Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

10 loại rau thơm, gia vị nên trồng trong gia đình


Đây là những loại rau thơm, gia vị dễ trồng, không cần nhiều đất, dễ chăm bón, vừa làm cây cảnh lại có tác dụng làm thực phẩm và có tác dụng chữa bệnh rất tốt.
1. Húng quế
Húng quế (basil) là loại rau thơm rất gần gũi với mọi người, có mùi thơm quyến rũ có thể dùng làm gia vị cho nhiều món ăn khác nhau, đặc biệt là súp, nước dùng, rán trứng, chế biến thịt, cá, các món đặc sản… Trồng bằng hạt vào đầu mùa xuân ở những nơi có nắng hoặc có thể gieo trong nhà kính sau đó đánh trồng vào đầu hè hoặc gieo hạt trực tiếp lên đất vườn vào cuối xuân.
2. Lá thơm chives
Đây là loại thảo có hoa màu đỏ tía và lá nhỏ, được người Pháp trồng nhiều, có mùi hành thơm, được người ta thái nhỏ và dùng làm gia vị hoặc trang trí đĩa rau trộn hay làm gia vị cho salát, khoai tây nghiền v.v. Đây là loại cây trồng bằng hạt sâu khoảng 12 mm vào mùa xuân hay mùa thu thành từng luống, mỗi luống cách nhau 30 cm. Khi cây phát triển, có thể tỉa bớt tạo ra những hàng nhỏ, mỗi cụm cách nhau 25 cm.
3. Rau mùi
Rau mùi là loại rau thơm rất phổ biến và được nhiều người ưa chuộng, lá làm gia vị còn hạt nghiền nhỏ rắc lên các món ăn. Tóm lại, có thể ăn được từ gốc đến ngọn, rất có lợi cho sức khoẻ. Rau mùi được gieo bằng hạt vào đầu mùa xuân, sâu khoảng 6 mm, mỗi luống cách nhau 30 cm, khi cây lớn nếu dày có thể tỉa bớt.
4. Thì là lá to
Thì là lá to (Dill) có hạt và lá hình sắc nhọn, vị hơi đắng, có thể dùng ở dạng tươi hoặc khô để tạo mùi thơm cho các món cá, súp, thịt, trứng tráng hoặc khoai tây, rắc lên các món nộm để tạo thêm hương vị. Gieo bằng hạt vào đầu mùa xuân ở độ sâu khoảng 6 mm, mỗi luống cách nhau 25 cm.
5. Thì là lá nhỏ
Thì là lá nhỏ (Fennel) có đặc thù gốc to, bẹ lớn, lá hình kim và có mùi thơm rất đặc trưng, dùng để tạo mùi thơm cho các món cá, súp, thịt bê, rắc lên các món nộm hoặc salát để tạo thêm hương vị. Gieo bằng hạt thành từng nhóm, mỗi nhóm 3-4 hạt vào giữa mùa xuân, sâu khoảng 6 mm, mỗi luống cách nhau 40-50 cm.
6. Cây bạc hà
Bạc hà có rất nhiều tác dụng, có thể pha như chè để uống có tác dụng chữa cảm lạnh và làm gia vị cho các món ăn dạng lỏng, nước chấm, nước ép hoặc tẩm vào thịt cừu trước khi chế biến. Cây bạc hà có thể gieo trồng vào mùa xuân hoặc thu. Trồng mỗi cây con cách nhau 25-30 cm, rễ sâu khoảng 5 cm, dùng que để giữ cho cây ngay ngắn. Chú ý trước khi trồng nên gỡ bỏ túi ni lông bọc gốc cây giống ra.
7. Cây mùi tây
Mùi tây (Parsley) được dùng làm gia vị trong rất nhiều món ăn khác nhau như salát, súp, thịt hầm, trứng tráng, nước sốt. Có thể ăn sống trực tiếp với các món ăn như thịt, cá hoặc làm gỏi, trộn nộm… Mùi tây được gieo trồng bằng hạt vào giữa mùa xuân để dùng vào mùa hè, giữa thu hoặc cuối năm. Trước khi gieo nên ngâm hạt vào nước qua đêm, gieo thưa để cây có đủ khoảng trống phát triển.
8. Cây xô thơm
Cây xô thơm (Sage) hay còn gọi là cây ngải đắng không chỉ là rau thơm làm tăng gia vị cho thức ăn mà còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt, thường được dùng ở dạng khô, làm gia vị cho các món ăn chế biến từ thịt gia súc, làm nước chấm, nước sốt, pho mát hoặc các món ăn hợp với loại rau này. Loại cây này được trồng bằng hạt vào đầu mùa xuân, sau khi cây lớn người ta có thể đánh ra trồng, mỗi cây cách nhau 30 cm để có đủ khoảng cách phát triển.
9. Cây ngải giấm
Ngải giấm (Tarragon) là loại gia vị, lá có mùi thơm như hành, dùng làm salát, súp, trứng tráng, các món pho mát mềm. Rất phù hợp làm gia vị cho thịt cừu, thịt hầm, cá sốt hoặc các món nộm rau. Đặc biệt dùng làm giấm thì tuyệt hảo vì nó có mùi vị đặc trưng, thơm ngon, quyến rũ, thậm chí để 2-3 tuần vẫn còn mùi thơm.
10. Cây húng tây
Cây húng tây (Thyme) là loại gia vị rất hợp để tẩm bóp thịt bò, thịt cừu, bê, dê trước khi chế biến. Ngoài ra có thể được dùng làm gia vị cho các món nộm, salát, các món cá và cũng có thể pha sắc uống như chè, rất có tác dụng cho sức khoẻ. Húng tây thường được gieo trồng bằng hạt vào giữa xuân, mỗi luống cách nhau 0,3 mét, khi cây cao 10 cm thì tỉa bớt hoặc đánh ra trồng, mỗi cây cách nhau khoảng 20 cm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét