Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Gốm Quảng Đức - Những thông điệp từ quá khứ


Gốm cổ Quảng Đức là một sản phẩm truyền thống độc đáo ở Phú Yên từ hàng trăm năm trước và nay đã thất truyền. Gốm Quảng Đức cũng là sự kết hợp của đất và lửa nhưng được làm bằng những nguyên liệu và kỹ thuật nung độc đáo hiếm thấy. Tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, trong số 36 địa chỉ lò gốm cổ Việt Nam thì Phú Yên nằm ở vị thứ 21 từ Bắc vào với hai địa danh Quảng Đức và Mỹ Thạnh Tây ( Hoà Phong-Tây Hoà).

MỘT THỜI VANG BÓNG…

Trong hàng ngàn cổ vật của con tàu đắm Bình Thuận đã được khai quật cách đây không lâu, bên cạnh đồ gốm sứ có niên đại 1573-1620 thuộc các lò nổi tiếng Cảnh Đức Trấn, Đức Hoá thuộc Phước Kiến và Quảng Đông Trung Hoa, còn có cả đồ gốm Gò Sành Bình Định và gốm Quảng Đức Phú Yên. Điều này cho thấy, gốm Quảng Đức đã có một vị thế nhất định trên hành trình giao lưu văn hoá không chỉ trong nước…

Tác giả (trái) đang trao đổi thông tin về gốm Quảng Đức với ông Đoàn Phước Thuận, một người chơi cổ ngọn ở TP Tuy Hòa - Ảnh: Khương Duy

Qua tìm hiểu bước đầu, thời thịnh hành, gốm Quảng Đức được bán đi nhiều nơi trong nước, cả người Kinh, người Thượng lẫn các quan Tây ở Cheo Leo, Phú Bổn, Phú Túc, Đắk Lắk, Gia Lai đều tìm đến mua. Ngoài ra, một số nhà sưu tầm nghiên cứu cổ vật ở TP Hồ Chí Minh cũng tìm thấy một số hiện vật về gốm Quảng Đức khi nạo vét con sông Lạch Tra chảy từ Củ Chi đến Hóc Môn qua Sài Gòn. Rõ ràng, dòng gốm này đã từng có một thời gian được tiêu thụ, giao thương không chỉ ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Mới đây, một người ở TP.Tuy Hòa đã sưu tầm được 2 chiếc bình vôi nằm trong bộ sưu tập của Ngô Đình Cẩn-một nhà sưu tầm cổ vật nổi tiếng ở miền Trung trước đây. Một trong hai chiếc bình này là gốm cổ Quảng Đức. Điều đó chứng tỏ rằng, gốm Quảng Đức của Phú Yên cũng rất nổi tiếng, đã từng góp mặt trong những bộ sưu tập trứ danh.

Ngoài sưu tập gốm Quảng Đức đang trưng bày ở bảo tàng Phú Yên, bước đầu chúng tôi đã sưu tập được gần 100 hiện vật gốm cổ Quảng Đức từ nhiều tỉnh miền Trung, khá phong phú về chủng loại như: hũ đựng dầu làm đèn, nậm rượu, hỏa lò, vò – bình – chóe đựng rượu, bình vôi, ống nhổ... và nhiều sản phẩm đất nung khác. Các nghệ nhân gốm cổ Quảng Đức cũng cho biết triều Nguyễn đã từng sai quan Tuần Vũ ở Sông Cầu cho người đặt họ làm những chậu hoa lớn bằng đất nung với đề tài trang trí đắp nổi như: long-lân-qui-phụng, bát tiên quá hải, ngư tiều canh mục, chữ công…để đưa về Huế đô dùng trang trí.

KỸ THUẬT TẠO MEN ĐỘC ĐÁO

Một số sản phẩm gốm Quảng Đức trong bộ sưu tập của Thanh Hưng - Ảnh: Quốc Khương
Làng Quảng Đức nay thuộc xã An Thạch huyện Tuy An tiếp giáp với Ngân Sơn gần tỉnh lỵ xưa. 3 nghệ nhân cuối cùng biết về gốm cổ Quảng Đức ở làng này là Nguyễn Ky, Nguyễn Dần và Nguyễn Thịnh. Khi chúng tôi đến (3-2003), cụ Nguyễn Ky đã mất ở tuổi 81, hai cụ còn lại đều ở tuổi ngoài thất thập và đều là anh em họ hàng. Theo các cụ thì làng gốm Quảng Đức đã có lịch sử trên 300 năm, khoảng cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17. Khai sinh ra dòng gốm này là một dòng họ Nguyễn ở Bình Định mang nghề vào.

Từ hai chi tiết này có thể cho rằng: gốm Quảng Đức là sự  tiếp nối dòng gốm Gò Sành Bình Định nổi tiếng từ khoảng thế kỷ 12,13 đến thế kỷ 14,15 dưới vương triều Vijaya Chămpa và Đại Việt sau này. Khi dòng họ này đến vùng đất Ngân Sơn với những thuận lợi cho nghề, nhất là về nguyên liệu, nhiên liệu đốt lò và đặc biệt là giao thông thuỷ để vận chuyển tiêu thụ gốm thì dừng lại và tiếp nối nghề. Tuy nhiên, chính trên vùng đất mới này, những nghệ nhân xưa đã cho ra đời một dòng gốm mà không thể lẫn vào đâu được.

Theo anh em nhà cụ Nguyễn Thịnh thì gốm Quảng Đức được làm bằng đất sét ở An Định, dùng sò huyết đầm Ô Loan trong quá trình nung, đốt chủ yếu bằng củi mằng lăng trong vùng và chở từ Kỳ Lộ (Đồng Xuân) xuống bằng đường sông Cái. Đất sét xanh thì dùng chế tác đồ thông dụng, đất sét vàng thì dùng làm đồ cao cấp hơn. Còn đất sét xanh trộn với đất sét vàng làm đồ có kích cỡ lớn như choé, chát…
Điều mà giới sưu tầm và các nhà nghiên cứu quan tâm là vì sao tất cả gốm cổ Quảng Đức điều có dấu vỏ sò dính trên thân và màu men khá đặc trưng mà không một dòng gốm cổ nào có được? Theo các nghệ nhân ở làng gốm này thì sò huyết được mua chủ yếu ở thôn 8 xã An Ninh Đông - một xã ven đầm Ô Loan nối với vùng Ngân Sơn qua hai hệ thống giao thông thuỷ là Hà Yến và Tam Giang. Thai gốm (sản phẩm gốm chưa nung) sẽ đặt vào một bao nung, sau đó, sò huyết được chèn vào trước khi cho vào lò nung. Nhiệt độ lò cao gây hoả biến vỏ sò cho ra nhiều màu men riêng biệt.

Gốm Quảng Đức chấm dứt việc chế tác theo lối truyền thống từ năm 1950 do chiến tranh giặc dã, nhưng những sản phẩm gốm men sò của Quảng Đức còn sót lại cũng đủ minh chứng cho một thời vang bóng của dòng gốm này. Trên một chậu hoa bằng đất nung gốm Quảng Đức do anh Đoàn Phước Thuận sưu tập được, có khắc chìm dòng chữ: Quảng Đức Villa. Có lẽ đây là những sản phẩm cuối cùng khi người Pháp đã có mặt ở vùng đất này muốn ghi dấu một làng nghề sắp đi vào quá vãng…

Cũng như những người sưu tầm cổ vật khác, chúng tôi mong muốn một ngày nào đó gốm cổ Quảng Đức sẽ được nghiên cứu một cách đầy đủ, góp phần vào công tác bảo tồn vốn văn hoá trên vùng đất Phú Yên đang hướng đến kỷ niệm 400 năm…
THANH HƯNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét