Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Chùa Gò Xoài


Chùa Gò Xoài toạ lạc tại ấp Mỹ Bình, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Chùa Gò Xoài được xây dựng vào năm Phật lịch 2074 (tức năm 1530) trên phần đất ông bà của bà Thạch Thị Lạc (đến năm 1909, bà Thạch Thị Thuông, cháu bà Lạc, hiến thêm 5.000 m2).
Chùa Gò Xoài là trung tâm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của đồng bào Khmer xã Tân Mỹ. Bên cạnh đó, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa Gò Xoài còn là một cơ sở cách mạng của xã Tân Mỹ và chùa là một điển hình trong cuộc đấu tranh chống địch đóng đồn trong chùa, chống bắt lính.
Sau khi Mỹ Diệm tiến hành luật 10/59, xã Tân Mỹ trở thành một xã trắng chúng tiến hành dồn dân lập ấp chiến lược để tách dân ra khỏi các mạng.
Để xây dựng lại cơ sở, các cán bộ xã Tân Mỹ xây dựng cơ sở cách mạng trong chùa Gò Xoài. chùa Gò Xoài trở thành cơ sở đáng tin cậy của cách mạng.
Tháng 2 năm 1963, xã trưởng - cảnh sát trưởng xã Tân Mỹ là Phạm Văn Chữ, cho lính vào chùa áp chế Sư cả Thạch Chăng để chúng sử dụng chùa làm đồn bót. Nhưng sư cả Chăng nhất định không đồng ý. Vì vậy, chúng đã gây khó dễ cho nhà chùa trong các dịp lễ hội. Chúng không cho chùa tổ chức các lễ hội với lý do chùa tổ chức lễ hội để cán bộ cách mạng vào chùa. Đồng thời, chúng không cho sư cả mở lớp dạy học cho tăng chúng và phật tử, nhất là các cụ cao niên muốn vào chùa học thiền định. Thời gian này rất khó khăn cho các hoạt động của chùa, nhưng các vị sư vẫn bám trụ tại chùa và giữ không cho địch đóng quân trong khuôn viên chùa.
Sư cả còn làm công tác binh vận, vận động người trong bổn đạo bị bắt đi lính cho địch rã ngũ.
Trong năm 1963, chi bộ xã Tân Mỹ đã tổ chức hai cuộc đấu tranh trực diện với địch tại Trà Ôn. Thành phần tham gia đấu tranh là các vị sư hai chùa Gò Xoài và Gia Kiết cùng bà con Kinh - Khmer, trong đó có cả gia đình binh sĩ. Đoàn đấu tranh yêu cầu địch không được bắn pháo vào xóm làng sát hại nhân dân. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi.
Tháng 4 năm 1967, lính quận Trà Ôn đến thông báo với sư cả: một tuần nữa quận trưởng Trà Ôn sẽ cho lính đến lấy chùa làm đồn bót. Sư cả Thạch Chăng cương quyết không cho địch đóng đồn bót trong chùa và bảo vệ cho các vị tu sĩ.
Năm 1968, chiến tranh ngày càng khốc liệt, sư cả Chăng kêu gọi các gia đình này vào chùa ẩn nấp. Sư cả tận dụng số cây lá sẵn có trong chùa để cất nhà cho phật tử ở và vận động lực lượng thanh niên cùng các vị sư đào hầm và đắp trảng xê ở nhiều nơi (trong sala và một số nơi trong vườn chùa) để nhân dân tránh bom đạn. Sư cả còn gửi thư cho quận trưởng Trà Ôn yêu cầu nhà cầm quyền không được bắn pháo vào trong chùa, vì chùa là nơi tu hành, nơi cầu nguyện đem lại hoà bình cho dân tộc.
Từ năm 1971, nhiều lần địch đem lính đến bao vây chùa bắt chư tăng và thanh niên đi lính. Đứng trước tình hình này, ông Thạch Sol cùng một số sư trong chùa là cơ sở nồng cốt cách mạng và bổn đạo đấu tranh với địch. Chùa vận động chống bắt lính đưa vào chùa tu được 45 thanh niên cả người Kinh và người Khmer, cùng với gia đình binh sĩ vận động rã ngũ 57 binh sĩ. Các sư, phật tử còn làm hàng rào bằng kẽm gai xung quanh chùa và chuẩn bị đá, gạch, cây... để chống lại khi địch đến bao vây chùa để bắt chư tăng, thanh niên đi lính
Năm 1972, để làm ám hiệu cho cán bộ cách mạng trong các dịp lễ - tết, các vị sư làm ám hiệu bằng cách treo bóng đèn điện trên cột cờ: đèn sáng thì không có lính, khi có lính thì tắt đèn.
Sư Thạch Nhứt là y tá chữa trị cho bà con xung quanh chùa. Sư rất có cảm tình với cách mạng. Ông mua thuốc tây gởi cho cách mạng.
Hưởng ứng phong trào chiếm đất giành dân, trong dịp tết Chol Chnam Thmây, ông Lê Văn Sơn, ông Hai Bè và Đại đức Thạch Chăng họp bàn và thống nhất treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trước cổng chùa. Sự xuất hiện của cờ Mặt trận gây xôn xao trong nhân dân. Sau đó, lính quận Trà Ôn đến chùa để tra xét tìm cở sở cách mạng. Chúng bắt em Thạch Riêng (con ông Thạch Tích - Trưởng ban quản trị) vì nghi em là giao liên của cách mạng. Do quá sợ hãi, Thạch Riêng đã khai ông Trần Văn Sinh (Ba Sinh) là một người dân ở Giồng Thanh Bạch. Chúng bắt ông Ba Sinh đem giam ở Trà Ôn. Sau đó, chứng minh được ông Ba Sinh là người vô tội nên chúng đã thả ông.
Tháng 12/1972, theo chủ trương của huyện, lực luợng du kích xã Tân Mỹ vào các chùa của xã. Do địch đóng quân dày đặc ở vùng ven, nên du kích không vào được, trong tình thế không có lương thực, cũng không thể rút đi vì địch sẽ phát hiện. Sư cả Thạch Chăng hay tin. Sư cả liền cho 03 vị sư về thăm nhà nhưng thực chất là các sư mang lương thực tiếp tế cho du kích.
Tháng 10 năm 1973, địch bắt khoảng 60 thân nhân gia đình cách mạng giam khoảng 01 tháng ở đồn Tân Mỹ. Chi bộ xã Tân Mỹ họp bàn lấy sách đối sách: mời một số gia đình binh sĩ đến căn cứ Tầm Vu (Tân Mỹ) để tuyên truyền, vận động giác ngộ cách mạng và để đổi gia đình cách mạng về. Chi bộ quyết định đưa tổ đảng về các ấp mời khoảng 100 gia đình binh sĩ, vùng Gò Xoài khoảng 40 người.
Sau đó, các gia đình binh sĩ đã giác ngộ và vận động binh sĩ gởi đạn dược cho cách mạng. Số đạn do các gia đình binh sĩ đóng góp được chuyển cho du kích xã sử dụng chiến đấu và bổ sung đạn dược cho địa phương quân Trà Ôn. Số đạn này được gởi nhiều lần, nhiều nhất là lựu đạn và đạn M79.
Năm 1974, quận trưởng và lính Trà Ôn đến bao vây chùa. Chúng lấy lý do là một số vị sư đã hết hạn hoãn quân dịch, bắt các vị sư hoàn tục đi lính. Chùa Gò Xoài bị bắt 08 vị; chùa Gia Kiết 04 vị; chùa Cao Đài 08 vị; chùa Hạnh Phúc Tăng 04 vị, giam tại ty Miên vụ (hiện nay là trụ sở Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long). Các vị sư luôn đấu tranh với chúng nhất định không cởi áo cà sa để mặc áo lính. Các vị sư cả đã cùng liên kết đấu tranh nhiều lần, nhiều nơi.
Sau đó, chúng đưa các vị sư qua chùa Trúc Lâm (cạnh cầu Khưu Văn Ba - hiện nay không còn) để hoàn tục. Chúng đưa các vị sư qua trại nhập ngũ của tỉnh. Bốn vị sư có giấy hoãn dịch về kịp nên được về và 01 vị vì lý do sức khoẻ cũng được thả, còn lại 03 ông chúng đưa qua trung tâm huấn luyện ở Mỹ Tho. Các vị ra trường 01 tháng thì giải phóng.
Sau đó, chúng đưa các vị sư qua chùa Trúc Lâm (cạnh cầu Khưu Văn Ba - hiện nay không còn) để hoàn tục. Bốn vị sư có giấy hoãn dịch về kịp nên được về và một vị vì lý do sức khoẻ cũng được thả, còn lại 03 ông chúng đưa qua trung tâm huấn luyện ở Mỹ Tho. Các vị ra trường 01 tháng thì giải phóng.
Trong các năm 1972 đến 1975, địa phương quân Trà Ôn nhiều lần đóng quân xung quanh khu vực chùa làm bàn đạp tấn công Trà Ôn. Các vị sư cùng nhân dân giúp bộ đội đào công sự chiến đấu dọc theo tuyến sông Măng và xung quanh chùa để bộ đội đánh địch từ phía sông Măng tiến vào. Địch biết được nên đã bắn pháo vào khu vực chùa làm bị thương sư Thạch Sa Nang (Thạch Kul) và sư Thạch Chương, nhưng khó khăn, nguy hiểm các vị sư vẫn bám trụ chùa.
Chùa Gò Xoài được xây dựng vào giữa thế kỷ XVI. Đây là một trong những ngôi chùa cổ của người Khmer ở tỉnh Vĩnh Long. Chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử văn hoá như bia đá, lá sima, tượng Phật Thích Ca...
Bên cạnh đó, chùa Gò Xoài còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của đồng bào Khmer xã Tân Mỹ. Ngoài các nghi lễ tôn giáo, chùa cũng là nơi tổ chức các lễ hội cộng đồng. Vì Vậy chùa Gò Xoài có vai trò đặc biệt đối với đời sống văn hoá của đồng bào Khmer ấp Gò Xoài, Mỹ Yên, Sóc Ruộng và của xã Tân Mỹ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa Gò Xoài luôn gắn bó mật thiết với cách mạng, nhiều vị sư và ban quản trị là nòng cốt cách mạng và đã được Chính phủ, Mặt trận huyện Trà Ôn tặng bằng khen, giấy khen, có vị là thương binh.
Bên cạnh đó, chùa còn là nơi xây dựng tình đoàn kết giữa hai dân tộc Kinh - Khmer đấu tranh chống kẻ thù chung.
Các vị sư cùng cán bộ cách mạng đã giáo dục thanh niên Kinh - Khmer trong vùng không đi lính cho địch và động viên nhiều thanh niên tham gia cách mạng đóng góp cho công cuộc giải phóng dân tộc. Các sư sãi và ban quản trị chùa còn đấu tranh trực diện với kẻ thù chống bắt lính, vận động gia đình có con em đi lính rã ngũ và chống âm mưu của địch đóng đồn bót trong khu vực chùa. Ngoài ra, sư sãi còn vận động phật tử đóng góp tiền bạc vật chất cho cách mạng.
Chùa Gò Xoài lập được thành tích trên có sự đóng góp không nhỏ của Hoà thượng Thạch Chăng. Nhờ vào sự lãnh đạo khéo léo của mình, Hoà thượng Thạch Chăng cùng với Ban quản trị chùa đã đẩy lùi được âm mưu của địch dùng tôn giáo dân tộc để chống cách mạng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chùa Gò Xoài vẫn là trung tâm tín ngưỡng của bà con dân tộc Khmer xã Tân Mỹ, nơi phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các vị sư, bà con phật tử tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau chăm lo sản xuất xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc để tốt đạo đẹp đời.
Chùa Gò Xoài được UBND tỉnh ra quyết định số 1554/QĐ.UBND ngày 27/7/2006 công nhận là di tích lịch sử văn hoá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét