Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Canh nấm tràm


TTO - Những cơn mưa dông cuối hè làm dịu đi cái nắng oi ả, trời bắt đầu chớm thu. Trong tiết trời chuyển mùa này, bữa cơm của những gia đình người dân nghèo Đồng Hới (Quảng Bình) quê tôi không thể thiếu một món ăn hết sức dân dã mà quen thuộc - canh nấm tràm.
Sau một trận mưa tầm tã, nắng lên là hôm sau sẽ có nấm. Nhớ thuở còn nhỏ, cứ những lúc như thế, từ sáng sớm lũ trẻ chúng tôi đã rủ nhau xách làn lên đồi tìm nấm. Sau cơn mưa, những tai nấm tròn, bụ bẫm, căng đầy sức sống cứ thế đội lớp lá tràm khô vươn lên.
Màu tím thẫm của những tai nấm lẫn khuất trong màu đám lá rụng. Mỗi khi tìm thấy một tai nấm nào là lũ trẻ chúng tôi vui lắm, cảm giác như thể mình đã phát hiện ra một thứ gì đó mới mẻ, thật lạ! Đứa nào cũng hí hửng đi tìm không biết mệt, chỉ đến lúc chiếc làn của mình đầy nấm mới chịu quay về.
Nấm tràm có ở nhiều nơi và được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như nấm tràm xào mực, canh cánh gà nấu nấm tràm, cháo nấm tràm đậu xanh... Còn với những người dân nghèo, nấm tràm được chế biến thành món canh rất dân dã nhưng mang đậm hương vị quê. Chỉ cần một ít nấm, một ít rau lang, rau muống, một ít ruốc và đặc biệt không thể thiếu lá lốt, lá trơng, thế là có thể làm nên một nồi canh nấm tràm ngon tuyệt.
Nấm hái về được cắt bỏ phần chân, dùng dao cạo nhẹ lớp màng ngoài của nấm để giảm bớt độ đắng. Công đoạn này phải khéo léo vì lớp màng ngoài rất mỏng, nếu không cẩn thận có thể làm mất đi phần thịt nấm, đặc biệt phải giữ nấm khô, không để dín nước. Khi đã cạo màng xong, đem rửa qua nước lạnh vài lần rồi ngâm vào nước muối nhạt khoảng 5 phút để sạch chất nhớt của nấm. Sau đó, vớt ra để ráo nước.
Trước hết phải phi thơm tỏi băm, sau đó cho nấm vào xào qua, nêm gia vị thấm đều nấm. Lấy một thìa ruốc hòa với nước lạnh, khuấy đều cho ruốc tan rồi đổ vào nồi nấm xào. Ruốc phải hòa với nước lạnh, không được dùng nước nóng nếu không sẽ làm mất đi mùi thơm của ruốc. Khi thấy nước sôi lên mới cho rau khoai và rau muống vào. Đợi khi canh chín, nêm đủ gia vị vừa ăn, trước khi tắt bếp cho một nhúm lá lốt, lá trơng thái mịn vào, vậy là đã hoàn thành.
Nhìn màu trắng của thịt nấm xen kẽ với màu xanh của rau thật đẹp mắt. Mùi ruốc bốc lên ngào ngạt hòa với mùi đặc trưng của lá lốt, lá trơng thơm đến lạ lùng, cái mùi đặc biệt ấy không thể lẫn vào đâu được, chỉ có ở canh nấm tràm quê tôi mà thôi.
Nấm tràm khi mới ăn sẽ thấy vị đắng nhưng càng ăn, miếng nấm giòn từ từ tan đều trong miệng mới cảm nhận được cái ngọt, cái béo, cái bùi của nó. Húp một miếng nước canh cảm nhận cái đậm đà hòa quyện từ ruốc, từ rau, từ nấm, nhân nhẫn đắng mà ngọt đến cổ họng.
Thưởng thức canh nấm tràm như thấy được cả mùi của quê hương trong đó, cái hương biển mặn mà trong ruốc, cái hương đồi thoang thoảng trong từng miếng nấm. Cái đắng ban đầu, cái ngọt về sau như chính cuộc đời vậy. Ăn một lần là nhớ, đi xa mãi cũng không thể quên.
Cuộc sống mưu sinh, lăn lộn nơi đất khách quê người, nhớ về canh nấm tràm, một phần ký ức tuổi thơ trong trẻo cùng với hình ảnh quê hương lại hiện về trong tôi. Thật xa mà thật gần...
HẢI NINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét