Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Hoa lựu vị thuốc chỉ huyết


Lựu còn gọi là tháp lựu, thạch lựu, an thạch lựu, đan dược, kim bàng, kim tượng, tạ lựu..., là một loại cây nhỏ, thân mộc, cao chừng 2 – 3 m, thân xám, có vỏ mỏng, cành mỏng, lá đơn mọc đối, hình thuôn dài, gân 5, 6 đôi hình cung, mép nguyên cuống ngắn.
Hoa lựu màu đỏ tươi hoặc màu trắng (bạch lựu) mọc riêng lẻ hoặc từng xim 3 hoa ở kẽ lá, thường nở vào mùa hạ. Quả mọng, to bằng nắm tay, hình cầu, mang đài còn lại ở phía đỉnh, vỏ dày, ngoài da màu lục, khi chín có màu vàng đỏ lốm đốm. Trong quả có 8 ngăn xếp thành hai tầng, tầng trên có 5 ngăn, tầng dưới có 3 ngăn, phân cách nhau bởi một màng mỏng. Hạt rất nhiều, hình 5 cạnh, sắc hồng trắng.

Cây lựu được trồng khắp nơi để làm cảnh và ăn quả. Vỏ thân, vỏ rễ và đặc biệt là vỏ quả còn được dùng làm thuốc với công dụng sáp tràng (làm săn se niêm mạc), chỉ tả (cầm tiêu chảy), chỉ huyết (cầm máu), khu trùng (trừ giun sán), chuyên dùng để chữa các chứng bệnh như cửu tả cửu ly (lỏng ly mạn tính), tiện huyết, hoạt tinh, thoát giang (lòi dom), băng lậu, đới hạ (khí hư), trùng tích phúc thống (đau bụng do giun sán)...

Trong y học cổ truyền, hoa lựu cũng là một vị thuốc với tên thạch lựu hoa, vị chua sáp, tính bình, có công năng chủ trị các chứng bệnh như ty huyết (chảy máu cam), thổ huyết (nôn ra máu), xuất huyết do trật đả, kinh nguyệt không đều, ly tật, bạch đới (khí hư), viêm tai giữa, đau răng...

Một số cách dùng cụ thể

Bài 1: Trĩ có xuất huyết: Hoa lựu trắng 7 đoá, đường phèn 9 g sắc uống.

Bài 2: Chảy máu mũi: hoa lựu lượng vừa đủ, sấy khô tán bột rồi lấy một chút thổi vào lỗ mũi. Hoặc hoa lựu 6 g sắc uống. Hoặc hoa lựu tươi, rửa sạch giã nát rồi nhét vào lỗ mũi.

Bài 3: Vết thương xuất huyết: hoa lựu khô tán vụn rồi rắc lên vết thương. Hoặc hoa lựu 1 phần, thạch khô 2 phần, hai thứ sấy khô, tán thành bột mịn, rắc vào vết thương.

Bài 4: Băng lậu: hoa lựu 9g, trắc bá diệp 9g, sắc uống. Hoặc hoa lựu 3 – 5 đoá sắc với rượu uống.

Bài 5: Khí hư: hoa lựu 3 – 5 đoá, sắc với chút rượu uống. Hoặc hoa lựu 20g, sắc kỹ, lấy nước bỏ bã rồi ngâm rửa âm đạo.

Bài 6: Thoát giang (lòi dom): hoa hoặc vỏ quả lựu lượng vừa đủ, phèn chua một chút, sắc kỹ rồi cho thêm một ít bột ngũ bội tử sao, ngâm hậu môn hằng ngày.
Hồng Hạnh (Theo Ngọc Hưng-SK & ĐS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét