Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

ĐỀN VÀ Một cõi u linh

Trong không gian hùng vĩ, thơ mộng với những núi đồi sông suối quanh quất, xinh tươi, đền Và hiện ra như một công trình kiến trúc thâm nghiêm và hòa quyện với rừng lim già tỏa bóng rợp quanh năm. Đền Và, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây là một trong bốn cung thờ Thần Núi Ba Vì - Tản Viên Sơn Thánh, Đệ Nhất Phúc Thần trong Tứ bất tử của tâm thức dân gian Việt Nam, đây cũng là một trong hàng trăm di tích thờ cúng Ngài.
Đền tọa lạc trên một gò đất rộng và thấp hình một con rùa đang duỗi bốn chân và ngóng đầu xuống đầm Vân Mộng hướng về phía mặt trời mọc. Vào những ngày xuân, cả không gian chìm trong màn sương mờ huyền ảo nơi cánh đồng có tên gọi Khói Nhang bao quanh khu đền cổ...
Ngay lối vào đền là tấm bia Hạ mã tự nói lên quy mô và tầm quan trọng của ngôi đền. Xưa, bất kể là vua, quan hay dân thường đều dừng mọi xe kiệu trước tấm bia này để tỏ lòng thành kính với thần Tản Viên. Một con đường sạch sẽ cát mịn dưới bóng mát rừng lim già dẫn vào khu đền chính. Khu vực bên ngoài là giếng nước và điện thờ Cô Chín Thượng Ngàn, người quản cai non ngàn thăm thẳm. Bên cạnh là động Ngũ hổ, có thờ tượng năm ông hổ, năm màu sắc, trấn giữ các phương, biểu tượng của đại ngàn uy nghiêm. Nghi môn trông như một tòa Ngọ môn uy nghi hiện ra trong tán lá cây đại già có đến mấy trăm năm tuổi, dẫn vào cảnh quan bên trong, với gác trống gác chuông kiến trúc xinh xắn, thanh thoát đối xứng nhau qua sân gạch Bát Tràng rộng thênh thênh. Hai dãy tả hữu mạc hai bên và tòa tiền tế ở giữa mái rêu cổ kính. Tòa tiền tế là một toà nhà 5 gian, để thoáng bốn bề, treo la liệt các hoành phi câu đối trải các triều đại đều do các nhà Nho, các danh sĩ soạn ra, mà nét vàng son và ý tứ thâm trầm mãi còn nhắc nhớ đến uy linh của Thần. Kia là bức gỗ khắc bài thơ mà tác giả là Hồng Lĩnh hầu Nguyễn Khản, anh trai thi hào Nguyễn Du, khi ông làm Trấn thủ Sơn Tây có đến đền tạ ơn Thánh Tản ba lần.

Ông viết: “Chiêm bái chút từng ba độ đến / Trộm nhờ linh đức trấn phương Đoài”. Đây là bức hoành phi bằng đá do Tử An Trần Lê Nhân, ngồi chức Giáo thụ phủ Quốc Oai và Phan Duy Tiếp, Tri phủ Quốc Oai đề mấy chữ: Sơn dữ thiên tề (Núi Tản cao ngang trời). Và cả những bài ký chép lại chuyến leo núi Ba Vì năm 1887 và năm 1902 do Tri huyện Tùng Thiện là Nguyễn Thiện Kế (anh rể thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu) chuẩn bị làm cầu, làm đường phục vụ cho chuyến đi của ngài Công sứ Sơn Tây. Bài văn cho biết con đường lên núi của quan Công sứ được làm trong 20 ngày, dài 1457 trượng và có 32 chỗ phải bắc ván và có 7 cây cầu bắc bằng tre để ngựa xe có thể qua lại.

Xem các hoành phi, câu đối ta thấy có các đại biểu Hoa kiều Hà Nội, các nhà buôn ở Bắc Ninh, đoàn phi cơ Sơn Tây, các quan chức các huyện, tỉnh đã cung tiến vào đền qua các thời gian khác nhau.

Đền Trung là nơi có tượng Tứ trấn, tượng văn võ lưỡng ban, cùng ngựa hồng ngựa bạch. Tất cả những bài trí đều là mô phỏng một triều đình phong kiến để ghi nhớ việc Đức Thánh Tản đã từng được vua Hùng nhường ngôi báu và đã trị vì trong vài tháng. Hơn nữa lối bài trí như vậy còn có ý nghĩa rằng trong hàng trăm đền đài thờ Tản Viên thì chỉ có đền Và là yết cung - nơi Thánh và các quan nghe lời tâu bày, thỉnh nguyện của trăm họ. Từ bao đời nay, đền Và luôn cách huyện lỵ, tỉnh lỵ, trấn lỵ không xa, nên các quan chức đều thường đến đây dâng hương cầu phúc và thưởng ngoạn cảnh đẹp của khu đền. Lại cũng có vị quan chức đến cầu tự ở đền Và và đã được như nguyện. Và vị quan đó đã thuật lại câu chuyện này trên một bảng gỗ còn treo ở đền.

Trong thơm ngát hương hoa lan hoa mộc, và dưới bóng hoa vóc vàng đang đơm nắng, lòng du khách hành hương trầm lắng lại, nghĩ đến uy linh của đức Thánh Tản mà khí thiêng trải mấy nghìn năm vẫn như còn hiển hiện. Lòng du khách lâng lâng như đang được hưởng niềm an vui thích thảng dưới sự chở che muôn đời của Thánh Tản Viên.

Cách đền không xa là xóm Cá Trê, nơi có bầy cá trê bằng đá nằm trấn giữ đầu nguồn nước. Tích truyện kể rằng: Một lần, vào buổi chiều tà, Thánh Tản Viên đi chơi, thấy ở ghềnh đá có ông lão ngồi kéo vó. Ngài bèn mượn vó kéo chơi một lần. Ông lão nói rằng: Tôi ngồi từ sáng còn chưa được con cá nào đây. Ông làm sao mà kéo được cá trong chốc lát thế này! Thánh Tản nói khéo và được ông lão cho mượn. Ai ngờ kéo ngay một lần đã được 100 con cá lớn nhỏ. Ông lão thật vô cùng kinh ngạc. Thánh Tản thấy có con cá trê chửa đang quẫy trong vó, bèn thả ra sông. Ngài chỉ lấy 99 cái đuôi cá để làm bữa chiều, còn thì biếu cho ông lão cả. Con cá trê được thả ra sông, sinh nở xong, đem cả chín con cá con về chầu bên đền đức thánh. Nay vẫn còn di tích cá trê đá bên ngòi nước. Thơ đề biển gỗ đền Và có câu:

Cá nghe quyển ước ngăn dòng suối

Hạc ngóng chày tiên rợp bóng trời


Về sau, tưởng nhớ chuyện kéo cá trên đoạn sông năm xưa của Đức Thánh Tản Viên, vào ngày rằm tháng 9 người dân mở hội đánh cá. Trên khúc sông năm xưa Ngài kéo cá, hàng trăm thanh niên trai tráng đánh cá làm náo động cả một khúc sông quê. Cuối buổi chiều, người ta chọn lấy 100 con cá chép to nhất, chặt lấy khúc đuôi để làm món gỏi cá tế Thánh. Đó là lễ hội mùa thu của vùng Sơn Tây tưởng nhớ Thánh.

Lễ hội mùa xuân còn đông vui hơn, vì có sự tham gia của 8 thôn thuộc 3 huyện của 2 tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phúc. Hội xuân là vào rằm tháng giêng, kéo dài trong 4, 5 ngày. Cứ ba năm là chính hội vào các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu.

Hội kéo dài đến ba bốn ngày, lễ rước Ngai Thánh đi trong đêm vào lúc 2 h sáng. Từ đền Và, đám rước đi qua cầu Cộng, vào thị xã Sơn Tây (tới trước cửa UBND thị xã thường quay kiệu đến vài chục phút), ra bến sông rồi xuống thuyền qua sông Hồng sang địa hạt Vĩnh Phúc, là nơi thờ vọng ngài. Dân hai bên đường bày hương án dâng hương hoa lễ vật cầu phúc. Nhà ai có trẻ con hay ốm vặt hoặc không “hay ăn chóng lớn” thì bế đứa trẻ cho chui qua dưới kiệu để lấy khước. Khi đám rước qua sông, thuyền bè như lá tre tụ về.

Từ thượng lưu, thuyền nan từ Cổ Đô, Ngã Ba Hạc xuôi về; từ hạ lưu thì thuyền từ Bồng Lai, Bá Giang, Vân Cốc, Hát Môn ngược lên. Những người chở đò ăn mặc quần áo lễ hội và chở khách thập phương qua sông đều không lấy tiền. Hàng vài chục chiếc thuyền lớn được cột với nhau và trải tre vầu phẳng phiu để ngự hàng chục chiếc kiệu văn và những người hành lễ. Hàng trăm người chèo thuyền chở ngai Thánh Tản sang sông, có hàng trăm chiếc thuyền nan hộ tống hai bên, còn đoàn rước thì đốt pháo, reo hò, khua chiêng, gõ trống và ca hát làm náo động cả một khúc sông rộng. Tiếng cười nói hân hoan lan toả làm nức lòng hàng vạn người theo hầu Thánh Tản sang sông. Sang đến bờ sông, Thánh Tản vào ngự tại đình Ngự Dội để tắm, cho đến khi hoàng hôn dần buông, đám rước mới lên đường về lại đền Và... Mênh mông đèn đuốc rực sáng trên hàng dặm dài của sông Hồng soi đường cho đám rước. Ra đến giữa sông, hiu hiu gió mát trăng rằm, có khi kiệu Thánh dùng dằng mãi ở giữa sông chưa về. Mọi người lại đợi cho đến khi lá cờ ở đầu kiệu phất về phía bờ nam sông Hồng thì mới cho thuyền vào bờ... Trong mấy ngày hội, nhiều trò chơi dân gian đã được tổ chức làm mê mẩn khách hành hương.

Lễ hội đền Và là một trong các lễ hội to và đông vui nhất xứ Đoài. Đó là một thời điểm hội tụ sức mạnh cộng đồng và gửi gắm khát vọng về hòa bình và no ấm của người dân xứ Đoài trong suốt dọc dài lịch sử.

NGUYỄN XUÂN DIỆN

Đền Và

PNO - Nằm ở Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây Bắc, đền Và là một công trình kiến trúc nghệ thuật cuối đời Lê đầu đời Nguyễn, một danh thắng của xứ Đoài, đã được Bộ văn hóa xếp hạng. Đền thờ Đức thánh Tản Viên Sơn (tức Sơn Tinh), vị thần của người nông dân Việt Nam, phù hộ cho mùa màng, thời tiết.
    Hôm đó, từ Sơn Tây, chúng tôi đi về hướng Thành cổ, rẽ qua cầu Công Cộng đến khu Xã Tắc, nằm bên dòng sông Tích. Theo con đường láng nhựa khoảng một cây số, qua cánh đồng làng Vân Gia chúng tôi đến đền Và. Một ngôi đền cổ kính nằm giữa rừng lim già nguyên sinh, trên gò đất rộng 6 ha hình con rùa, đầu quay về hướng Bắc.

    Một góc đền Và
    Theo truyền thuyết, Đức thánh Tản Viên là một trong bốn vị thần (tứ bất tử) của dân tộc Việt nam (Bà Chúa Liễu thần dạy nghề, Thánh Gióng thần đánh giặc ngoại xâm, Tản Viên thần mùa màng thời tiết và Tiên Dung - Chữ đồng tử là thần tình yêu).
    Chuyện kể rằng, vào một ngày 14 tháng giêng âm lịch, không rõ năm nào, nhân một lần đi đánh giặc về, Sơn Tinh đi đến vùng bãi, ven sông Hồng, người, ngựa còn bám đầy cát bụi, mồ hôi nhễ nhại, trời lại oi bức (có tài liệu nói là Thánh Tản sang cung Bắc chơi, thăm mẹ), ngài dừng chân và chọn gò đất cao có bóng mát để nghỉ ngơi, chuẩn bị hành trình về núi Tản. Vừa lúc ấy có một người đàn bà gánh sọt đi tới. Ngài bèn gọi người đàn bà lại, ngỏ ý nhờ gánh cho hai sọt nước mát giữa sông để tắm. Người đàn bà ngạc nhiên, nói: “Gánh nước cho tướng quân tắm, tôi không ngại, nhưng tôi chưa thấy ai dùng sọt gánh nước được bao giờ”. Sơn Tinh bảo: “Bà cứ dùng sọt mà gánh sẽ được”.
    Người đàn bà làm theo thì kỳ lạ thay đôi sọt tre mà đựng được nước! Bà gánh nước lên gò cao có cây cối um tùm rồi lặng lẽ ra về.
    Sơn Tinh tắm mát xong chẳng nhìn thấy người đàn bà đâu. Ngài cùng quan quân, người ngựa lướt nhẹ trên sông Hồng trở về Núi Tản. Ngày hôm sau người đàn bà ra chỗ ngài tắm và lẳng lặng hóa thân ở đó. Ít ngày sau, mối đùn lên phủ kín xác bà. Nhớ ơn này Sơn Tinh liền loan báo cho dân làng ra rước thi hài bà về mai táng và cho xây đền thờ. Ngôi đền ấy ngày nay gọi là đền Dội (làng Di Bình - Vĩnh Phúc). Có mối liên quan đến đền Và như sau.

    Dấu thời gian
    Lễ hội Rằm tháng Giêng ở đền Và là lễ hội của một vùng. Những năm đại hội có sự tham gia của tám làng: Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Đạm Trai (Sơn Tây) và Di Bình (thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Lễ hội rước bài vị Đức Thánh Tản Viên từ đền Và (xã Trung Hưng) qua sông Hồng sang đền Dội (Di Bình - Vĩnh Phúc), lấy nước giữa sông Hồng làm lễ mộc dục (tắm rửa ngai). Tại đền Dội có nghi lễ cúng lợn sống (vì xưa ngài vội ra đi mà chẳng kịp nấu ăn). Dân nhìn vào lá cờ đại, khi nào thấy đổi gió về hướng đền Và thì lại rước ngài quay về thăm mẹ.

    Nhà ngang
    Đền Và là một ngôi đền lớn, rộng rãi. Trước cửa đền có giếng ngọc và ngũ Dinh. Ngoài cổng nghi môn có 3 cửa rộng, hai bên là gác chuông, gác trống. Qua một sân gạch rộng, bước vào đền Trung. Tại đây có 4 pho tượng lớn, hai con ngựa hồng và bạch, vào trong nữa là đền Thượng và hậu cung, có 3 ngai thờ Tản Viên và hai anh em họ của ông là Cao Sơn và Quý Li. Trong đền có nhiều đồ thờ cổ có giá trị như: lọ lộc bình, choé, cột đèn bằng đá, chuông đồng…. và nhiều hoành phi, câu đối. Các cửa đền sơn son, vẽ rồng vàng.
    Đền Và còn có tên gọi khác là Đông cung - là một trong hệ thống Tứ cung nổi tiếng của xứ Đoài. Đền Và qua các triều đại (Lý, Trần …) đều được trùng tu sửa chữa. Đến đời Duy Tân (1907-1916) đền được trùng tu đến ngày nay. Đây là ngôi đền nổi tiếng thiêng liêng ở xứ Đoài, người dân các vùng lân cận thường đến đây cầu xin, khấn nguyện.

    Rừng lim cổ thụ ở đền Và
    Sau khi vào thăm đền, thắp hương, chúng tôi trải tấm bạt ngồi dưới gốc những cây lim già, tán lá dày không một vệt nắng. Nhìn xa xa, dòng sông Tích uốn lượn, nước trong xanh mát. Lòng bình yên khi ngắm nhìn những cánh đồng lúa xanh rì, ngút mắt. Con đường làng nhỏ nhỏ, những quán chè chén đầu làng đặc trưng cho vùng quê Bắc bộ Việt Nam…
    Đặc biệt, làng Vân Gia có một đặc sản rất ngon là bánh tẻ. Đây là một loại bánh giống như bánh giò, nhưng dai hơn và không có nhân thịt, ăn rất ngon, rất đặc trưng mà không nơi nào có được.
    BÌNH AN

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét