Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Cách phòng ngừa bệnh cao huyết áp


Trong đời sống công nghiệp hiện nay, bệnh cao huyết áp (HA) ngày càng trở nên phổ biến. Các yếu tố liên quan đến việc gia tăng HA thường gắn liền vớI đời sống hiện đại như: thừa cân, hút thuốc lá, uống rượu nhiều, thừa lượng muối và lượng chất béo trong khẩu phần ăn… vì vậy, duy trì một lối sống lành mạnh là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống căn bệnh này.
HA là gì?
HA là áp suất động mạch được tạo bởi sức đẩy của tim và sức ép của thành động mạch. HA thường được tượng trưng bằng hai chỉ số (thí dụ 120/80 đơn vị là mmHg), số trên (120) gọi là HA tâm thu, biểu hiện lực đẩy từ tim khi tim co bóp đẩy máu đi; số dưới (80) gọi là HA tâm trương, biểu hiện trương lực của thành mạch. Khi nào thì gọi là cao HA? Khi đo HA, muốn có một trị số tin cậy, người được đo phải nghỉ ngơi 10 – 15 phút trước khi đo và thường đo HA ở tay trái.
Trị số HA bình thường của mỗi người thay đổi tùy theo lứa tuổi
- HA tâm trương (số dưới) bình thường là từ 84-89; 90-104 là hơi cao và từ 105 trở lên là cao.
- HA tâm thu (số trên) bình thường là từ 120-139; 140-159 là hơi cao và 160 trở lên là cao.
- Dưới 40 tuổi, HA 145/80; dưới 50 tuổi, HA 150/80; dưới 60 tuổi HA 160/ 90 và trên 60 tuổi, HA 165/95 được coi là có khuynh hướng cao.
Những yếu tố ảnh hưởng đến trị số HA
Thỉnh thoảng, nếu thấy HA thay đổi và có khuynh hướng tăng thì khoan lo, vì có nhiều yếu tố trong cuộc sống ảnh hưởng đến trị số của HA như lo nghĩ, cảm xúc mạnh, bị stress, vận động nhiều, dùng nhiều chất kích thích… Ngoài ra, theo thời gian, người càng cao tuổi HA càng có khuynh hướng tăng lên do động mạch bị xơ vữa, kém đàn hồi.
Chế độ ăn uống cho người bị cao HA
Việc sử dụng thuốc trị cao HA phải do BS chỉ định nhưng một vấn đề khác cũng cần đặt ra, đó là làm giảm yếu tố nguy cơ cao HA do ăn uống. Vì thế, chế độ dinh dưỡng thích hợp là cần thiết.
- Thông thường nên ăn 3 bữa/ngày, không nên ăn vặt.
- Tránh thức ăn chiên xào, hạn chế mỡ, nhất là mỡ động vật. Tốt nhất là sử dụng thực phẩm hấp, luộc.
- Tránh các chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá…
- Nên ăn nhiều rau quả xanh để cung cấp chất xơ cho cơ thể, dùng dầu thực vật thay mỡ… và các sản phẩm từ ngũ cốc, trái cây, sản phẩm từ sữa…
- Trong các loại thịt thì ưu tiên cá, sau đó đến thịt gia cầm, cuối cùng mới đến thịt bò, heo, cừu.
- Hạn chế ăn muối, các nước chấm mặn, các thực phẩm giàu natri như: tôm khô, trứng vịt muối, chanh muối, thịt chà bông…
Bỏ thói quen xấu
- Ngưng hút thuốc: là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa cả bệnh tim mạch lẫn không tim mạch ở người cao HA.
- Bớt uống rượu: có những bằng chứng cho thấy, có mối tương quan chặt chẽ giữa uống rượu, HA và tỷ lệ bệnh cao HA trong cộng đồng. Ngoài ra, rượu làm giảm tác dụng của thuốc hạ HA. Những người này cần lưu ý, nếu uống nhiều rượu sẽ gia tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não.
- Tăng hoạt động thể lực: giảm bớt béo phì, người sống tĩnh tại cần tập thể dục đếu đặn ở mức vừa phải như đi bộ nhanh hoặc bơi lội trong vòng 30 –45 phút, 3-4 lần/tuần. Các hoạt động thể dục này hiệu quả hơn chạy hoặc nhảy và có thể làm giảm HA tâm thu từ 4- 8mmHg. Các tập luyện nặng như cử tạ có tác dụng làm tăng HA, vì vậy nên tránh.


Các loài hoa chữa bệnh tăng huyết áp

Theo y học cổ truyền, tăng huyết áp (THA) là một tình trạng khí nghịch do tình chí hoặc do yếu tố lục dâm (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) gây ra. Dưới đây xin giới thiệu cùng bạn đọc các loài hoa dễ dùng, dễ kiếm có tác dụng trị bệnh tăng huyết áp.
Hoa tề thái.
Hoa tề thái.
Bài 1: Kim ngân hoa 15g, cúc hoa 15g, sơn tra 30g, tang diệp (lá dâu) 10g. Tất cả tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được. Uống thay trà mỗi ngày 1 thang, uống liên tục 20 ngày là một liệu trình.

Công dụng: Sơ phong tán nhiệt, bình can tiềm dương, hạ mỡ máu và hạ huyết áp. Thích hợp cho những trường hợp tăng huyết áp có kèm theo rối loạn lipid máu. Trong bài, 3 vị cúc hoa, sơn tra và tang diệp đều có tác dụng hạ huyết áp. Ngoài ra, sơn tra và cúc hoa còn có khả năng hạ mỡ máu, tăng cường lượng máu nuôi dưỡng cơ tim.

Bài 2: Cúc hoa 1.000g, thu hái vào mùa thu, đem sấy hoặc phơi khô rồi tán thành bột mịn đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày lấy 10-15g bột thuốc ninh với 60-100g gạo tẻ thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: Sơ phong tán nhiệt, thanh can giáng hỏa, giáng áp. Thích hợp cho người bị tăng huyết áp thuộc thể can uất hóa hỏa, biểu hiện bằng các triệu chứng đau đầu, hoa mắt chóng mặt, mắt đỏ, hay cáu giận, miệng đắng, họng khát, tiểu tiện vàng sẻn, chất lưỡi đỏ...

Bài 3: Tề thái hoa, dã cúc hoa 10g, hòe hoa 10g. Cả 3 vị cho vào bình kín, hãm với nước sôi, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt lương huyết, giáng áp và làm sáng mắt. Thích hợp cho những người bị tăng huyết áp thuộc thể can uất hóa hỏa với các triệu chứng như đã nêu trên. Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, tề thái hoa, dã cúc hoa và hoa hòe đều có tác dụng hạ huyết áp. Riêng hoa hòe còn có khả năng làm hạ mỡ máu, tăng cường sức bền thành mạch máu, lợi niệu và cải thiện sức co bóp cơ tim nên rất có lợi cho người bị tăng huyết áp.

Bài 4: Hoa tam thất 3g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 2 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt, bình can, giáng áp, dùng thích hợp cho người bị tăng huyết áp có kèm hoa mắt, chóng mặt, ù tai... Có thể phối hợp với hoa hòe 10g và hoa cúc 10g. Gần đây, loại hoa này đã được nhập nhiều từ Trung Quốc vào nước ta nên rất dễ kiếm và tiện sử dụng.

Bài 5: Tân di hoa (còn gọi là ngọc lan hoa) 3-6g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày, mỗi ngày dùng 2 ấm.

Công dụng: Ích phế đàm, khứ phong thông khiếu, giáng áp, dùng cho người bị tăng huyết áp, viêm mũi, đau đầu do co thắt mạch máu. Nghiên cứu hiện đại trên thực nghiệm và lâm sàng cho thấy, tân di hoa có tác dụng hạ huyết áp tương đối rõ rệt.

Bài 6: Hồng hoa 15g, hòe hoa 15g, hai vị đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt lương huyết, hoạt huyết khứ ứ, giáng áp. Thích hợp cho người bị tăng huyết áp có biểu hiện ứ huyết như có điểm đau nhói tựa kim châm cố định ở đầu, chất lưỡi có nhiều điểm ứ huyết và xuất huyết, tĩnh mạch dưới lưỡi giãn rộng...

Bài 7: Cúc bách nhật (còn gọi là thiên nhật hồng, bách nhật hồng) 20g, dã cúc hoa 20g. Hai vị đem sắc kỹ lấy nước uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Thanh can tán kết, tiêu thũng giải độc, giáng áp. Thích hợp cho người bị tăng huyết áp thuộc thể can uất hóa hỏa. Bài này nếu gia thêm hạ khô thảo 30g thì hiệu quả càng tốt.

Bài 8: Sơn tra hoa 6g, sơn tra diệp 6g. Hai vị hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Hạ mỡ máu và giáng áp, có tác dụng rất tốt cho những người bị tăng huyết áp có kèm rối loạn lipid máu.

Bài 9: Hoa mẫu đơn 9-15g, sắc uống mỗi ngày 1-2 liều.

Công dụng: Thanh can tả hỏa, khứ phong hoạt huyết, chỉ thống giáng áp. Thích hợp cho những người bị tăng huyết áp thuộc thể can uất hóa hỏa.
Hồng Hạnh (Theo SK & ĐS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét