Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Cá nhậu - món quê tuyệt chiêu


Quê tôi ở vùng của sông Lạch Trường, ngày trước suốt dọc hai bên bờ sông là rừng sú. Sú xanh sẫm trải dài theo triền đê, mỗi khi gió nhẹ, rừng sú chuyển lay dập dờn như sóng. Khi triều cường chỉ lút hai phần thân sú là cùng, khi nước rặc cả rừng sú hiện ra, dưới gốc nha nhển là ốc đá, cua cáy rong rêu và các loài sinh vật biển. Ở đó có loài cá rất đặc biệt: bơi được trong môi trường nước, trườn trong bùn lầy và sống trong hang đó là loài cá nhậu. Loài cá còn được gọi cái tên kỳ lạ: “cá bỏ giỗ” và gắn với một câu chuyện vui cười ra nước mắt, có nội dung giáo dục sâu sắc mà thâm thuý.
Nguyên nhân chủ yếu có liên quan mật thiết với con cá nhậu. Vắn tắt chuyện kể rằng: có cô dâu mới được mẹ chồng đưa tiền đi chợ mua cá về làm giỗ ông, đi qua bãi soi cô thấy vô số là cá nằm chen chúc bò nhởn nhơ ở vũng bùn cạn, cô đinh ninh thế nào cũng bắt được dễ dàng. Có bao tiền đi chợ cô ăn quà bằng hết. Ai dè khi chợ tan cô dâu trở về xăm xăm bước xuống bắt thì loài cá đông đúc hiền lành là thế chỉ trong chốc loáng cái đã biến mất vô tăm tích. Cô hoảng loạn chua xót ngậm ngùi đành làm chiêu lừa gạt đánh mất cả sự kín đáo yểu điệu thục nữ, đành chịu tội bỏ giỗ. Tội này xưa nặng lắm, các cụ đã dạy rằng: “trách kẻ bỏ giỗ không ai trách cỗ lưng” tiếng nhơ chẳng dễ gì gột rửa.
Chuyện cổ đã phần nào nói lên môi trường và thói quen sống của loài cá này. Cá nhậu con nhỏ như đầu đũa, con lớn to dài hơn ngón tay trỏ. Thân cá tròn lẳn có lớp da trơn màu nâu xám, những con cá to thường có đốm hoa lân tinh trên mình. Cá có thị giác và thính giác rất nhạy, hễ có động chạy rào rào biến mất một cách mau lẹ. Thị giác thính nhạy là nhờ cấu tạo đặc biệt của mắt. Mắt cá nhậu có khả năng “thụt thò” như tê lê của máy ảnh. Khi quan sát mắt cá trồi giương cao hơn hẳn lúc bình thường.
Cá có khả năng trườn nhanh đến kỳ lạ vì cơ thể chúng có cấu tạo đặc biệt. Khi có động cá khép khít mang và phồng lên như một đệm không khí ở phần đầu. 2 vây trước cấu tạo như hai cái bánh lái kết hợp với túi khí nâng cá lên nhẹ bổng và cá lướt đi mau lẹ. Cá chẳng bao giờ bắt được bằng tay không, thường để bắt cá phải đi đào hoặc là để đi đánh cặm. Đi đào là cách đánh bắt của các bà phụ nữ, gặp khi nước rặc họ đeo giỏ, mang cái thuổng nhỏ đi đào. Khéo léo phát hiện ra lỗ có “mà” mới, tay cắm phập thuổng xuống, đè ngật thuổng ra phía sau mắt quan sát, tay nhanh chóng chộp lấy cá. Đi đào bắt cá có ưu điểm cá còn nguyên con khoẻ mạnh nên rất tươi, bán được giá. Đi đánh cặm thường được cá to nhưng không được tươi như đi đào. Cá nhậu bị trúng cặm kẹp ngang cổ thường bị chết nên thợ cặm thường phải đi rao bán trong ngày. Cá nhậu tươi sống đem về chẳng phải mổ ruột gì sất. Các cụ xưa còn dạy: “Cứt cá lá rau”. Với cá nhậu thì càng đúng. Chỉ việc cho cá vào chậu cho vào một nhúm muối Cá “ tự hành tội sống” nhảy vật vả một hồi trút sạch nhớt, chỉ việc bóp qua và rửa lại cho kỳ sạch. Cá cho vào nồi lơn muối ngấm rồi tra gia vị gồm: tiêu bắc, nước mắm, nước nghệ đặc hoặc bột nghệ và nước hàng (thứ nước cô từ mật mía).
Có hai thứ lá người quê tôi thường kho với cá nhậu là lá găng và lá cúc tần. Lá cúc tần kho ngon hơn cả. Lá cúc tần mọc bên bờ rào, bên lối ngỏ, chọn búp tưoi non và lá bánh tẻ rửa sạch cho vào nồi sắc đều trước khi kho. Đổ chút mỡ lợn và hành củ đập rập đem kho cho kỳ cạn. Cá thẩm thấu được tất cả các gia vị ăn béo ngọt tự nhiên, thơm mùi cúc tần, gợi cảm giác thú vị hiếm có: ai đã ăn một lần rồi thì như bị bỏ bùa mê, không thể không bỏ tiền để được ăn lần thứ hai. Cá ăn đã ngon, lá cúc tần ngấm nước cốt cá và gia vị ăn cũng ngon không kém. Cái lạ là ăn chẳng bao giờ chán. Cá hợp với cơm mới ngọt ngào làm nên bao cảm hứng, cá cực kỳ tốt, lành và bổ nhất là đối với phụ nữ mới sinh.

Món cá nhậu mà đem nấu dấm dọc mùng, ăm ngon sụt khố. Đem cá nhậu lơn với gia vị như khi kho, cho một bát mẻ đặc đem nấu chín. Lựa mức ngưòi dùng cho một đến hai bát nước lạnh, đun sôi cho dọc mùng vào nấu, bắc ra tra rau tía tô sẽ được nồi dấm thơm ngon điệu đà.
Người sau sinh bây giờ thiệt thòi hơn vì không được ăn cá nhậu, do sự thay đổi môi sinh cá nhậu trở nên khan hiếm. Dân đào bắt được kg nào thì người đi buôn đã trực chờ mang đi nơi khác. Nghe đâu giá 1 kg cá nhậu lên tới 250.000 đồng. Cá lên ngôi dần, các cửa hàng đặc sản đặt mua cũng chẳng mấy khi mà mua được. Có khi phải đặt tiền trước mươi ngày, nửa tháng may mắn mới có được 5-7 kg.
Tôi lo sợ loài cá này có nguy cơ tuyệt chủng nên cứ tha thiết giới thiệu, may ra có nhà khoa học, người kỹ sư thuỷ sản nào tâm huyết nghiên cứu để bảo vệ. Khi nghe có dự án của tổ chức Hội chữ thập đỏ quốc tế trồng lại rừng sú ngập mặn người dân quê tôi lấy làm mừng lắm, đê sẽ được bảo vệ, có cây sú sẽ có bùn có sình lầy, có phù du, rong rêu và và hẳn sẽ có đất để loài cá nhậu tự do “sinh con để cái”. Món cá nhậu sẽ dễ dàng có được chứ không phải chỉ để gieo khát thèm cho người sành ẩm thực. Cá nhậu lại nhiều như xưa để cô dâu mới ngày nay mua về cho bà cho mẹ, háo hức mong chờ ngày “khai hoa kết nụ” sẽ được ăn cá nhậu kho cúc tần.
Hữu Ngôn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét