Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Chim lá rụng


Theo những cụ già miền Tây, khi châu thổ đang mùa lúa chín vàng, ở đâu không biết, từng đàn như đám mây chim ríu ra ríu rít từ tận trời cao khép cánh thả mình “rụng” xuống như những chiếc lá mùa thu trước gió. Có lẽ vì như thế nên mới có tên là chim lá rụng.
Mới vừa xà mông vào ghế thì cô chủ nhỏ của quán Kim Yến ở tận Mang Thít (Vĩnh Long) đã tiếp thị: “Hôm nay mấy anh dùng chim lá rụng nhé, loại đặc sản, ở vùng này muốn kiếm không dễ đâu à. Món này ăn ngon cực kỳ, thịt thơm cực kỳ và giòn cực kỳ...”. Cái cách tiếp thị của cô chủ nhỏ cũng... cực kỳ hấp dẫn khiến chúng tôi không thể cầm lòng.
Đã lâu lắm rồi mới nghe lại cái tên này, ít ra cũng đã hơn 5 năm. Trước đây, trong những lần lang thang ở miệt Đồng Tháp Mười tôi có thưởng thức, lâu không thấy nữa nên quên. Chim lá rụng nhiều nhất là ở miệt Đồng Tháp Mười và xứ U Minh của Cà Mau. Trong chuyện tiếu lâm, bác Ba Phi kể là ông mang thúng lúa ra đồng gieo hạt, vừa đặt thúng trên bờ ruộng để nhổ mấy cây cỏ chát, mới quay lên thì một đàn chim lá rụng bay nghe cái vù, nhìn lại chỉ thấy cái thúng không. Một thúng lúa mà trong chốc lát đã bị nuốt sạch thì cả đàn phải có tới hàng ngàn con chứ chẳng chơi. Theo những cụ già miền Tây, khi châu thổ đang mùa lúa chin vàng, ở đâu không biết, từng đàn như đám mây chim ríu ra ríu rít từ tận trời cao khép cánh thả mình ''rụng'' xuống như những chiếc lá mùa thu trước gió. Có lẽ vì như thế nên mới có tên là chim lá rụng. Chúng đáp xuống ruộng lúa và tinh ranh chọn những hạt lúa mẩy mà cắn nghe lắc cắc, lắc cắc... đến no lòng thì cả đàn kéo nhau bay vụt lên vùng trời cao rồi biến mất trong làn mây trắng xanh, bỏ lại người nông dân chút sắt se lòng vì thiệt hại mùa vụ. Cứ thế, chúng rong chơi trên vùng trời tự do miền sông nước thơ mộng Nam Bộ, đến khi đói, chúng lại tìm một vạt ruộng nào đó rồi lại buông mình như những chiếc lá rụng thảnh thơi xuống cánh đồng vàng lúa chín.
Được ăn đầy đủ những hạt lúa vừa chín tới, ngọt ngào chất sữa nên chim lá rụng con nào con nấy đều tròn vo. Do “ăn hỗn” lúa nên chim lá rung bị người dân tìm mọi cánh xua đuổi hay bắt chúng. Người dân bắt bằng cách đánh lưới hoặc tìm tới chỗ nghỉ ban đêm của chúng ở những vạt cỏ năn cao ngang bụng người, hay trên những bờ sậy để quăng chài bắt cả bầy. Bắt chim bằng chài cũng là một cách thông minh của người dân Nam Bộ xuất hiện từ khi loài chim này về phá hại mùa màng của bà con.
Ông Ngô Cẩn Anh– 87 tuổi ở Mang Thít cho biết: “Chim lá rụng là một loại sẻ đồng, nhỏ hơn sẻ nhà, lông màu nâu nhạt, đôi mắt tinh nhanh, đôi cánh lão luyện để bay lên, đáp xuống”. Ông cho biết thêm, để làm sạch lông những con chim chỉ nhỏ bằng ngón tay cái này không phải dễ. Kinh nghiệm dạy ông là trước khi vặt lông chim thì nhúng chúng vào nước xà phòng trước khi nhúng vào nước xôi khoảng 70 độ C và thế là khâu này trở nên đơn giản.
Đĩa chim lá rụng khìa nước dừa vàng ươm thật ngon được bày ra, thơm phức khiến ai cũng phải thòm thèm. Gắp con chim lá rụng vàng ươm, kèm theo vài miếng rau, chấm muối tiêu chanh thì trên cả tuyệt vời! Vị ngọt của thịt chim, vị thơm của nước dừa hòa quyện làm đầu lưỡi cứ tê tê. Mình chim lá rụng rất giòn và mềm, cắn vào nghe rau ráu, xương thì nhỏ hơn cây tăm xỉa răng nên xem như chẳng bỏ thứ gì. Vừa mềm, vừa giòn lại vừa thơm... đúng như lời quảng cáo của cô chủ nhỏ là “cực kỳ”, đưa thêm ly đế nếp thì có lẽ trên đời chẳng món nào tuyệt hơn! Cô chủ nhỏ còn giới thiệu, chim này chẳng cần mổ bụng, vì “chỉ cần nhốt khoảng 1 ngày là ruột sạch trơn”. Cứ để nguyên con, có tí đắng của mật, mà cái này lại bổ, tí béo của gan... lại ngon hơn nhiều lần mổ bụng. Có khách còn yêu cầu dồn đậu phộng vào bụng chim rồi khìa, như thế lại càng ngon.
Trong lúc trò chuyện, cô chủ quán cho biết quán phải đặt hàng món này với những “thợ chim” chuyên nghiệp mang từ các nơi khác về mới có. Có hôm khách quen đã đặt hết nên nhiều người muốn gọi món này cũng không có đủ theo nhu cầu. Chạnh nghĩ, chim lá rụng nhiều như... lá rụng, ăn cái vèo là hết thúng lúa của Ba Phi mà giờ này phải đặt hàng mới có. Thử làm một bài toán nhỏ, một đĩa chim có hơn 50 con, một quán bán một đêm ít ra cũng 20 đĩa là cả ngàn con rồi. Trong khi châu thổ này có bao nhiêu quán thì không ai có thể thống kê được. Đó là chưa nói hiện nay chim này là đặc sản nên việc đưa chim chào hàng ở các nhà hàng Sài Gòn hay những thành phố lớn là hiển nhiên. Mỗi đêm có đến vài chục ngàn con chim phải hóa kiếp thì có bao nhiêu “đám mây chim” cũng không đủ cung ứng cho những cái miệng phàm ăn của con người. Nghĩ đến đây tôi lại thấy lòng se sắt vì một điều gần như là hiển nhiên: con nào thành đặc sản cũng gần ngày tuyệt chủng. Có lẽ mai này, con cháu chúng ta chỉ có thể biết đến loài chim này trên sách báo cũ hay qua những lời kể của ông cha chúng mà thôi.
Chim lá rụng dẫu “hảo lúa” và “ăn hỗn” khiến nông dân bị thất thoát lúa nhưng dù sao cũng góp phần cân bằng sinh thái- vấn đề đặc biệt quan trọng khi biến đổi khí hậu đang là vấn đề “cực nóng” của các nước.
PHAN TRƯỜNG SƠN (TP Vĩnh Long)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét