Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Cà Cuống Một hương vị đồng quê đang mất dần


à cuống, tên khoa học là Lethocerus-indicus, thuộc họ chân bơi, bộ cánh nửa Hemiptera. Qua 5 lần lột xác thiếu trùng cà cuống mới trưởng thành. Là một loài côn trùng rất nhạy cảm với môi trường sinh thái, cà cuống thường được dùng làm vật chỉ sinh học để nhận biết độ trong sạch của cả một vùng sinh cảnh. Sách đỏ Việt Nam yêu cầu cần có ngay biện pháp bảo vệ, gây nuôi để phục hồi, phát triển loài cà cuống, tránh không để loài động vật vốn đã quý hiếm này biến mất khỏi hệ sinh thái và đời sống văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Loài cà cuống có mặt ở nhiều nơi: vùng Viễn Đông (Liên bang Nga), tại các vùng nhiệt đới, Ấn Độ, Trung Quốc, Châu Úc... Tại Việt Nam , cà cuống sống chủ yếu ở các vùng đồng bằng kể cả đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Nếu trong nghệ thuật ẩm thực xứ Huế có món bánh cuốn, sử dụng cà cuống làm tâm điểm, tại đất Hà Nội ngàn năm văn vật, bát bún thang kỳ công bên cạnh nồi nước dùng, tôm khô, nấm hương, chút tinh dầu cà cuống là không thể thiếu để tạo nên hương vị đậm đà, tinh túy từ bàn tay các bà đầu bếp người Tràng An. Món chả cá Lã Vọng nổi tiếng của đất Thăng Long cũng nổi vị hơn nếu có giọt cà cuống trong bát mắm tôm. Ngày xuân, trong không khí tươi mát, được ngồi ăn bát bún thang cà cuống là... phút tuyệt vời không chỉ có ở những người tuổi cổ lai hy...
Từ thời Triệu Đà (207-137 trước Công nguyên), cà cuống đã là một trong những sơn hào, hải vị mà người Việt Nam phải đem cống sang Trung Hoa với tên : "con sâu quế". Trước đó, tuyến thơm của cà cuống đực, thịt và trứng của con cái đã là loại gia vị rất được ưa chuộng dùng để ăn kèm nhiều món ăn, cả ở Việt Nam và nhiều nước khác như Lào, Campuchia, Thái Lan...Cho đến nay, do ô nhiễm nguồn nước, thuốc trừ sâu được sử dụng tràn lan, môi trường sinh thái bị mất cân bằng, thế nên, cà cuống từ một món ăn dân gian rất phổ thông, nay chỉ còn xuất hiện ở một vài địa điểm hiếm hoi. Bây giờ, muốn ăn món cà cuống phải ra tận các cửa tiệm ăn ngoài Bắc mới hy vọng tìm được chút hương vị của món cà cuống vang bóng một thời. Mà cũng chắc gì đã kiếm ra được con cà cuống chính cống? Nước chấm có vị cà cuống bây giờ đã được tạo nên bởi hương thơm nhân tạo, trước là Thái Lan, hiện nay Việt Nam cũng có, mà hương thơm nhân tạo thì làm sao sánh bằng hương thơm được xếp vào "quốc hồn, quốc túy" của con cà cuống trong tự nhiên?!  
Chắc hẳn bây giờ, đối với các bạn trẻ thuộc lứa tuổi gọi là 8X, 9X gì đó, họ không thể nào biết được có một con vật mang tên "cà cuống" đã từng có mặt, tồn tại và đem đến cho mọi người hương vị khoái khẩu chỉ bằng một giọt tinh dầu nằm chỉ duy nhất một chỗ là đốt tiếp giáp giữa đầu và thân. Chưa nói tới các món ăn cầu kỳ mà hương vị của tinh dầu cà cuống là không thể thiếu được, mâm cơm đạm bạc, đơn sơ chỉ có rau luộc mà có một chén nước mắm giầm cà cuống thì cũng... tuyệt trần đời!. Ngày trước, trong những năm 50 - 60 của thế kỷ XX, chúng tôi thường đi bắt cà cuống ở những ruộng đã gặt xong, còn trơ gốc rạ. Cà cuống thường hay đeo gốc rơm rạ để đẻ trứng, muốn bắt lúc nào cũng có. Cà cuống đem về nướng cho cháy, để nguyên con mà giầm vào nước mắm trong, ăn với cơm nóng là nhất xứ, cái hương vị cà cuống ai đã ăn một lần thì không thể nào quên được. Rồi những năm 1982 - 1983 chúng tôi đi soi cá ban đêm cũng bắt được rất nhiều cà cuống, bỏ đầy "đụt" cá, đem về để dành ăn dần. Ngày đó, có đứa còn ăn nguyên cả con! Bây giờ đố tìm được một con cà cuống mà ăn! Cà cuống đang được đưa vào "sách đỏ" Việt Nam , với mức độ đe doạ bậc "R" (Rare - hiếm), đang có nguy cơ tuyệt chủng tới nơi vì môi trường sinh thái bị ô nhiễm nặng nề! Nếu không có biện pháp bảo lưu, giữ gìn "nòi giống" của loại "đặc sản" này, thì e rằng trong một tương lai không xa, người ta chỉ biết chép miệng mà than rằng: "...Ngày xưa, có một loại gia vị sống mang tên cà cuống...
Mỹ Tho, những ngày cuối năm
Hoàng Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét