Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Bạn có nguy cơ bệnh tim không?

Bạn có biết yếu tố nguy cơ của mình?
Chủ đề của ngày Tim mạch Thế giới 2008, 31/9, là “Bạn có biết các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch?”. Làm sao nhận biết các nguy cơ tim mạch để mỗi người tự đánh giá nguy cơ bản thân mình, từ đó biết cách phòng chống bệnh.
Bệnh tim mạch có liên quan đến 3 yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được. Tuổi càng cao, biến cố tim mạch càng tăng. Hơn nửa số người bị đột quỵ và khoảng 4/5 người bị chết vì đột quỵ có tuổi trên 65.
Giới tính, trong độ tuổi từ nhỏ đến trung niên, nam bị bệnh tim mạch nhiều hơn nữ, nhưng đến tuổi mãn kinh, tỷ lệ tim mạch xấp xỉ bằng nhau ở cả nam lẫn nữ. Nam giới thường có nhiều rủi ro bị đau tim hơn nữ giới và các cơn đau tim này thường xảy ra sớm.
Bên cạnh đó, bệnh tim mạch còn liên quan đến yếu tố di truyền. Bệnh tim mạch thường xảy ra cho người chung một gia đình. Quan sát cho thấy, bố mẹ hay anh chị bị bệnh tim thì tới 55 tuổi, con cái cũng có nguy cơ mắc bệnh đó.
Trong khi chỉ có 3 yếu tố bất di bất dịch thì có tới 8 yếu tố có thể thay đổi để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch: chế độ ăn uống, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, béo phì – thừa cân, ít hoặc không vận động thể lực, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và stress.
Ăn quá mặn có khả năng làm tăng huyết áp. Ăn nhiều mỡ động vật làm tăng mỡ trong máu, nên dễ bị xơ vữa động mạch sớm và nặng. Ăn uống dư thừa gây tăng cân, béo phì. Rượu bia có thể gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tăng mỡ trong máu dẫn đến dễ bị nhồi máu cơ tim.
Trong khi đó, hút nhiều thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn… Viện Tim TP.HCM luôn tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân 40 – 45 tuổi bị nhồi máu cơ tim, do hút quá nhiều thuốc lá, từ 1 – 2 bao mỗi ngày.
Béo phì khiến tim phải làm việc nhiều hơn để nuôi khối tế bào to lớn của cơ thể. Lâu ngày, tim sẽ bị suy yếu. Trong khi đó, bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp có sự tác động lẫn nhau vô cùng nguy hiểm. Đái tháo đường là một yếu tố nguy cơ lớn của bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, rối loạn mỡ máu. Người bị tăng huyết áp dễ mắc bệnh mạch vành, đột quỵ, suy tim…
Điều tiên quyết: Ăn uống – vận động hợp lý
Nhưng một chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp cơ thể giảm thiểu các nguy cơ kể trên. Vì vậy, các chuyên gia tim mạch khuyên rằng, mỗi ngày nên ăn 300g rau và 200g trái cây. Ăn vừa phải, cân đối chất đạm, chất bột đường và chất béo. Ăn đa dạng thực phẩm, 20 – 30 loại thực phẩm mỗi ngày. Ăn ít muối và phụ gia thực phẩm, mỗi ngày chỉ nên ăn ít hơn 6g muối.
Bảo quản thức ăn đúng cách và chế biến càng đơn giản càng tốt (tăng thức ăn luộc, hấp; giảm thức ăn nướng – chiên – xông khói). Mỗi tuần có ít nhất là 3 bữa ăn cá. Hạn chế đường đơn giản và các thực phẩm làm tăng đường huyết nhanh (bánh kẹo, chè, kem…). Đặc biệt, ăn sáng đầy đủ, ăn tối sớm (cách giờ đi ngủ ít nhất 3 giờ để tránh tích tụ năng lượng thừa.
Đối với rượu bia, chúng ta có thể uống một lượng vừa phải. Nam giới có thể uống hai lần một ngày và nữ giới là một lần/ngày với mỗi lần là khoảng 60cc rượu mạnh, 160cc rượu vang, 360cc bia.
“Bên cạnh đó, đi bộ đều đặn 30 – 45 phút mỗi ngày, hoặc bất cứ một môn thể thao nào phù hợp với sở thích, thời gian và khả năng của mình. Các nghiên cứu cho thấy, nếu đi bộ 30phút/lần, 5 lần/tuần sẽ làm giảm 30% các tai biến tim mạch,” BS. Thanh Nga nói.
Một yếu tố nguy cơ khác, stress có thể làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, đau thắt ngực, dễ bị nhồi máu cơ tim. Nhiều nghiên cứu cho thấy stress là một rủi ro lớn cho bệnh tim mạch, đặc biệt là khi stress mạnh và kéo dài.
Nên chúng ta phải học cách làm giảm căng thẳng – stress bằng một lối sống sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi – làm việc hợp lý; và tránh các cảm xúc bất lợi như vui thái quá, buồn bã, ưu phiền, giận dữ, thất vọng, ghen tuông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét