Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Đặc sản cốm dẹp Nam bộ


Nếu như người dân Hà Thành tự hào về cốm làng Vòng - một món ăn từ lâu như đã trở thành nét đặc trưng của Hà Nội thì người dân Khơmer sinh sống ở vùng đất Nam bộ lại tự hào với bạn bè bốn phương về đặc sản cốm dẹp. 

Đây là món ăn dân dã của đồng quê Nam bộ và là một lễ phẩm không thể thiếu trong mâm lễ cúng trăng rằm tháng 10 âm lịch hàng năm.

Khi mưa vừa dứt hạt, gió hiu hiu làm căng sữa những hạt lúa đầu mùa, người Khơmer cùng nhau hái lúa nếp để làm cốm. Thóc sau khi sàng sẩy cẩn thận sẽ mang đi ngâm nước trong 1 đêm, sau đó phơi khô dưới nắng. Sau khi phơi khô, mang rang chín và bắt buộc phải rang trong chiếc nồi đất. Đây là một công đoạn quan trọng quyết định đến sự thành công của một mẻ cốm.

Tham gia vào việc giã cốm sẽ phải là 1 nam một nữ. Khi giã, hai người đứng đối diện với nhau qua cối giã, mỗi người một tay cầm chày một tay cầm cây gạt vừa giã vừa gạt cho đến khi hạt nếp dính chày rớt xuống cối. Khi những hạt nếp đã dẹp lại, người phụ nữ sẽ đảm trách tiếp công việc cho cốm vào nia, sàng sảy cho hết trấu, dùng sàng đãi cho thật sạch bụi, cho cốm được ngon.

Cốm mới giã xong rất giòn và dẻo, ăn không cũng cảm nhận được hương vị đặc trưng của nó. Xưa kia, người Khơmer ăn cốm dẹp với tép rang, hoặc dùng cốm dẹp với chuối ăn cho chắc bụng. Ngày nay, cốm dẹp được trộn với dừa, đường thốt nốt (hoặc đường cát) thành một món ăn chơi.

Theo kinh nghiệm dân gian, người ta lấy khoảng 1 kg cốm dẹp, 1 trái dừa rám vỏ đã nạo cùng nửa ký đường thốt nốt, hoặc đường cát trộn đều với nhau, sau đó ngâm chừng nửa ngày cho những hạt cốm thấm đường, dừa, trở nên mềm dẻo thơm ngon hơn. Với những ai đã từng 1 lần được thưởng thức thì sẽ chẳng thể nào quên được hương vị ngầy ngậy, beo béo của món cốm dẹp này.

(Nguồn: SaigonNet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét