Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Đại Từ - làng truyền thống nhận con nuôi

Khi nhận nuôi con nuôi, khi xưa người Đại Từ, Hoàng Mai, Hà Nội, có truyền thống coi như con đẻ, chăm sóc tận tình từ bữa ăn đến giấc ngủ.
Không ai còn nhớ truyền thống nhận con nuôi của làng có từ bao giờ. Chỉ biết, từ xưa ở làng Đại Từ đã có nhiều gia đình nhận trông, nuôi trẻ thuê, không chỉ trẻ trong làng mà cả trẻ ở các làng bên, thậm chí trong nội thành.
.

Đại Từ nằm gần đầm Đại nên còn được gọi là làng Đầm. Theo gia phả các dòng họ thì làng Đại Từ hình thành từ đầu thế kỷ 17. Lúc đầu, có một số người từ xứ Đông đến mở đất dựng nhà bên bờ sông Tô Lịch. Sau, để tiện việc sinh hoạt, họ đến định cư ở bờ tây đầm Linh Đường (Linh Đàm), cách vị trí cũ không xa. Hơn một thế kỷ sau, người đông đúc, xóm ngõ hình thành và bộ phận cư dân này trở thành một thôn của xã Linh Đường, huyện Thanh Trì. Từ sau hòa bình, Đại Từ hợp với các làng Kim Lũ, Kim Giang, Kim Văn thành xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.
Có người cho rằng, cái tên “Đại Từ” có nghĩa là đại từ bi, theo tinh thần bác ái của đạo Phật, đã ảnh hưởng lớn đến sự hình thành truyền thống kính già yêu trẻ, nuôi trẻ mát tay, hay ăn chóng lớn, béo khoẻ. Còn theo cụ Phạm Đăng Sáng, Chi hội trưởng chi hội người cao tuổi làng Đại Từ, truyền thuyết kể rằng, xưa các cô tiên hay xuống chơi ở đầu làng, rồi có cô đã để “quên” hai bầu vú ở Cầu Tiên. Vì là vú tiên nên dân làng không dám lạm dụng, họ nghĩ đến việc chia một nửa cho thiên hạ. Từ đó, người làng có tục nhận con nuôi. Đứa trẻ nào đến tay bà mẹ Đại Từ đều được chăm sóc, cái nghĩa “quý con người hơn con mình” của các bà làm cả Thăng Long sôi động, nhà vua đã ban khen “Đại Từ nghĩa dân”.
Làng Đại Từ xưa có 6 xóm (nay là 7 tổ dân phố) với khoảng 30 dòng họ chuyên nhận con nuôi, đặc biệt là hai họ Nguyễn và Vũ.


Thường các gia đình trong làng nhận nuôi hẳn trẻ từ lúc lọt lòng, đến 4-5 tuổi thì cho về với gia đình. Thủ tục hết sức đơn giản. Gia đình có con muốn nhờ nuôi chỉ cần mang cơi trầu, lạng thuốc đến nói chuyện, kèm theo một chút quà nhỏ. Khi đã nhận con nuôi, người Đại Từ coi như con đẻ, chăm sóc tận tình từ bữa ăn đến giấc ngủ.  Khi ốm đau, họ sớm hôm chạy chữa thuốc thang. Nhiều đứa trẻ vừa lọt lòng đã được đưa đến nhà mẹ nuôi, nhờ chính dòng sữa của mẹ nuôi mà lớn lên trưởng thành.

Không chỉ nhờ nuôi hẳn, nhiều người còn đến Đại Từ mong đỡ đầu cho con cái họ, để đứa trẻ hay ăn, chóng lớn. Vì vậy, khi sinh nở xong, họ mang một chai rượu, cơi trầu đến nhà bố mẹ nuôi làm lễ gia tiên bên xin cho con mình ghé cửa nương nhờ, sau đó mời bố mẹ nuôi đến nhà xem mặt đứa trẻ và nhường quyền cho bố nuôi đặt tên cho đứa bé. Sau này khi lớn lên thì mùng 5 (đoan ngọ) ngày Tết, dắt đứa bé đến tết nhà bố mẹ nuôi.
Lại có nhiều nhà khó nuôi, sợ ma ta quấy nhiễu nên người mẹ đem con bỏ đường, bỏ chợ, nhưng dặn trước người làng Đại Từ trực sẵn đưa về nuôi, sau vài giờ hoặc vài ngày đến chuộc nhận làm con nuôi. Theo cụ Sáng, đây là cách đánh tráo con đẻ thành con nuôi, con nuôi là con đẻ để lừa ma để không sài đẹn, ốm đau, quặt quẹo...
Anh em kết nghĩa với nhau thân tình, nhận bố mẹ của anh em cũng như bố mẹ của mình và ngược lại bố mẹ cũng nhận người anh em kết nghĩa với con mình như con cái trong nhà. Nhà cụ Sáng có đến 5 đời nhận nuôi con nuôi. Đến đời ông, vợ ông cũng nhận nuôi hai người. Cụ cho biết: “Nhiều người con nuôi, dù đi làm ăn xa vẫn giữ mối liên hệ. Ngày lễ Tết vẫn cố gắng thu xếp công việc, gia đình, con cái thăm lại những cha mẹ nuôi thủa bé của mình. Tình cảm rất khăng khít”.

Hiện, làng Đại Từ đã thành phố, người dân chủ yếu làm nghề buôn bán, không còn mấy giữ được truyền thống nhận con nuôi như người xưa nữa. Vì thế, người dân vùng hồ Linh Đàm vẫn cố gắng, trân trọng gìn giữ bốn chữ vua ban "Đại từ nghĩa dân" như một ký ức tốt đẹp của làng.
Vân Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét