Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Gốm Đồng Nai Sông Bé


Suốt thế kỷ XVII - XVIII, các lò gốm ở đây chỉ chuyên làm các mặt hàng gốm gia dụng để phục vụ đồng bào vùng tây và đông Nam Bộ. Song cuối thế kỷ XIX, và nhất là đầu thế kỷ XX, công nghệ gốm ở đây mới thực sự phát triển mạnh khi mặt hàng gốm mỹ nghệ được mở ra, tạo bước ngoặt cho gốm Đồng Nai.

Người thợ gốm ở đây có kỹ nghệ làm gốm khác với người thợ ngoài Bắc. Nếu ở ngoài Bắc, các lò gốm cổ có hàng vài thế kỷ chuyên làm đồ sành (đồ gốm nặng lửa) thì gốm Đồng Nai và Sông Bé là nơi cư trú của nhiều người dân tứ xứ, có người ngoài Bắc dạt vào, có người Hoa, người Khơ Me lui tới... vì thế, thẩm mỹ đa dạng, đã được thể hiện chính trên các sản phẩm gốm.

Nhìn hình dáng của gốm Đồng Nai, sông Bé nhận thấy ngay sự khác biệt với gốm Bát Tràng, Thổ Hà. Ngay màu men ở đây là những màu gốc: xanh, đỏ, tím, vàng... nên đồ gốm rực rỡ, khác vẻ đẹp màu men xanh lam, xanh ngọc, men rạn... có vẻ đẹp thâm trầm của gốm cổ truyền ngoài Bắc. Men gốm Đồng Nai, sông Bé sớm dùng men hóa chất, không dùng men đá như gốm Thổ Hà, Bát Tràng. Hình dáng của chiếc đôn, chậu hoa, thống, choé...ở đây thường có vẻ đẹp phóng túng, ít bị ước lệ khuôn mẫu cổ điển như gốm ngoài Bắc. Chất đất sét cũng có phần khác, tạo ra chất gốm xốp, nhẹ hơn gốm Bát Tràng, Phù Lãng, Thổ Hà. Các hoa văn trang trí trên gốm Đồng Nai, sông Bé cũng rất đa dạng, có chút lai tạp, có chút ảnh hưởng của văn hóa phía Bắc, văn hóa Khmer, văn hóa Trung Hoa... vì thế, gốm  Đồng Nai - Sông Bé dễ vừa lòng với mọi khách hàng. Nói là gốm Sông Bé, nhưng thực chất nghề làm gốm ở dây chỉ tập trung chính ở Lái Thiêu, Thủ Dầu Một. Cũng như khu gốm Tân Vạn (Biên Hoà, Đồng Nai), ở huyện Tân Uyên có hàng trăm lò gốm lớn nhỏ. Nhiều lò gốm nổi danh từ xa xưa, như Anh Ký, Quảng Thái Xương, Hưng Long... mỗi lò gốm, có sản phẩm riêng của mình. Có lò chuyên làm bát, đĩa, ấm, chén... có lò lại chuyên làm nậm, lũ, lu, ang, vại... lại có lò chuyên làm đồ gốm trang trí, như: đôn, thống, chậu
hoa... với trăm ngàn mẫu mã khác biệt.

Gốm Đồng Nai, Sông Bé có đặc trưng chung là thường dùng men trắng, trang trí hoạ tiết rực rỡ, có một số mẫu mã gốm dùng men xanh làm nền, thường dùng cho các sản phẩm gốm trổ thủng như: đôn, thống, voi sứ... Sản phẩm gốm sứ Đồng Nai, Sông Bé được xuất khẩu sớm, chiếm uy tín cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy vậy, gốm Đồng Nai, Sông Bé chịu ảnh hưởng rất nhiều ở gốm Cây Mai. Nói tới gốm Cây Mai là nói tới đồ gốm mỹ nghệ. Đồ gốm mỹ nghệ Cây Mai chiếm thị trường rất lớn ở các tỉnh Miền Nam và thành phố Sài Gòn - Gia Định  xưa.


.
Gốm Cây Mai phát triển hàng trăm lò gốm, nhưng tập trung đông nhất vẫn là khu vực phía Bắc đồn Cây Mai (vì địa danh vậy, gọi là gốm Cây Mai chăng?). Những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, gốm Cây Mai thực hưng thịnh. Gốm Cây Mai với nhiều chủng loại, như gốm mỹ nghệ, gốm gia dụng, gốm xây dựng. Nhưng phát triển nhất vẫn là gốm mỹ nghệ. Ngày đó, các lò gốm Cây Mai có cả đồ sứ, đồ sành. Người ta vẫn còn nhắc tới sản phẩm lu đựng nước của gốm Cây Mai làm ra có phủ men màu đen rất đẹp và rất đặc biệt. Theo một tư liệu, năm 1882, mỗi lò Cây Mai nung được 2.000 sản phẩm cỡ vừa, 700 sản phẩm cỡ lớn. Có lò gốm, một năm làm ra được trên 1.000 lu đựng nước lớn.

Bước sang đầu thế kỷ XX, gốm Cây Mai ở Sài Gòn - Gia Định thu hẹp dần đầu tư, nhường sự phát triển cho gốm Đồng Nai, Sông Bé. Sự phát triển phố xá, thương mại, đã thu hẹp vùng đất các lò gốm trong thành phố và dần teo hẳn lại. Thợ gốm Cây Mai đã chuyển ra Đồng Nai, Sông Bé sinh sống và hành nghề.

Đến nay, lò gốm Cây Mai ở thành phố hồ Chí Minh không còn dấu tích, nhưng trong tâm thức dân chơi gốm, thì vẻ đẹp gốm Cây Mai không vùng gốm, lò gốm nào thay thế được.
 Theo: Vietbao - Nghề cổ đất Việt của Vũ Từ Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét