Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Bí ẩn rừng mộ đá Co Me


Một phiến đá lớn lẫn trong dây leo chằng chịt, cao chừng 1m, rộng khoảng 0,6m, dầy chừng 0,1m được chôn dựng đứng dưới đất, bề mặt đã bị phong hóa nặng tạo nên lớp mùn mỏng, không còn nhìn rõ những nét chữ Nho khắc trên đó. Trong phạm vi chừng 20 mét vuông, cứ cách vài mét lại nhìn thấy những phiến đá tương tự, chôn vòng theo hình ô van, hoặc chữ nhật. Các phiến đá lớn đều bị xô nghiêng, không rõ do tác động của bàn tay con người, hay thời gian...

Một góc bản Chiềng, nơi được coi là chủ nhân của rừng mộ đá.

Một góc bản Chiềng, nơi được coi là chủ nhân của rừng mộ đá.
Chúng tôi theo quốc lộ 6 đi tới ngã ba Tòng Đậu, trườn sang đường 15A, theo tả ngạn sông Mã tìm đến khu vực rừng già của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, thuộc xã Trung Sơn xa xôi nhất của huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa), chỉ để mắt thấy tai nghe về một khu rừng mộ đá kỳ lạ, mà lâu nay, theo đồn đại của người dân địa phương: đó là khu mộ của những người xa xưa "may mắn" chỉ bị hổ tát tai. Bởi người địa phương từng tin rằng, khi hổ vồ người, hoặc muông thú, nếu tay của nó chạm vào tai thì nó sẽ bỏ xác lại mà không ăn thịt. Người ta thường chôn những người đó trong rừng, với những phiến đá lớn kè chặt để tránh bị loài thú khác đào bới...
Khám phá rừng mộ đá kỳ lạ
Khoác lên người bộ sắc phục, anh Công an viên Phạm Ngọc Thương dẫn chúng tôi đi sang bản Co Me, nơi có khu rừng mộ đá, chỉ cách bản Chiềng chừng vài cây số. Chạy đôn đáo tìm bằng được một người già của bản là ông Phạm Bá Tình, nguyên Bí thư Chi bộ xã Trung Sơn, dáng gầy gò, da đen cháy, người mà theo lời anh Thương "duy nhất ở địa phương dám vào khám phá khu mộ".
"Người dân địa phương thường rất ngại đến quấy động chốn yên nghỉ của người đã khuất, nên dù có cho tiền, cho vàng, cũng không ai dám dẫn các anh đến rừng ma đâu. Thực ra thì khu mộ có xa xôi gì, ngay bên kia sông, nằm ngay trong khu rừng mà gia đình tôi nhận khoán nuôi trồng. Bố của anh Thương này cũng mới theo thuyền ngược dòng sông Mã hơn 1km từ Chiềng về chôn ở đó chưa lâu đâu, có gì không xác định được vị trí?"- ông Tình cho biết. Rồi ông Phạm Bá Tình chếch mũi con thuyền gỗ chòng chành qua sông Mã. Chúng tôi đều cố khom, cúi, luồn, lách thật nhanh để bám sát ông Tình, không tụt lại phía sau nửa bước.
Hồi lâu, ông Phạm Bá Tình bỗng khẽ reo lên một tiếng, rồi luồn nhanh vào một lùm cây rậm rạp, cao chừng qua đầu người. Một phiến đá lớn lẫn trong dây leo chằng chịt, cao chừng 1m, rộng khoảng 0,6m, dầy chừng 0,1m được chôn dựng đứng dưới đất, bề mặt đã bị phong hóa nặng tạo nên lớp mùn mỏng, không còn nhìn rõ những nét chữ Nho khắc trên đó. Trong phạm vi chừng 20 mét vuông, cứ cách vài mét lại nhìn thấy những phiến đá tương tự, chôn vòng theo hình ô van, hoặc chữ nhật. Rừng cây rậm rạp dây leo và cây bụi, không thể đứng một chỗ nhìn cùng lúc hai phiến đá, nên chúng tôi không đếm rõ được có bao nhiêu phiến, chỉ ước chừng khoảng vài mươi phiến. Các phiến đá lớn đều bị xô nghiêng, không rõ do tác động của bàn tay con người, hay thời gian...
Có phải rừng mộ của những người bị hổ tát tai?
Về chủ nhân của ngôi mộ đá lớn nhất trong nghĩa địa Co Me, ông Phạm Bá Tình khẳng định đó là mộ của ông Tiều, ông Tổ của vùng đất này. Theo lời kể của những người cao niên, bản Chiềng được lập do công một vị thủ lĩnh người Thái. Vì không ai biết rõ tên, họ của ông nên dân gian quen gọi một cách kính ngưỡng là ông Tiều (ông Cả, ông Trưởng).
Hơn 200 năm về trước, ông Tiều dẫn một đoàn thuyền lớn chất đầy gạo, muối, súng ống, đạn dược, tiền bạc, ngược dòng sông Mã đến khúc sông này. Thấy thế đất đẹp, ông bèn dừng thuyền lập bản, đặt tên là bản Chiềng (bản Trung tâm). Gần đây, khi dân bản Chiềng đã đông đúc, người ta lại qua sông lập thêm bản Co Me (bản Cây Me). Người bản Chiềng, bản Co Me bây giờ chính là hậu duệ nhiều đời của ông Tiều.
Về cái chết của ông Tiều, mọi người đều khẳng định ông chết bình thường, không có liên quan gì đến chuyện bị hổ vồ cả. Còn nguyên nhân dựng lên những phiến đá lớn thì bà con đều không biết. Rừng mộ Co Me có từ thời đó, và đến nay vẫn đang được người dân tiếp tục sử dụng.
Tiến sĩ Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học cho chúng tôi xem những tấm ảnh đen trắng nhòe ố do một nhà nghiên cứu người Pháp chụp khu mộ đá này. Trong bức ảnh lố nhố khá nhiều người, có cả một vị quan lang hay tạo mường nào đó mặc bộ áo dài khăn xếp đứng gác tay lên phiến đá lớn. Theo ông Chung, khoảng năm 1924, người Pháp đã công bố một số tài liệu nghiên cứu sơ lược về khu mộ đá này. "Khu mộ đá Co Me là di tích loại hình trường thạch của văn hóa cự thạch (Megalithic culture), không phải mộ của người bị hổ vồ. Đây là một trong những di tích văn hóa cự thạch của Việt Nam, là đối tượng nghiên cứu của ngành Khảo cổ, cần được bảo tồn để phục vụ khoa học".
Theo bà Trịnh Thị Lan (Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa), tác giả dự án khảo sát nghiên cứu nền văn hóa cổ truyền xứ Thanh, thì việc dựng những phiến đá lớn xung quanh khu mộ Co Me là hình thức mai táng theo quan niệm của những cư dân Việt, Mường cổ. Năm 2000, bà Trịnh Thị Lan đã từng đến nghiên cứu, ghi chép xung quanh những hiện tượng lạ của khu mộ này.
Bí ẩn khu rừng mộ đá Co Me (xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) vẫn chưa được giải mã thỏa đáng, rất cần các nhà nghiên cứu tiếp tục vào cuộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét