Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Bún nước kèn An Giang

Có thể nói, Việt Nam là “quê hương” của bún. Ngoài Bắc có bún thang, bún mọc, bún riêu, bún ốc, bún ngan, bún đậu, bún sườn, canh bún... Miền Trung nổi tiếng nhất có bún bò Huế, bún song thần An Thái (Bình Định).

Còn Nam bộ thì có bún bì, bún chả giò, bún thịt nướng, bún cà ri, bún gỏi dà, đặc biệt nhiều người ưa thích nhất có lẽ là bún nước lèo của đồng bào Khmer. Những loại bún trên, chúng ta đi bất cứ đâu cũng có thể được ăn. Nhưng bún nước kèn thì phải đến Châu Đốc (An Giang) mới được thưởng thức mà chưa ai biết tên gọi của nó có nghĩa gì.

Để có một tô bún nước kèn ngon, cần phải có cá lóc đồng thịt săn chắc, làm sạch, cho vào nồi nước đang sôi. Cá chín, vớt ra, để nguội, rỉa lấy thịt, bỏ xương. Một phần thịt cá làm chà bông, tán thành bột.

Bắc một nồi khác lên bếp lửa, phi hành, tỏi hơi vàng (không sử dụng mỡ, dầu) rồi cho bột cà ri, đinh hương, bông tai dị, quế, bột cá vào xào chung với thịt cá. Cho tất cả hỗn hợp này vào nồi nước luộc cá, nêm gia vị (nếu có kroeung - gia vị của người Khmer - bún sẽ ngon hơn) vừa ăn rồi cho nước cốt dừa vào, rải một chút ớt bột lên mặt, để lửa liu riu. Sắp xà lách, bắp chuối, giá, quế vào tô, gắp bún trải lên trên, sau cùng chan nước lèo vào, xăm xắp. Thế là người ta dùng đũa trộn đều tô bún trước khi thưởng thức.

Tuy “mang tiếng” là đặc sản của Châu Đốc, nhưng bún nước kèn không được bán phổ biến ở nhiều nhà hàng, quán ăn của vùng biên địa xa xôi này.

Nhiều chục năm trước, đây là món hàng rong, kẽo kẹt quang gánh trên vai của một người đàn bà theo con đường nhộn nhịp xe cộ ở Kinh Đào (cách thị xã Chấu Đốc 7km, trên Quốc lộ 91). Buổi sáng, đón bà gánh bún ngang qua, kêu lại. Gióng gánh đặt bên hè, bàn tay già nua của bà gắp đủ các loại rau, cho bún vào tô rồi chan nước lèo vừa đủ. Ta ngồi bệt trên chiếc ghế thấp, trước mặt bà.

Cầm chiếc tô bà vừa chuyển sang, cảm giác nóng ấm lan vào gan bàn tay ta. Trộn đều tô bún, gắp một đũa cho vào miệng, nhai, cảm nhận hơi nóng trong từng sợi bún ngả màu vàng cà ri đẹp mắt, mùi các loại rau và gia vị thơm thơm xông lên cánh mũi.

Vừa thưởng thức “hương đồng cỏ nội” của chốn biên cương vốn nổi tiếng với mắm thái, khô cá tra phồng, ta vừa nhớ lại cái thời thơ ấu đã từng ngồi bệt bên gánh bún rong mà ăn một cách “đã đời” như vậy! Ngày nay, bún nước kèn đã có mặt tại đường Phan Văn Vàng, bên hông quán cà phê Trúc, xéo cổng Bồ Đề Đạo Tràng, thị xã Châu Đốc. Dù bán lề đường nhưng đặc sản này thu hút rất nhiều thực khách bởi không bị “đụng hàng”. Món này cũng có mặt trong một số gia đình ở thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) với tên gọi cá kèn dừa.

Theo Saigonnews


Đậm đà hương vị miền Tây với món bún kèn ở Châu Đốc


Khi đến vùng đất biên giới phía Tây Nam tổ quốc này, bạn không thể bỏ lỡ món bún kèn. Đây được xem là hương vị độc đáo mang đậm nét văn hoá ẩm thực miền sông nước.

Ẩm thực Việt Nam đa dạng và phong phú với vô vàn các món bún. Trải dài từ Bắc vào Nam, danh sách các hương vị từ bún có thể liệt kê không hết. Ở mỗi địa phương đều có một món bún đặc sản cho riêng mình. Và khi đến Châu Đốc, vùng đất biên giới phía Tây Nam tổ quốc, bạn không thể bỏ lỡ món bún kèn. Đây được xem là hương vị độc đáo mang đậm nét văn hoá ẩm thực miền sông nước.
Bún kèn thực chất là từ vay mượn của người Khmer, “kèn” ở đây ám chỉ những món ăn được nấu từ nước cốt dừa. Tới đây,  bạn cũng phỏng đoán được nguyên liệu và hương vị của món bún độc đáo này rồi đúng không? Món ăn là sự giao hoà giữa vị ngọt tự nhiên của cá đồng cùng với cái béo ngậy trong nước dùng nấu từ nước dừa. Đảm bảo sẽ khiến bạn ngất ngây từ lần đầu tiên chạm đũa.
Món bún này không phải dễ nấu, từ nguyên liệu đến cách nêm nếm đều đòi hỏi sự khéo léo của người nấu. Muốn tạo độ tươi ngon cho món ăn, cá phải là loại cá lóc đồng, thịt săn chắc và dai ngọt. Sau khi luộc chín cá, người bán sẽ tách bỏ phần xương và da, để lại những miếng thịt tươi nguyên. Rồi cho chúng qua chảo để xào cùng các phụ gia bắt vị như bột cà ri, đinh hương, bột quế, tai vị,… và nêm nếm sau cho vừa ăn. Vì thế, những lát cá của món bún này bắt mắt và hấp dẫn trong mài vàng ươm.
Tiếp đó là phần nước dùng, nước luộc cá sẽ được dùng lại và cho thêm tôm khô để tạo độ ngọt. Cái tạo nên sự khác biệt của món bún là phần nước dừa hoà vào nấu cùng. Nước cốt béo đậm và mang đến hương vị thơm ngon cho nồi nước dùng. Và nếu có kroeung, một loại gia vị của người Khmer thì món bún sẽ ngon hơn. Cứ thế để lửa riu riu cho phần nước “sắc” lại và đậm đà hơn.
Trong sắc vàng sặc sỡ và làm khói nóng nghi ngút, tô bún kèn hấp dẫn làm bao tử thực khách phải “réo lên”.  Bên trên bề mặt, người bán bày biện nào thịt cá, rau tươi. Lớp bún thơm mềm ẩn mình phía dưới và thấm đều trong làn nước dùng đậm đà. Tô bún hài hoà với vị ngọt dịu của nước dùng thấm đượm cái béo ngất ngây từ nước dừa nhưng không gây ngán mà chốt lại bởi thịt cá đậm đà, thấm mùi gia vị.
Món ăn sẽ như hụt phần tươi mới nếu thiếu rau sống ăn kèm. Giá giòn giòn, dưa leo ngọt thơm  và vài lá rau thơm the the, tuy phụ nhưng không kém phần quan trọng. Bông điên điển thì tuỳ vào mùa mà cho thêm vào. Món ăn chấm cùng với muối ớt, vắt miếng chanh để hoà thêm vị chua nữa là “đúng bài” rồi.
Tuy nói là đặc sản nhưng không phải dễ tìm được nơi bán món bún kèm đúng vị tại Châu Đốc. Không có mặt ở các nhà hàng, quán xá sang trọng, món bún kèn mang hương vị dân dã và mộc mạc bên những gánh bún ven đường. Người dân nơi đây ăn bún kèn thường vào bữa sáng để no bụng cho một ngày làm việc hay buổi xế chiều bỗng dưng thấy đói. Ngồi trên chiếc ghế ven đường, húp xì xụp tô bún đậm vị và thơm lừng, bạn sẽ cảm nhận nét văn hoá ẩm thực đa dạng của miền sông nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét