Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

An Giang: Sản phẩm khô cá lóc “Kim Huê” Chợ Mới


ặc dù sản phẩm khô cá lóc “Kim Huê” huyện Chợ Mới tỉnh An Giang có rất nhiều thương lái đến đặt hàng mang ra tận miền Trung, miền Bắc nhưng theo anh Nguyễn Tấn Tài - chủ cơ sở đã mạnh dạn từ chối bởi mục tiêu của cơ sở là sản xuất chế biến, làm ra sản phẩm phải tuyệt đối đảm bảo chất lượng, bắt mắt và hạn sử dụng kéo dài mới an tâm đưa ra thị trường, vì vậy chỉ sản xuất đúng theo tiêu chuẩn, khả năng, không gia công đối với sản phẩm .
Cơ duyên làm chủ cơ sở sản xuất chế biến khô là do trước đây gia đình anh làm thương lái thu mua cá, khi chợ vội hàng, anh chị mang cá về làm khô, nhiều người đến hỏi mua, do đó anh bàn với chị nên chuyển sang làm khô bán, như vậy sẽ ổn định thu nhập và giải quyết được nhiều lao động có việc làm cho địa phương, nên năm 1994 cơ sở chính thức ra đời. Ban đầu sản phẩm chỉ tiêu thụ ở chợ thị trấn Chợ Mới, không nhiều, do nguồn thực phẩm tươi sống cá, tôm tại chỗ rất dồi dào. 

Không nãn chí, anh quyết tâm đi tìm hiểu thị trường nhiều nơi trong, ngoài tỉnh, làm ra sản phẩm ký gởi. Vừa làm anh vừa rút kinh nghiệm điều chỉnh thường xuyên chất lượng, mẫu mã để sản phẩm phù hợp với khẩu vị, thị hiếu người tiêu dùng. Anh Tài cho biết hầu hết qui trình làm khô đều tương tự như nhau rất công phu, phức tạp từ khâu làm cá, muối, rửa thật kỹ để không còn mùi tanh, chuyển qua làm lạnh, xả đông. Nhưng để phân biệt sản phẩm của từng cơ sở nên quan trọng nhất là đảm bảo khâu chọn nguyên liệu, để giữ mùi vị thơm, thịt trắng cho cá lóc và tẩm ướp gia vị đủ 8 tiếng mới mang ra phơi khoảng 4 nắng, không để bỏ sót khâu nào có như vậy mới không làm mất đi hương vị đặc trưng của khô.

Năm 2006 tỉnh hỗ trợ 100% chí phí cho làng nghề sản xuất chế biến khô Chợ Mới xây dựng thương hiệu tập thể “ Khô cá lóc Chợ Mới” có 6 cơ sở làm thành viên, riêng anh Tài được tỉnh hỗ trợ thêm 50% chi phí xây dựng nhãn hiệu “Kim Huê”. Từ đó sản lượng khô bán ra hàng năm tăng gần 5 - 6 lần, và thông qua 7 đại lý phân phối tại thành phố Long Xuyên, sản phẩm đã vươn ra thị trường ĐBSCL, thành phố Hồ Chí Minh và trong các siêu thị.

Anh còn hợp đồng sản xuất và giao tận  nơi với số lượng lớn cho Việt kiều mang ra nước ngoài làm quà biếu với duy nhất là khô cá lóc (xẻ một miếng, cá xẻ hai miếng không xương), đặc biệt có tẩm sẵn gia vị nên người tiêu dùng rất ưa chuộng, với 2 loại giá 90.000 đồng/1/2 kg và 180.000 đồng/kg. Hiện nay anh đang xúc tiến đầu tư máy sấy cá được tỉnh An Giang hỗ trợ 30% tổng giá trị máy, như vậy sẽ đảm bảo sấy khô cá đúng chuẩn kể cả trong mùa mưa bão và rút ngắn được thời gian phơi từ 4 ngày xuống còn 1 giờ.

Từ vài năm gần đây, thị trường tiêu thụ tăng lên gấp nhiểu lần, hiện bình quân mỗi tháng cơ sở sản xuất tiêu thụ được 3 tạ khô thành phẩm. Trong tháng tết và thời gian diễn ra lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam bình quân tiêu thụ 5 tạ khô/tháng, nhờ vậy cơ sở cũng giải quyết việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ, có nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng, riêng 5 lao động chính có thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Theo chị Trần Thị Hồng - Chủ tịch thị trấn Chợ Mới (huyện Chợ Mới) cho biết, hiện thị trấn có gần chục cơ sở sản xuất chế biến khô với đủ loại cá chạch, cá nhái… Riêng khô cá lóc có đến 6 cơ sở, tất cả đều rất khó khăn về nguồn nguyên liệu chế biến, phải sang thu mua tận tỉnh Đồng Tháp hay vùng từ Giác long Xuyên, vì vậy địa phương đang tính toán xây dựng vùng nguyên liệu ký kết hợp đồng với ngư dân thu mua theo giá thời điểm hay giá sàn nhưng đảm bảo người nuôi có lãi, dù có biến động giá, để tạo điều kiện tốt nhất để duy trì, phát triển làng nghề sản xuất chế biến khô cá Chợ Mới có đủ sản phẩm cung ứng cho nhu cầu của thị trường ngày càng tăng không chỉ trong nước mà còn vươn ra xuất khẩu./.
                                                                 
Thu Trang (Phân xã An Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét