Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Ăn cay lợi hay hại ?


Ăn cay thường tạo cảm giác ngon miệng hơn, nhưng đôi khi bị e ngại vì gây nóng người. Nhưng thực ra ăn cay không hẳn là có hại. Khoa học đã chứng minh việc ăn cay có nhiều tác dụng tích cực bất ngờ đối với sức khỏe
Vị cay thường kích thích vị giác nên được rất nhiều người ưa chuộng. Nhưng, đôi khi vị cay cũng gây e ngại, bởi ngay khi ăn vào đã cảm thấy nóng bỏng nơi từ đầu lưỡi xuống đến cuống họng, dạ dày. Vậy thực ra, ăn cay lợi hại thế nào?

Hại trước mắt
- Dễ nổi mụn: Thức ăn cay có tính hút ẩm nên sẽ làm da trở nên thô ráp. Chất cay cũng gây kích thích lên da, làm da nóng và dễ nổi mụn. Vì thế, những người da khô nên hạn chế thức ăn mặn, nóng và cay.
- Đau dạ dày: Vị cay, đặc biệt là vị cay của ớt, có thể gây bỏng da nếu ở mức độ đậm đặc. Vì thế, vị cay chắc chắn sẽ có hại cho niêm mạc dạ dày, đặc biệt đối với những người bị loét dạ dày từ trước. Hơn nữa, ăn quá cay cũng ảnh hưởng đến men tiêu hóa của dạ dày, gây khó tiêu.
- Thai phụ nên tránh: Đối với phụ nữ có thai, việc ăn cay không ảnh hưởng trực tiếp gì mấy đến người mẹ. Nhưng theo các nhà khoa học, mẹ ăn cay khi mang thai sẽ dễ gây bệnh dị ứng cho con trẻ sau này. Còn theo kinh nghiệm dân gian, mẹ ăn quá cay, con sinh ra dễ bị rôm sảy, nóng nhiệt trong người.
- Không tốt cho sản phụ: Mẹ cho con bú nếu ăn quá cay sẽ ảnh hưởng đến trẻ qua sữa, mẹ bị bốc hỏa trong cơ thể còn con cũng nóng trong người, khó ngủ, hay quấy khóc.

Lợi lâu dài
Tuy ăn cay có khá nhiều điểm gây hại, nhưng nếu biết dùng với lượng vừa phải, bạn sẽ thấy vị cay có rất nhiều lợi ích:
- Giảm cân: Trong ớt và hạt tiêu có chứa chất capsaicin tạo khả năng sinh nhiệt rất lớn, giúp đốt cháy nhiều calo hơn ngay sau bữa ăn. Ngoài ra, chất này còn giúp làm tăng tỷ lệ trao đổi chất trong cơ thể, tạo cảm giác no nê và nhờ đó giúp người dùng giảm cân hiệu quả
- Giảm đau: Chất capsaicin vốn không mùi, không vị, nhưng có khả năng kích thích rồi sau đó làm giảm đau trong cơ thể. Người ta thường dùng capsaicin như một phương thức hữu hiệu để giảm đau khi điều trị vết thương sau phẫu thuật, đau nhức khớp xương, đau miệng và một số bệnh ngoài da.
- Ngừa tai biến tim mạch: Nghiên cứu cho thấy, ớt chứa các hoạt chất giúp máu lưu thông tốt, ngăn ngừa nguy cơ tai biến tim mạch. Ngoài ta ớt cũng giúp hạ huyết áp và giảm lượng cholesterol trong cơ th
- Hạn chế bệnh vặt: Đối với những bệnh như cảm cúm, cảm lạnh và những bệnh liên quan đến đường hô hấp thì ớt và các thức ăn cay là “thuốc ngừa” hiệu quả.
- Kháng viêm, chống suy nhược: Tương tự, ớt cũng giúp kháng viêm, đặc biệt là viêm khớp, và có khả năng chống suy nhược cơ thể rất hiệu quả.
- Cải thiện hệ tiêu hóa: Tuy ăn quá nhiều ớt sẽ dẫn đến thay đổi men tiêu hóa, nhưng nếu ăn cay vừa phải thì lại giúp tăng tiết dịch vị, giúp tiêu hóa tốt hơn, ăn ngon miệng hơn, đồng thời tránh bị đầy hơi.
Như vậy, ta có thể thấy, tuy ăn cay có một số tác hại nhất định, nhưng nếu biết điều chỉnh lượng dùng vừa đủ thì ớt cũng có những lợi ích về lâu về dài cho sức khỏe.
MNVN

Cây ớt - vị thuốc quý
.
Theo y học cổ truyền, ớt vị cay, nóng, có tác dụng tán hàn, tiêu thực, giảm đau... Dân gian thường dùng nó để chữa đau bụng do lạnh, tiêu hóa kém, đau khớp, dùng ngoài chữa rắn rết cắn...
Theo y học hiện đại, quả ớt có rất nhiều ích lợi cho sức khỏe. Chất capsicain trong ớt kích thích não bộ sản xuất ra chất endorphin, một morphin nội sinh có tác dụng giảm đau, đặc biệt có ích cho người bị viêm khớp mạn tính và ung thư. Ớt cũng giúp ngăn ngừa bệnh tim nhờ một số hoạt chất giúp máu lưu thông tốt, tránh tình trạng đông vón tiểu cầu. Ngoài ra, loại quả này còn giúp ngăn ngừa tình trạng huyết áp tăng cao. Một số nghiên cứu cho thấy, các loại ớt vỏ xanh, trái nhỏ có hàm lượng capsaicin cao hơn.

Một số bài thuốc Nam thông dụng có ớt:

- Chữa rụng tóc do hóa trị liệu: Ớt trái 100 g, ngâm với rượu trắng trong 10-20 ngày. Dùng rượu này bôi lên da đầu, có tác dụng kích thích mọc tóc.

- Giảm đau do ung thư, đau khớp: Ăn 5-10 g ớt mỗi ngày.

- Chữa ăn uống kém tiêu do ung thư: Ớt 100 g, hắc đậu xị 100 g, tán bột ăn hằng ngày.

- Chữa ăn uống chậm tiêu: Ớt trái dùng làm gia vị, ăn hằng ngày.

- Chữa đau thắt ngực: Ớt 2 quả, đan sâm 20 g, nghệ đen 20 g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Chữa đau dạ dày do lạnh: Ớt 1-2 quả, nghệ vàng 20 g, tán bột uống ngày 2-3 lần.

- Chữa bệnh chàm (eczema): Lá ớt tươi 1 nắm, mẻ chua 1 thìa. Hai thứ giã nhỏ, lấy vải sạch gói lại, đắp lên nơi bị chàm đã rửa sạch bằng nước muối.

- Chữa rắn rết cắn: Lá ớt giã nhỏ, đắp vào nơi bị thương, băng lại. Ngày làm 1-2 lần cho đến khi hết đau, 2-3 giờ là khỏi.

- Chữa bệnh vảy nến: Lá ớt 1 nắm to (sao chín nhưng không cháy), tinh tre đằng ngà 1 bát, lá sống đời 7-9 lá, thiên niên kiện khoảng 300 g. Tất cả cho vào nồi với 2 lít nước, đun sôi kỹ, uống dần thay nước chè, uống chừng 3 ấm là khỏi.

- Đau bụng kinh niên: Rễ cây ớt, rễ chanh, rễ hoàng lực mỗi thứ khoảng 10 g. Sao vàng, sắc uống ngày 1 thang.

- Chữa đau lưng, đau khớp: Ớt chín 15 quả, lá đu đủ 3 cái, rễ chỉ thiên 80 g. Tất cả đem giã nhỏ, ngâm cồn với tỷ lệ 1/2, dùng để xoa bóp, sẽ mau khỏi.

- Chữa mụn nhọt: Lá ớt giã nát với ít muối, dùng đắp vào nhọt đang mưng mủ, sẽ bớt đau nhức, dễ vỡ mủ, mau lành.

- Chữa khản cổ: Dùng ớt làm thuốc súc miệng (dưới dạng cồn thuốc).

- Chữa rắn rết cắn: Lá ớt giã nhỏ, đắp vào vết thương cho đến khi hết đau nhức thì bỏ đi. Ngày đắp 1-2 lần cho đến khi hết đau. Thường chỉ 15-30 phút thì hết đau.
Hồng Hạnh (Theo BS Tuấn Vinh-SK & ĐS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét