Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

An Giang: 100 năm trụ vững làng nghề đan đát Mỹ An.


Làng nghề đan đát xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang là một trong số làng nghề đan đát trong tỉnh hình thành lâu dài nhất, với gần 100 năm vẫn duy trì hoạt động liên tục, trụ vững trên thị trường, là nhờ vào độ bền, sắc xảo của sản phẩm làm ra không chỉ tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mà còn có 80% xuất sang thị trường Campuchia. 
Để không làm mai một, tỉnh An Giang đã có Quyết định sồ 2850/QĐ - UBND ngày 22/12/2009 công nhận là làng nghề truyền thống, đồng thời tạo điều kiện tốt cho làng nghề tiếp tục duy trì hoạt động, cung cấp nhiều sản phẩn chất lượng cho thị trường trong ngoài nước.
    Sản phẩm của làng nghề rất đa dạng với hàng chục chủng loại như thúng, nia, sọt, bội, rỗ, rế... theo nhiều kích cở được làm rất công phu qua nhiều công đoạn chẻ tre, vót, chẻ vành, làm nang, đương mê, óp....qua bàn tay khéo léo của người lao động đã tạo ra sản phẩm bóng, đẹp, bền.... Trụ vững của làng nghề còn nhờ vào sản phẩm có sức chứa lớn như luá, gạo so với khu vực nông nghiệp (Đồng bằng sông Cửu Long) hiện nay mà mặt hàng nhựa không thể cạnh tranh được, vì vậy nhu cầu thị trường luôn rất lớn. Theo thống kê hiện nay làng nghề đan đát Mỹ An đã giải quyết cho 200 hộ với 517 lao động có việc làm quanh năm, chiếm 30%  số hộ toàn xã. Hiện làng nghề đan đát Mỹ An đang vào mùa làm thúng đựng lúa vì đang vào vụ thu họach đông xuân. 
    Cái hay của làng nghề là tạo được việc làm quanh năm cho lao động địa phương. Người làm nghề tuy không giàu nhưng cũng đủ sống, thu nhập bình quân mỗi lao động từ 20.000 - 30.000 đồng/ngày. Với công việc giản dị, dễ làm, nhẹ nhàng, giải quyết được việc làm cho cả học sinh có thu nhập trong dịp hè để chuẩn bị mua sắm cho năm học mới hay người già nhàn rổi, hộ không có đất sản xuất. Còn hộ khá như gia đình anh Nguyễn Ngọc Xuân ở ấp Vĩnh Lợi vừa làm nghề vừa tổ chức thu mua, cứ 2 - 3 ngày anh gom trên 10.000 chiếc chuyên chở bằng đường thuỷ sang bán cho huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), lên thị xã Tân Châu và sang Campuchia.
    Theo bà Nguyễn Thị Kim Trúc - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ An cho biết để tiếp sức duy trì phát triển mạnh làng nghề truyền thống sau khi được công nhận, xã tiến hành rà soát hộ có khả năng dự kiến thành lập 6 đầu mối tổ hợp tác sản xuất, nhằm để giải quyết đầu ra cho sản phẩm không để tình trạng cung vượt cầu bất lợi cho người làm nghề, thu gom số lượng lớn, nhanh thu hồi vốn, giảm chi phí so với mua bán nhỏ lẻ, tăng thêm lợi nhuận cho người lao động; xã đang tranh thủ với lãnh đạo huyện có chính sách hỗ trợ đầu tư trang bị máy rút ngắn thời gian cho công đoạn chẻ, vót tre theo phương thức 50/50 và xem xét giúp vốn vay để các hộ có vốn mua dự trữ nguyên liệu. Bà Trúc còn cho biết, hiện nay Tổ hợp tác sản xuất bội tre ở xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp sẵn sàng hợp đồng quanh năm không giới hạn số lượng giỏ hoa, giỏ bầu giống với xã, vì vậy UBND xã đang tập hợp lao động đưa sang tỉnh Đồng Tháp học tập đan giỏ hoa, giỏ bầu giống để tận dụng ruột tre thừa, mở ra hướng mới tích cực cho làng nghề đan đát Mỹ An, giúp người lao động có thêm tích lũy, duy trì ổn định không để mai một làng nghề truyền thống đã hình thành gần 100 năm qua./.

Thu Trang (Phân Xã An Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét