Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Các trò chơi dân gian xưa


Trồng nụ trồng hoa

Trò chơi của con gái. Chọn hai người ngồi bệt xuống đất, đối diện nhau. Chồng các bàn chân rồi đến các bàn tay, lần lượt nắm, rồi xoè ra, số người còn lại nhảy qua. Khi nào đủ bốn chân bốn tay xoè mà người nhảy không bị chạm thì người nhảy được quyền chơi tiếp ván khác cho đến khi chạm chân thì mất lượt, phải ngồi vào thay thế.

Chơi ô ăn quan

Trò chơi của con gái. Hai người ngồi đối diện nhau, vẽ một hình ê líp, hai đầu đặt hai viên sỏi lớn làm quan. Còn lại chia thành năm ngăn, mỗi ngăn hai ô, mỗi ô đặt năm viên sỏi nhỏ. Lần lượt mỗi người nhặt năm viên ở mỗi ô, rải mỗi ô một viên cho đến khi hết trước một ô trống thì được ăn các viên sỏi ở tiếp ô trống đó. Cứ thế cho đến khi ăn hết hai quan. Hết quan tàn dân, thu quân kéo về. Hết ván, bày lại như cũ, ai thiếu phải vay của bên kia. Tính thắng thua theo nợ các viên sỏi. Quan ăn 10 viên sỏi.

Cánh đu mùa Xuân

Có thể nói cây đu là một biểu tượng của mùa xuân Việt Nam. Hàng năm khi mùa xuân đến, cây đu được dựng lên ở nhiều làng quê Việt Nam: cây đu trên thửa ruộng khô, cây đu trên bãi rộng gần đình hay gần chùa làng. Đu bay là một trong những trò chơi của ngày hội xuân khá hấp dẫn, là dịp để trai gái gặp gỡ nhau. Đu bay thật tình tứ, lãng mạn, nhưng lại kín đáo, tế nhị. Người đánh đu tưởng chừng như tâm hồn được bay bổng vào không trung vũ trụ. Còn người ngồi trông thì hồi hộp và chẳng kém phần thú vị khi "trai đu gối hạc khom khom cật", khi "gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng", và "đôi hàng chân ngọc duỗi song song". Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã mô tả cây đu đầy sức sống bằng nghệ thuật ngôn ngữ thơ của mình tuyệt đẹp như một bức tranh:

Bốn cột khen ai khéo khéo trồng
Kẻ thì lên đánh kẻ ngồi trông
Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới
Đôi hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân ai biết xuân chăng tá
Cột nhổ đi rồi lỗ bỏ không

Chơi đu là một sinh hoạt văn hoá thể hiện tính tập thể và tính thân ái cộng đồng khá cao. Người ta không ghen tức nhau về tài năng. Ai muốn thể hiện tài năng của mình cứ việc tự do lên cánh đu. Đánh đu kích thích hoạt động và lòng dũng cảm của trai gái. Khi cánh đu bay ngang ròng rọc rất nguy hiểm và cũng ít người đạt được. Bởi cánh đu vít từ bên này sang bên kia có một độ văng và rơi mạnh. Lúc đó người nhún đu phải nắm tay đu sao cho thật chắc, chân đứng trên bàn đu sao cho thật vững, nhưng thân hình lại phải sao cho thật tự nhiên uyển chuyển. Đồng thời, đây cũng là một sự thể hiện vẻ đẹp của hình dáng và phục trang của ngày hội mùa xuân. Người chơi đu cũng có sự lựa chọn nhau sao cho hoà hợp giữa từng đôi nam nữ, cả về mặt tình ý và "nghệ thuật" nhún đu. Muốn đu bay bổng đôi bên trai gái phải có sự kết hợp động tác sao cho nhịp nhàng, người này nâng người kia lên và ngược lại, bằng động tác nhún. Cho nên người nhún đu phải có sự nhạy cảm để nhận biết đu có lên không để lựa chiều mà nhún. Nếu không đu chỉ bay ở mức độ cầm chừng.

Nhún đu có thể nhún đôi hoặc một. Nhún đôi thì một trai một gái, ít khi cùng trai, cùng gái. Người mới tập nhún đu cần phải có bạn đẩy để lấy đà nhún. Trong khi nhiều người chơi đu, ai muốn lên, thì phải 'bắt đu". Bắt đu cũng cần biết cách và có sức khỏe, nếu không đu văng có khi làm ngã cả ba người. Người nào bắt được đu không ai tranh nữa. Đó là qui định chung của đám hội. Có những tay đu thạo chỉ cần cầm hai tay đu, lấy đà chạy rồi nhảy lên nhún luôn cho tới khi cánh đu lên ngang ròng rọc và lúc đó dừng lại vừa để nghỉ ngơi, vừa để cho cánh đu tự do bay bổng, sống trong những giây phút rạo rực mùa xuân. Chơi đu cũng cần có thần kinh và thể lực tốt, vì thế trò chơi này còn được coi như là một môn thể thao dân gian.

Khi lên đu, người nhún đu đã thoả chí, lúc muốn xuống, báo hiệu cho mọi người biết bằng cách khép tay đu lại vòng qua ngực. Trong những ngày hội xuân những đôi trai gái đua sắc đua tài hết sáng lại chiều. Người đua tài phải nhún đu sao đẹp mắt, phải đu lên ngang ròng rọc và lúc tới đích phải lấy được chiếc khăn hồng treo ở trên cao khi cánh đu bay qua.

Cây đu đã làm đẹp cho xóm làng và tăng phần sinh động trong những ngày xuân, đó là những hoạt động văn hoá, văn nghệ sôi nổi, đầy tình thân ái xoá tan đi những ngày lao động vất vả của làng quê, đem lại cho mọi người những giây phút thư giãn, là dịp để cho các đôi trai gái tìm hiểu nhau, để cho những tâm hồn lãng mạn, bay bổng giữa trời xuân
"đánh trổng"

Trổng làm bằng cây tầm vông (nếu có tre gai thì càng "ngon" ). Lựa khúc ngọn, đường kính cỡ 2, 3 phân là vừa. Cây lớn dài độ 6 tấc, trổng độ 2 tấc.
Tìm một khoảnh đất rộng, thoáng, và đặc biệt phải dài ...Khoét một cái lỗ tròn tròn, dài dài, sâu sâụ..thường là dùng cây dài sủi đất lên, vuốt vuốt cho láng là được. Vạch một cái mức cách lỗ chừng 2 thước, tính là 10 điểm, phía trên gạch thêm 20, 90,40,....chia "quân" làm 2 phe, bắt đầu ...chơi .

Một bên đánh trổng, một bên "bắt "

Có ba bước, thứ nhất là Vít, thứ nhì là Tán, thứ ba là Gồng.

Vít thì dễ, để cây nhỏ nằm ngang trên miệng lỗ, cây lớn xeo bên dưới, vít một cái thật mạnh. Xong gác cây lớn nằm ngang. Dưới mức là bị "tử", bị bên kia bắt trên không cũng "tử", bị cây trổng thảy về trúng cây lớn cũng "tử".

Tán thì bước lên mức, một tay cầm cây dài và kẹp cây trổng bằng hai ngón tay. Hất cây trổng lên, lấy cây dài quất một cái thật mạnh. Bên kia bắt không được thì lượm, ném về, nếu cách lỗ ngắn hơn một "sào" (cây dài ) thì "tử", nếu dùng cây dài quất trúng thêm lần nữa thì sẽ tính điềm tuỳ theo xa gần.

Gồng thì khó nhất. Đặt trổng xuống lỗ, một đầu nghếch lên. Lấy cây dài đập vào phần nghếch lên cho nó tưng lên, rồi quất mạnh...Nếu không bị bắt dính thì trổng rơi tới đâu tính điểm tới đó.

Vít không tính điểm, tán ngược (lúc bên kia ném về ) và gồng mới tính điểm. Gồng không lên (dưới mức 10), gồng hụt kể như "tử". Mỗi bên cộng điểm chung với nhau. Một bên chia ra đứng để "bắt", chờ bên kia "tử" hết thì tới phiên mình. Gồng và Tán mà bị bắt dính thì hết điểm. Trổng thảy về lọt vào lỗ cũng bị hết điểm. Bắt đầu chơi thì gồng coi bên nào xa hơn sẽ được đi trước.

Giao trước 200, 300 điểm tuỳ, phe nào tới trước thì "ăn". Phe "ăn" thay phiên cho phe thuạ...u . Cầm trổng tán 1 sào, 2 sào, ...tuỳ theo "giao" lúc đầu, bên kia phải vừa chạy vừa ụ.ụ.u... liên tục suốt đoạn đường không được đứt hơi, bên "ăn" vừa phải chạy theo vừa coi chừng có ăn gian không (cũng chẳng sướng ít gì ). Hãy mà đứt hơi thì sẽ bị "chồng án" gấp đôi....

Câu nói ngoài bãi đánh trổng là " Hôm qua tụi tao cho tụi nó ụ..khờ luôn." Hoặc là "Có sức chơi có sức chịu "..."U đầu lổ trán không được khóc, không được méc má..."

Ủa, trò này của con trai mà, sao HSHB nhào dô ? Coi chừng lỗ đầu nghe, không được méc má, không được mít ướt....

Thìa la thìa lảy


Là trò chơi luyện tập sự nhịp nhàng. Giống như trò Tập tầm vông, song bài ca lại là bài vè "Con gái hư" - chê tật xấu của các cô gái lười:

Thìa la thìa lảy,
Con gái bảy "tài"
Ngồi lê là một,
Dựa cột là hai.
Thày lay là ba.
ăn quà là bốn
Trốn việc là năm
Hay nằm là sáu
Láu táu là bảỵ


Thả đỉa ba ba

Trò chơi thể hiện việc qua sông, qua bưng, ruộng... ngập nước. Ở dưới nước có đỉa. Cả nhóm làm sao xuống nước mà đỉa không bắt được.

Trước hết vẽ hai đường song song cách nhau độ 2m (hay quy định khoảng trống nào đó) giả định là sông nước. Một em ra giữa vòng vừa hát vừa lấy tay đập nhịp vào vai các bạn:

Thả đỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà
Tha tội đàn ông
Cơm trắng gạo trắng
Gạo thuyền như nước
Đổ mắm đổ muối
Đổ chuối hạt tiêu
Đổ niêu nước chè
Đổ phải nhà nào
Nhà ấy... chịu

Từ "chịu" trúng em nào thì em ấy xuống sông làm "đỉa". Bọn trẻ đứa chạy đầu này, đứa băng qua sông góc nọ. "Đỉa" rượt để bắt. Bọn trẻ lại hát bài hát ghẹo: "Sang sông - về sông - trồng cây - ăn quả - nhả hạt". "Đỉa" rượt bên này thì bên kia xuống sông. "Đỉa" quay lại bên kia thì lũ bên nọ lại réo lên: "ăn quả - nhả hạt" rồi ào xuống. Chẳng may ai bị "đỉa" vớ phải thì lại trở thành "đỉa".



Tùm nụm tùm nịu

Tùm nụm, tùm nịu,
Tay tí, tay tiên
Đồng tiền, chiếc đũa
Hột lúa ba bông
Ăn trộm, ăn cắp trứng gà
Bù xa, bù xít
Con rắn, con rít trên trời,
Ai mời mày xuống?
Bỏ ruộng ai coi?
Bỏ voi ai giữ?
Bỏ chữ ai đọc?
Đánh trống nhà rông
Tay nào có?
Tay nào không?
Hổng ông thì bà,
Trái mít rụng!

Căn cứ vào hai câu "Tay nào có? Tay nào không?", đây là một trò đố: nắm một vật vào đó trong một tay và chìa cả hai nắm tay ra đố. Đối thủ sẽ chỉ vào một trong hai nắm tay. Mở tay ra: đúng sai, có không... biết liền.

Ném cầu

Xã Phú Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cử hành hội mùa xuân tại chùa xã ngày 14 và rằm tháng giêng. Khi trong chùa đang lễ Phật, ngoài sân trai chưa vợ, gái chưa chồng tụ họp nhau dự trò chơi ném cầu để "bói" hôn nhân. Hai quả cầu dùng để ném vào lồng tre là hai quả chanh ngoài có lớp vỏ bện bằng dây mây bọc quanh: sơn mầu xanh gọi là âm cầu và sơn mầu đỏ trắng gọi là dương cầu. Trai và gái chia làm hai bên, mỗi bên có người cầm đầu. Hai bên hẹn ước với nhau rằng: "Trong hai nhóm chúng ta, hễ ai đã kết hôn rồi mà ném được quả cầu vào trong lồng thì chỉ được thưởng; còn cặp nào chưa kết hôn mà ném trúng thì không những được thưởng mà còn hẹn sẽ cưới nhau. Nếu sai lời sẽ có Phật trời chứng giám". Giao hẹn xong, mấy cặp bắt đầu trò chơi. Trước khi ném cầu, trai gái lần lượt hát: Cầu này là quả thiên duyên. Đôi ta mà trúng, kết nguyền cùng nhau. Trò vui kéo dài từ sáng đến chiều. Tuy là trò chơi nhưng mỗi lần một cặp trai gái có tình ý mà cùng ném trúng đều hứa hôn với nhau.



Thi thổi cơm và giữ trẻ



Làng Chuông tỉnh Hà Tây có tục thi thổi cơm vào hội mùa xuân.

Đây là cuộc thi cho cả nam và nữ. Riêng với nữ có thêm những điều kỳ lạ: các cô vừa thổi cơm vừa phải trông một đứa trẻ khoảng 6-7 tháng, không phải con em mình, sao cho đứa bé đừng khóc. Bên cạnh các cô có vẽ một vòng tròn bằng vôi to bằng cái nia, trong đó thả con cóc. Các cô cũng phải giữ nó trong vòng vôi.

Trong khi các cô thổi cơm thì các người khác lại chọc cho em bé khóc hoặc dậm dộ cho con cóc nhảy ra ngoài vòng vôi.

Cuộc thi của nam là thi thổi cơm trên đầm. Bếp đặt trên bờ, người thổi cơm lại ngồi dưới thuyền nan. Mỗi người dự thi ngồi trên một chiếc thuyền nan, bên trong thuyền nan, bên trong thuyền chứa đủ gạo, nước, củi, diêm và thuyền đậu ở bên kia bờ. Theo hiệu lệnh của ban tổ chức, họ chèo thuyền bằng tay sang hẳn bờ bên này. Rồi với tay ướt họ sờ tới củi, diêm. Vừa giữ lửa trong bếp lại vừa giữ cho thuyền khỏi tròng trành, đâu phải dễ dàng gì. Vô ý để thuyền lật, người thổi cơm ngã theo thuyền xuống nước, lúc ngoi lên ướt như chuột lột thì anh ta sẽ làm trò cười cho dân làng.

nguồn - diễn đàn sài gòn (Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét