Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Hoa quỳnh - Vị thuốc trị sỏi


Hoa quỳnh (Epiphyllum oxpetalum (DC.) Haw.) thuộc họ xương rồng (Cactaceae), là một cây nhỏ. Thân hình trụ cứng, có vỏ màu nâu, không gai.
Hoa quỳnh.
Hoa quỳnh.
Cành phân nhánh nhiều màu lục, nom như lá, phía giữa dày lên, có một đường sống rõ, mỏng dần về phía mép, mép lượn sóng khía tròn. Hoa to màu trắng, mọc đơn độc, cong lên ở kẽ những vết khía của thân.

Cây được nhập trồng từ lâu đời để làm cảnh. Hoa quỳnh chỉ nở về đêm với vẻ đẹp thật quyến rũ.
Theo kinh nghiệm dân gian, hoa quỳnh thu hái lúc mới nở, để tươi hoặc phơi, thái nhỏ, tẩm mật, sao vàng, hãm với nước sôi như pha trà hoặc sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm 1 lần trong ngày, chữa sỏi bàng quang, sỏi thận, thiên trụy. Liều dùng hàng ngày: 20 - 30g, dùng liền trong vài tuần. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác theo công thức sau: Hoa quỳnh 30g, kim tiền thảo 20g, diếp cá 20g, rễ cỏ tranh 10g, thái nhỏ, sắc lấy nước đặc chia 3 lần uống trong ngày.

Từ năm 1966 - 1974, dược sĩ Phan Đức Bình đã nghiên cứu thử nghiệm thấy dịch nhầy chiết từ hoa quỳnh tươi không những làm tan sỏi mà còn trị được chứng đái tháo đường. Cách dùng và liều lượng như trên.

Ngoài ra, hoa quỳnh còn được dùng trong những trường hợp sau:

Thuốc bổ mát, phòng lao chữa ho có đờm, lao phổi, hen suyễn:

Hoa quỳnh mới nở để tươi, thái nhỏ, hấp với mật ong hoặc nấu với trứng gà ăn nóng trong ngày. Người lớn 2 - 3 hoa, trẻ em 1- 2 hoa.

Chữa ho, viêm họng: Hoa quỳnh 30g, lá xương sông 10g, rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát sạch cùng với mật ong 10ml, đun cách thủy trong 15 - 30 phút. Để nguội, trộn đều, uống làm 2 lần trong ngày.

Chữa đau bụng, vết bầm tím sưng đau: Hoa quỳnh mới nở, cắt ngâm ngay vào rượu cho ngập trong 10 - 15 ngày, càng lâu càng tốt. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 - 2ml.

Theo tài liệu nước ngoài, hoa quỳnh 15 -30g, thái nhỏ, nấu với thịt lợn nạc làm món ăn, vị thuốc chữa viêm phế quản, lao hạch, lao phổi.
Hồng Hạnh (Theo DS. Đức Huy - SK&ĐS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét