Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

HỘI ĐỀN AN DƯƠNG VƯƠNG



Image
Đền thờ An Dương Vương toạ lạc trên mảnh đất thuộc làng Cổ Loa, huyện Đông Anh Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 17 km nằm trên quốc lộ Hà Nội đi Phúc Yên. 
Đền nằm trong vị trí khu Thành Cổ, bao gồm một cụm các di tích: Đình Ngự Triều Di Quy, tương truyền đây là nơi ngự triều của vua Thục; Am Bà Chúa - nơi thờ công chúa Mỵ Châu, con gái vua Thục. Trong am vẫn còn pho tượng đá cụt đầu, dấu tích của nỗi lòng oan khiên hận tình nợ nước của nàng công chúa vì nhẹ dạ mà mắc mưu kẻ địch để nỗi nước mất nhà tan.

Image
Từ Am Bà Chúa sang thăm đền Thượng, còn gọi là Đền Vua Chủ. Đây chính là nơi thờ An Dương Vương. Trong đền có thờ đôi ngựa Hồng và trống đồng vua Thục. Trước đền có giếng Ngọc, nơi Trọng Thuỷ tự tử vì hối hận. Trong cụm di tích này còn có một miếu nhỏ thờ thần Kim Quy. 
Hội đền Cổ Loa cử hành hằng năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng và kéo dài trong khoảng 10 ngày. Trong ngày lễ hội có sự tham dự của dân 12 xóm trong vùng Cổ Loa. Lễ hội mở đầu bằng đám rước Văn Chỉ và kiệu Thành hoàng các xóm sáng mồng 6 tháng Giêng sang đền thờ Vua chủ. Đền Thượng sẽ là nơi cử hành tế lễ, sân đền có cắm cờ ngũ sắc và bày các khí tự: đôi ngựa hồng, ngựa bạch hai bên tả hữu, chính giữa là hương án có bày đồ lễ, hộp kính đựng hia vàng và các đồ ngũ sự cùng với các khí giới của nhà vua.

Image
Tuy nhiên tượng nhà vua và chiếc mũ bình thiên vẫn để trong gian thờ. Khi đám rước tới, các tiên chỉ sẽ sắp xếp theo chánh hội tế và cử hành nghi thức tế cổ truyền. Lễ tế thường kéo dài từ lúc quá Ngọ sang Mùi mới xong (12 giờ - 1 giờ). Sau khi đội tế của làng Cổ Loa tế xong lần lượt sẽ đến các đội tế khác (nếu có). Cuối cùng là dân làng và du khách vào lễ cầu nguyện nhà vua phù hộ cho thịnh vượng bình yên.

Image
Sau buổi tế, dân làng tổ chức rước kiệu thần của 12 xóm và kiệu long đình của nhà vua cùng cung tên, kiếm nỏ, phường bát âm, cờ quạt đi một vòng quanh giếng Trọng Thuỷ về đình Ngự Triều (tới cửa điếm làng Cổ Loa thì kiệu làng nào về làng ấy, chỉ có kiệu làng Cổ Loa được rước về đình Ngự Triều). Đám rước xong cũng là lúc dân làng tham dự hội với những trò vui cổ truyền: đánh đu, đáo, đĩa, các cụ thì chơi tổ tôm, cờ bỏi... Hội cứ thế kéo dài cho tới 16 tháng Giêng mới làm lễ tạ trời đất và đóng đám.

  Lễ Hội Đền An Dương Vương

Từ Thủ đô, theo đường quốc lộ số 2  Hà Nội – Lào Cai, tới cây số 17 rẽ tay phải đi tiếp khoảng một cây số, ta sẽ đến Đền Cổ Loa. Khu vực này có mái đình cổ kính dựng trên đất vốn là đế đô của vua Thục.
Thờ:  An Dương Vương (Thục Phán)
Địa điểm: Xã Cổ Loa, huyện Đông Anh
Thời gian: Từ mồng 6 đến 18 tháng Giêng
Chính hội: 6 tháng giêng
Đặc điểm: Đám rước lớn 12 xóm, cỗ bỏng, chè lam.

Ảnh: Tư liệu
Ảnh: Tư liệu
Đền thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh. Xã Cổ Loa gồm ba làng Chùa, Đông và Đoài. Xưa, ba làng gồm mười hai xóm mà tới nay tên gọi vẫn còn như chứng tích của lịch sử: Thượng, Nhồi, Dõng, Gà, Lan Trì, Chùa, Chợ Vang, Hương, Mít, Bãi và Trại. Mười hai xóm ấy xưa nay vẫn cùng nhau thờ phụng, trông coi di tích nổi tiếng này của cả nước và hàng năm cứ mồng 6 tháng Giêng lại mở hội để tưởng nhớ An Dương Vương, nhớ một trang sử cổ đại vừa oai hùng, vừa bi thảm của đất nước gắn liền với một mối tình éo le, nổi tiếng, đồng thời là một bài học lớn về tinh thần cảnh giác.
Trong thần tích về Hùng Vương và An Dương Vương cùng truyền thuyết dân gian, thì Thục Phán là một bộ chúa dòng dõi nhà Hùng. Nhân nước Văn Lang suy yếu, Thục Phán cử binh đánh Hùng Vương. Nhưng cả hai lần Thục Phán đều bị thánh Tản Viên đánh bại, sau đó, xin cầu hòa, giao hiếu.
Vua Hùng thứ 18 không có con trai nên đã nhường ngôi cho Thục Phán. Lên ngôi Vua, Thục Phán xưng là An Dương Vương, nhập hai liên minh Âu Lạc (Nam Cương) và Lạc Việt (Văn Lang) làm nước Âu Lạc định đô ở Cổ Loa.
“Vua muốn xây thành ốc, theo truyền thuyết đã gặp yêu quái quấy phá liên tục, nên mất bao công sức vô ích, cứ xây xong thành lại đổ. Vua buồn lắm bèn lập đàn trai giới cầu đảo bách thần. Ngày mồng 7 tháng Ba bỗng thấy một cụ già từ phương đông đi tới trước cửa thành mà than rằng “xây dựng thành này biết bao giờ cho xong được!”Biết tin, Vua mừng rỡ đón vào điện, thi lễ, hỏi rằng: “Ta đắp thành này đã nhiều lần băng lở, tốn nhiều công sức mà không thành, thế là cớ làm sao?. Cụ già đáp “Sẽ có sứ Thanh Giang tới xây cùng nhà vua mới thành công”...Sau đó, được sự giúp đỡ của Rùa Vàng từ phương đông tới, nổi lên mặt nước, xưng là Thanh Giang, thông tỏ việc trời đất, âm dương, thủy thần. Thành xây xong nhanh chóng, rộng hơn ngàn trượng, bề thế, xoắn như hình trôn ốc, nên gọi là Loa thành.
Vua cảm tạ. Lúc Rùa Vàng từ biệt, vua băn khoăn nói: “Nay nếu  có giặc ngoài vào thì lấy gì mà chống?”. Rùa vàng đáp : “vận nước suy thịnh, xã tắc an nguy đều do mệnh trời, con người có thể tu đức mà kéo dài thời vận...”. Nói rồi bèn tháo vuốt đưa tặng nhà vua và nói: “Dùng vật này làm lẫy nỏ, nhằm quân giặc mà bắn, thì bách phát bách trúng lo gì không giữ được thành”.
Vua sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt rùa làm lẫy gọi là “Linh quang Kim Quy thần cơ”. Về sau Triệu Đà sang xâm lược, ào ạt tiến quân. Vua sai mang nỏ thần ra bắn, quân Đà tan tác, phải lui xin hòa. Ít lâu sau, Đà cầu hôn. Vua vô tình gả con gái là Mỵ Châu cho con trai Đà là Trọng Thủy. Trọng Thủy dỗ vợ cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm làm một cái lẫy nỏ khác thay vuốt rùa vàng. Rồi nói dối vợ là về phương Bắc thăm cha.
Trước lúc lên đường Thủy hỏi: “Tình vợ chồng không dễ lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu chẳng may hai nước bất hòa, bắc nam cách biệt, ta đi tìm nàng, lấy gì làm dấu?”. Mỵ Châu buồn bã trả lời: “Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt ly thì đau đớn khôn xiết. Thiếp có áo quý bằng lông ngỗng, thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ dứt lông mà rắc ở ngã ba đường để làm dấu, như vậy sẽ có thể cứu được nhau”.
Trọng Thủy về nước. Đà được lẫy cả mừng, bèn cử binh sanh đánh Âu Lạc. Vua cậy có nỏ thần vẫn điềm nhiên đánh cờ, cười mà nói rằng: “Đà không sợ nỏ thần sao?”. Quân Đà tiến sát, vua cầm lấy nỏ bắn không nghiệm biết lẫy thần đã mất, bèn phải lên ngựa bỏ chạy. Mỵ Châu ngồi đằng sau phụ vương, ngựa phi về phương Nam.
Trọng Thủy cứ theo dấu lông ngỗng mà đuổi. Vua chạy tới bờ biển, đường cùng, không có thuyền qua, bèn kêu rằng: “Trời hại ta, sứ Thanh Giang ở đâu mau mau lại cứu”. Rùa Vàng hiện lên mặt nước, thét lớn: “Kẻ ngồi sau ngựa chính là giặc đó! Vua bèn tuốt kiếm chém Mỵ Châu. Mỵ Châu khấn rằng “Thiếp là phận gái nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”. Mỵ Châu chết ở bờ biển, máu chảy xuống nước, trai sò ăn được đều biến thành hạt châu. Vua cầm sừng tê bảy tấc. Rùa Vàng rẽ nước dẫn vua xuống biển”.
Người ta truyền rằng nơi đó là đất Dạ Sơn, Xã Cao Xá, phủ Diễn Châu (Nghệ An). Quân Đà kéo tới đấy không thấy bóng vết gì, ngoài xác Mỵ Châu. Trọng Thủy ôm thi hài vợ đem về mai táng ở Loa Thành. Thi hài biến thành ngọc thạch. Trọng Thủy không sao quên được người vợ hiền dịu, bèn lao xuống giếng tự tử. Người đời sau mò được ngọc ở biển Đông lấy nước giếng này mà rửa thì thấy trong sáng thêm, nhân kiêng tên Mỵ Châu cho nên gọi ngọc minh châu là đại cữu và tiểu cữu. (1)
*    *  *
Vùng Cổ Loa còn giữ được nhiều di tích có giá trị mà truyền thuyết đã nhắc đến. Đó là đền thờ Thục Phán An Dương Vương, am bà Chúa Mỵ Châu, đường Mèn... (nơi phát hiện ra hàng vạn mũi tên đồng, vũ khí Vua Thục).
Đền thờ An Dương Vương nằm trên địa phận xóm Chùa, còn gọi là đền Thượng. Trước đền là hai con rồng đá, sân đền lát đá xanh, theo bia ký, đền xây dựng năm 1687 và sửa lại năm 1893.
Đền được xây dựng trên một gò đất cao dưới chân lũy thành cũ, góc tây – nam. Theo dân gian đó là đầu con rồng. Qua cổng ngoài của đền sẽ tới tam quan cổ kính với lầu thượng cao, hai bên lối đi có hai giếng mắt rồng đối xứng nhau. Bước qua tam quan là vào sân đền, hai bên sân có nhà khách cho người thập phương dừng chân sửa lễ.
Nơi thờ An Dương Vương gồm có hạ điện là một ngôi nhà ba gian to, cao, cột lim đồ sộ, tám mái cong vút. Từ tả hữu của hạ điện có hai dãy nhà hành lang phía ngoài xây kín nối với thượng điện. Khoảng vuông ở giữa là một ngôi nhà chồng diêm tám mái cao. Trên bàn thờ có tượng rùa vàng bằng gỗ sơn son thiếp vàng và một chiếc nỏ đặt sẵn tên. Đó là bàn thờ Thần Kim Quy. Thượng điện cũng ba gian, bàn thờ An Dương Vương đặt giữa, bên đông thờ hoàng hậu, bên tây thờ thái thượng hoàng. Tượng An Dương Vương là pho tượng bằng đồng mặc triều phục.
Phía Tây đền An Dương Vương trên một gò đất cao, xưa kia vua lập miếu thờ Thần Nông, là nhà bia.
Cách cổng đền không xa, trước mặt là ao tròn, chính giữa là một cồn đất tròn có giếng nhỏ ở giữa xây gạch. Tương truyền đó là giếng Ngọc, nơi xưa kia Trọng Thủy nhớ Mỵ Châu đã nhảy xuống tự tử.
Cách đền vài trăm mét là am Bà Chúa ở cạnh đình Cổ Loa. Nơi đây có một cây đa cổ thụ trùm bóng mát lên am. Am Bà Chúa cũng có thượng điện và hạ điện. Hạ điện là ngôi nhà nhỏ ba gian, ở giữa là bàn thờ. Cách đó một sân nhỏ là thượng điện cũng ba gian. Gian giữa đặt bàn thờ công chúa Mỵ Châu, phủ vải vàng lên bức tượng. Tượng chỉ là hòn đã tự nhiên có hình kỳ dị như pho tượng cụt đầu. Hai bên là mười hai nàng hầu. Sau bàn thờ công chúa, vén bức màn ta sẽ thấy một khối đá. Khối đá có ba bề xây kín, đó là mộ Mỵ Châu theo lời tương truyền của dân gian. Đình Cổ Loa cũng nằm trong cụm di tích thờ An Dương Vương. Đình trông về hướng Nam, trước có tam quan, nay đã bị phá. Như trên đã trình bày, đình được xây cất trên đất mà tương truyền là nơi vua ngự triều. Tiếp theo là một lớp cửa xây kiểu tam quan, có cửa kín ở giữa và hai cửa nhỏ hai bên. Cửa giữa xây hai trụ gạch kiểu lồng đèn cao; cửa hai bên kiểu tò vò mái giả. Sau lần cửa là sân gạch rộng.
Quanh những di tích này, xưa kia dân làng mở hội để tưởng nhớ An Dương Vương và những sự tích xung quanh ông. Khu di tích lịch sử này nổi tiếng từ lâu đời, thu hút lớp lớp người nhiều thế hệ đến đây, như ca dao xưa truyền lại:
Ai về qua huyện Đông Anh
Ghé thăm phong cảnh Loa thành Thục Vương
Cổ Loa thành cũ khác thường
Trải bao năm tháng dấu thành còn ghi
* *  *
Từ lâu trong dân gian đã lưu truyền câu: “chết thì bỏ con bỏ cháu, sống thì không bỏ mồng 6 tháng Giêng” để nói lên sự hấp dẫn của lễ hội Cổ Loa. Xưa, hội bắt đầu từ ngày mồng 6 đến hết ngày 18 tháng Giêng. Tương truyền ngày mồng 6 tháng Giêng là ngày Thục Phán nhập cung và ngày mồng  9 tháng Giêng là ngày ông lên ngôi, khao toàn bộ  binh sĩ. Cho nên để nhớ ngày long trọng ấy dân Cổ Loa cùng tám xã hộ nhi rước kiệu mở hội đông vui cả một vùng.
Cũng từ lâu các triều đại phong kiến hết sức chú ý giúp dân địa phương chăm lo hương khói tại đền. Chỉ dụ lâu đời nhất đề niên hiệu Lê Thần Đức (1614) còn ghi: cấp cho xã Cổ Loa năm mươi mẫu ruộng tế điền miễn thuế để trông coi đền miếu. Các đời vua Vĩnh Tộ (1620), Phúc Thái (1649), Cảnh Trị (1673), Vĩnh Thịnh (1708), Long Đức (1735), Vĩnh Hựu (1793) đều có chỉ dụ nhắc lại.
Lễ vật dùng cho tế lễ ngoài sự đóng góp của các giáp còn có hoa lợi của số ruộng đã kể trên. Trong đó có hai mươi mốt mẫu dùng cho làm cỗ bỏng, hai mươi nhăm mẫu dành cho lễ. Ngoài ra là để hương khói ngày thánh sinh, thánh hóa.
Cổ Loa còn kết chạ với tám xã khác ở xung quanh vùng thờ An Dương Vương từ ngày mồng 6 tháng Giêng. Do vậy hội đền An Dương Vương là một hội lớn trong vùng với sự tham gia không chỉ riêng dân xã Cổ Loa mà của các làng kết nghĩa nữa.
Ngày mồng 6 tháng Giêng là ngày chính hội nhưng dân làng đã tiến hành lễ nhập tịch từ ngày 14 tháng Chạp. Năm phong đăng hòa cốc thì lễ nhập tịch được tiến hành rất long trọng. Khắp nơi trong làng đường sá được sửa sang, quét dọn sạch sẽ. Các di tích được quét dọn, lau chùi tu bổ, đồ tế khí, cờ quạt được trưng bày… để chuẩn bị.
Ngày 18 tháng Chạp là ngày lễ gia quan. Áo mũ của thần được đem ra đặt lên kiệu rước về đền nơi thần ngự. Những người khiêng kiệu hôm đó phải chay tịnh từ trước. Các người hành lễ cũng phải giữ thanh khiết, bịt miệng bằng vải đỏ trong lúc phong bao áo mũ cho thần. Sau đó được tiến hành một tuần tế - tế gia quan.
Lễ rước văn và rước kiệu của các làng
Trước hội phe tư văn trong làng đã lựa chọn người văn hay chữ tốt viết chúc văn tế thần. Người đó còn phải là người đỗ đạt cao, có tài văn chương được mọi người tín nhiệm. Phe tư văn có văn chỉ và có ruộng tư văn ba mẫu để chi vào việc hội họp và nghi lễ trong năm.
Từ sớm ngày mồng 6, một đoàn người mang lễ phục cầm cờ quạt, tàn, lọng đình, dẫn đầu là chủ lễ mặc áo thụng xanh, đội mũ tế đến nhà ông diễn văn rước bản văn ra đền. Đám rước rất nghiêm trang và lộng lẫy. Một hồi tù và rúc lên, báo hiệu đám rước văn đã tới. Ông cai đám ở đền Thượng ra nghênh tiếp bản văn và rước vào, trịnh trọng đặt lên hương án. Đoàn người lần lượt lễ thần rồi lui ra.
Trong khi dân làng Cổ Loa rước văn ra đền, thì bảy xã lân cận cũng tiến hành cuộc rước kiệu của mình tới đền Cổ Loa. Từ khắp các ngả đường, đâu đâu người ta cũng gặp các đám rước với cờ quạt, nghi trượng, kiệu, phường bát âm và màu cờ sắc áo lễ phục rực rỡ của mọi người tạo nên quanh cảnh ngoạn mục giữa tiết trời xuân. Đám rước của các xã đến đầu làng thì Cổ Loa cử người ra nghênh đón và đưa vào đền Thượng. Trước cửa đền Thượng là hai con ngựa gỗ to như ngựa thật được trang trí đủ ngù, đai thêu kim tuyến rất đẹp. Trên lối đi vào nội điện là hai hàng cờ quạt, chấp kích xếp hàng song song. Khoảng giữa sân là kiệu của các xã. Trước cửa đền là hương án lớn bày bộ ngũ sự bằng đồng và các lễ vật cùng hộp kính đựng hia vàng. Bên cạnh là hương án nhỏ trên bày chiếc đỉnh và đôi hạc đồng cùng chiếc nỏ, bó tên và một thanh kiếm. Nỏ sơn son thếp vàng, biểu trưng của chiếc nỏ thần xưa. Không khí hội thật nhộn nhịp, quanh cảnh thật là hoàng tráng.
Điều đáng lưu ý là lễ vật dâng lên ngoài hương, hoa, oản, quả và xôi thịt, còn có cỗ bánh dày, cỗ bỏng và chè lam, tương truyền đó là những thứ mà An Dương Vương dùng để khao quân.
Mặt khác theo nghi thức, đây là tế hội đồng, bảy xã cùng với Cổ Loa thay phiên nhau hành lễ. Thường Cổ Loa là chủ nên được tế trước, nhưng bao giờ cũng vậy, Cổ Loa mời làng Quậy (Liêu Hà) tế đầu tiên. Vì người làng Quậy mới là dân gốc ở đây. Cuộc đại tế đến quá ngọ (mười hai giờ trưa) mới hoàn tất, mỗi xã cử bốn quan viên vào lễ tạ. Mọi động tác nghi lễ đều tuân theo hiệu trống, chiêng. Trong lúc đó, ở nội tự, đại diện các xã cầu nguyện nhà vua phù hộ cho làng mình được bình yên, thịnh vượng. Tiếp là lễ nghênh rước thần từ đền sang đình để thần dự hội. Đám rước này khá đặc biệt, từ đền Thượng đi vòng qua giếng Ngọc ra đến đầu làng rồi thần về ngự tại đình Cổ Loa. Tuy đường ngắn nhưng đám rước đi rất chậm và kéo dài thời gian. Tất cả kiệu của các làng đều dự rước. Đây là đám rước uy nghiêm và lớn nhất. Đến tam quan, các kiệu dự lễ ban phúc trước lúc ra về. Ông chủ tế của làng Cổ Loa thắp hương, xóc thẻ rồi ban phúc cho các xã bằng cách cắm cho mỗi kiệu ba nén hương. Hương này đủ cháy cho đến khi kiệu về tới xã mình. Sau đó, Cổ Loa vào tế một tuần cuối cùng tại đình, kết thúc nghi lễ ngày chính hội.Kể từ đó cho hết hội tại đền và đình tiến hành lễ túc trực, và lễ của các phe, giáp, các dòng họ cũng như các đoàn thể khác và khách thập phương cùng lễ vật tự lo liệu. Trong suốt 12 ngày đêm tại đền và đình đều có lễ túc trực. Đến 18 tháng Giêng, người ta tổ chức một đại tế giã đám tại đền. Các nghi thức của buổi lễ cử hành y như đại lễ ngày chính hội. Sau cùng thần vị được rước hoàn cung và kết thúc hội. Ngày nay, làng mở tiệc ăn uống vui vẻ, mọi người cùng nhau hưởng lộc thánh lấy khước cho một năm làm ăn với nhiều hi vọng. Ngoài lễ hội lớn này, tại đền trong năm còn có những kỳ tế khác, đó là ngày 11 tháng Tám tục truyền là sinh nhật của An Dương vương mà mồng 7 tháng Ba là ngày thánh hoá. Riêng ngày thánh sinh ở đây dân làng còn tổ chức nhiều trò vui vẻ đặc sắc và tổ chức ăn uống linh đình để mừng thánh ra đời. Còn ngày thánh hoá chỉ tế lễ mà không có tiệc tùng ca hát gì. Dân Cổ Loa còn có phong tục đặc sắc nữa là lễ “ăn sêu bà Chúa” tức là lễ ăn hỏi công chúa Mỵ Châu vào ngày 13 tháng Tám.
***
Các trò vui hội hè ở Cổ Loa được tiến hành tại sân đình và xung quanh các nơi thờ tự. Cũng như các hội làng ở Bắc bộ, hội Cổ Loa có những trò vui như cờ người, đấu vật, chọi gà, đu, tổ tôm, hát tuồng, chèo…
Cờ người là cuộc thi thú vị diễn ra tại sân đền. Tuỳ theo từng năm số người đăng ký đấu nhiều hay ít mà người ta phân bảng hay đấu vòng. Thường thường số người chơi không nhiều mà thời gian hội dài nên người ta tổ chức đấu vòng. Ai muốn dự thi phải được khảo, nếu là người cao cờ mới được chơi. Trước khi vào cuộc đấu, phải vào lễ thánh. Cứ lần lượt đấu loại nhau, những người giữ giải đến ngày cuối là người thắng cuộc. Ngày cuối đông vui nhất vì là ngày phá giải cờ. Ai phá giải thì được suy tôn là người giỏi cờ nhất hội năm đó. Thường thường vì danh dự nên các làng đều cử những tay cờ giỏi nhất của mình đến tham gia. Thắng cờ là niềm vinh dự lớn cho cả làng.
Trò đấu vật lại diễn ra ở bãi đất ngoài đình. Nếu như ở giải cờ là cuộc người ta đấu trí thông minh, thì ở giải vật là tinh thần thượng võ, sức khoẻ, sự nhanh nhẹn và không kém phần thông minh. Do vậy giải vật cũng là một giải mang vinh dự lớn cho các đô và dân làng. Giải vật chỉ ba bậc: giải cọc, giải thứ, và giải cuộc. Mỗi bậc có thể có nhiều người được giải. Giải cuộc là giải cho tất cả các đô vật vào gióng, dù là thắng hay thua. Giải thưởng thường là ấm đồng, mâm thau, vò rượu hay thùng gạo nếp…Các chàng trai đua nhau đọ sức so tài không chỉ vì giải mà còn là dịp để phô bày sức khoẻ và tài nghệ của mình trước bàn dân thiên hạ, trước mắt các cô gái trong vùng. Đối với họ đó là niềm vui, niềm vinh dự  mà hội làng mang đến, chứ không chỉ là sự ăn thua.
Chọi gà cũng là một trong những trò vui nổi tiếng ở hội đền Cổ Loa. Vùng này cũng là vùng hay tổ chức đấu chọi gà và nuôi gà chọi. Do vậy dịp hội người ta đem đến đây những cặp gà đã được nuôi nấng, luyện tập rất công phu để tranh giải. Các cụ cho biết thời xa xưa hội Cổ Loa có đánh trống đồng, nam nữ từng đôi “giã trống” (như giã cối gạo chày tay). Tiếng trống đồng trầm hùng vang vang, như thời con người ở núi, ở rừng.
Ngoài những cuộc vui trên, trong hội Cổ Loa còn nhiều trò và cuộc đua tài khác không kém phần hấp dẫn như tổ tôm điếm thu hút các cụ già, nhún đu lôi kéo các trai thanh gái lịch, múa rối nước, hát cửa đình… Ban đêm có hát tuồng, chèo. Đây là những đêm hội mà xưa kia, người dân quê ai ai cũng say mê đến mức có thể “bỏ con bỏ cháu” để về với hội. Những trò vui ấy kéo dài suốt từ ngày mở đám cho đến ngày giã hội.
Nguồn tin: Theo Lễ hội Thăng Long, Lê Trung Vũ (cb), NXB Hà Nội, 2001.
Lê Hội Đền Cổ Loa

Cổ Loa là di tích lịch sử nổi tiếng nằm trên địa phận huyện Ðông Anh cách trung tâm Hà Nội khoảng 17 km về phía Tây Bắc, là một vùng thành trì lớn, một dấu tích vật chất về kiến trúc quân sự và thành cổ cách đây hơn 2 thiên niên kỷ. Ðây là thủ đô thứ hai của Việt Nam, sau Phong Châu (tỉnh Phú Thọ hiện nay - là thủ đô thời các vua Hùng).
hành Cổ Loa gắn liền với câu chuyện An Dương Vương và Nhà nước Âu Lạc cuối thời Hùng Vương. 
Tuy phải làm chứng cho một câu chuyện buồn về sự mất cảnh giác để nước rơi vào tay giặc, song trải qua thời gian, thành Cổ Loa vẫn luôn mãi là niềm tự hào của người Việt Nam về lịch sử chống ngoại xâm. Hàng năm cứ đến ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, nhân dân Cổ Loa và khách du lịch trên khắp mọi miền Tổ quốc lại về dâng hương tưởng niệm vua An Dương Vương và tổ chức trọng thể lễ hội đền Cổ Loa với các cuộc thi và trò chơi dân gian.
Làng Cổ Loa gồm 12 xóm nhưng hội Cổ Loa là của chung một cụm tám làng (ngày trước gọi là Bát Xã) gồm: Ðài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ Loa, Xép. Cả 8 làng này đều thờ Thục Phán nên đều tham gia tổ chức hội. Hội bắt đầu từ sáng sớm ngày 6 tháng Giêng âm lịch.
Ngay từ sáng sớm hôm đó, các chức sắc của 8 làng đến nhà ông tiên chỉ của làng Văn Thượng, là làng có đặc quyền soạn thảo văn tế, để rước văn tế. Tại đây có một cái giá văn dán sẵn bài tế. Tiên chỉ và các chức sắc áo mũ nghiêm chỉnh đến trước giá văn làm lễ rồi đám rước văn gồm có phường bát âm đi đầu, đến các chức sắc và 8 ông tiên chỉ 8 làng cùng các dân đinh khiêng giá văn tế, kiệu long đình, cờ lọng đi ra đền An Dương Vương tức đền Thượng. Sân đền được bài trí cờ quạt rực rỡ cho cuộc tế thần.
Ngoài cửa đền, có ngựa hồng, ngựa bạch (bằng gỗ) đứng chầu. Hai bên đường đi vào đền có các giá gỗ cắm cờ quạt và lộ bộ bát bửu (các đồ thờ cúng làm theo kiểu dáng tám loại vũ khí). Kiệu của tám xã xếp theo thứ tự qui định. Trước đền đặt một hương án lớn, trên để hộp kính đựng đôi hia vàng và các đồ thờ. Trước hương án lớn là một hương án nhỏ hơn trên bày những khí giới của vua Thục như cung, kiếm, tên, nỏ. Tiếp đó trải một hàng chiếu cạp điều để làm chỗ tế thần.
Khi đám rước tới, long đình được đặt trước hai hương án. Cuộc tế thần được tiến hành trong nền nhạc của phường bát âm. Tiên chỉ làng Văn Thượng là chủ tế. Sau cuộc tế, đến lượt dân làng vào làm lễ. Cuộc lễ kéo dài đến gần trưa mới xong. 
vcf_coloa1.gif (16418 bytes)
Sau đó chuyển sang cuộc rước thần. Ði đầu cũng là cờ quạt rồi đến long đình cùng các lộ bộ bát bửu. Tiếp theo là phường bát âm và các quan viên đội mũ tế áo thụng, đai hia, tay bưng các vũ khí của nhà vua. Liền sau đó là chức sắc và trai đinh xóm Chùa thuộc làng Cổ Loa khiêng long đình trên có bài vị của nhà vua. Rồi đến chức sắc và dân của các làng khác, mỗi làng rước kiệu của mình, với cờ quạt, phường bát âm riêng. Toàn bộ đám rước rất dài, lại đi rất chậm, đàn sáo tưng bừng. Ðường đi bắt đầu từ đền Thượng vòng quanh giếng Ngọc rồi theo đường chân thành Nội tới đình Ngự Triều. Ði sau mỗi kiệu có 4 trai đinh mỗi người cầm một cây cờ đại, vừa đi vừa múa. Tới ngã tư ở cửa điếm làng Cổ Loa kiệu làng nào quay về làng ấy. Riêng kiệu của làng Cổ Loa thì quay vào đình Ngự Triều, được đặt trước sân đình và dân Cổ Loa lại làm lễ thần lần nữa. Ðến lúc này là tối mịt, hết ngày lễ hội chính nhưng đó chỉ mới là phần lễ.

Còn phần hội thì kéo dài tới rằm tháng giêng bằng nhiều trò vui. Tối ở đình làng có đốt pháo hoa, hát ca trù, hát tuồng. Ban ngày, các cụ ông chơi bài, đánh cờ. Các cụ bà đi lễ đình lễ chùa. Thanh thiếu niên nam nữ có trò chơi: đánh đu, đấu vật, kéo co, leo dây, bắn cung nỏ, cờ người, thổi cơm thi, chọi gà, đánh đáo mẹt...
Trong những ngày hội Cổ Loa, nhân dân quanh vùng cùng khách thập phương đến xem thật đông, coi đây là dịp vui xuân có ý nghĩa.
Ðền thờ Cổ Loa còn gọi là đền Chủ hay đền vua An Dương Vương, tọa lạc tại xã Cổ Loa, huyện đông Anh, ngoại thành Hà Nộị

Muốn trẩy hội Cổ Loa, các bạn nên đi tàu hỏa từ ga Hà Nội đến đông Anh, xuống ga đông Kiều thì đến nơị Nếu đi bằng xe hơi thì phải qua Gia Lâm, ca6`u đuống rẽ sang tay trái đến 15km, sau đó rẽ sang tay phải đi vào một km nữa thì đến Cổ Loạ

Ở đây còn đi tích cái thành cổ gọi là Loa thành đắp từ thời An Dương Vương (207-208 trước Công Nguyên. Thành đắp theo hình trôn óc nên mới gọi là thành Ốc hay Loa thành.

Thành Cổ Loa có ba lớp, xây bằng đất. Vòng trong cùng hình chữ nhật dài 500m, rộng 350m, ở đây có hình Cổ Loa, chùa và đền cùng mộ Mỵ Châụ Vòng thứ ba hình trái xoan, chu vi 10 km, là tuyến phòng ngự chính của Loa thành.

Trước khi vào thành Cổ phải đi qua cây cầu gạch bắc qua con suối nhỏ. Tục truyền nơi đây thuở xa xưa, thần Kim Quy (Rùa Vàng) hiện ra và dâng lên nhà vua cái móng chân rùa để dùng làm cái lẩy của nỏ thần.

Sau hai vòng ngoài, mỗi thành cách nhau chừng 200m, mới đến cổng than`h tro cùng dẫn vào dinh Cổ Loạ Bên trái đình là mộ và đền Mỵ Châu nấp dưới cây đa cổ thụ đình Cổ Loa cất theo lối cổ trong đơn sơ, giản dị nhưng rất trang nghiêm. Trong hậu cung có bài vị vua An Dương Vương làm bằng gỗ bạch đàn. Trước bài vị có tượng An Dương Vương bằng đồng cao gần bằng người thật, đội mũ bình thiên. Còn đền Mỵ Châu cũng có hậu cung và tượng Mỵ Châu bằng đá, tục truyền, đó là thân thể nàng sau khi chết đã biến dạng trông giống như thiếu phụ đã cụt mất đầu

Hàng năm, hội đền Cổ Loa được mở vào sáng mồng 6 tháng giêng âm lịch. đám rước có phường bát âm đi đầu, theo sau là 12 thôn và các trai làng, khiêng giá văn tế, kiệu long đình, cờ quạt ra đến đền thờ. Sân đền thật rộng rãi có treo cờ xí trang nghiêm để chuẩn bị cuộc tế thần long trọng

Ngoài cửa đền, hai bên là ngựa hồng, ngựa bạch, yên cương thêu thuà sặc sỡ. Hai bên đường dẫn vào đền có các giá gỗ cắm cờ quạt, các kiệu của 12 thôn nối tiếp nhaụ

Trước đền có đặt bàn hương án lớn trên có để các đồ ngũ sự và đôi hoa vàng. Trước hương án lớn là hương bán nhỏ hơn, bày những khí giới của vua Thục An Dương Vương như cung, kiếm và mũi tên đồng. Tiếp đó là hàng chiếu Cạp điều trải dài để cho hội đồng kỳ mục 12 thôn làm lễ tế thần.

Lễ tế được tiến hành trong tiếng nhạc của phường bát âm, trước là các chức sắc, sau đó là dân làng thay phiên nhau cầu nguyện nhà vui phò hộ cho bà con làm ăn được thịnh phượng, an hưởng cảnh thái bình.

Buổi lễ tế thần kéo dài đến giờ ngọ thì xong.

Sau đó, dân làng tổ chức đám rước có đủ 12 thôn tham dự đông đảọ đi đầu là cờ quạt rồi đến long đình, các tự khí, lộ bộ, bát bửu, phường bát âm. Sau cùng là các chức sắt các thôn ăn mặc quần áo thụng, đi hia, đội mũ hẳn hoi, bưng theo tự khí của nhà vua gồm cung, kiếm, nỏ ...

Đám rước đi rất chậm qua giếng Trọng Thủy và tiến về cổng làng thì giải tán.

Sau đám rước là các trò vui chơi được tổ chức, kéo dài cho đến rằm tháng giêng mới mãn.

Nhiều trò chơi như đánh vật, đánh đu, hát chèo, đánh cờ người, kéo co, chọi gà, leo dây trong khi các cụ ông, cụ bà thì đi lễ chùa niệm Phật

Ngoài đền thờ vua Thục An Dương Vương ở Cổ Loa, còn có đền thờ Vua Thục ở chân núi Mộ Dạ, thuộc xã Hương Aí, huyện đông Thành, tỉnh Nghệ An, tục gọi là đềng Cuông và ở xã đông Cao, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam định, cũng có đền thờ Mỵ Châụ

Những ngày hội đền Cổ Loa lịch sử là những ngày để nhân dân trong vùng họp mặt ôn lại những truyền thống đánh giặc giữ nước của tổ tiên.
Nguồn tin: Theo Du lịch Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét