Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Giền loài rau quý ở khắp nơi


Rau giền (RG) có nhiều loại. Dân gian chia ra như sau: Giền lá lớn có màu đỏ tía, ta quen gọi RG đỏ, RG canh. Giền lá bé có màu xanh là RG trắng, là RG xanh hay giền cơm. RG gai mọc hoang. Có tên gọi như vậy cũng để phân biệt cách nấu cho từng loại giền. RG đỏ thân mọng nước, nấu chóng nhừ, thường thì để nấu canh thì ngon hơn… Dùng RG nói chung cần chú ý chúng tính lạnh, dễ gây đi ngoài nhất là loại tía và không dùng cùng với các thức ăn có tính lạnh như tiết, ba ba… Do phương thức canh tác riêng của mỗi nơi, nên nay có nhiều dạng cây, màu lá thay đổi khác nhau.
Rau giền đỏ
Rau giền đỏ
Cây giền tía

Được dùng trong lĩnh vực dinh dưỡng từ 8.000 năm trước của người thổ dân châu Mỹ. Ngày nay, nó có nhiều trên thế giới, trên các cánh đồng hàng trăm ngìn hecta. Ở Mỹ có hàng nghìn điền chủ trồng cây giền.

Thân và lá thường làm thức ăn luộc, nấu canh. Ở Mỹ, RG là một trong 40 loại thức ăn thông dụng.
Giền tía làm thuốc vị ngọt, tính mát, thanh nhiệt lương huyết, lợi tiểu, sát trùng, trị nọc ong, rắn, rết, dị ứng mẩn ngứa, kiết lỵ, viêm gan vàng da. Chữa bệnh hậu sản (Nam dược thần hiệu - Tuệ Tĩnh), dùng RG tía nấu canh hoặc xay lấy nước nấu cháo. Đắp ngoài chữa sơn ăn mặt. Phòng chữa dị ứng, giảm tác hại của xạ trị, phóng xạ. RG tía 200g rửa sạch thái nhỏ, đun sôi 300ml nước rồi cho giền vào. Để sôi lại cho 50g gan heo thái miếng đã được ướp gia vị và xào với tỏi sẵn. Nếu phòng bệnh thì 2-3 lần/tuần, còn chữa trị ngày 1 lần, kỵ tiết canh.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ (1972) trong 100g RG có thành phần hóa học gồm: 69,2g nước 1,7g protein, 0 lipid, 1,9g glucid, 0,8g xenluloza, 1,4g khoáng toàn phần và vitamin các loại A, B, C, PP. Lượng calo trong 100g là 15, RG chứa gần 10 aicd amin cần thiết trong 100g lá có: Lyzin 0,11, methionin 0,04, histidin 0,04, arginin 0,10, valin 0,12, leucin 0,27. Phenilalanin 0,12, treonin 0,10, isoleucin 0,10… Có cây chứa 10% protein, giá trị sinh học 67% tỷ lệ tiêu hóa 87%. Trong giền canh khô có 8,77% nước, protein 4,76%, lipid 4,7%, xeluloza 39,17% khoáng toàn phần 17,13%.
Hạt giền tía: Có giá trị dinh dưỡng cao, nhất là giền Cu-ba 16-18% protid, 62% tinh bột, 6% chất béo. Do đó hạt RG tía được xem là một loại lương thực giá trị cao hơn lúa mì, gạo, ngô, đậu tương.

Nhân hạt có hương vị như hạt bồ đào cho thêm vào bột mì làm tăng chất lượng bánh, ngon hơn, bổ hơn. Đặc biệt hạt có lyzin là acid amin quan trọng mà cơ thể không tạo ra được với hàm lượng cao hơn ngô 3-3,5 lần; lúa mì 2-2,5 lần. Hạt giền ép dầu làm nguyên liệu sản xuất steroid làm thuốc chống viêm. Hạt cho gà ăn sẽ chóng lớn gấp 6 lần so với bình thường.

Rễ RG tía: Làm thuốc chữa sốt xuất huyết, nôn, do sảy thai…
Các nhà khoa học Nhật dùng các sản phẩm của RG tía để tẩy rửa chất phóng xạ, dầu hạt giền chữa nhiễm chất phóng xạ.

Rau giền cơm

Còn gọi RG trắng, cây thảo thân có khía màu xanh nhạt. Mọc phổ biến ở Ấn Độ, miền Nam Trung Quốc, các nước Đông Dương, Indonesia. Ở nước ta, RG cơm mọc hoang hoặc được trồng trong vườn, trên nương rẫy. Công dụng làm rau ăn, luộc xào, nấu canh ngọt hơn giền tía. Làm thuốc tương tự RG tía: Lợi tiểu chữa viêm bàng quang. Để chữa bệnh huyết áp cao, nhức đầu, chóng mặt, nóng phừng mặt, chữa táo bón: Lấy 250g RG luộc trong 3 phút nước sôi, vớt ra trộn với dầu vừng hoặc bột vừng đen, ăn với cơm.

Hạt giền cơm có vị ngọt tính lạnh. Để mát gan, trừ phong nhiệt, chữa mắt kém dùng bài thuốc: Bột hạt giền uống với nước sắc hạt muồng ngủ (thảo quyết minh) 12g làm thang. Để lợi tiểu, dùng nước sắc 20g. Hạt giền còn có ích cho khí lực, thông đại tiểu tiện, trừ giun đũa.

Rau giền gai

Mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Chỉ dùng lá nấu canh hoặc dùng như các RG khác thêm tôm hoặc thịt. Có người thích RG này do nó gai góc, hoang dã, có mùi vị đậm đặc biệt hấp dẫn. RG gai luộc chấm vừng, cũng là món ăn ngon bổ, phòng chữa các bệnh đường ruột.
Rễ RG gai làm thuốc có vị ngọt, hơi lạnh, lá giền gai, giã nát thêm nước, chắt nước uống, bã đắp chữa rết cắn, ong đốt lở ngứa. Toàn cây chứa nhiều muối kali nên lợi tiểu, chữa sốt. Lá RG gai chữa viêm phổi, lỵ, lá giã nát đắp chữa bỏng, nhọt mưng mủ, chữa đau sưng khớp bằng cách sắc uống chung một số vị khác.

Chữa bạch đới, khí hư: Rễ giền gai 20g, lác bạc thau 16g phơi khô thái nhỏ sắc với 400ml nước, sắc còn 100ml. Uống 2 lần trong ngày.

Chữa kiết lỵ ra máu: Rễ giền gai 20g; lá huyết dụ 12g, lá trắc bá 8g, hoa hòe 4g. Tất cả thái nhỏ sao vàng, sắc uống. Có thể dùng thêm cỏ nhọ nồi 8g, hoa hòe 4g. Tất cả thái nhỏ sao vàng, sắc uống. Có thể dùng thêm cỏ nhọ nồi 8g sao đen; bách thảo sương (muội nồi) 8g.

RG nói chung còn có một số ưu điểm khác đó là tính chất dễ phát triển tốt trên mọi loại đất cát khô thiếu nước, mặn, chua hoặc kiềm. Hạt nẩy mầm khỏe, trồng giền lại không phức tạp, chỉ cần chăm sóc tốt thời gian đầu sau khi gieo hạt. Khi cây đã lớn khoảng 6-7cm thì phát triển nhanh với tốc độ không cây nào sánh kịp, ít bị bệnh. RG lại là thức ăn, vị thuốc bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho những người phải lao động nặng nhọc ngoài trời nắng nóng. Chính vì thế có lời khuyên đối với đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới hoặc đến nơi định cư mới, nên cố gắng tranh thủ trồng ngay cây giền vừa có rau ăn bổ dưỡng, vừa cải tạo đất mới.

Từ hàng chục năm nay Tổ chức lương thực và nông nghiệp thế giới (FAO) đã khẳng định vị trí vai trò của RG tía trong kinh tế phụ gia đình, khuyến khích phát triển cây giền tía trên nhiều nước.
Hồng Nga (Theo Suckhoedoisong)
Rau dền thanh nhiệt, mát gan
19:21 3 thg 6 2010Công khai0 Lượt xem0
 
Rau dền là loại rau mùa hè, có tác dụng mát gan, thanh nhiệt.
Một số nghiên cứu mới đây cho thấy: rau dền có khả năng tăng thải trừ chất phóng xạ, thanh thải chất độc vì có nhiều sterol, các acid béo không no. Rau dền gồm nhiều loài: Dền cơm: Amaranthus viridis L.; Dền tía: Amaranthus tricolor L.
Bộ phận dùng: toàn cây và rễ. Theo Đông y, dền cơm vị ngọt, tính hàn. Dền tía vị ngọt, mát, vào đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, ích khí và khai khiếu. Dùng cho các trường hợp kiết lỵ, táo bón, rối loạn tiết niệu, đau mắt đỏ, sưng đau họng, côn trùng cắn đốt. Có thể nấu, xào, ép nước. Ngày dùng 100 - 250g.
Một số món ăn, bài thuốc có rau dền:
+ Cháo rau dền tía (Tử hiện chúc): rau dền tía 200g. Rửa sạch, nấu lấy nước; lấy nước rau nấu cháo với gạo lứt. Ăn khi đói. Dùng cho phụ nữ trước, sau khi sinh con có hội chứng kiết lỵ; dùng cho người cao tuổi viêm ruột, kiết lỵ.
+ Canh rau dền (Hiện thái thang): rau dền tía 200g. Rửa sạch, nấu canh, Dùng cho các bệnh nhân ung thư cổ tử cung, hội chứng lỵ, u tuyến giáp trạng lành tính.
+ Canh rau dền thịt lợn: rau dền tía 60g, thịt lợn nạc 60g, nấu dạng canh. Dùng cho các bệnh nhân bướu giáp trạng lành tính.
+ Chữa phát ban: rau dền 10g, rễ hoặc lá lức 10g, ké hoa vàng 8g, rễ sắn dây 8g, cỏ mần trầu 8g, dây chiều 8g, rau má 8g, dây giác tía 8g, kinh giới 6g, cam thảo đất 6g, bạc hà 4g, gừng sống 2 lát. Sắc uống. Chữa sốt nóng thời kỳ đầu.
+ Lá dền tía 50g, rửa sạch, thái lát, nấu bỏ bã lấy nước, thêm gạo nếp nấu thành cháo. Ăn trong ngày. Chữa hậu sản (Nam dược thần hiệu).
+ Chữa đau mắt: hạt dền cơm, hạt thảo quyết minh, liều lượng bằng nhau đều 10g. Sắc nước uống. Chữa mắt đau có màng mộng.
+ Canh rau tập tàng: dền cơm 100g, rau dệu 50g, ngọn lá mảnh cộng 50g hay rau đay; nấu với bột canh, bột tôm hay nước cua. Mát gan, thanh nhiệt, kích thích tiêu hoá.
Theo kinh nghiệm dân gian, lấy lá rau dền giã nát, uống nước và bã đắp chữa rắn cắn.
Rễ dền tía và rễ bí ngô với liều lượng bằng nhau, sắc uống chữa chảy máu do sảy thai. Hạt dền cơm 20g chữa tiểu tiện không thông.
Cấm kỵ: Phụ nữ có thai và người hư hàn tiêu chảy dùng hạn chế.

BACSI.com (Theo afamily)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét