Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Hồ Gươm


Hồ Gươm có một bề dày lịch sử và huyền thoại song hành với bề dày lịch sử của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Hồ Gươm là trái tim của Thủ đô đất rồng bay. Nhà thơ Hy Lạp Ludemit đã ví: "Hồ Gươm là lẵng hoa xinh đẹp giữa lòng thành phố".
Nói đến Thăng Long - Hà Nội không thể không nhắc tới chùa Một Cột (thời Lý), Cột Cờ lịch sử trong thành Hoàng Diệu, điện Kính Thiên, bến Chương Dương bên sông Hồng, đến vườn hoa Ba Đình lịch sử. Nhưng mọi người dân Việt Nam hay người nước ngoài đến Hà Nội không thể không đến Hồ Gươm với hình ảnh mang theo trong ký ức, trong tâm thức thật khó phai mờ.

Hồ Gươm có thể còn nhiều tuổi hơn cả kinh thành Thăng Long xưa, và được mang khá nhiều tên: Hồ Lục Thủy, hồ Tả Vọng, Hữu Vọng, hồ Thủy Quân... Đặc biệt, đầu thế kỷ XV hồ được mang tên "Hồ Hoàn Kiếm" hay thường gọi là Hồ Gươm. Đầu thế kỷ XV, Hồ được gắn với tên tuổi người anh hùng dân tộc Lê Lợi - lãnh tụ của nghĩa quân Lam Sơn qua sự tích bắt được thanh gươm thần trên sông Thu (quê hương ông). Ông mang bên mình thanh gươm báu ấy suốt 10 năm cùng Nguyễn Trãi lãnh đạo nghĩa quân đánh đuổi quân xâm lược Minh. Năm 1427, khi giặc tan, ông lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Lê Thái Tổ. Một hôm, Lê Thái Tổ ngự thuyền rồng dạo chơi quanh hồ. Bỗng một con rùa vàng nổi lên. Ông vung gươm chỉ vào rùa vàng. Tự nhiên thanh gươm rời khỏi tay và bay về phía rùa vàng. Rùa liền há miệng ngậm thanh gươm báu lặn xuống lòng hồ. Vua Lê cho rằng đó là điềm lành của trời đất. Nước Việt Nam ta từ nay sẽ thanh bình, thịnh trị.
Một văn sĩ người Ba Lan bay trên bầu trời Hà Nội, khi về nước đã viết thư cho nhà văn lão thành Nguyễn Tuân: "... Tôi muốn đánh ghen với tạo vật, cái thứ tạo vật biệt nhỡn với những con người Hà Nội, không thế sao Thủ đô các anh lại có được một cái hồ xinh nhường ấy! Tôi mệnh danh Hồ Hoàn Kiếm của anh, của các anh là viên ngọc Ermos. Thật vậy, khi tàu bay tôi nghiêng cánh mấy lần để chào thành phố Hà Nội anh dũng và duyên dáng, nơi đầu cánh tàu bay tôi lấp lánh một viên ngọc, nó xanh như màu xanh của ước mơ vô tận. Với các anh, tạo vật nhiều lúc khắt khe, nhưng có lúc đã là thợ kim hoàn rất ý nhị. Hồ của các anh nằm giữa thủ đô như một viên ngọc Ermos, nằm giữa cái nền hộp nữ trang bọc nhung xanh, hồng, kẻ đường con cò...".
Một anh nhà báo nước ngoài có tên là Anian Xơn lại có một cái nhìn rất thực tiễn cuộc sống và cũng rất hình tượng: "Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội - Việt Nam như một chiếc đèn kéo quân khổng lồ. Người và xe lướt theo nhau vội vã, hối hả bằng một lực đẩy cuộc sống vô hình. Hồ Gươm - chiếc đèn kéo quân ấy cứ quay mãi, quay mãi theo dòng chảy thời gian vô cùng tận..."
Còn nhà điện ảnh Xô Viết nổi tiếng Roman Karmen lại có cái nhìn rất lịch sử và giàu ngôn ngữ tạo hình: "...Trung tâm Hà Nội và tháp cổ giữa hồ là kỷ vật lịch sử quý báu của nhân dân Việt Nam. Đường quanh hồ với những hàng cây cao chạy quanh và tháp Rùa đã tạo nên một cảnh quan rất đẹp; thậm chí cả trong màn mưa dày hạt, cảnh quan hồ Gươm vẫn rất đẹp!".
Mới năm 1998, kiến trúc sư trưởng của một thành phố ở tận phía tây Australia đến Hà Nội lại có một cái nhìn khác: "... Hồ Hoàn Kiếm là chiếc máy điều hòa nhiệt độ thiên nhiên vô giá, nếu ta biết giữ gìn. Hồ Hoàn Kiếm là trái tim của Hà Nội, là lá phổi khổng lồ lọc cho không khí thủ đô trong lành. Tôi đã đến nhiều nước nhưng không có nhiều thành phố trên thế giới có diễm phúc đến như vậy!".
Còn nữ văn sĩ Cộng hòa Liên bang Đức Annaliese Wulf đã dành cả trang sách để tả về hồ Gươm, ca ngợi hồ Gươm hết lời, còn có một lời khuyên những ai đến Hà Nội - Việt Nam rằng: "Ai chưa một lần tới Hồ, dạo quanh Hồ, ngắm phong cảnh Hồ, chưa nghe huyền thoại về rùa, coi như chưa đến Hà Nội, chưa đến Việt Nam".
Hoàng Kim Đáng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét