nên về sau, nhà Nguyễn truy tôn miếu hiệu Hiển Tông.
Tuy nhiên, một số tài liệu chép rằng: Văn miếu Trấn Biên được xây dựng dưới thời vua Hiển Tông. Điều này gây hiểu nhầm là ‘vua Lê Hiển Tông’, nhưng vị vua này đến 1740 mới lên ngôi. Còn xứ Đàng Trong lúc ấy do chúa Nguyễn cai trị, nhưng về danh nghĩa, nước ta lúc ấy đang thuộc triều vua Lê Dụ Tông (1705-1728).
 Bài và ảnh: Vy Vân

Bánh canh hải sản – tìm lại hương vị Mũi Né tại Sài Gòn

Quán nhỏ đã bán được 10 năm trên đường Vườn Chuối (quận 3). Đây là món đặc sản của miền biển Phan Thiết với toàn bộ hải sản được nhập từ Mũi Né đấy nhé.

Nằm ở khoảng giữa con đường Vườn Chuối (quận 3) có một quán ăn nhỏ với tuổi đời đã được 10 năm, chỉ chuyên bán các món ăn đặc sản miền biển như: cháo hải sản, cháo cá, cháo sò điệp, bánh canh hải sản, bánh canh bạch tuộc, bánh canh cá… 
Bánh canh hải sản – tìm lại hương vị Mũi Né tại Sài Gòn 1
Bánh canh hải sản – tìm lại hương vị Mũi Né tại Sài Gòn 2

Bánh canh hải sản – tìm lại hương vị Mũi Né tại Sài Gòn 3
Món “hot” nhất của quán có lẽ phải kể đến món bánh canh bột gạo thập cẩm với những cộng bánh canh dai, dày được làm từ bột gạo và các loại hải sản tươi ngon: bạch tuộc, sò điệp, chả cá (3 loại), sườn non, trứng cá, thịt cá đốp… Giá một phần thập cẩm với nhiều loại hải sản ngon như thế này là 40k.
Bánh canh bột gạo được làm chín lâu hơn so với bánh canh thường ở các quán, ăn cũng có cảm giác dai – ngon và dễ no hơn. Theo cô chủ quán khá thân thiện, toàn bộ hải sản như cá, bạch tuộc, sò hay chả cá của quán đều được nhập trực tiếp từ quê của cô là Mũi Né nên đa số đều rất tươi ngon.

Bánh canh hải sản – tìm lại hương vị Mũi Né tại Sài Gòn 4
Khi ăn ở đây có cảm giác người bán rất hiểu sản phẩm của mình. Từ con bạch tuộc, khứa cá hay miếng chả cá đều có vị ngon riêng theo cách của nó, không lẫn vào đâu được. Nước dùng đặc biệt được hầm cùng nhiều trứng cá, vị hơi mặn so với bình thường nên bạn nào có thói quen nêm nếm trước khi ăn thử nên cẩn thận khi ghé đây.
Bánh canh hải sản – tìm lại hương vị Mũi Né tại Sài Gòn 5
Theo đánh giá chung, đây là một quán ăn ngon nhưng cái giá không phải là dễ chịu lắm (trung bình 30 – 40k/ phần). Tuy nhiên, nếu như một ngày nào đó bạn thấy nhớ biển và muốn nhâm nhi hương vị đậm đà của các loại hải sản nơi này – thì đây là một quán ăn cần đến của bạn đấy.

Bánh canh hải sản – tìm lại hương vị Mũi Né tại Sài Gòn 6

Bánh canh hải sản – tìm lại hương vị Mũi Né tại Sài Gòn 7

Bánh canh hải sản – tìm lại hương vị Mũi Né tại Sài Gòn 8

Bánh canh hải sản – tìm lại hương vị Mũi Né tại Sài Gòn 9
Điểm trừ duy nhất của quán là nằm cạnh khu để xe chở rác nên nhìn hơi “mất hình tượng”. Giá hơi cao so với mặt bằng giá chung các quán nhỏ nhưng chất lượng thì cũng khá xứng. Ăn xong cho cảm giác không quá tiếc tiền.

Hủ tiếu nam vang ngon gần khu chợ Tân Định

Quán bán gần chục món nhưng đắt hàng nhất có vẻ là hủ tiếu nam vang khô với loại nước sốt đặc biệt làm cọng hủ tiếu đậm đà và bắt mắt hơn hẳn những quán khác.

Nằm đoạn đầu đường Trần Khắc Chân (phường Tân Định, quận 1) có một quán bán thức ăn sáng nhỏ khá ngon. Quán có tuổi đời đã gần 8 năm, nằm ở mặt tiền đường, đoạn đối diện ngân hàng, chỉ bán từ 6h sáng đến khoảng 11h là hết món.
Hủ tiếu nam vang ngon gần khu chợ Tân Định 1

Hủ tiếu nam vang ngon gần khu chợ Tân Định 2

Hủ tiếu nam vang ngon gần khu chợ Tân Định 3

Hủ tiếu nam vang ngon gần khu chợ Tân Định 4
Ở đây có khá nhiều món như hủ tiếu nam vang, bún măng, mì quảng, bánh canh cua, bún mọc, hủ tiếu bò viên, miến cua, bún chả cá... nhưng ngon nhất và được nhiều người gọi nhất có lẽ là món hủ tiếu khô (hủ tiếu trộn sốt, nước dùng để riêng). Hủ tiếu khô ở đây có loại nước sốt đặc biệt trộn cùng nên sợi hủ tiếu ăn có cảm giác đậm đà và màu sắc cũng hấp dẫn hơn bình thường. Nước dùng của quán ít bột ngọt, vừa ăn và có riêng một loại sốt ớt sate hơi bị ngon, chỉ cần cho một tí vào nước dùng sẽ thấy gợi mùi vị giác hơn.
Hủ tiếu nam vang ngon gần khu chợ Tân Định 5

Hủ tiếu nam vang ngon gần khu chợ Tân Định 6

Hủ tiếu nam vang ngon gần khu chợ Tân Định 7
Một phần hủ tiếu nam vang ở đây có giá 30k (là cái giá cao nhất của các phần ăn). Theo đánh giá chung thì 30k không phải là cái giá siêu rẻ nhưng là cái giá có thể xem là bình dân với đầy đủ tôm tươi, thịt nạc, lòng non, tim heo, thịt bằm, gan, trứng cút...
Hủ tiếu nam vang ngon gần khu chợ Tân Định 8
Hủ tiếu nam vang ngon gần khu chợ Tân Định 9

Hủ tiếu nam vang ngon gần khu chợ Tân Định 10

Hủ tiếu nam vang ngon gần khu chợ Tân Định 11
Những món còn lại của quán ăn tạm được, không quá xuất sắc nhưng vẫn có thể khen là ngon. Giá trung bình các món này từ 25 – 30k/ phần. Rau giá ăn kèm của quán được chuẩn bị khá sạch sẽ nên bạn có thể yên tâm gọi thêm (miễn phí) để ăn cùng. Phục vụ nhanh, gọn, lẹ và vui vẻ.
Hủ tiếu nam vang ngon gần khu chợ Tân Định 12

Hủ tiếu nam vang ngon gần khu chợ Tân Định 13